11/04/2024 12:03 GMT+7

Vành đai 3 TP.HCM: không thể trễ hẹn

Đây chắc chắn là kỳ vọng, yêu cầu tiên quyết mà Chính phủ, TP.HCM cùng các tỉnh đưa ra với dự án vành đai 3 TP.HCM.

Đường vành đai 3 TP.HCM dài 76km đi qua 4 địa phương - Ảnh: LÊ PHAN

Đường vành đai 3 TP.HCM dài 76km đi qua 4 địa phương - Ảnh: LÊ PHAN

Kỳ vọng và yêu cầu đó đương nhiên vẫn vẹn nguyên kể cả khi thông tin về thiếu cát, thiếu vật liệu, nguy cơ trễ tiến độ ở một số gói thầu được nêu ra gần đây.

Vành đai 3 là con đường kỳ vọng cho sự phát triển đột phá của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Công trình đã khởi công vào tháng 6-2023, mặt bằng bàn giao nhanh và trở thành mô hình kiểu mẫu. Dọc tuyến lúc này đã hiện ra hình hài con đường. Ai cũng vui, ai cũng phấn khởi, nhất là những hộ dân từng gấp gáp dời về nơi ở mới để nhường mặt bằng cho dự án thi công.

Thế nhưng mục tiêu thông xe phần cao tốc vào năm 2025 đang có nguy cơ chậm bởi thiếu cát san lấp, cỏ đang mọc ở nhiều vị trí vì chưa thể thi công đồng loạt.

Trước khi khởi công, Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM (tổ trưởng tổ điều phối vật liệu) đã báo cáo nguồn vật liệu là cơ bản đủ. Khi đó, Tuổi Trẻ cũng đã có bài viết đặt vấn đề: "Vật liệu cho vành đai 3 có "yên tâm" như Sở Tài nguyên và Môi trường báo cáo?". Và thực tế hiện nay: khó có thể yên tâm được.

Khó khăn này có cả yếu tố chủ quan và cần nhận diện rõ. Vấn đề là đang tắc ở đâu, tìm phương án xử lý như thế nào để vành đai 3 không thể trễ hẹn.

Thứ nhất, trước các kiến nghị, đề xuất của nhà thầu về việc thiếu cát san lấp, thay đổi vật liệu, chủ đầu tư là Ban quản lý dự án các công trình giao thông TP.HCM nên rà soát lại hợp đồng 10 gói thầu xây lắp chính đoạn qua TP.HCM để làm rõ trách nhiệm các bên.

Nếu pháp lý và trách nhiệm rõ ràng, chủ đầu tư trong thẩm quyền của mình hoàn toàn có thể xử lý ngay nhà thầu làm chậm trễ tiến độ.

Thứ hai, không chỉ rà soát về hợp đồng liên quan vật liệu mà chủ đầu tư cần rà soát tổng thể các vấn đề pháp lý lẫn thực tiễn phát sinh trên công trường, để xử lý và báo cấp có thẩm quyền xử lý ngay.

Thực tế Ban giao thông cũng đã nhận diện vấn đề và rất cầu thị khi phát hiện nhà thầu phụ giả mạo chứng thư bảo lãnh, ban cho biết sẽ rà soát và không để tái diễn. Việc rà soát này chắc chắn cần ở quy mô toàn diện hơn trên cả dự án để kịp thời xử lý, kiến nghị.

Và cuối cùng, vì một mục tiêu lớn nhất là sự đúng hẹn của vành đai 3, tất cả các cơ quan liên quan phải cùng chung tay. Nếu chỉ "căn ke" trên văn bản, phân định trách nhiệm theo từng điều khoản thì có thể sẽ không sớm giải được bài toán thiếu cát, nguy cơ chậm tiến độ.

Đó không chỉ là trách nhiệm của cơ quan tham mưu chuyên ngành hay trách nhiệm theo hợp đồng của nhà thầu. Tất cả các nơi phải xắn tay vào để mục tiêu có cát, có đường đúng hẹn sẽ thành hiện thực.

Ngay từ thời điểm lập dự án, các địa phương từng chia sẻ rằng làm đường vành đai còn để bù đắp một phần mất mát cho nhân dân sau cơn đại dịch bằng việc làm cụ thể là triển khai đầu tư, hoàn thành đường vành đai dài 76km này đảm bảo tiến độ.

Nhắc lại điều đó để thấy dự án không chỉ lớn về quy mô mà còn là câu chuyện niềm tin của người dân về trách nhiệm của chính quyền khi thực hiện những dự án lớn liên quan việc đi lại của dân.

Do đó đường vành đai 3 phải về đích đúng hẹn không chỉ là yêu cầu của Chính phủ, TP.HCM cùng các tỉnh mà còn của cả người dân.

Tất bật trên công trường vành đai 3 TP.HCM qua tỉnh Bình Dương, Long AnTất bật trên công trường vành đai 3 TP.HCM qua tỉnh Bình Dương, Long An

Hiện tại dự án vành đai 3 TP.HCM, đoạn qua tỉnh Long An và Bình Dương đang nhộn nhịp xây dựng. Để đảm bảo vật liệu, hai địa phương này đã lên kế hoạch và chủ động tìm kiếm các mỏ cung ứng, đặc biệt là cát.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên