02/08/2020 10:12 GMT+7

Vào điểm nóng nhập cảnh trái phép

VŨ TUẤN - ĐỨC BÌNH
VŨ TUẤN - ĐỨC BÌNH

TTO - Hầu như ngày nào cũng có người nhập cảnh trái phép ở khu vực Xín Cái, Thượng Phùng (huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang) bị bắt, thậm chí có ngày cao điểm bắt hơn trăm người.

Vào điểm nóng nhập cảnh trái phép - Ảnh 1.

Lực lượng chức năng bắt giữ 31 người nhập cảnh trái phép qua đường mòn

Người ta bày cách đi về qua Mèo Vạc sẽ gần nhất. Trước đây, họ đưa em sang Trung Quốc bằng đường rừng ở Móng Cái.

NGUYỄN THỊ LAN

Dịch giã căng thẳng, hàng nghìn người vẫn liều lĩnh theo đường mòn vượt biên, trốn cách ly, gây nguy cơ lan truyền bệnh tật nguy hiểm.

Liều lĩnh qua đường mòn

21h, phía đỉnh núi gần biên giới thuộc địa phận thôn Khai Hoang 2, xã Thượng Phùng, huyện Mèo Vạc le lói ánh đèn pin. Khu vực này chỉ có hai đường mòn nhưng tất cả đều dẫn xuống một bến thuyền trên sông Nho Quế thuộc bản Khai Hoang 1. 

Vượt sông, đi thêm 1km nữa là đến chân đèo Mã Pì Lèng, xuôi theo dòng Nho Quế, qua hẻm Tu Sản một đoạn là đến đường cái ra thị trấn Mèo Vạc. Và cuối con đường mòn, chỗ sát bờ sông là một chốt liên ngành.

Trưởng chốt Trần Đình Phú (Công an xã Thượng Phùng) chau mày: "Đường này chỉ có dân bản địa thật quen địa bàn mới biết! Sao trên bản chó sủa nhiều vậy?". Ngay lập tức, bốn người trong chốt tắt đèn, âm thầm theo lối mòn lên bản Khai Hoang.

Gần một tiếng sau, 10 người gồm 4 nam, 5 nữ và một cháu bé tay cầm đèn pin, vai khoác túi hành lý lố nhố xuất hiện. Gặp chốt biên phòng, họ vừa mừng vừa lo lắng. Tất cả được đưa về khu cách ly Mỏ Phàng.

Trần Đình Phú trực chốt đã 2 tháng nay. Đây là chốt xa nhất của Đồn biên phòng Xín Cái. Một mặt giáp Trung Quốc, một bên là Mèo Vạc, bên kia là Mã Pì Lèng thuộc huyện Đồng Văn. Phú nhận định chắc chắn có người dẫn đường. 

Khu vực này đường sá rất khó khăn, ngay cả cán bộ huyện đội đến tăng cường đã ở 10 ngày mà đi tuần vẫn bị lạc. Thực tế vài chục trường hợp bị bắt vì vượt biên trái phép vào nội địa chủ yếu là người ở huyện Đồng Văn, đi làm bên Trung Quốc tìm về. Đây là trường hợp đầu tiên người nơi khác vào nội địa theo lối này.

Con đường vành đai biên giới thuộc địa phận hai xã Thượng Phùng và Xín Cái dài 24km vắt vẻo trên lưng núi. Bên đường có vô số lối mở, chỉ mươi bước chân là sang bên kia biên giới. 

Từ khi Trung Quốc bùng phát dịch, khoảng tháng 2-2020, khu vực biên giới thuộc huyện Mèo Vạc ghi nhận số người trốn về nước tăng đột biến. "Ngày nào cũng có việc căng thẳng. Có ngày chúng tôi bắt hơn 100 người" - thượng úy Nguyễn Xuân Cháng, Đồn biên phòng Xín Cái, cho hay...

800 tệ, bao trốn cách ly

"Chị không chịu giữ lời hứa gì hết! Chị nhận của em 200 tệ (tiền Trung Quốc) mà hôm nay em vẫn bị bắt!" - Huỳnh Thị Cẩm Nhung gắt lên trong điện thoại rồi luống cuống cúp máy khi thấy chúng tôi đến gần.

Nhung (quê ở Cai Lậy, Tiền Giang) theo lời bạn bè giới thiệu trốn sang Trung Quốc từ đầu năm 2018. Cô này đã lấy một người họ Mạo ở tỉnh Hồ Nam (Trung Quốc) và có một đứa con nhưng không giấy tờ hợp pháp. 

Thời gian gần đây, công an Trung Quốc rà soát kỹ, Nhung tìm đường về quê để làm giấy tờ. Khi về gần đến biên giới thì cả nhóm bị công an Trung Quốc bắt. Họ phạt mỗi người 600 tệ, bắt quét dọn nhà cửa rồi đẩy về đường mòn gần khu vực mốc 450.

Nhung khai với bộ đội biên phòng rằng cô ta đã tìm đến "dịch vụ" đưa người về Việt Nam cũng như sang Trung Quốc qua mạng xã hội Wechat. Bắt được mối, chuyển tiền sẽ có người hướng dẫn đi xe nào, dừng ở đâu... "Người ta nói là "bao" hết cho tôi về đến nhà, nhưng gần đến biên giới thì chúng tôi bị bắt. Tôi cũng chưa gặp mặt người dẫn đường bao giờ" - Nhung lo lắng kể.

Trong khi đó, Nguyễn Thị Lan (quê ở Thái Nguyên) cũng mất 200 tệ cho một người phụ nữ quen trên mạng Wechat. 

Người này chính là môi giới để Lan vượt biên sang Trung Quốc năm ngoái. Lan làm thuê cho một xưởng may ở tỉnh Hồ Nam thời gian gần đây, dịch bệnh hoành hành, xưởng may ít việc, Lan lại tìm qua Wechat hẹn được một nhóm 9 người bắt xe khách về biên giới. 

Từ đó, họ băng qua đường mòn vào nội địa. "Người ta hướng dẫn đi về qua Mèo Vạc sẽ gần nhất. Trước đây, họ đưa em sang Trung Quốc bằng đường rừng ở Móng Cái" - Lan nói.

Tuy nhiên, giá 200 nhân dân tệ của nhóm người này chưa phải "trọn gói". Theo cán bộ Đồn biên phòng Xín Cái, giá "trọn gói" đưa người nhập cảnh trái phép về đến Mèo Vạc hoặc Đồng Văn là 800 nhân dân tệ. Người môi giới sẽ tập hợp đủ người rồi thuê xe chở họ về đến biên giới. 

Sau đó thuê người dẫn đường, chủ yếu là người dân bản địa ở Mèo Vạc. Những người này thông thạo địa bàn, quen các đường mòn, lối mở. Họ sẽ đón ở biên giới rồi dẫn người nhập cảnh đi sâu vào nội địa để tránh cách ly.

Vào điểm nóng nhập cảnh trái phép - Ảnh 3.

Khoảng 600 người nhập cảnh trái phép đang được cách ly tại khu vực biên giới

Chết ở biên giới

Đến bây giờ, cán bộ trinh sát Đồn biên phòng Xín Cái vẫn còn ám ảnh với tiếng khóc nghẹn của người chồng mất vợ. Nguyễn Xuân Hiếu (quê ở Nghệ An) và vợ là Nguyễn Thị Phượng (cùng quê) thuê người dẫn sang Trung Quốc.

Ngày 3-4, trong lúc dịch COVID-19 vẫn căng thẳng, vợ chồng Hiếu và 6 người khác thuê ôtô từ Nghệ An ra Mèo Vạc. Tối cùng ngày, cả nhóm đi xe ôm từ thị trấn Mèo Vạc đến một nhà người quen ở gần cầu Tràng Hương, bên bờ sông Nho Quế. Tại đây có một chốt biên phòng, cả nhóm đợi trời tối rồi thuê người bí mật đưa qua sông theo lối mòn vượt biên.

Bị lực lượng biên phòng phát hiện, truy bắt, nhóm người này cố sống cố chết vượt núi. Đến khu vực thôn Thuồng Luồng, cách mốc biên giới khoảng 2km thì Nguyễn Thị Phượng không bước được nữa. 

Chị này có tiền sử bệnh tim, đường xa, dốc đứng, Phượng kiệt sức nằm xuống. 6 người trong nhóm bỏ lại vợ chồng Hiếu, Phượng trong đêm tối để tiếp tục chạy trốn. Chạy thêm được khoảng 1km thì cả nhóm bị vây bắt.

Cơ quan an ninh điều tra Công an huyện Mèo Vạc đã khởi tố vụ án. Còn Hiếu chưa kịp đặt chân qua bên kia biên giới thì đã đau khổ vì mất vợ, mất tiền!

Anh cán bộ trinh sát cho hay thời gian từ tháng 2 trở lại đây, số vụ vượt biên trái phép tăng đột biến. Người tìm đường trốn sang Trung Quốc cũng có, nhưng người tìm về càng nhiều hơn. Họ về dưới hai hình thức: một là mất tiền cho người môi giới thông qua mạng xã hội, hai là người chủ sử dụng lao động bên Trung Quốc thuê xe đưa họ về biên giới để họ tự vượt biên về nước.

100% các trường hợp này muốn trốn cách ly. Họ cũng không thể về qua cửa khẩu vì không có giấy tờ hợp pháp. Phía Trung Quốc phạt rất nặng, có thể họ bắt giam vài chục ngày rồi mới trao trả. Những trường hợp như vậy sau này họ sẽ từ chối nhập cảnh. Vì thế hàng nghìn người bất chấp nguy hiểm tìm cách trốn về nước.

Đêm về khuya, chúng tôi vẫn tiếp tục theo chân lực lượng bảo vệ biên ải. Chiếc xe tuần tra bỗng phanh gấp giữa đêm. Trưởng Đồn biên phòng Xín Cái Nghiêm Duy Khiêm phát hiện 2 chiếc xe máy dựng bên lề đường.

Hai cán bộ xuống xe, chụp lại biển số. Một chiến sĩ nhanh chóng náu mình trong dãy đá tai mèo. Rất có thể hai chiếc xe máy của người dân trong vùng đi đón người vượt biên trái phép…

800 nhân dân tệ

Đó là số tiền bao trọn gói đưa người nhập cảnh trái phép về đến Mèo Vạc hay Đồng Văn, Hà Giang.

Thăm dò ý kiến

Những trường hợp liên quan đến hành vi nhập cảnh trái phép, trốn cách ly, che giấu khai báo y tế khi có yêu cầu của các cơ quan chức năng, theo bạn:

Bạn có thể chọn 1 mục. Bình chọn của bạn sẽ được công khai.

Người Trung Quốc nhập cảnh trái phép sang Lào Cai chỉ cần tốn 500.000 đồng Người Trung Quốc nhập cảnh trái phép sang Lào Cai chỉ cần tốn 500.000 đồng

TTO - Nhiều địa phương trên cả nước đã phát hiện nhiều người Trung Quốc nhập cảnh trái phép qua đường tiểu ngạch và đường biển ở các tỉnh biên giới phía Bắc để vào Việt Nam.

VŨ TUẤN - ĐỨC BÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên