Vì đâu người xem phim lười nghe, siêng đọc?

XUÂN TÙNG 06/08/2023 04:41 GMT+7

TTCT - "Năm nay tôi quyết tâm đọc nhiều hơn, vì thế sẽ bắt đầu xem phim với phụ đề" không còn là một lời nói đùa.

Minh họa: Vulture/Fox Searchlight Pictures

Minh họa: Vulture/Fox Searchlight Pictures

Mới đầu năm 2020, đạo diễn Parasite Bong Joon Ho còn gửi lời nhắn nhủ đến khán giả Mỹ rằng cần vượt qua "rào cản cao 1 inch của phụ đề" để tiếp cận những bộ phim hay của thế giới. 

Giờ thì nhiều người bỗng đâm ra mê luôn thứ mà họ tưởng là rào cản với trải nghiệm xem phim, ngay cả khi xem phim Mỹ, với diễn viên nói tiếng Anh thuần thục. Sao lại có sự biến chuyển này?

Cuộc chiến tắt/bật phụ đề

Bradley Johnson, một khán giả xem phim người Anh, vốn không có vấn đề gì về thính giác, cũng không gặp khó khăn gì khi nghe hiểu tiếng mẹ đẻ của mình. Thế nhưng, khi xem phim, anh mặc định bật toàn bộ phụ đề đi kèm. 

Anh tự nhận mình là "kiểu người xem tivi mà không muốn phải lao động nhiều". "Ví dụ, nếu phim có một khoảnh khắc nhỏ, dễ bị bỏ qua nhưng quan trọng đến mạch phim, hãy làm ơn nhắc cho tôi biết" - Johnson hài hước.

Johnson lấy bộ phim truyền hình ăn khách The White Lotus của HBO làm ví dụ cụ thể. "Có quá nhiều thứ xảy ra trong bộ phim. Tôi biết là có một vài tình tiết tôi cần phát hiện ra, nếu có thì thôi cứ nói cho tôi biết luôn cũng được". 

Hoặc bộ phim kinh dị Barbarian - tựa phim mà Johnson đã xem hai lần, lần đầu ngoài rạp, lần 2 tại nhà. "Thực tình mà nói thì lần thứ 2 trải nghiệm tốt hơn nhiều nhờ có phụ đề" - anh nói với The Guardian.

Johnson không phải là người duy nhất đang dựa dẫm vào phụ đề trong khi thưởng thức phim ảnh bằng tiếng mẹ đẻ. Năm ngoái, Netflix công bố 40% người dùng toàn cầu luôn luôn bật phụ đề, trong khi 80% có dùng phụ đề ít nhất 1 lần mỗi tháng - con số lớn hơn nhiều số người khiếm thính cần dùng phụ đề hỗ trợ.

Rõ ràng việc người bản ngữ cần dùng phụ đề để xem phim là hết sức khác thường; hơn thế nữa, việc dùng phụ đề còn đánh dấu một bước chuyển mình thời đại. Theo Preston Smalley, phó giám đốc mảng người dùng của ứng dụng xem truyền hình Roku, 58% số người xem hiện tại của họ đang dùng phụ đề thường xuyên. 

Trong số này, người xem thuộc thế hệ millennial (25 đến 40 tuổi) bật phụ đề nhiều hơn bất kỳ nhóm nào khác, tính cả người cao tuổi (mà Smalley nói là do "khó khăn kỹ thuật", hay nói thẳng ra là không biết cách bật phụ đề).

Vì đâu người xem phim lười nghe, siêng đọc? - Ảnh 2.

Việc giới trẻ sử dụng phụ đề ngày càng nhiều đang phần nào làm lung lay thói quen cố hữu của thế hệ Gen X và Boomer, vốn cho rằng việc đọc phụ đề sẽ làm người xem phân tâm khỏi nội dung và giá trị hình ảnh của phim.

Trong bài viết trên The Atlantic, cây bút Devin Gordon cho biết anh đã không khỏi bất ngờ khi bạn bè - trong đó có diễn viên Ken Leung của series Industry trên HBO, và cuối cùng là chính vợ anh, bật phụ đề khi xem phim ở nhà.

"Tôi bắt đầu nghi ngại về cách phụ đề bắt đầu len lỏi vào căn nhà mình - một chất gây nghiện y hệt như TikTok, nền tảng đã phổ biến kiểu video gắn đầy chữ lên màn hình mà cũng ít nhiều liên can đến trào lưu này" - Gordon viết. 

Theo tác giả, một cuộc chiến đang nổ ra trong các phòng khách vào phòng ngủ khắp nước Mỹ - Cuộc Đại Chiến Phụ Đề - giữa phe thủ cựu và những người sẵn sàng bật phụ đề không suy nghĩ chỉ vì muốn theo sát nội dung phim.

Tự nhận mình thuộc phe thứ nhất, Gordon chỉ ra rằng việc bật phụ đề khắp nơi cho phim tiếng mẹ đẻ không khác gì "một bước lùi về thời kỳ phim câm". Dù vậy, chính anh đã cất công tìm hiểu nguyên nhân vì sao phụ đề lại lên ngôi đến thế.

Xem riết thành mê?

Theo thông tin khảo sát của nền tảng Roku, trong số 58% người xem có mở phụ đề, chỉ 36% là do vấn đề thính giác. Trong số còn lại, có 32% bật phụ đề vì thói quen, còn lại là một loạt lý do hoàn cảnh: có trẻ con ngủ cạnh mình, tránh làm ồn phòng bên cạnh, do ngữ điệu khó nghe của một diễn viên nước ngoài, hoặc do chất lượng âm thanh quá kém.

Thế nhưng, như Gordon chỉ ra: còn có những nguyên do sâu xa hơn đằng sau sự biến chuyển về thói quen này - một trong số đó là cơn lốc các ấn phẩm phim tiếng Hàn trong kỳ đại dịch. Tháng 1-2020, Parasite thắng giải Phim nói tiếng nước ngoài xuất sắc nhất tại Quả cầu vàng, sang tháng sau đoạt tiếp Oscar Phim xuất sắc nhất, và tháng kế tiếp, WHO chính thức công nhận đại dịch COVID-19, khiến người dân toàn thế giới bị bó gọn vào không gian trong nhà. Đây là lúc người Mỹ làm theo lời khuyên "vượt qua rào cản phụ đề để khám phá phim hay" của đạo diễn Bong.

Nhu cầu xem phim châu Á tăng mạnh vào nửa cuối năm 2020, sau khi Parasite được mang lên các kênh streaming Mỹ vào tháng 7-2020, trước khi tiếp tục nóng với một cơn sốt khác từ Hàn Quốc - series Squid Game đình đám. Cho tới quý 1-2023, phim và chương trình truyền hình châu Á vẫn chiếm 25% tổng nhu cầu streaming toàn cầu, so với khoảng 15% cùng kỳ năm 2020, theo hãng phân tích dữ liệu Parrot Analytics.

Xem phim châu Á tất nhiên phải mở phụ đề, nhưng vì sao nhiều người vẫn giữ thói quen này khi quay lại với các bộ phim nói cùng ngôn ngữ với họ? Câu trả lời có lẽ là khả năng tập trung ngày càng giảm của người xem. 

Trả lời phỏng vấn của Kevin Gordon, diễn viên Ken Leung cho biết mình và vợ thường xuyên mở phụ đề vì phương án này giúp họ xem phim kiểu "lười" mà vẫn hiểu mạch phim. Với phụ đề, Ken cảm thấy "như có một người khác, người thứ ba đang đứng đang trong phòng, cho ta biết điều gì đang được nói trên phim - họ im lặng, nhưng ta biết họ ở đó".

Với sự trợ giúp đắc lực này, người xem có lẽ bắt đầu lười nghe hơn. "Bạn bắt đầu thấy mình phụ thuộc vào phụ đề, và nhận ra rằng mình đang bắt đầu không nghe được một vài từ trên phim - thứ chưa từng xảy ra trước đây" - Ken cho biết. Đó là chưa kể giờ là thời vừa xem phim vừa lướt điện thoại, thành ra phụ đề cần thiết hơn bao giờ hết.

Tại cái gã chỉnh âm thanh?

Thế nhưng, người xem cũng không nên cảm thấy tội lỗi vì khả năng tập trung của mình - một lý do khác khiến phụ đề trở nên phổ biến đơn giản là chất lượng âm thanh của phim đang có vấn đề. Các đoạn hội thoại trên phim đang trở nên khó nghe hơn xưa, theo chuyên gia hòa âm Guntis Sics, người từng thực hiện âm thanh cho các phim như Moulin Rouge! và Thor: Ragnarok.

Chỉ cần bật lại một phim cũ từ thế kỷ trước như Singing in The Rain (1952), ta có thể thấy ngay âm thanh hội thoại trong phim Hollywood xưa từng rõ ràng và dễ nghe hơn rất nhiều. Nghịch lý này có thể được quy về hàng loạt lý do, nhưng tựu trung là do các tiến bộ trong ngành công nghiệp thu âm, Sics cho biết.

Trong ngành phim xưa, mic thu âm to và cồng kềnh hơn rất nhiều, thường được đặt cố định và buộc diễn viên phải nói to về hướng mic để không bị mất tiếng. Trong vài thập niên gần đây, sự xuất hiện của mic boom gọn nhẹ, mic lap cài áo đã giúp các diễn viên thế hệ mới có thể nói thì thầm mà không lo bị mất tiếng. Sự thay đổi này giúp diễn xuất của các diễn viên tự nhiên hơn, nhưng đồng thời cũng khiến công việc của những người làm âm thanh khó khăn hơn rất nhiều. 

"Trong phim Thor, Tony Hopkins (diễn viên gạo cội vai thần Odin) nói với âm lượng như người bình thường, nhưng trong các phim khác, các diễn viên trẻ thường chỉ nói đủ cho bản thân họ nghe. Như vậy có thể là đủ cho rạp phim, nhưng với các dàn âm thanh gia đình thì chưa chắc" - Sics nói với The Guardian.

Sự tiến bộ công nghệ cũng giúp phim xuất hiện trong nhiều không gian hơn - từ rạp phim lớn, không gian rạp phim gia đình, đến chiếc laptop trong phòng ngủ; và việc hòa âm tốt cho đủ các loại không gian như vậy là bất khả.

Vì đâu người xem phim lười nghe, siêng đọc? - Ảnh 4.

Các phim ra rạp thường tận dụng công nghệ Dolby Atmos, với số kênh âm thanh lên tới 128, giúp phim hòa trộn nhiều lớp âm thanh: từ tiếng mở cửa, tiếng đồng hồ tích tắc, đến tiếng thở và tiếng trò chuyện của nhân vật để tạo ra trải nghiệm âm thanh 3 chiều. 

Thế nhưng, khi được chuyển thể sang streaming hoặc DVD, âm thanh của phim sẽ bị nén phẳng về 2 lớp (stereo), 5 lớp (5.1) hoặc 7 lớp (7.1) để phù hợp dàn âm thanh gia đình - dẫn đến các lớp âm thanh dính vào nhau, trở nên hết sức khó nhận dạng.

"Hãy nghĩ đến các phim đen trắng thời xưa, xem lời thoại của chúng rõ ràng như thế nào" - Sics đặt ra so sánh với công nghệ cũ, khi các âm thanh được thu rất đơn giản, thường chỉ ưu tiên lời thoại cùng số ít lớp âm thanh hậu cảnh. 

"Ngày nay, nếu bạn may mắn thì âm thanh sẽ ra đúng. Tuy nhiên, hầu hết các gia đình thường để âm thanh dội vào tường, xuống sàn, khiến lời thoại đã khó nghe lại càng khó nghe hơn. Nếu căn phòng của bạn chỉ có ốp tường và không có thảm, âm thanh nghe sẽ hết sức tệ hại".

Trong bối cảnh này, người xem muốn theo dõi chuyện phim không có nhiều lựa chọn ngoài việc bật phụ đề lên. Trong mùa phim White Lotus vừa qua trên HBO, phần phụ đề đã cho biết sự có mặt của một nhân vật không hề xuất hiện trong khung hình. 

Hay như trong Euphoria, phụ đề còn giúp người xem không bỏ lỡ một đoạn "âm thanh cào cấu" tương đối khó phát hiện nếu nghe qua các dàn âm thanh gia đình - gợi ý tâm địa xấu của một nhân vật có khả năng làm thay đổi chuyện phim.

Vậy người xem phải làm gì? Sics gợi ý các gia đình có thể thử chế độ tăng âm hội thoại - vốn có sẵn trong hầu hết các dàn tivi đời mới, tăng âm treble, hoặc thử giảm bớt tình trạng dội âm bằng cách lót thảm cho không gian xem phim. 

"Tuy nhiên, tôi không biết liệu vấn đề nằm ở phần nghe hay ở khả năng chú ý. Bản thân tôi, với khả năng tập trung của mình - sẽ phải xem phụ đề để có thể đi hết một bộ phim" - Sics thú nhận.


Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận