Tàu ngầm hạt nhân Connecticut của Hải quân Mỹ làm gì trên Biển Đông, chính xác là ở đâu, mà đụng phải một vật thể chưa xác định? 

Câu hỏi này không chỉ được “khổ chủ” đặt ra, mà còn nhiều phía muốn biết. Trung Quốc trực tiếp đặt vấn đề với Mỹ, còn Nga thì qua báo chí.

Trong cuộc họp báo hôm thứ sáu tuần rồi 8-10 ở Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Thông tấn xã Nga Tass đặt câu hỏi “chuyền bóng” cho người phát ngôn Triệu Lập Kiên: “Tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân USS Connecticut của Hải quân Mỹ đã bị hư hại vì va phải một vật thể không xác định khi đang lặn ở vùng biển thuộc khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương. 

Theo thông tin từ báo chí, vụ việc xảy ra trong vùng biển Nam Hải [Biển Đông]. Ông có nhận xét gì về điều này?”.

Có một khác biệt trong câu hỏi của Tass và nguồn tin của Hải quân Mỹ USNI News: Tass nêu địa điểm va chạm là “trong vùng biển Nam Hải”, dễ gây hiểu lầm rằng tàu ngầm Mỹ léng phéng đâu đó vào lãnh hải Trung Quốc, còn USNI News nêu rõ “trong vùng biển quốc tế Nam Hải” - Nam Hải là tên gọi quen dùng chỉ Biển Đông - tức không vi phạm gì chủ quyền Trung Quốc, đồng nghĩa Trung Quốc không có quyền hành gì cả trong vụ này.

Vì sao tàu ngầm nhiều ở biển Đông? - Ảnh 1.

“Trái banh” nhãn hiệu “đả Mỹ” được Thông tấn xã Tass nâng lên ngang lưới, ông Triệu không bỏ lỡ thời cơ: “Chúng tôi quan ngại vô cùng vụ việc này. Với tư cách là bên liên quan, Hoa Kỳ nên làm rõ chi tiết cụ thể những gì đã xảy ra, bao gồm vị trí chính xác của vụ việc, ý định điều hướng của phía Hoa Kỳ, vật thể mà tàu ngầm đâm phải, liệu vụ va chạm có gây ra rò rỉ hoặc hư hại hạt nhân hay không, có ảnh hưởng gì với môi trường biển địa phương...”.

Những thắc mắc ông Triệu nêu ra hoàn toàn có tính “chung” với mọi bên cùng chia sẻ vùng biển quốc tế này. Song, biến một tai nạn chưa rõ đầu đuôi, có thể xảy ra cho tàu ngầm mọi nước, thành một dịp để đại ngôn là việc không phải ai cũng làm. “Mỹ cố tình che đậy và che giấu các chi tiết cụ thể của vụ việc mà không có sự minh bạch và chịu trách nhiệm chính đáng”, ông Triệu nói.

Chuyện chiếc USS Connecticut gặp nạn hôm 2-10, Hải quân Mỹ đợi 5 ngày tới 7-10 mới loan tin là không khó hiểu, khi đây không phải là một tai họa thảm khốc nhất thiết cần kêu gọi cùng cứu hộ khẩn cấp. Còn nhớ, tàu ngầm KRI Nanggala của Indonesia, thọ nạn rạng sáng 21-4-2021, liên lạc lần cuối lúc 4h25 sáng, đến 9h37 đã phát đi kêu cứu qua Cơ quan Cứu hộ tàu ngầm quốc tế.

Vì sao tàu ngầm nhiều ở biển Đông? - Ảnh 2.

Trường hợp chiếc USS Connecticut, tàu “vẫn trong tình trạng an toàn và ổn định”, “lò máy đẩy cùng các không gian hạt nhân đã không bị tác động và vẫn hoàn toàn hoạt động”, tức không có đe dọa lan nhiễm hạt nhân, cũng như “không có thương tích nào đe dọa mạng sống” hay “sự an toàn của thủy thủ đoàn”, chẳng cần phải báo động cho ai khác ngoài bộ chỉ huy lực lượng tàu ngầm hạm đội 7. 

Giữ im lặng ở đây còn là để khỏi bị đeo bám dòm ngó, “chọc phá”, một động tác chiến thuật cần thiết. Cứ thế, chiếc USS Connecticut trồi lên mở máy chạy về tới đảo Guam, các thủy thủ bị thương trong vụ va chạm được điều trị tại chỗ.

Điều mà ông Triệu cáo buộc là “cố tình che đậy” thiệt ra không khác gì vụ Nga trì hoãn loan báo tàu ngầm hạt nhân Kursk bị nạn hồi năm 2000, hay gần hơn là vụ tàu ngầm 361 của Hải quân Trung Quốc gặp nạn hôm 16-4-2003 khi đang huấn luyện trong vùng biển Hoàng Hải. 

Trong vụ đó, tới ngày 8-5-2003, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc mới loan tin trong một cuộc họp báo thường kỳ: “Tàu đã gặp nạn do hỏng hóc cơ khí. Rất tiếc tất cả 70 sĩ quan và quân nhân trên tàu đều thiệt mạng”. Thảm họa đã “cấu thành” hoặc không xảy ra, đều chẳng cần phải vội vã “lạy ông, tôi ở bụi này”!

Qua chủ nhật 10-10-2021, USNI cho biết thêm tàu ngầm USS Connecticut (SSN-22) đã đến căn cứ hải quân Guam hôm 8-10 sau gần một tuần di chuyển nổi trên Thái Bình Dương từ Biển Đông. Một nhóm đánh giá thiệt hại của Bộ chỉ huy đánh giá hệ thống Hải quân (NAVSEA) đã đến quan sát tàu ngầm tấn công lớp Sea Wolf này tại xưởng đóng tàu Puget Sound ở Guam, cùng nhóm điều tra của Bộ tư lệnh hạm đội 7.

Vì sao tàu ngầm nhiều ở biển Đông? - Ảnh 3.
Vì sao tàu ngầm nhiều ở biển Đông? - Ảnh 4.

Chi tiết 11 thủy thủ trên tàu bị thương không nặng đến nguy hiểm tính mạng cho thấy đây không phải là một tai nạn “đơn giản”: 11 người bị thương trên tổng số 116 người gồm 15 sĩ quan và 101 thủy thủ, tức 9,5% thủy thủ đoàn. 

Nếu là một chiếc xe khách khổng lồ đang chạy trên đường thì tốc độ phải là bao nhiêu để 11 người bị thương - 9 người trầy trụa sơ sơ, y tế trên tàu dư sức xử lý, và 2 người phải lên bờ ở Guam chụp MRI, để xem có chấn động phần mềm ở não hay không chẳng hạn?

Vì sao tàu ngầm nhiều ở biển Đông? - Ảnh 5.

Có thể tạm nêu một vài giả thuyết về một va chạm khá mạnh như vậy: (1) chiếc Connecticut đụng phải một vật thể bất động, có thể là tảng đá hay vách đá dưới biển; (2) đụng phải một tàu ngầm khác mà chiếc này không hay biết; và (3) đụng thẳng vào một tàu ngầm chạy ngược chiều.

Kiểu gì thì hệ thống cảm biến sonar dò tìm tàu ngầm và tài nghệ “nghe” sonar của thủy thủ tàu này cũng quá ẹ! 

Trong quá khứ, đã có một số vụ đụng mà không hay như vậy, gồm cả tàu mặt nước như trường hợp tàu khu trục USS Fitzgerald hôm 17-6-2017 đụng một tàu chở container mang cờ Philippines cách Tokyo 92 hải lý, khiến 7 thủy thủ tàu khu trục thiệt mạng. Hạm trưởng cùng dàn sĩ quan trực bị lột lon!

Không đầy hai tháng sau, hôm 21-8- 2017, tàu khu trục cùng lớp với chiếc USS Fitzgerald tên USS John S. McCain đụng phải tàu chở dầu treo cờ Liberia ngoài khơi Singapore và Malaysia khiến 10 thủy thủ thiệt mạng! Tất nhiên, ở hai vụ này, không có vấn đề với thiết bị sonar hay tài nghệ “nghe” sonar, mà là kỷ luật trực buồng lái và đọc rađa hàng hải.

Đã có những dấu hỏi cần thiết về kỹ năng và tinh thần phục vụ khiến Hải quân Mỹ sau đó loan báo những cải cách mang tính hệ thống nhằm khôi phục kỹ năng hàng hải cơ bản và an toàn hoạt động, theo The Japan Times 29-8-2019.

Vì sao tàu ngầm nhiều ở biển Đông? - Ảnh 6.

Khả năng chiếc USS Connecticut đụng phải một tàu ngầm khác ở Biển Đông không thể loại trừ, bởi lẽ vùng biển này và khu vực xung quanh hiện thật sự quá chật chội. Trước vụ này 3 tuần, hôm 10-9, Hải quân Nhật Bản từng phát hiện một tàu ngầm được cho là của Trung Quốc tại khu vực các đảo phía nam Nhật Bản, di chuyển theo hướng tây bắc ngay ngoài lãnh hải Nhật Bản, gần đảo Amami Oshima thuộc tỉnh Kagoshima, bản tin Bộ Quốc phòng nước này hôm 12-9 cho biết.

Vì sao tàu ngầm nhiều ở biển Đông? - Ảnh 7.

Cũng theo Bộ Quốc phòng Nhật, một khu trục hạm Trung Quốc cũng bị phát hiện gần đó, theo Reuters 12-9. Bộ trưởng Quốc phòng Nobuo Kishi cho biết đã ra lệnh thu thập thêm thông tin và duy trì cảnh giác tuần phòng với tinh thần khẩn trương (ông Kishi vẫn tại vị trong nội các mới của tân Thủ tướng Kishida Fumio, một nội các được xem là “lịch sử” khi có đến 13 bộ trưởng hoàn toàn mới).

Vấn đề đặt ra là nếu ở khu vực biển Nhật Bản, Hải quân Nhật đủ năng lực phát hiện và giải quyết mối đe dọa tàu ngầm Trung Quốc, thì ở Biển Đông, các nước ven bờ không có được năng lực như vậy. Nếu không có lực lượng Hải quân Mỹ cùng một số nước khác tham gia tuần tra theo tinh thần tự do hàng hải (FONOP) thì tàu ngầm Trung Quốc coi như “một mình một chợ”.

Việc tuần tra các hoạt động tàu ngầm này của Mỹ là một định chế có từ Chiến tranh lạnh, chủ yếu nhằm đối phó tàu ngầm của Liên Xô. Hệ thống này sử dụng các tàu giám sát đại dương thu thập dữ liệu âm học dưới nước gọi là T-AGOS (tàu hỗ trợ chiến thuật giám sát đại dương) được điều hành bởi Bộ tư lệnh hải vận (Military Sealift), nhằm hỗ trợ nhiệm vụ tác chiến chống tàu ngầm của các hạm đội Đại Tây Dương và Thái Bình Dương.

Vì sao tàu ngầm nhiều ở biển Đông? - Ảnh 8.

Hiện Mỹ đang sử dụng hai lớp tàu có hệ thống giám sát cảm biến mảng kéo (SURTASS) để thu thập dữ liệu âm thanh dưới đáy biển. Các tàu giám sát đại dương lớp Victorious đóng trên phao nổi hai thân, được thiết kế để có độ ổn định cao hơn ở tốc độ chậm và những vĩ độ cao trong điều kiện thời tiết bất lợi. 

Lớp tàu Impeccable có hình dạng thân tàu tương tự Victorious, nhưng sở hữu hệ thống động lực mạnh hơn và được thiết kế đặc biệt để triển khai hệ thống mảng kéo chủ động bổ sung. Các tàu này xử lý và truyền dữ liệu thu thập qua vệ tinh đến các trạm trên bờ để đánh giá chung cuộc.

Trên đây là phần nổi của hoạt động chống ngầm (ASW) - nước nào cũng có, khác nhau là ở quy mô lớn nhỏ, tiên tiến hay cổ lỗ, xem trọng hay xem nhẹ. Cần nhắc, theo Al Jazeera, Trung Quốc hiện có tối thiểu 59 tàu ngầm, bao gồm 12 chiếc chạy bằng năng lượng hạt nhân, chưa kể các tàu ngầm không người lái đang rất được chú ý gần đây.

Vì sao tàu ngầm nhiều ở biển Đông? - Ảnh 9.

HỮU NGHỊ
HẢI PHI
BẢO SUZU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0