18/10/2019 13:16 GMT+7

Việt Nam phóng thêm vệ tinh LOTUSat-1

XUÂN LONG
XUÂN LONG

TTO - Sáng 18-10, Trung tâm Vũ trụ Việt Nam đã ký kết gói thầu 'Vệ tinh LOTUSat-1, thiết bị và đào tạo nhân lực' với Tập đoàn Sumitomo, dự kiến phóng vệ tinh vào năm 2023.

Việt Nam phóng thêm vệ tinh LOTUSat-1 - Ảnh 1.

Kỹ sư của IHI và JAXA thực hiện những kiểm tra vệ tinh MicroDragon, ảnh chụp tháng 6-2018 - Ảnh: JAXA

Tham dự lễ ký có ông Umeda Kuni - Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam, ông Chu Ngọc Anh - Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, Giáo sư, Viện sĩ Châu Văn Minh - chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, cùng lãnh đạo Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản (METI), Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), Cơ quan hàng không vũ trụ Nhật Bản (JAXA).

Theo Trung tâm Vũ trụ Việt Nam, mục tiêu của gói thầu 'Vệ tinh LOTUSat-1, thiết bị và đào tạo nhân lực' là phát triển và đưa vào sử dụng thành công vệ tinh quan sát trái đất LOTUSat-1 sử dụng cảm biến radar có khẩu độ tổng hợp.

Vệ tinh LOTUSat-1 có khả năng chụp ảnh trái đất với độ phân giải cao trong mọi điều kiện thời tiết cả ngày lẫn đêm. Dữ liệu ảnh thu nhận từ vệ tinh LOTUSat-1 sẽ đáp ứng được nhu cầu cấp bách về nguồn ảnh, cung cấp các thông tin chính xác và kịp thời nhằm ứng phó để giảm thiểu các tác động của thảm họa thiên nhiên và biến đổi khí hậu, quản lý nguồn tài nguyên thiên nhiên và giám sát môi trường, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Ngoài ra, triển khai và đưa vào hoạt động hệ thống gồm Trạm mặt đất, Trung tâm điều hành vệ tinh, Trung tâm khai thác dữ liệu vệ tinh và hạ tầng công nghệ thông tin. Đồng thời, đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao thông qua Khóa đào tạo vệ tinh nâng cao tại cơ sở chế tạo vệ tinh và Khóa đào tạo ứng dụng dữ liệu ảnh vệ tinh.

Vệ tinh LOTUSat-1 được thiết kế, chế tạo bởi tập đoàn NEC, dự kiến được phóng vào năm 2023. Quá trình đào tạo và chuyển giao công nghệ được thực hiện tại nhà máy sản xuất vệ tinh của Tập đoàn NEC ở Nhật Bản. 

Đây là dự án vệ tinh quan sát trái đất đầu tiên được điều phối bởi một công ty Nhật Bản sử dụng vốn vay ODA theo điều khoản đặc biệt dành cho đối tác kinh tế (STEP) từ Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA).

Tại buổi lễ, ông Phạm Anh Tuấn - Tổng Giám đốc Trung tâm Vũ trụ Việt Nam cũng trình bày báo cáo cập nhật về tình hình thực hiện dự án và kế hoạch phát triển vệ tinh "Made in Vietnam" của Trung tâm Vũ trụ Việt Nam. Đại diện phía Nhật Bản giới thiệu về công nghệ vệ tinh được dùng trong dự án.

Gói thầu 'Vệ tinh LOTUSat-1, thiết bị và đào tạo nhân lực' thuộc dự án Trung Tâm Vũ trụ Việt Nam. Dự án được Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư vào năm 2009, đây là dự án trọng điểm quốc gia được đầu tư lớn nhất khoa học và công nghệ từ trước tới nay.

Dự án nhằm góp phần nâng cấp và phát triển hệ thống cảnh báo và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu và thiên tai, quản lý nguồn tài nguyên thiên nhiên và giám sát môi trường, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; phát triển cơ sở hạ tầng Trung tâm Vũ trụ Quốc gia, từng bước phát triển và tiếp nhận chuyển giao công nghệ để tiến tới làm chủ công nghệ, tự sản xuất vệ tinh nhỏ quan sát trái đất riêng của Việt Nam theo mục tiêu đặt ra trong "Chiến lược nghiên cứu và ứng dụng công nghệ viễn thông đến năm 2020", qua đó phát triển khoa học công nghệ và thúc đẩy các ngành công nghiệp công nghệ cao liên quan tới công nghệ vũ trụ.

Phóng vệ tinh đầu tiên Việt Nam chế tạo: Ước mơ vươn tới bầu trời Phóng vệ tinh đầu tiên Việt Nam chế tạo: Ước mơ vươn tới bầu trời

TTO - Vệ tinh đầu tiên do các chuyên gia, kỹ sư Việt Nam thiết kế, chế tạo - vệ tinh MicroDragon - đã sẵn sàng để phóng lên quỹ đạo bằng tên lửa đẩy Epsilon tại Trung tâm vũ trụ Uchinoura (Nhật Bản) sáng nay 18-1.

XUÂN LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên