05/10/2016 11:37 GMT+7

Xử web “đen” tội truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy được không?

YếN TRINH , YENTRINH@TUOITRE.COM.VN
YếN TRINH , YENTRINH@TUOITRE.COM.VN

TTO - Nhiều đối tượng lập ra các trang web “đen” thu lợi bất chính từ việc cho thuê đặt banner (biểu tượng) quảng cáo và thậm chí ăn cắp tài khoản người dùng...

Hành vi trên đủ yếu tố cấu thành tội “truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy” nhưng các cơ quan tiến hành tố tụng lại lúng túng, không biết xử lý ra sao vì luật quy định chưa rõ ràng.

Kiếm tiền từ web “đen”

P.T.A. (ngụ Châu Thành, Bến Tre) liên hệ với nhà cung cấp dịch vụ Godaddy (Mỹ) và Vultr.com (Nhật Bản) mua tên miền và thuê chủ máy chứa dữ liệu để lập ra website http://vl88...

Tại website này, A. đăng nhiều truyện, phim, ảnh khiêu dâm (tải từ các trang mạng) bằng cách tạo khung ảnh (frame), sau đó nhúng đường dẫn (link) phim, ảnh đồi trụy từ các website nước ngoài nhằm thu hút nhiều người xem, thuê đặt banner (biểu tượng) quảng cáo trên website. Mỗi 10 banner quảng cáo, A. thu 18 triệu đồng.

Theo luật sư Vũ Mạnh Quỳnh, Bộ luật hình sự cần điều chỉnh theo hướng quy định rõ hơn về các yếu tố cấu thành tội “truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy”.

“Phải có định nghĩa pháp lý thế nào là văn hóa phẩm đồi trụy, thế nào là truyền bá, quy định cụ thể và hợp lý hơn về khung pháp lý để xác định yếu tố định lượng đối với hành vi phạm tội” - luật sư Quỳnh nói.

Để mở rộng làm ăn, A. lập thêm website http://hayhehe... có cùng nội dung với website http://vl88... Khi người xem truy cập http://hayhehe... sẽ tự động chuyển sang http://vl88...

Đến lúc bị phát hiện, hai website của A. có trên 25 triệu lượt người xem. Tổng số tiền thu lợi từ việc cho thuê đặt banner gần 1,2 tỉ đồng.

Theo Cơ quan điều tra Bộ Công an, A. đã có dấu hiệu của hành vi “truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy” (điều 253 Bộ luật hình sự), đồng thời chuyển hồ sơ cho Công an Bến Tre tiếp tục xác minh, xử lý.

Cơ quan tố tụng “chỏi” nhau

Tuy nhiên, tại cuộc họp liên ngành giữa cơ quan điều tra, viện kiểm sát và TAND tỉnh Bến Tre lại kết luận hành vi của A. không cấu thành tội “truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy”.

Lý do mà các cơ quan này đưa ra là các phim, ảnh đồi trụy từ website http://vl88... và http://hayhehe... không phải là dữ liệu gốc, mà chỉ là đường dẫn đến các website nước ngoài, không phải website do A. tạo ra tại VN.

Hơn nữa, việc A. đưa phim, ảnh đồi trụy vào website của mình để tạo hấp dẫn, chào mời đặt banner quảng cáo không nhằm mục đích phổ biến cho người khác xem(?).

Từ những căn cứ trên, Công an Bến Tre không khởi tố vụ án hình sự mà chỉ xử phạt hành chính A. 20 triệu đồng theo quy định tại điểm b, khoản 4 điều 66 nghị định 174/2013 quy định về việc xử phạt hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin.

Không đồng tình với quan điểm này, cơ quan điều tra Bộ Công an cho rằng để thu hút nhiều người vào website của mình (nhằm mục đích cho thuê banner quảng cáo để kiếm tiền), A. đã tải phim ảnh đồi trụy từ nguồn các website nước ngoài bằng cách tạo khung ảnh, nhúng đường link vào website của mình.

Người sử dụng có thể trực tiếp xem phim trên website http://vl88... mà không cần chuyển đến các website nguồn.

Hơn nữa, website http://vl88... có giao diện tiếng Việt, được truy cập miễn phí nên thu hút một lượng lớn người truy cập.

Cơ quan điều tra Bộ Công an cho rằng A. đã “lưu hành” phim, ảnh đồi trụy trên mạng Internet để phổ biến cho nhiều người xem (trên 25 triệu lượt truy cập), do đó đủ cơ sở để xử lý về hành vi trên.

Chưa quy định cụ thể

Theo các chuyên gia pháp lý, việc xử lý các vụ án “truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy” hiện còn lúng túng, chưa có sự thống nhất một phần do các văn bản quy phạm pháp luật còn chưa cụ thể, gây nhiều khó khăn trong quá trình định lượng, áp dụng các căn cứ để xử phạt.

Theo một cán bộ điều tra, điều 253 Bộ luật hình sự không quy định cụ thể và đến nay cũng chưa có hướng dẫn về các tình tiết định tội.

Ví dụ tại điểm a, b, khoản 1 quy định “vật phạm pháp có số lượng lớn” và “phổ biến cho nhiều người” thì bị phạt tiền 5-50 triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.

Tuy nhiên luật không quy định rõ “số lượng lớn” và “nhiều người” là bao nhiêu. Tương tự khoản 2 (mức án 3-10 năm) và khoản 3 (mức án 7-15 năm) điều 253 cũng chỉ quy định chung chung vật phạm pháp có số lượng lớn hoặc rất lớn.

Trong khi đó, tại điều 326 Bộ luật hình sự năm 2015 (chưa có hiệu lực áp dụng) quy định tội “truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy” với các tình tiết rất rõ: dữ liệu được số hóa có dung lượng từ 1GB trở lên, phổ biến cho 10 người trở lên... thì phạm tội.

Thạc sĩ Nguyễn Minh Sơn - Viện KSND cấp cao tại TP.HCM - cho rằng do nhầm lẫn giữa động cơ và mục đích phạm tội nên các cơ quan tiến hành tố tụng tỉnh Bến Tre đã không xác định đúng hành vi của A..

Trong các điều kiện để truy cứu trách nhiệm hình sự cho tội này thì “vật phạm pháp có số lượng lớn” chưa được hướng dẫn cụ thể nhưng trong trường hợp của A. (với 25 triệu lượt người xem) đã thỏa mãn điều kiện “phổ biến cho nhiều người”. Do đó A. phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy”.

Cảnh giác với web “đen”

Theo ông Ngô Tuấn Anh - phó chủ tịch phụ trách an ninh mạng Công ty BKAV, không chỉ trục lợi từ việc thu tiền quảng cáo, một số trang web còn tự động chuyển sang các trang lừa đảo, “dụ” người dùng cung cấp tài khoản Facebook, gmail... dẫn đến nguy cơ bị đánh cắp tài khoản.

Nhiều trang còn thông báo người dùng muốn xem được nội dung phải tải phần mềm hỗ trợ, thực chất là cài virút, mã độc vào máy tính. Nếu chẳng may bị chuyển hướng truy cập đến trang web “đen”, người dùng không nên truy cập bất cứ đường dẫn nào trên trang này.

YếN TRINH , YENTRINH@TUOITRE.COM.VN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên