15/12/2023 06:12 GMT+7

Yahya Sinwar - thủ lĩnh Hamas và sai lầm lịch sử của Israel

'Sai lầm lịch sử tồi tệ nhất'. Đó là nhận định của một cựu sĩ quan cao cấp tình báo Israel về việc Israel đã phóng thích Yahya Sinwar - thủ lĩnh Hamas tại Gaza hiện nay.

Ông Yahya Sinwar - anh trai của Mohammed Sinwar (cũng là một thủ lĩnh cực đoan của Hamas) - trong một lần xuất hiện công khai - Ảnh AFP

Ông Yahya Sinwar - anh trai của Mohammed Sinwar (cũng là một thủ lĩnh cực đoan của Hamas) - trong một lần xuất hiện công khai - Ảnh AFP

Yahya (hoặc Yehia) Sinwar - thủ lĩnh Hamas tại Gaza hiện nay - cùng hơn 1.000 tù nhân người Palestine được trả tự do vào năm 2011, để đánh đổi lấy việc Hamas trao trả chỉ 1 binh nhì Israel bị Hamas bắt cóc năm 2006.

Sau khi được phóng thích, Sinwar trở về Dải Gaza tiếp tục cuộc chiến đấu không khoan nhượng chống Israel. Năm 2016, ông này trở thành một trong 15 thành viên của "Bộ Chính trị Hamas". Đến 2017, Sinwar được bầu làm người đứng đầu "chính quyền Hamas" tại Gaza. 

Israel khẳng định Sinwar là người có vai trò chính yếu quyết định việc vạch kế hoạch và chỉ huy thực hiện "chiến dịch Lũ quét al'Aqsa" ngày 7-10 vừa qua. 

"Điểm huyệt" Israel nhờ những bài học trong tù

Thiệt hại chưa từng có trong một ngày mà Hamas gây ra cho Israel trong chiến dịch chớp nhoáng này, với 1.200 người bị sát hại (trong đó có 324 quân nhân) và hơn 240 người bị bắt làm con tin, đã gây bàng hoàng cho cả Chính phủ, quân đội và xã hội Israel.

Bởi thế, Thủ tướng Benjamin Netanyahu, Bộ trưởng Quốc phòng Yoav Gallant và các quan chức cao cấp nhất của Israel đều thề sẽ truy lùng Sinwar đến cùng.

Trong thời gian hơn 22 năm thụ án ở Israel, kể từ khi bị bắt năm 1989 đến khi được phóng thích năm 2011, Sinwar đã lặng lẽ biến nhà tù thành trường học cho riêng mình. 

Yahya Sinwar tự học đến mức thành thạo tiếng Hebrew - ngôn ngữ Do Thái Israel. Thậm chí Sinwar luôn tỏ ra điềm đạm như một người có học thức. 

Chính các sĩ quan cao cấp tình báo Israel, những người đã trực tiếp thẩm vấn Sinwar, cũng từng nhận xét Sinwar là một người có chuyển biến theo xu hướng "cách mạng ôn hòa"! 

Do đó, mặc dù bị kết trọng tội, với mức án tù giam lên đến 430 năm (Israel không có án tử hình), Sinwar dần dần được hưởng những ưu đãi cá biệt đối với một tù nhân chung thân. 

Thậm chí Sinwar được cho phép thường xuyên theo dõi báo chí và nghe đài phát thanh của Israel. Thỉnh thoảng, có phóng viên nước ngoài được gặp và phỏng vấn tù nhân đặc biệt này. 

Có thể thấy "trường học" nhà tù chẳng những "dạy" cho Sinwar ngôn ngữ của Israel, mà còn tạo cơ hội cho ông này nhận biết được rất nhiều về kẻ thù của mình.

Yahya Sinwar trong một lần đăng đàn - Ảnh: AL JAZEERA

Yahya Sinwar trong một lần đăng đàn - Ảnh: AL JAZEERA

Một trong những hiểu biết ấy là sinh mạng mỗi người Do Thái đều được coi là "vô giá", mà trong đó, mỗi người lính trong quân đội Israel đều phải được bảo vệ tuyệt đối.

Nếu một người lính tử trận, thì dứt khoát phải đưa được xác về mai táng. Nếu có người bị đối phương bắt làm tù binh thì phải tìm mọi cách để giải cứu, cho dù việc thu hồi xác và giải cứu ấy có đòi hỏi thời gian và tốn kém đến đâu cũng phải làm.

Cũng bởi người lính Israel có "giá" cao như thế, nên bất cứ ai giết lính Israel đều bị coi là trọng tội và bị kết án rất nặng nề. Nhận thức này khiến Sinwar tự lý giải được vì sao mình bị kết án tới 430 năm tù chỉ vì đã giết chết 2 binh sĩ Israel cùng 4 người Palestine đã cộng tác với quân chiếm đóng!

Nhờ nắm được "huyệt đạo" này của Israel, ngay trong thời gian ở tù, Sinwar đã bí mật điều hành thành công vụ giải thoát cho chính mình cùng hơn 1.000 tù nhân người Palestine khác, đổi lấy việc phóng thích binh nhì mới toe tên Shalit bị bắt cóc năm 2006 khi mới 19 tuổi!

Mục tiêu bắt giữ con tin Israel xác định từ đầu

Cũng vì đã trải qua hơn 22 năm trong nhà tù Israel, Sinwar rất thấu hiểu tình cảnh của những người Palestine bị Israel kết án nặng nề vì những tội "xâm phạm thân thể và tính mạng người Do Thái". Ông luôn có ý chí tìm mọi cách giải thoát cho những người Palestine yêu nước này, dù họ có thuộc Hamas hay của các tổ chức khác.

Trong kế hoạch "Chiến dịch Lũ quét al'Aqsa" ngày 7-10 vừa qua, có một mục tiêu hàng đầu là phải bắt được càng nhiều người Israel càng tốt, nhất là quân nhân Israel. 

Bằng chứng là sau 3 đợt trao đổi khoảng 100 con tin lấy khoảng 300 tù nhân Palestine hồi cuối tháng 11, chính Sinwar tuyên bố sẽ chỉ phóng thích hết số con tin còn nằm trong tay Hamas nếu Israel chịu trả tự do cho toàn bộ người Palestine còn bị giam giữ.

Trong tay Hamas vẫn còn 138 con tin Israel nữa, và nhánh quân sự này tin rằng số này toàn là quân nhân! Trong đợt trao đổi thứ ba, lẽ ra Hamas phải phóng thích thêm 19 nữ con tin nữa, nhưng sau đó đã giữ số này lại bởi cho rằng họ đều là quân nhân!

Israel coi đây là "bội ước" nên mở lại chiến dịch đánh phá Gaza ác liệt cho đến nay.

Bé sơ sinh người Palestine thiệt mạng do không kích của Israel ngày 12-12 - Ảnh: REUTERS

Bé sơ sinh người Palestine thiệt mạng do không kích của Israel ngày 12-12 - Ảnh: REUTERS

Suốt thời gian hơn 2 tháng qua, Israel thực sự bị động bởi Sinwar - một tù nhân "trọng tội" mà chính họ đã phóng thích năm 2011. Israel choáng váng bởi Sinwar đã nắm thóp được tử huyệt của Israel là đánh giá rất cao sinh mạng của người Do Thái.

Nhưng có lẽ, cũng qua cuộc chiến tàn khốc mà Israel thực hiện từ cuối tháng 10 đến nay và chưa dừng lại; với gần 20.000 người Palestine ở Gaza đã thiệt mạng, với tình trạng tàn phá khủng khiếp mà dải đất nhỏ hẹp này phải chịu đựng, và với thảm cảnh nhân đạo đang ngày nặng nề giáng xuống đầu hàng triệu người Gaza, Sinwar và giới lãnh đạo Hamas cũng đang thấu hiểu rõ hơn bao giờ hết cái "giá không tưởng" mà con người và mảnh đất Gaza thân yêu của họ phải trả cho việc "xâm hại đến thân thể và sinh mạng người Do Thái". 

Hơn nữa, nay giới lãnh đạo Israel cùng rút ra một bài học là nếu còn Sinwar, còn Hamas cai quản Gaza thì chưa thể ngưng cuộc chiến đang diễn ra được. 

Israel đã mắc "sai lầm lịch sử tồi tệ nhất" khi thả Sinwar khỏi nhà tù. Vậy Sinwar có mắc sai lầm tương tự khi phát động "chiến dịch Lũ quét al'Aqsa"?

Phải trái tùy mỗi bên lý giải. Chưa biết thắng thua sẽ ngã ngũ thế nào. Song, nạn nhân của chiến tranh, của cái kiểu "giải quyết tranh chấp bằng vũ lực" thì ai cũng đã thấy!

Chiến sự với Hamas kéo dài: Lộ rạn nứt giữa Mỹ và IsraelChiến sự với Hamas kéo dài: Lộ rạn nứt giữa Mỹ và Israel

Không rõ sự ủng hộ của Mỹ dành cho Israel sắp tới sẽ giảm đi hay không, nhưng những chỉ trích gay gắt của ông Biden đã cho thấy sự rạn nứt giữa hai quốc gia đồng minh rất thân thiết này.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên