05/04/2022 06:15 GMT+7

Bán buôn thời nay: Anh hàng cua ốc, chị hàng chè 'lên mạng' tập bán hàng thời công nghệ

BẠN ĐỌC
BẠN ĐỌC

TTO - Anh bán cua ốc ngoài chợ khoe vừa mua cái điện thoại thông minh thay cái điện thoại cùi bắp. Anh đã học cách bán hàng trên mạng và bước đầu thành công.

Bán buôn thời nay: Anh hàng cua ốc, chị hàng chè lên mạng tập bán hàng thời công nghệ - Ảnh 1.

Shipper giao hàng tận nhà cho khách hàng - Ảnh: TỰ TRUNG

Nhiều tiểu thương đã tự làm mới mình, mua bán ngày nay phải vậy!

Trăm người bán, vắng người mua

Mất việc và khó khăn vì dịch bệnh, nhiều người chọn cách bán hàng vỉa hè hoặc bán rong để kiếm thu nhập. Nhưng giờ bán không dễ vì nhiều người bán ít người mua và sức mua cũng giảm đáng kể.

Đi tập thể dục ở công viên của phường (tại Hà Nội) đã thấy mấy hàng quán mới bán ngoài vỉa hè buổi chiều tối. Chị Hoàng hết giờ làm hành chính về lại bán thêm chút thịt nướng, ít nem và giò chả ngay tại cửa nhà mình.

Nhà chị không phải ở trục đường lớn nhưng ở mặt phố mọi người đi lại nhiều, trước đây chồng chị mở quán bia hơi và ăn sáng nhưng vì dịch quán phải đóng cửa dài ngày.

Vợ chồng chị Lê Thị Thu đều làm việc cho một công ty về dịch vụ du lịch, mấy năm qua cả hai xoay xở bán đủ các loại hàng mới mong đủ nuôi con và chi tiêu trong gia đình.

Thời điểm này, cứ 14 - 17 giờ là chị đạp xe bán chè, cháo dạo quanh mấy khu phố ở thị trấn của huyện Gia Lâm (Hà Nội). Cần mẫn vậy mỗi tháng cũng có được vài triệu đồng, chồng chị chạy xe chở hàng thuê kiếm thêm chứ buôn bán nay được mai không.

Nhà anh Toàn cũng đi làm công ăn lương mà suốt hai năm qua lương thưởng bị cắt giảm, vật giá leo thang, anh có thêm nghề mua trái cây (mua trên mạng) bán lại kiếm ít đồng lời. Nhưng nào phải dễ khi người bán người mua đều phải cân nhắc từng món hàng.

Người buôn bán kiếm thêm, người trước nay chưa từng bán buôn gì giờ cũng xoay ra buôn bán. Lấy công làm lời, thời buổi nhiều người bán, ít người mua rất dễ ế ẩm. Có khi bán không hết, cả nhà cùng nhau hoặc gọi cho người thân quen mua giúp để bớt lỗ.

MINH MINH (Hà Nội)

Thay đổi để bám trụ với nghề

Bạn tôi ở TP Thủ Đức, TP.HCM có nghề làm và bán yaourt (sữa chua) vô bịch, bán lẻ và bán sỉ, ngồi chợ bán và cũng có giao hàng tận nhà. Trước dịch, bình quân mỗi tháng bạn lời từ 10 triệu đồng, có tháng nhiều hơn.

Mòn mỏi chờ hết giãn cách để bán lại, ngờ đâu giờ ế quá chừng, sức mua chỉ còn 1/3 so với trước. Trước làm không kịp để bán, giờ chỉ bán cầm chừng. Khách hàng quen trước mỗi lần mua 30 - 50 bịch giờ chỉ mua 5 - 10 bịch "ăn cho đỡ nhớ thôi chứ nghèo rồi không có tiền mua các món ăn chơi".

Bạn cười mặt buồn so khi nói không biết bao giờ trở lại thời bán đắt hàng như trước! Rồi bạn tăng cường rao hàng trên mạng, học chụp hình sản phẩm cho bắt mắt và chịu khó đi giao hàng xa hơn.

Tôi ra quán bún riêu, nghe chị bán hàng hỏi anh xe ôm công nghệ: "Sao hôm qua không thấy ghé, cả ngày bán mang đi được có 20 tô, tối ế mấy chục tô, ngày thường bán được cả trăm tô qua mạng".

Anh xe ôm giải thích: hôm qua phần mềm đặt hàng trục trặc nên khách đặt mua không được! Chị bún riêu thở dài: giờ khách ngại ra quán, buôn bán nhờ gói mang đi, gặp bữa hệ thống của họ trục trặc mình phải ôm đồ ế! May còn nhờ ông xã chịu khó nghe điện thoại đặt hàng và chạy giao hàng nhanh lẹ cho khách gần nhà nên bán được.

Anh bán cua ốc ngoài chợ vừa mua cái điện thoại thông minh thay cái điện thoại cùi bắp xài mấy năm nay. Anh cố gắng học cách "quẹt quẹt" màn hình để tập bán hàng trên phây (Facebook).

Mấy hôm trước, vào nhóm mua bán trên mạng ở phường nhà (được lập ra hồi giãn cách) anh rao bán cua xay, ốc đồng, đăng hình ảnh cho hấp dẫn kèm lời rao mua ốc sống được tặng sả ớt để luộc và cả nước mắm ăn ốc (có kèm hình minh họa thấy là thèm ốc liền).

Ai mua đặt trước, hôm sau giao. Nhờ vậy mà không ế, bán được nhiều gấp mấy lần cả ngày ngồi chợ.

Chị bán ổi, táo cũng học theo cách bán trên mạng, giao tận nhà, ai cần rửa sạch hoặc tách táo (để ép lấy nước), chị nhận làm luôn và không tính thêm tiền, miễn có khách gọi là mừng nhất.

Rồi đến những người bán rau củ, khô mắm ở chợ cũng kết bạn Zalo với khách, luôn giao hàng tận nơi và đúng hẹn theo yêu cầu, nhận tiền qua chuyển khoản luôn, nhanh gọn lẹ.

Bây giờ nhiều người còn ngại không muốn đi siêu thị. Thịt, cá, rau củ quả, gạo... đến thức ăn nước uống ngày 3 bữa ăn đều có dịch vụ giao tận nhà. "Cho nên, nếu chỉ ngồi một chỗ trong sạp chợ hoặc ở nhà mình đợi khách làm sao bán được hàng!" - chị bán tôm, mực tươi sống ở chợ phường tâm sự.

Mà như lời chị, bây giờ chuyển qua bán hàng mua trực tiếp ở quê gửi vô dễ bán hơn, cũng như trái cây rau quả vườn nhà được chuộng hơn vì khách tin mình bán hàng sạch.

PHƯƠNG NGA (TP.HCM)

Giữ sạp và tìm phương cách bán mới

Những nhóm mua bán trên mạng xã hội ngày giãn cách giờ vẫn còn hoạt động. Có khi đặt mua, chừng nhận hàng mới biết người bán là người quen, là những chị bán hàng ngoài chợ mình vẫn hay mua bao năm nay.

Giờ ai cũng rành công nghệ hơn, hàng bán đóng gói đẹp mắt và sạch sẽ hơn, nhiều chị rành rẽ thanh toán không tiền mặt. Tìm lối đi mới, cách bán hàng mới, những chị hàng tôm cá rau củ chợ phường trông cũng hiện đại và năng động hơn.

"Không thay đổi cũng đâu có được. Thấy mấy đứa trẻ rành máy móc mạng miếc bán trà sữa bánh tráng trộn qua điện thoại mà đắt thấy ham! Mình không học, không thay đổi chắc phải bỏ nghề sớm thôi. Nên cỡ nào cũng phải cố gắng" - chị bán chè ngồi sạp chợ phường nói khi giao 10 bịch chè cho khách.

Hàng loạt tiểu thương chợ sỉ lẫn chợ lẻ ở TP.HCM đóng sạp, vì sao? Hàng loạt tiểu thương chợ sỉ lẫn chợ lẻ ở TP.HCM đóng sạp, vì sao?

TTO - Chị T., chủ sạp đồ ăn ở chợ Bến Thành: "Doanh thu rất thấp, hôm nào may lãi 300.000 đồng". Trưởng ban quản lý chợ Bến Thành: "500 sạp hoạt động, bằng gần 1/3 quy mô chợ". Bà Thơm - chợ An Đông: "Hiện sức mua bằng 1/10 trước đây"...

BẠN ĐỌC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên