16/08/2023 09:13 GMT+7

Băn khoăn 'bộ sách giáo khoa nhà nước'

Cần hay không một bộ sách giáo khoa do Bộ Giáo dục - Đào tạo chịu trách nhiệm biên soạn là vấn đề được đặt ra khi chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã đi qua ba năm học.

Phụ huynh chọn sách cho con tại nhà sách Phú Nhuận - Ảnh: DUYÊN PHAN

Phụ huynh chọn sách cho con tại nhà sách Phú Nhuận - Ảnh: DUYÊN PHAN

Đồng thời những bản mẫu sách giáo khoa mới theo phương thức xã hội hóa cuối cùng đã nằm trên bàn bộ trưởng chờ phê duyệt.

Tại phiên giám sát chuyên đề của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa chiều 14-8, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn đã thể hiện mạnh mẽ hơn quan điểm khi cho rằng một bộ sách giáo khoa nhà nước vào lúc này không chỉ ảnh hưởng đến chủ trương xã hội hóa trong biên soạn, xuất bản sách giáo khoa mà còn ảnh hưởng đến tinh thần đổi mới giáo dục.

Có nguy cơ quay lại "1 chương trình, 1 bộ sách"

Nhớ lại, khi thảo luận để ban hành nghị quyết 88/2014/QH13, một số chuyên gia đã lo ngại việc xuất hiện bộ sách giáo khoa do Bộ GD-ĐT biên soạn có thể phá vỡ nguyên tắc cạnh tranh bình đẳng giữa nhiều bộ sách giáo khoa.

Mặc dù trên văn bản pháp lý, bộ sách giáo khoa nhà nước phải cạnh tranh bình đẳng nhưng ai cũng nhìn thấy rõ lợi thế của nó. Ở góc độ những nhà đầu tư vào sách giáo khoa, họ có sẵn sàng lao vào cuộc khi ở "cửa dưới" không?

Tuy nhiên thời đó, vì quyền lợi người học và để đảm bảo tính an toàn cho việc triển khai chương trình, Quốc hội vẫn đưa vào nghị quyết việc có bộ sách giáo khoa do Bộ GD-ĐT biên soạn để chắc chắn ít nhất có một bộ sách giáo khoa đầy đủ, đảm bảo chất lượng, nếu như có những môn, những lớp sách giáo khoa xã hội hóa còn thiếu.

Nhưng Bộ GD-ĐT không làm được. Đương nhiên, bộ phải chịu trách nhiệm và từng giải trình về việc bất khả thi này. Tiếp đó, nghị quyết 122/2020/QH14 lại nêu những môn học, lớp học đã có sách giáo khoa xã hội hóa thì Bộ GD-ĐT không phải biên soạn.

Và hiện tại, những bản mẫu sách giáo khoa xã hội hóa cuối cùng đã nằm trên bàn chờ bộ trưởng phê duyệt. Yêu cầu "đủ sách" đã đạt được. Nhưng bất cập liên quan đến sách giáo khoa xã hội hóa thì vẫn còn. Tuy vậy, giải pháp giải quyết những bất cập này không có nghĩa là lại có thêm một bộ sách giáo khoa nhà nước.

Việc Bộ GD-ĐT biên soạn một bộ sách giáo khoa bằng ngân sách nhà nước, về lý thuyết, người dân có thể được mua sách giáo khoa rẻ hơn.

Nhưng ta nhớ lại thời sách giáo khoa độc quyền, câu chuyện về giá sách vẫn luôn là vấn đề nóng bỏng. Chưa kể hiện nay Bộ GD-ĐT là cơ quan quản lý nhà nước. Bộ tổ chức biên soạn nhưng không thể tổ chức in ấn, phát hành. Việc này sẽ giao cho ai? Đây là việc chưa được tính đến.

Tới đây, lại trở lại nỗi lo trước khi có nghị quyết 88. Khi có bộ sách giáo khoa nhà nước, liệu còn bao nhiêu phần trăm nhà trường, phụ huynh mua sách của các đơn vị khác? Các nhà đầu tư sẽ rơi rụng dần. Và cuối cùng sẽ quay về thời "1 chương trình, 1 bộ sách giáo khoa".

Cái mà bộ trưởng Bộ GD-ĐT nói "ảnh hưởng đến tinh thần đổi mới" là ở chỗ này. Chủ trương đột phá "1 chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa" có thể sẽ phá sản khi chương trình mới chưa đi được một vòng trọn vẹn.

Thay đổi quan niệm về sách giáo khoa

"Tinh thần đổi mới" còn nằm ở việc thay đổi quan niệm về sách giáo khoa. Hiện một bộ phận lớn giáo viên cả nước vẫn chưa buông bỏ được thói quen dạy học lệ thuộc hoàn toàn vào sách giáo khoa, trong khi lẽ ra cần bám vào chương trình, mục tiêu, mở rộng nguồn tài liệu, đa dạng hóa phương pháp dạy học, đánh giá.

Phải làm được như vậy mới "phát triển năng lực, phẩm chất", còn nếu không thì cách dạy học sao chép "văn mẫu" vẫn tiếp tục tái diễn.

Các đại biểu Quốc hội cho rằng sách giáo khoa không thể là tài liệu đơn thuần mà rất quan trọng. Đúng, vì quan trọng nên nó mới được thẩm định nhiều vòng và được bộ trưởng phê duyệt (khác với sách tham khảo). Nhưng không có nghĩa áp dụng nó cứng nhắc.

Cái lợi và cái hại rõ ràng cần có sự phân tích sâu, thấu đáo và cần sự tham gia của các chuyên gia giáo dục, chuyên gia trong lĩnh vực xuất bản sách giáo khoa, các chuyên gia am hiểu về đầu tư, về thị trường mới có thể quyết một việc lớn như vậy được.

Thấy trước sự lãng phí

Có một gợi ý là chọn lọc từ sách giáo khoa xã hội hóa để có bộ sách giáo khoa nhà nước. Nhà nước sẽ mua bản quyền và miễn phí tiền bản quyền này cho người dân để không ảnh hưởng đến giá sách giáo khoa. Một ý tưởng nhân văn. Nhưng liệu có thể làm được điều đó không?

Những đơn vị xã hội hóa đầu tư cho nhiều sách giáo khoa theo hướng trọn bộ với mong muốn có một cơ chế phù hợp để có thị trường cho toàn bộ sản phẩm. Chắc chắn họ sẽ không mong muốn "bán cho nhà nước" 1-2 đầu sách với giá phải chăng.

Và không biết được số phận những sách của họ bị loại khỏi bộ nhà nước sẽ ra sao. Chọn một bộ nhà nước trong khi sách giáo khoa xã hội hóa đã đảm bảo có đủ sách, chưa chắc lợi đến đâu nhưng đã nhìn thấy rất nhiều sự lãng phí.

Người viết sách "như lá mùa thu"

Biên soạn sách giáo khoa là một lĩnh vực đặc thù. Cả nước có hàng vạn giáo sư, tiến sĩ. Nhưng người có kinh nghiệm viết sách giáo khoa, sẵn sàng vào cuộc thì "như lá mùa thu".

Thế nên mới có chuyện 2/3 những người từng tham gia xây dựng chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã đầu quân cho một đơn vị làm sách giáo khoa xã hội hóa. Họ không thể quay về "giúp bộ" với tư cách tác giả.

Dư luận trái chiều

Học sinh một trường tiểu học ở TP.HCM trong giờ học môn tự nhiên xã hội với sách giáo khoa mới - Ảnh: NHƯ HÙNG

Học sinh một trường tiểu học ở TP.HCM trong giờ học môn tự nhiên xã hội với sách giáo khoa mới - Ảnh: NHƯ HÙNG

Xung quanh chủ đề bộ sách giáo khoa nhà nước, bạn đọc Tuổi Trẻ có nhiều ý kiến trái chiều. Xin trích đăng một số phản hồi của bạn đọc.

* Cần 1 bộ sách giáo khoa chuẩn của Nhà nước để chuẩn hóa kiến thức phổ thông, các sách giáo khoa khác làm sách tham khảo nâng cao hiểu biết. Học lớp 1-12 chỉ là học văn hóa, chỉ cần bộ sách giáo khoa nhà nước là đủ. Sách nhà nước là sách điện tử, không cần in ấn quá tốn kém.

(long1983.hcm@...)

* Nếu Nhà nước ra một bộ sách giáo khoa thì chắc chắn các đơn vị xã hội hóa sẽ không còn bán được sách. Lúc đó liệu chủ trương "1 chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa" còn tồn tại được hay không?

(slava4114a@...)

* Làm sao để sách giáo khoa sử dụng được nhiều lần chứ đất nước ta còn nghèo mà năm nào cũng tốn vài ngàn tỉ đồng mua sách. Như vậy rất lãng phí và hủy hoại môi trường vì để làm ra 1kg giấy trắng phải sử dụng rất nhiều hóa chất và nước.

(nongvantuan10101981@...)

* Để sách giáo khoa là học liệu thì người dạy và người học sử dụng cùng lúc nhiều bộ sách giáo khoa. Mỗi cuốn sách giáo khoa có bài hay, bài hạn chế. Người thầy lựa chọn những bài hay của bộ sách giáo khoa này kết hợp các bài hay của bộ sách giáo khoa khác để giảng dạy thì mới thật sự đổi mới.

Hiện tại thầy cô giáo không được quyền chọn lựa sách giáo khoa để dạy mà do sở, trường chọn thì càng nhiều bộ sách giáo khoa càng rối.

(levan1948@...)

* "Chương trình là duy nhất, thống nhất, học liệu là đa dạng và linh hoạt, vậy có cần một bộ sách giáo khoa - tức một bộ học liệu của Nhà nước hay không?" - chỉ có người trong nghề, có hiểu biết về giáo dục mới trả lời như vậy. Tôi cũng là giáo viên, tôi cũng cùng quan điểm với bộ trưởng. Xin cám ơn.

(maianhtoan2009@...)

* Hoan nghênh bộ trưởng đã nói rất đúng bản chất của đổi mới chương trình. Việc giá sách cao và một bộ sách do Bộ GD-ĐT biên soạn là hai vấn đề khác nhau, muốn giảm giá sách thì Nhà nước nên trợ giá là đủ, tất nhiên là phải giám sát và kiểm soát chặt chẽ việc biên soạn và xuất bản sách giáo khoa về chất lượng và giá thành.

(thanhhiep@...)

* Tôi thấy Quốc hội yêu cầu bộ phải có thêm bộ sách giáo khoa là rất hợp lý. Các bộ sách giáo khoa hiện nay giá rất cao tác động đến hàng triệu phụ huynh có con đi học và tác động của nó kéo dài đến khoảng 20 năm.

Ta nói xã hội hóa thì cứ tăng giá sách lên gấp 2, 3 lần là không ổn. Thêm một bộ sách do Nhà nước tài trợ giá khiến giá sách giảm sẽ phục vụ rất nhiều cho những em học sinh còn khó khăn.

(quochoa73@...)

Giá sách giáo khoa tăng mạnh, chiết khấu cao lên tới gần 30%Giá sách giáo khoa tăng mạnh, chiết khấu cao lên tới gần 30%

Báo cáo của đoàn giám sát nêu rõ giá sách giáo khoa theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 cao, tăng 2-4 lần giá sách giáo khoa chương trình cũ.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên