16/04/2024 09:50 GMT+7

Căng thẳng Iran - Israel, Tổng thống Biden làm gì tiếp theo?

Chính quyền Tổng thống Biden bị chỉ trích vì gây áp lực lên chính phủ của ông Netanyahu chủ yếu bằng lời nói thay vì dừng viện trợ.

Binh sĩ Israel đứng cạnh các xe quân sự gần biên giới với Gaza vào ngày 15-4 - Ảnh: Reuters

Binh sĩ Israel đứng cạnh các xe quân sự gần biên giới với Gaza vào ngày 15-4 - Ảnh: Reuters

Sau khi Iran nã hơn 300 máy bay không người lái và tên lửa các loại vào Israel đêm 13 rạng 14-4, tình hình nhanh chóng hạ nhiệt dù hai bên đưa ra các phản ứng khác nhau.

Phái đoàn ngoại giao Iran tại Liên Hiệp Quốc ngày 14-4 phát tín hiệu không có thêm kế hoạch trả đũa Israel và tuyên bố rằng "vấn đề có thể được coi là đã kết thúc". 

Trong khi đó nội các chiến tranh của Israel ủng hộ đánh trả lại Iran song lại đang chia rẽ về thời điểm và cách thức.

Nếu không có sự hỗ trợ an ninh của Mỹ, chúng ta có thể phải đối mặt với một cuộc chiến tranh lớn trong khu vực. Mick Mulroy

(cựu phó trợ lý bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ phụ trách Trung Đông) nhấn mạnh đừng chậm trễ thông qua viện trợ cho Israel. (BBC)

Thông điệp rõ ràng của Mỹ

Trong cuộc điện đàm với Tổng thống Mỹ Joe Biden ngay sau đòn tấn công của Iran, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã quyết hủy kế hoạch tấn công trả đũa ngay lập tức, nhưng không có nghĩa là sẽ không trả đũa trong tương lai.

Chính quyền ông Netanyahu cũng đang đứng trước áp lực chính trị trong nước phải đáp trả. Nếu không, họ sẽ bị coi là hèn nhát. Thủ tướng Netanyahu rất cần một câu chuyện chiến thắng để xoa dịu những chính trị gia và cử tri cực hữu của mình.

Iran hoàn toàn không phải là lực lượng Hamas hay Hezbollah mà Israel có thể dễ dàng "áp đảo". Chưa biết mèo nào cắn mỉu nào - Iran hay Israel, nếu không có sự can dự của Mỹ. Tuy nhiên, Mỹ lúc đó không thể "phân thân" - vừa viện trợ cho Ukraine vừa sát cánh giúp đỡ Israel và canh chừng Trung Quốc.

Hiện tại phản ứng từ chính quyền của Tổng thống Joe Biden đối với cuộc tấn công lịch sử bằng tên lửa và máy bay không người lái của Iran vào Israel gồm hai phần rõ rệt: một là chính quyền Mỹ tái khẳng định cam kết luôn sát cánh bên đồng minh Israel, nhưng đồng thời kêu gọi chính phủ của Thủ tướng Netanyahu không thực hiện thêm hành động nào có thể kéo khu vực vào một cuộc chiến rộng lớn hơn. 

Hay nói cách khác Mỹ sẽ tiếp tục bảo vệ Israel nhưng loại trừ việc tham gia vào bất kỳ đáp trả bằng vũ lực nào của Israel đối với Iran.

Thông điệp của ông Biden quá rõ ràng: Mỹ sẽ không tham gia cuộc phản công của Israel vào Iran. Quả thực, cuộc tấn công của Iran diễn ra trong bối cảnh mối quan hệ Mỹ - Israel đang xấu đi đáng kể khi ông Biden ngày càng thất vọng với cách chính quyền Netanyahu tiến hành cuộc chiến ở Gaza.

Tổng thống Biden đối diện áp lực trong nước

Tổng thống Biden đang phải đối mặt với áp lực ngày càng tăng trong nước về việc yêu cầu viện trợ có điều kiện cho Israel trong bối cảnh có nhiều cáo buộc về hành vi vi phạm của Israel tại vùng đất này.

Chính quyền Biden bị chỉ trích vì gây áp lực lên chính phủ của ông Netanyahu chủ yếu bằng lời nói, thay vì sử dụng đòn bẩy vật chất, tức là dừng viện trợ. Theo chính quyền Gaza, ít nhất 33.000 người Palestine đã thiệt mạng kể từ khi cuộc xung đột bắt đầu cách đây hơn sáu tháng.

Ngoài ra một khía cạnh khác cũng cần chú ý: chính sách đối ngoại Mỹ bị ảnh hưởng và điều hướng bởi chính trị trong nước. Dù Israel là đồng minh thân thiết cỡ nào, Tổng thống Biden đang phải chú tâm vào chính trị trong nước khi ông đang tìm kiếm nhiệm kỳ thứ hai tại Nhà Trắng.

Ông Biden hiện phải đối mặt với áp lực đặc biệt ngay trong chính đảng của mình liên quan đến cuộc xung đột Israel - Hamas, nơi các thành viên Đảng Dân chủ cũng bày tỏ sự đồng cảm ngày càng tăng với người dân Palestine.

Các quan chức Mỹ cho biết Tổng thống Biden đã kêu gọi Israel xem xét phản ứng của mình một cách "cẩn thận". Nhưng ông Biden bị các đối thủ chính trị bên Đảng Cộng hòa chỉ trích yếu kém trong việc kêu gọi Israel thận trọng.

Nghị sĩ Đảng Cộng hòa Ohio Mike Turner, người giữ chức chủ tịch Ủy ban tình báo Hạ viện, nói việc giảm leo thang xung đột là "sai lầm". Ông nói trên Hãng tin NBC rằng: "Nó đã leo thang và chính quyền cần phải phản ứng".

John Bolton, cố vấn an ninh quốc gia thời cựu tổng thống Donald Trump, cho biết Mỹ nên tham gia cùng Israel nếu nước này chọn tiến hành một cuộc tấn công trả đũa vào chương trình hạt nhân của Iran. 

Trong khi đó thượng nghị sĩ Chris Coons của Đảng Dân chủ, một đồng minh thân cận của Biden, trả lời Đài CNN rằng Israel nên "tạm dừng trong lúc này, tham khảo ý kiến của các đồng minh và đối tác thân cận của mình, đánh giá thiệt hại và hoạt động, sau đó quyết định đâu là phản ứng thích hợp nhất".

Tuy nhiên vấn đề là Thủ tướng Israel Netanyahu có nghe theo những lời khuyên "không tìm kiếm chiến tranh" của ông Biden hay không, khi chính quyền Israel đã và đang thách thức một cách có hệ thống những lời khuyên và cảnh báo của ông Biden trong các tháng qua.

Những ngày sắp tới sẽ cho thấy chính quyền Mỹ liệu có "cứng" với quan điểm tránh xa "các rắc rối" mà chính quyền Netanyahu đang cố gắng kéo mình vào.

Mối lo Israel đánh vào cơ sở hạt nhân IranMối lo Israel đánh vào cơ sở hạt nhân Iran

Tổng giám đốc Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) nêu lo ngại về việc Israel có thể nhắm mục tiêu vào các cơ sở hạt nhân của Iran.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên