06/12/2014 10:30 GMT+7

​Chặn bước xâm lược

QUỐC VIỆT
QUỐC VIỆT

TT - Sống không xóa sạch quốc thù/Nghe quyên khắc khoải tóc sầu bạc thêm. Đó là đôi câu thơ bi tráng trong buổi hội ngộ lịch sử của hai chí sĩ Phan Bội Châu và Trần Quý Cáp trên đỉnh đèo Hải Vân từ đầu thế kỷ trước.

Trận đánh từ Đà Nẵng lên Hải Vân quan do tướng Page chỉ huy. Dọc đường Hải Vân là tuyến phòng thủ của quân nhà Nguyễn. Vị trị  là địa điểm triển khai dự án khu du lịch của Công ty World Shine Hong Kong (nay đã bị dừng lại sau khi dư luận lên tiếng) - Ảnh: Bảo tàng Đà Nẵng

Thời điểm triều suy, nước mất về tay người Pháp nhưng anh hùng không bao giờ cam phận khuất phục.

Tình thế như chính Philippe Devillers viết trong cuốn Người Pháp và An Nam bạn hay thù rằng dù quân viễn chinh đã trổ đủ mánh khóe ngoại giao lẫn hỏa lực pháo hạm, nhưng người Việt chưa một ngày nào dừng bước kháng chiến. Và “yết hầu” đèo Hải Vân chính là một trong những thiên chứng của khúc tráng ca vệ quốc lịch sử này...

Mở đường lên Hải Vân

Sử gia Pháp Philippe Devillers trích một bức thư của chính viên đô đốc Rigault de Genouilly đề ngày 17-9-1858, gửi bộ trưởng hải quân về sự thật phía sau cuộc tấn công Đà Nẵng: “Từ khi đến đây, tôi đã cố gắng tìm cách để hỏi những tù binh An Nam mà chúng tôi bắt được vào khoảng 100 người (trong số đó có ba ông quan) xem khả năng để tàu bè qua lại trên con sông Huế như thế nào nhưng vô hiệu. Mặt khác, mặc dù có lời hứa của đức ông Pellerin, nhưng không có một người Thiên Chúa giáo nào đến với chúng tôi. Như vậy, việc đến ngoại vi của thủ đô là nằm trong bóng tối."

"Tôi sắp phái chiếc Primauguet (cùng với cha Le Graud) ra vịnh Tonkin. Không thể nghĩ đến việc đi tấn công Huế bằng đường bộ, xuất phát từ Tourane. Chúng tôi thiếu hoàn toàn các phương tiện chuyên chở... Đường sá rất tệ hại. Với thời tiết này, quân đội không thể làm những cuộc hành binh lớn để tấn công vào một địa điểm đã được phòng thủ theo kiểu châu Âu”.

Ngày 29-1-1859, Genouilly lại viết thư gửi bộ trưởng hải quân Pháp than thở lý do không thể vượt qua được Hải Vân quan để uy hiếp Huế: “Người ta nói quyền lực bị căng thẳng và yếu kém của quan lại, quyền lực này thật ra rất mạnh mẽ. Người ta nói đến sự thiếu vắng một đội quân vũ trang: Thật ra đội quân chính quy rất đông đảo, và đội quân dân gồm tất cả những người tráng kiện trong nhân dân...”.

Năm 1858, liên quân Pháp - Tây Ban Nha đánh phá Đà Nẵng lần thứ nhất, nhưng không thể vượt đường bộ qua đèo Hải Vân để đến Huế. Genouilly cho rằng chiến hạm Pháp không thể vào đánh trực tiếp kinh thành được vì độ mớm nước sâu của tàu chiến không phù hợp các con sông ở đây. Quân viễn chinh phải quay vào đánh Sài Gòn, trong đó có cả mục tiêu chặn kho gạo miền Nam ra Huế. Trong khi đó, tình hình đội quân xâm chiếm còn lại đang đồn trú ở Đà Nẵng cũng ngày càng tệ hại.

“Ở Tourane, tình hình cũng không sáng sủa gì hơn. Quân An Nam bị đẩy lùi sau cuộc tấn công vào đầu tháng hai, liên tiếp trở lại cận chiến với một sự quyết liệt không để cho quân Pháp đã hết sức mệt mỏi được một giây phút nào nghỉ ngơi”.

Quay trở lại tấn công Đà Nẵng lần thứ hai vào năm 1859, liên quân do Genouilly tuy thu được một số thắng lợi ban đầu ở mặt trận bờ biển, nhưng vẫn tiếp tục sa lầy, không thể nào đặt chân qua Hải Vân quan để ra kinh thành Huế.

Thủy quân Pháp - Tây Ban Nha đổ bộ tấn công Đà Nẵng, phía nam Hải Vân năm 1858 - Ảnh: Bảo tàng Đà Nẵng

Sa lầy dưới chân đèo

Cuối năm 1859, phó đô đốc Page từ Trung Hoa đến thay cho Genouilly về nước. Theo sử gia Philippe Devillers, quân Pháp ở Việt Nam đến lúc này đã mất 929 sĩ quan, binh lính, bằng một phần ba số ban đầu. Tướng Page được chỉ đạo nhiệm vụ đạt một số thỏa thuận với triều đình Huế rồi rút lui trong danh dự về Sài Gòn, nhưng ông ta lại tiếp tục đánh phá lên phía đèo Hải Vân.

Ngày 18-11-1859, hỏa pháo xâm lược lần thứ ba rền vang dưới chân đèo Hải Vân. Quân Page chiếm được hai đồn, nhưng cũng bị thiệt hại nặng nề và không cách nào vượt đèo nổi.

Chính tài liệu phía Pháp ghi: “Việc chiếm cứ các đồn này đã gây ra cuộc đụng độ dữ dội trong một thời gian ngắn. Cuộc đụng độ cuối cùng có sự tham chiến của thủy quân Pháp, đã làm thiệt hại tính mạng thiếu tá Dupré Déroulède, ông ta bị một quả đạn cắt đôi thân mình, ngay cạnh chỗ chuẩn đô đốc Page đứng, khi ông ta chỉ cho chuẩn đô đốc hướng tấn công của các đạo quân đổ bộ”.

Ròng rã đánh phá, nhưng tướng Page cuối cùng vẫn phải dừng lại ở mức chiếm được đồn Chân Sảng và pháo đài Định Hải dưới nam chân đèo Hải Vân. Đường đèo tuy có phần bị nghẽn, nhưng quân Pháp chưa thể thấy được Huế dù chỉ từ xa. Cuối cùng đến tháng 3-1860, đội quân xâm lược ở đây buộc phải rút toàn bộ vào miền Nam.

Bộ sử Đại Nam thực lục chép lại: “Kỷ Mùi, Tự Đức năm thứ 12 (1859), mùa đông, tháng 10, quân Tây Dương bắn phá pháo Định Hải ở Quảng Nam, chiếm giữ đồn Chân Sảng. Đường đi Hải Vân bị nghẽn. Vua sai thống chế Nguyễn Trọng Thao sung chức đề đốc quân vụ, đem phó vệ úy là Nguyễn Hợp, quản cơ là Phạm Tân mang 300 lính tuyển phong đi chống đánh. Vua dụ rằng: pháo đài Định Hải là chỗ xung yếu, đồn Chân Sảng lại là đường quân báo tất phải đi qua nên đánh dẹp cho chóng yên, để đi lại được thuận tuyển. Hoặc đem súng lớn mà bắn. Hoặc báo cho quân đóng đồn ở cửa biển Câu Đê cùng đánh, cốt làm sao cho dẹp yên đường ấy...”.

Hai lần tấn công Đà Nẵng đều thất bại trên đường vượt Hải Vân ra Huế, chính người Pháp đã cho thấy “yết hầu” quốc phòng thiên hiểm này. Mặc dù Pháp lợi dụng hỏa lực pháo hạm đánh phá các thành phố cảng, nhưng lợi thế đó không còn nữa khi phải cận chiến trên đường đèo núi hiểm trở.

Về sau tuy đã chiếm được Việt Nam, quân Pháp vẫn tiếp tục gặp nhiều thiệt hại nặng nề ở đây. Bộ Bulletin des Amis du Vieux Hue (Những người bạn cố đô Huế), tập XII, năm 1925, đã kể lại chi tiết thảm kịch ở Nam Chơn. Lợi dụng sự hoang hiểm của núi rừng Hải Vân, quân kháng chiến Cần Vương đã tiêu diệt gọn một nhóm lính công binh của đại úy Besson trong đêm 28-2 rạng ngày 1-3-1886.

Chiều 28, Besson cùng toán lính của mình ngủ tại làng Nam Chơn dưới chân đèo Hải Vân. Viên đại úy này được tướng Prudhomme, chỉ huy quân đội Trung kỳ, phái đi thám sát để chuẩn bị làm một con đường chuyển quân qua đèo Hải Vân.

Theo tài liệu của chính người Pháp kể lại, nửa đêm khoảng 300 quân kháng chiến đã bí mật áp thuyền vào vịnh Đà Nẵng, rồi thâm nhập vào làng. Besson còn thức, đang ngồi ở bàn, chỉ kịp rút súng ngắn bắn một phát thì bị tiêu diệt ngay tức khắc. Dù tiếng súng báo động nhóm lính đang ngủ trong các ngôi nhà khác nhưng cuối cùng họ cũng bị tiêu diệt hoàn toàn sau cố gắng chống trả làm thương vong một số nghĩa quân. Sự kiện gây chấn động toàn quân đội Pháp ở Đông Dương.

Chính tướng Prudhomme yêu cầu một cuộc điều tra đầy đủ và nghi ngờ có sự dính líu của triều đình. Các cuộc điều tra sau đó đã tập trung nghi ngờ vào hai thông dịch viên người Việt đã báo cho kháng chiến quân về con đường của đại úy Besson.

Sang thế kỷ 20 còn rất nhiều trận đánh vệ quốc bi hùng diễn ra trên đèo Hải Vân.

Và tác giả Khương Hữu Dụng đã viết nên cả một trường ca Từ đêm mười chín đầy oanh liệt:

Tiếng thét còn xanh máu mặt thù
Tiếng rền còn dội núi thâm u 
Còn dội núi thâm u 
Bom mìn bao trận nữa 
Tháng năm, ngày hăm hai
Mây đèo rung ánh lửa.

_________

Kỳ tới: Con đường vượt đèo

QUỐC VIỆT
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên