19/03/2024 19:39 GMT+7

Công bố 100 thành phố ô nhiễm không khí nặng nhất thế giới, không có thành phố của Việt Nam

Toàn thế giới chỉ có 10 nước và 9% thành phố đáp ứng được chất lượng không khí theo tiêu chuẩn về bụi siêu mịn PM2.5 do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đề ra.

Xe cộ di chuyển trong màn sương và bụi ô nhiễm ở Delhi, Ấn Độ - Ảnh: AFP

Xe cộ di chuyển trong màn sương và bụi ô nhiễm ở Delhi, Ấn Độ - Ảnh: AFP

CNN ngày 19-3 dẫn báo cáo của cơ quan theo dõi chất lượng không khí toàn cầu IQAir cho biết 99 trong số 100 thành phố ô nhiễm không khí nặng nhất thế giới nằm ở châu Á. Trong đó, 83 thành phố thuộc Ấn Độ đều có nồng độ PM2.5 cao gấp 10 lần tiêu chuẩn của WHO.

Chỉ 9% trong số 7.812 thành phố được IQAir phân tích đáp ứng được tiêu chuẩn của WHO. Nồng độ PM2.5 của những thành phố này không vượt quá 5 microgam (µg) trên 1m3 mỗi năm.

Begusarai, thành phố với nửa triệu dân nằm ở bang Bihar phía bắc Ấn Độ, là nơi ô nhiễm nhất thế giới trong năm 2023 với nồng độ PM2.5 trung bình là 118,9 µg/m3 - gấp 23 lần tiêu chuẩn của WHO.

Xếp sau Begusarai lần lượt là thành phố Guwahati, Delhi và Mullanpur. Tất cả đều ở Ấn Độ.

Theo IQAir, 1,3 tỉ người dân Ấn Độ, tương đương 96% dân số, đang phải sống trong điều kiện không khí ô nhiễm gấp 7 lần tiêu chuẩn của WHO.

4 quốc gia ô nhiễm nhất năm 2023 là Bangladesh, Pakistan, Ấn Độ và Tajikistan. Những nước này thuộc khu vực Trung Á và Nam Á.

IQAir nhận thấy rằng có đến 92,5% trong số 7.812 địa điểm ở 134 quốc gia, khu vực và vùng lãnh thổ có nồng độ PM2.5 vượt qua mức tiêu chuẩn của WHO.

Chỉ có 10 nước, khu vực và vùng lãnh thổ có không khí trong lành, bao gồm Phần Lan, Estonia, Puerto Rico, Úc, New Zealand, Bermuda, Grenada, Iceland, Mauritius và Polynesia.

Mỗi năm, hàng triệu người trên thế giới chết vì những vấn đề sức khỏe liên quan đến ô nhiễm không khí. Theo một nghiên cứu được công bố trên tạp chí BMJ vào tháng 11-2023, ô nhiễm không khí do sử dụng nhiên liệu hóa thạch tước đi mạng sống của 5,1 triệu người mỗi năm.

Trong khi đó, WHO cho biết 6,7 triệu người trên thế giới qua đời mỗi năm do tác động tổng hợp của ô nhiễm không khí xung quanh môi trường sống và trong nhà.

Khủng hoảng khí hậu còn gây ra hàng loạt vấn đề về môi trường, chẳng hạn như cháy rừng hoặc lũ lụt.

Indonesia là quốc gia ô nhiễm nhất châu Á, nồng độ PM2.5 trong năm 2023 của nước này tăng 20% so với năm 2022. Cả Indonesia, Việt Nam và Thái Lan đều có thành phố vượt quá mức tiêu chuẩn của WHO, gấp 10 lần.

Trong đó, Việt Nam đứng thứ 22 trong số 134 quốc gia, khu vực và vùng lãnh thổ. Riêng Hà Nội đứng thứ 233, TP.HCM là 1.048 và Đà Nẵng là 1.182.

Thành phố Trà Vinh được IQAir đánh giá là nơi trong lành nhất (hạng 6.806) và quận Tây Hồ là nơi ô nhiễm nhất (hạng 71) Việt Nam trong năm 2023. 

Giảm tuổi thọ vì ô nhiễm không khí

Bụi siêu mịn PM2.5 có thể xâm nhập vào mô phổi cũng như máu của con người, dẫn đến hen suyễn, bệnh tim, bệnh phổi, ung thư, một số bệnh về đường hô hấp và suy giảm nhận thức ở trẻ em.

Ông Frank Hammes, giám đốc điều hành IQAir, cho biết những người sinh sống tại các quốc gia ô nhiễm bậc nhất thường mắc nhiều chứng bệnh nguy hiểm và bị giảm từ 3 đến 6 năm tuổi thọ.

Không khí ô nhiễm làm tăng nguy cơ đột quỵKhông khí ô nhiễm làm tăng nguy cơ đột quỵ

Ô nhiễm không khí là điều mà chúng ta khó tránh nhất vì chúng ta cần hít thở liên tục để cung cấp oxy cho cơ thể. Các thiết bị đốt trong gia đình, xe cơ giới, cơ sở công nghiệp và cháy rừng là những nguồn gây ô nhiễm không khí phổ biến.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên