11/04/2024 17:53 GMT+7

Hà Nội có xấp xỉ 110 ngày trong năm không khí chất lượng kém

Thông tin trên được Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đưa ra trong hội thảo 'Kế hoạch quản lý chất lượng môi trường không khí Hà Nội - Hợp tác và hành động' diễn ra ngày 11-4 do sở này tổ chức.

Ô nhiễm không khí tại Hà Nội - Ảnh: NAM TRẦN

Ô nhiễm không khí tại Hà Nội - Ảnh: NAM TRẦN

Hội nghị nhằm kêu gọi sự hợp tác của các bên liên quan cải thiện chất lượng không khí.

Nồng độ bụi PM2.5 tại Hà Nội vượt khoảng gần 2 lần quy chuẩn

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, hiện TP đã xóa được hơn 99% số lượng bếp than tổ ong, giảm 80% hiện tượng đốt rơm rạ ở ngoại thành, xóa bỏ hàng trăm lò gạch thủ công, thu gom, vận chuyển rác thải hằng ngày đạt trên 90% ở tất cả khu vực.

Đồng thời, TP cũng đang triển khai thí điểm đo kiểm khí thải xe mô tô, xe gắn máy cũ đang lưu hành trên địa bàn làm cơ sở nghiên cứu, đề xuất giải pháp cải thiện chất lượng không khí...

Nhiều giải pháp đã triển khai, nhưng ô nhiễm không khí tại thủ đô vẫn đang là vấn đề cấp bách.

Kết quả quan trắc cho thấy số ngày chỉ số chất lượng không khí (VN_AQI) ở mức kém và xấu chiếm tỉ lệ hơn 30% tổng số ngày quan trắc trong năm (xấp xỉ 110 ngày - PV). Nồng độ bụi PM2.5 trung bình năm tại Hà Nội vượt gần 2 lần quy chuẩn kỹ thuật quốc gia.

Về nguyên nhân, hiện giao thông vận tải đang là nguồn phát thải PM2.5 lớn nhất (chiếm 50-70%); nguồn sản xuất công nghiệp (14-23%), còn lại là từ các nguồn sản xuất nông nghiệp và dân sinh.

Tuyên truyền để người dân sử dụng phương tiện công cộng

Trước thực tế trên, tại hội thảo, bà Nguyễn Hương Huế - Ban giao thông bền vững, cơ quan phát triển Pháp (AFD) - cho biết đơn vị đang đồng hành với TP trong triển khai các dự án làm sạch không khí. 

Bà mong muốn TP Hà Nội đẩy mạnh tuyên truyền để người dân thay đổi nhận thức sử dụng phương tiện giao thông công cộng, hạn chế phương tiện cá nhân để giảm phát thải ra môi trường.

Ông Đỗ Quang Huy - đại diện Hội các nhà sản xuất xe máy Việt Nam - cho biết hội nhận thức rõ trách nhiệm và không ngừng nghiên cứu, sản xuất phương tiện sử dụng nhiệt liệu sạch như xe điện hoặc dùng nhiên liệu sinh học.

Hội cũng khuyến khích khách hàng bảo dưỡng định kỳ, đồng thời triển khai dự án nghiên cứu kiểm tra xe máy cũ, đưa ra giải pháp kiểm soát khí thải.

Trước đó, ngày 2-3, UBND TP Hà Nội đã ban hành Kế hoạch quản lý chất lượng không khí TP Hà Nội đến năm 2030, định hướng đến năm 2035.

Theo kế hoạch, tới năm 2030, Hà Nội sẽ thành công giảm thiểu tối đa ô nhiễm không khí, bảo đảm chất lượng không khí ở mức tốt và trung bình theo chỉ số AQI ít nhất 75% số ngày trong năm.

"Giảm phát thải PM2.5 từ các nguồn thải chính, tổng phát thải bụi PM2.5 trên toàn TP giảm khoảng 20% so với năm cơ sở (năm 2019), tương đương tổng lượng phát thải giảm 6.200 tấn PM2.5" - kế hoạch nêu.

Hà Nội đặt ra 4 nhiệm vụ trọng tâm để hiện thực hóa kế hoạch, trong đó sẽ hoàn thiện cơ chế, chính sách về quản lý chất lượng không khí phù hợp thực tiễn và yêu cầu phát triển, tăng cường kiểm soát khí thải và khuyến khích sản xuất sạch, bền vững.

Đồng thời, TP sẽ triển khai các giải pháp giảm phát thải từ các nguồn thải chính bao gồm giao thông, xây dựng, công nghiệp và các nguồn khác...

Khi nào Hà Nội mới hết Khi nào Hà Nội mới hết 'mùa' ô nhiễm không khí?

Hà Nội đã bước vào đợt nắng nóng đầu tiên trong năm 2024, tuy nhiên chất lượng không khí có ngày vẫn ở mức xấu. Khi nào mới hết "mùa" ô nhiễm không khí?

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên