Hàn Quốc và nền chính trị giác đấu

THANH TUẤN 12/04/2024 10:11 GMT+7

TTCT - Cuộc bầu cử Quốc hội ngày 10-4 ở Hàn Quốc được coi như cuộc trưng cầu ý kiến cử tri đối với cả Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol và đối thủ chính trị lớn của ông, Lee Jae Myung, và chiến thắng đã thuộc về phe đối lập.

Ông Lee Jae Myung (trái) và ông Yoon Suk Yeol. Ảnh: ft.com

Ông Lee Jae Myung (trái) và ông Yoon Suk Yeol. Ảnh: ft.com

Trên chuyến xe buýt sáng sớm đưa bà Jung Soon Ja, một công nhân vệ sinh, tới chỗ làm, bà vừa nhai nhân sâm để tăng năng lượng, vừa tra thuốc nhỏ mắt để chống bụi và hóa chất.

Bà Jung dậy rất sớm để bắt chuyến xe buýt đầu tiên trong ngày lúc 3h50 sáng từ nhà ở khu lao động phía bắc Seoul xuống khu Gangnam hào nhoáng ở phía nam. Bà phải lau hết sàn và dọn hết thùng rác trước khi những nhân viên mặc vest chải chuốt bắt đầu tới văn phòng.

Hàn Quốc có hệ thống phúc lợi yếu cho người già với lương hưu thấp, nên những người đã 65 tuổi như bà Jung vẫn phải tiếp tục đi làm. 

Số phận của những người yếu thế như bà giờ là tâm điểm của tranh luận chính sách trước bầu cử ngày 10-4. "Đời sống ngày càng khó khăn - bà Jung nói với Nikkei Asia - Tôi không rõ chính phủ có thể làm gì để giải quyết các vấn đề này".

Cuộc đấu một mất một còn

Dù cuộc bầu cử chính thức là để giành 300 ghế Quốc hội, phiếu bầu của cử tri cũng sẽ thể hiện rõ thái độ ủng hộ ai trong hai nhà lãnh đạo của nền chính trị kiểu Hàn Quốc.

Cuộc đối đầu một mất một còn là giữa Tổng thống Yoon Suk Yeol và nhà lãnh đạo đối lập Lee Jae Myung - đảng của ông Lee đang nắm đa số ở Quốc hội. Hiện cả hai nhà lãnh đạo đều không được sự ủng hộ rộng khắp, nên đều dựa vào nhóm cử tri "ruột" của mình. 

Các nhóm này, bên thì muốn ông Yoon bị luận tội lạm dụng quyền lực, bên thì muốn ông Lee phải vào tù vì các cáo buộc tham nhũng.

"Cuộc bầu cử này thực sự giống như lựa chọn bạn muốn trừng phạt ai: Yoon Suk Yeol hay Lee Jae Myung" - Eom Kyeong Young, chuyên gia phân tích bầu cử tại Viện Zeitgeist ở Seoul, nói với The New York Times.

Trên trường quốc tế, Hàn Quốc là nền kinh tế năng động, nổi tiếng với các sản phẩm xuất khẩu, từ xe hơi, điện thoại, tới K-pop hay phim ảnh. Nhưng trong nước, cử tri lại thấy quá nhiều bức bối. Nền kinh tế đang tăng trưởng chậm lại. 

Tỉ lệ sinh thấp nhất thế giới. Gen Z tức giận với bất bình đẳng kinh tế, không có khả năng mua nhà và lo ngại sẽ trở thành thế hệ đầu tiên trong lịch sử có điều kiện kinh tế tệ hơn thế hệ cha mẹ.

Giữa những khủng hoảng, chính trị Hàn Quốc lại đang chia rẽ hơn bao giờ hết. Thông tin chính trị và hậu trường tràn ngập YouTube và mạng xã hội càng đào sâu thêm chia rẽ và giận dữ. Hồi tháng 1, một cử tri lớn tuổi đã dùng dao đâm vào cổ ông Lee. (Người này nói Hàn Quốc đang "trong nội chiến" và ông ta muốn "cắt cổ" nhân vật thân Triều Tiên cánh tả). 

Vài tuần sau, một thanh niên giận dữ khác dùng đá đập vào đầu một nữ nghị sĩ của đảng cầm quyền.

Bà Na Kyung Won. Ảnh: Getty

Bà Na Kyung Won. Ảnh: Getty

Giữa những căng thẳng, hai đảng đối lập đã nhiều lần lời qua tiếng lại, thậm chí bằng ngôn từ miệt thị lẫn nhau. Chủ tịch Đảng Dân chủ Lee Jae Myung khi phê phán ứng viên cấp cao Na Kyung Won của đảng cầm quyền vì quan điểm thân Nhật, ông gọi bà là "Nabe" (kết hợp Na với tên cố thủ tướng Nhật Shinzo Abe). 

Lãnh đạo đảng cầm quyền Han Dong Hoon lập tức chỉ trích ông Lee là "thù ghét phụ nữ". Nabe trong tiếng Nhật có nghĩa là cái bình, dịch ra tiếng Hàn là "naembi", ám chỉ phụ nữ có nhiều người tình. 

Tháng trước, những người ủng hộ đối thủ của bà Na truyền thông điệp trên mạng xã hội rằng "naembi sướng nhất là khi bị chà đạp". Ông Han nói những bình luận của ông Lee là "rác rưởi".

Trong cuộc bầu cử 10-4, cả hai đảng chính đều tranh cử với thông điệp sẽ đem lại giải pháp cho các vấn đề thiết yếu trong đời sống và phúc lợi cho cử tri. Kể từ khi lên cầm quyền năm 2022, ông Yoon gặp khó khăn trong việc thông qua các đạo luật khi Đảng Dân chủ đối lập đang nắm đa số ở Quốc hội. 

Nếu đảng của ông không giành được đa số trong bầu cử, ông có nguy cơ trở thành "vịt què" trong ba năm còn lại của nhiệm kỳ 5 năm. Một tuần trước bầu cử, các kết quả thăm dò của RealMeter cho thấy Đảng Dân chủ đang dẫn với 41,3% so với 35,4% của Đảng Sức mạnh quốc dân cầm quyền.

Các chuyên gia nói khoảng 30-40% trong 44 triệu cử tri của Hàn Quốc trung tính về mặt chính trị, nên việc họ quyết định ủng hộ ai sẽ quyết định cuộc bầu cử này. 

Ông Choi Jin, giám đốc Viện nghiên cứu về sự lãnh đạo của tổng thống ở Seoul, ước tính khoảng 30% cử tri Hàn Quốc là bảo thủ, 30% tự do và khoảng 40% trung dung. Một số chuyên gia khác cho rằng nhóm trung dung ở nước này là 30%.

"Tóm lại, dù phe bảo thủ và tự do thường đối đầu kịch liệt về các vấn đề chính trị, điều đó không ảnh hưởng nhiều tới kết quả bầu cử - ông Choi nói với AP - Kết cục bầu cử được quyết định bởi những người trung dung, vốn thường im lặng quan sát các vấn đề của đời sống trước khi bỏ phiếu".

Tổng thống Yoon Suk Yeol và đệ nhất phu nhân Kim Keon Hee. Ảnh: Wire Image

Tổng thống Yoon Suk Yeol và đệ nhất phu nhân Kim Keon Hee. Ảnh: Wire Image

Nền chính trị giác đấu

Đảng của hai ông Yoon và Lee đã đưa ra một loạt lời hứa giống nhau về giải quyết tình trạng tỉ lệ sinh thấp và kinh tế trì trệ. Nhưng chiến dịch tranh cử của hai bên, theo các chuyên gia, chủ yếu tập trung vào bôi xấu phe kia. 

Theo giáo sư Cho Youngho ở Đại học Sogang, chính trường Hàn Quốc từ lâu luôn bị chi phối bởi những hận thù và tức giận nên trở thành "vũ đài của các võ sĩ giác đấu". 

Các tổng thống, theo luật chỉ làm một nhiệm kỳ 5 năm, thường tấn công người tiền nhiệm và đối thủ bằng cách mở điều tra hình sự, dẫn tới vòng xoáy trả đũa chính trị liên tiếp.

Ông Yoon và ông Lee đụng độ lần đầu trong bầu cử 2022 - cuộc đua mà truyền thông Hàn Quốc khi đó coi là "cuộc đối đầu của những kẻ khó ưa". Ông Yoon thắng với tỉ lệ sát sao và sau đó mối thù địch giữa họ càng căng thẳng.

Xung đột gay gắt còn bởi hai ông Yoon và Lee có xuất thân rất khác nhau, khiến cuộc đối đầu của họ vừa mang tính chính trị, vừa có tính văn hóa - xã hội. Ông Yoon là con một giáo sư đại học, từng là công tố viên có tiếng trước khi trở thành tổng công tố viên, rồi tổng thống. 

Những người ủng hộ khen ngợi việc ông củng cố liên minh với Mỹ trước căng thẳng với Triều Tiên. Phe chống đối thì chỉ trích ông là một nhân vật ưu đãi cho người giàu và dùng các biện pháp trấn áp để đối phó với chỉ trích.

Dưới thời ông Yoon, công tố viên và cảnh sát đã khám xét một số cơ quan báo chí bị cáo buộc lan truyền "tin giả". Cơ quan quản lý cũng cảnh cáo một đài truyền hình vì không đưa danh hiệu "đệ nhất phu nhân" vào trước tên vợ ông Yoon. Cận vệ của ông Yoon từng khống chế và trục xuất nghị sĩ đối lập và sinh viên khi họ la hét phản đối ông trong một số sự kiện.

Ông Lee, trái lại, là con của một người dọn vệ sinh, từng là công nhân nhà máy cao su và nhà máy sản xuất bao tay trước khi trở thành luật sư về mảng lao động, rồi thị trưởng và tỉnh trưởng. 

Những người ủng hộ coi ông là nhân vật dám nói để chấn chỉnh các vấn đề cố hữu của đất nước. Nhưng phe chỉ trích cho rằng ông là kẻ dân túy mưu mô với những hợp đồng tham nhũng khi còn nắm quyền và tìm cách loại hết đối thủ trong đảng để củng cố quyền lực.

Đảng đối lập đã thắng cử trong cuộc bầu cử Quốc hội. Ảnh: Reuters

Đảng đối lập đã thắng cử trong cuộc bầu cử Quốc hội. Ảnh: Reuters

Ông Lee hiện đang phải ra tòa vì các cáo buộc tạo điều kiện cho một nhà đầu tư vào dự án bất động sản khi ông còn là thị trưởng thành phố Seongnam. 

Một cáo buộc khác thời ông làm tỉnh trưởng Gyeonggi nói ông từng đề nghị một doanh nhân chuyển bất hợp pháp 8 triệu USD tới Triều Tiên nhằm quảng bá cho việc tăng cường giao lưu kinh tế của tỉnh nhà (tỉnh Gyeonggi nằm giáp khu phi quân sự).

Nhiều chuyên gia đánh giá cuộc bầu cử sẽ làm chia rẽ thêm chính trường Hàn Quốc. "Chính trường sẽ tiếp tục bị chi phối bởi cuộc đối đầu - giáo sư Cho nói - Các vấn đề mọi người quan tâm như đời sống, kinh tế, tỉ lệ sinh thấp và an sinh là ưu tiên thứ yếu hơn". ■

Dưới thời ông Yoon, các công tố viên tiến hành một loạt cuộc điều tra với ông Lee, vợ ông và các trợ lý. Ông Lee đã bị truy tố tội hối lộ và các cáo buộc hình sự khác (ông bác bỏ tất cả).

Bị Đảng Sức mạnh quốc dân cầm quyền coi là "tội phạm", ông chưa thể gặp trực tiếp Tổng thống Yoon để có các trao đổi về chính sách.

Nhưng thay vì rút lui sau thất bại, ông Lee tiếp tục là tâm điểm chính trường khi giành được ghế nghị sĩ sau đó vài tháng - điều giúp ông tạm thời được miễn trừ truy tố hình sự. Cùng lúc, ông vẫn dự kiến tranh cử tổng thống lần nữa vào năm 2027 và là nhân vật kiểm soát thật sự Đảng Dân chủ đối lập.

Để trả đũa đảng cầm quyền, đảng của ông Lee từ chối phê chuẩn các ứng viên nội các của ông Yoon.

Ông Yoon thì phủ quyết các dự luật được đảng của ông Lee thông qua - trong đó có nghị quyết đòi điều tra tham nhũng với đệ nhất phu nhân Kim Keon Hee.

Trong bầu cử Quốc hội, người Hàn thường bầu cho các đảng và lãnh đạo của họ, chứ không phải trực tiếp cho các ứng viên.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận