15/09/2023 09:40 GMT+7

Hợp tác Nga - Triều: Con bài mang tên vũ khí

Cuộc gặp ngày 13-9 giữa lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un và Tổng thống Nga Vladimir Putin được nhận định có thể đánh dấu "mức bình thường mới" cho mối quan hệ hợp tác hai nước.

Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Trung tâm vũ trụ Vostochny Cosmodrome ở vùng Viễn Đông, Nga ngày 13-9 - Ảnh: REUTERS

Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Trung tâm vũ trụ Vostochny Cosmodrome ở vùng Viễn Đông, Nga ngày 13-9 - Ảnh: REUTERS

Giới quan sát chính trị quốc tế dồn nhiều chú ý vào cuộc gặp giữa ông Kim Jong Un và ông Putin. Truyền thông phương Tây cũng như Hàn Quốc đa phần tập trung vào câu hỏi: Liệu hai bên có ký kết thỏa thuận cung cấp vũ khí hay không?

Con bài mang tên vũ khí

Khi ông Kim tới Nga đã xuất hiện đồn đoán Triều Tiên sẽ cấp đạn pháo cho Nga sử dụng trong "chiến dịch quân sự đặc biệt" ở Ukraine. Đổi lại Matxcơva sẽ mang tới cho Bình Nhưỡng sự ủng hộ về kinh tế, viện trợ lương thực và chuyển giao công nghệ quan trọng ở các lĩnh vực liên quan tới quốc phòng như vệ tinh, máy bay, tên lửa...

Bất kỳ quan hệ hợp tác nào liên quan tới vũ khí và quân sự giữa Nga và Triều Tiên đều khiến Mỹ và các đồng minh lo ngại. Với Hàn Quốc, Seoul hẳn nhiên không hài lòng trước khả năng Triều Tiên tiến thêm vài bước trong việc phát triển công nghệ tiên tiến, đặc biệt ở lĩnh vực quân sự.

Trong cuộc gặp của ông Kim và ông Putin, hai bên hầu như không nhắc gì tới đạn dược và thiết bị quân sự. Trước đây Bình Nhưỡng và Matxcơva cũng đã bác bỏ chuyện giao dịch vũ khí mà báo chí phương Tây nhắc tới. Tuy nhiên trong ngày 13 và 14-9, Mỹ và đồng minh cũng lên tiếng cảnh báo khả năng Nga vi phạm lệnh trừng phạt của Liên Hiệp Quốc áp với Triều Tiên mà Matxcơva từng ủng hộ.

Hợp tác quân sự Nga - Triều, cụ thể là khả năng Triều Tiên gửi đạn pháo cho Nga, không hẳn sẽ làm thay đổi cục diện chiến sự tại Ukraine. Nhưng đây sẽ là động thái đào sâu sự chia rẽ trong môi trường địa chính trị toàn cầu lúc này, một kiểu tái diễn Chiến tranh lạnh với một trục là phương Tây, một trục gồm các nước chịu nhiều trừng phạt như Triều Tiên, Nga, Iran...

Trước mắt báo chí phương Tây cũng rất chú ý tới phản ứng của Hàn Quốc. Câu hỏi lớn nhất là: Liệu tình thế mới có khiến Hàn Quốc quyết định gửi vũ khí sát thương cho Ukraine không. Trước đây, phương Tây được cho đã cố gắng thuyết phục Hàn Quốc làm điều đó, nhưng chính sách của Seoul là không gửi vũ khí sát thương cho Kiev.

Theo Reuters ngày 14-9, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Hàn Quốc Jeon Ha Gyu khẳng định Hàn Quốc đang theo sát quan hệ Nga - Triều, kêu gọi Nga tôn trọng các nghị quyết Liên Hiệp Quốc. Nhưng khi được hỏi về vấn đề nhạy cảm trên, vị này cho biết: "Không có sự thay đổi nào trong lập trường của Chính phủ Hàn Quốc về việc không gửi vũ khí sát thương".

Tín hiệu hợp tác sâu rộng

Khả năng Triều Tiên cung cấp tên lửa hay đạn dược cho Nga dường như đang được chú ý quá mức. Thực tế, cuộc gặp giữa ông Kim và ông Putin có thể báo hiệu quan hệ hợp tác rộng lớn hơn, lâu dài hơn của hai nước.

Theo GS Leif-Eric Easley (ĐH Ewha, Hàn Quốc), nếu đơn giản là một thỏa thuận vũ khí bí mật, hai nhà lãnh đạo Nga - Triều không cần phải gặp trực tiếp. Ông Easley nhận xét: "Màn thể hiện ngoại giao giữa ông Putin và ông Kim nhằm tuyên bố về thành công trong việc thách thức trật tự quốc tế do Mỹ dẫn đầu, tránh việc quá lệ thuộc vào Trung Quốc, đồng thời gia tăng áp lực lên các đối thủ trong vấn đề Ukraine và với Hàn Quốc".

Ông Andrei Lankov, chuyên gia về bán đảo Triều Tiên tại ĐH Kookmin, cho rằng bất kỳ thảo luận nào vi phạm nghị quyết Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc về Triều Tiên cũng là tín hiệu cho thấy các cơ quan quốc tế lớn khác cũng sẽ bị tê liệt.

Ngoài ra theo ông Cho Han Bum - nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Thống nhất (Hàn Quốc), Triều Tiên và Nga đang xây dựng mối quan hệ sâu sắc chưa từng thấy kể từ sau khi Liên Xô sụp đổ và điều này được thúc đẩy bằng cuộc xung đột Ukraine cũng như tâm lý thù địch với phương Tây. "Đó là trạng thái bình thường mới trong quan hệ Nga - Triều", ông Cho nói.

Cuộc gặp diễn ra tại Vostochny Cosmodrome, trung tâm phóng tên lửa không gian quan trọng nhất của Nga. Đây được cho là một địa điểm mang tính biểu tượng, có thể gợi ý khả năng Nga sẽ giúp Triều Tiên phát triển vệ tinh do thám quân sự và xa hơn là chuyển giao công nghệ tiên tiến. Việc chuyển giao này, nếu có, sẽ phản ánh bức tranh hợp tác toàn diện và lâu dài hơn giữa hai nước. Ngoài ra, Nga và Triều Tiên thực tế cũng tìm kiếm hợp tác về kinh tế.

GS Ramon Pacheco Pardo, chuyên gia về quan hệ quốc tế ở Trường King’s College (Anh), nhận định đó là thông điệp chính trị gửi tới Mỹ và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Việc chọn Vostochny Cosmodrome làm địa điểm gặp "rất quan trọng", cho thấy Nga sẵn sàng hỗ trợ Triều Tiên trong lĩnh vực tên lửa và vệ tinh.

Khi Liên Xô sụp đổ, Mỹ đã nỗ lực dùng "quyền lực mềm" để cô lập Triều Tiên, và cũng nhận được sự ủng hộ của nhiều nước trong các lệnh trừng phạt Nga. Nhưng có vẻ lúc này các nỗ lực ấy đang chuyển biến xấu, đưa những "người bạn cũ" tìm đến nhau. Hình ảnh ông Kim được đón bằng thảm đỏ khi bước ra từ chiếc xe lửa truyền thống cũng được xem là chi tiết gợi nhớ quá khứ...

Ông Putin nhận lời mời thăm Triều Tiên

Theo Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên KCNA, nhà lãnh đạo Kim Jong Un đã mời Tổng thống Nga Vladimir Putin thăm Triều Tiên vào thời điểm thích hợp và ông Putin đã đồng ý. Tuy nhiên hai bên chưa đưa ra bất cứ thông tin chi tiết nào về chuyến đi của ông Putin, dù khả năng cao ông sẽ sớm tới Trung Quốc. Giới phân tích từ Mỹ và Hàn Quốc đánh giá ông Putin có thể không đến Triều Tiên trong năm nay.

Hàn Quốc kêu gọi Nga, Triều Tiên không vi phạm nghị quyết Liên Hiệp QuốcHàn Quốc kêu gọi Nga, Triều Tiên không vi phạm nghị quyết Liên Hiệp Quốc

Hội đồng An ninh quốc gia Hàn Quốc cảnh báo Matxcơva và Bình Nhưỡng sẽ trả giá đắt nếu tiến hành trao đổi vũ khí.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên