10/09/2016 14:05 GMT+7

Không một tấc đất bỏ hoang

QUỐC VIỆT
QUỐC VIỆT

TTO - Sau Cách mạng Tháng 8, chính quyền đã về tay Việt Minh, một nước Việt Nam mới được khai sinh vào ngày 2-9-1945.

Chống giặc đói là nhiệm vụ hàng đầu của Chính phủ Hồ Chí Minh - Ảnh tư liệu
Chống giặc đói là nhiệm vụ hàng đầu của Chính phủ Hồ Chí Minh - Ảnh tư liệu

Tuy nhiên, đất nước vẫn ở tình thế cực kỳ hiểm nghèo. Chỉ một ngày sau lễ Quốc khánh, tại phiên họp Chính phủ đầu tiên, Hồ Chủ tịch đã nói những lời thống thiết:

“Nhân dân đang đói... Hơn 2 triệu đồng bào chúng ta đã chết đói... Những người thoát chết đói nay cũng bị đói. Chúng ta phải làm thế nào cho họ sống”. Trong sáu nhiệm vụ khẩn cấp được đề ra trong phiên họp này, nhiệm vụ “chống giặc đói” được đưa lên hàng đầu...

Nguy cơ đói chồng đói

Công thư của Bộ Quốc dân kinh tế ngày 26-10-1945 gửi đến chủ tịch ủy ban nhân dân các tỉnh cũng ghi rõ tình hình đói kém vẫn hết sức căng thẳng sau khi đã giành được chính quyền: “Sau năm năm chịu ảnh hưởng chiến tranh và nạn đói thảm khốc năm ngoái tại Bắc bộ, nước Việt Nam ta đã mất ngót 2 triệu đồng bào, ngành kinh tế canh nông bị tê liệt, sức sản xuất nông sản giảm nhiều.

Hiện nay, một nạn đói khác đang sắp hoành hành và nếu ta không có phương pháp khẩn cấp để cứu chữa thì nạn đói có lẽ còn khốc liệt hơn nữa. Trước hết vì tám tỉnh Bắc bộ bị lụt. Còn trong Nam vì giá gạo năm ngoái quá rẻ nên ít nhiều điền chủ không chịu cấy cày.

Và hiện nay, đồng bào ta đang kháng chiến với bọn thực dân Pháp, nên số thóc gạo sản xuất sẽ lại hao hụt nhiều. Việc tiếp tế cho dân chúng Trung và Bắc bộ sẽ gặp nhiều sự khó khăn hoặc có thể bị gián đoạn...”.

Theo giám đốc Nha Nông chính Bắc kỳ Hoàng Văn Đức, tháng 8-1945 đê vỡ khắp nơi và xảy ra trận lụt được lưu truyền nghiêm trọng nhất sử biên lũ lụt. Mực nước đo tại Hà Nội 12,68m, trong khi mực nước cao nhất đo được từ trước đến lúc bấy giờ là 12,30m.

Hầu hết đồng bằng Bắc bộ, vựa lúa nuôi sống dân miền Bắc, ngập chìm trong nước. Lụt còn dâng đến cả vùng cao trung du Phú Thọ, Thái Nguyên, Bắc Giang, Phúc Yên... 350.000ha lúa chìm mục dưới nước trong tổng số 830.000ha lúa mùa.

Thiệt hại gia súc, vật tư canh nông, nhà cửa nhân dân, đường sá và đê điều không thể thống kê nổi...

Đặc biệt, lụt vừa qua, nắng hạn lại ập đến. Suốt thời gian chính vụ từ 15-9 đến 15-12-1945 không có một giọt mưa. Những thửa ruộng cao nào may mắn không bị ngập úng thì lại chết rụi vì hạn.

Mùa màng thiệt hại tiếp 50%. Nha Nông chính thống kê sản lượng u ám: chỉ gặt 500.000 tấn thóc, trong khi trung bình hằng năm vụ mùa này đều được gần 1,1 triệu tấn. Nồi cơm người dân không đủ gạo để no lòng! Tám triệu người lại nguy kịch...

Cha mẹ chết đói nhưng nhiều trẻ mồ côi đã được cứu sống kịp thời nhờ nỗ lực của Chính phủ Hồ Chí Minh - Ảnh tư liệu
Cha mẹ chết đói nhưng nhiều trẻ mồ côi đã được cứu sống kịp thời nhờ nỗ lực của Chính phủ Hồ Chí Minh - Ảnh tư liệu

Khẩu hiệu tiên quyết

“Hồi ấy, tôi mới Bắc tiến ra Hà Nội, tham gia cuộc chiến bảo vệ thủ đô 60 ngày đêm của Việt Minh trước quân Pháp tái chiếm.

Chưa bao giờ tôi thấy không khí toàn dân hối hả làm nông đến mức độ như vậy. Những nơi Nhật bắt trồng đay trước đây đều được nhổ trồng lúa. Lúa chưa kịp trổ bông thì trồng khoai, bắp, đậu để ăn tạm.

Người dân được chính quyền vận động trồng cây lương thực bất cứ nơi nào có đất trống, kể cả hè phố, lề đường quốc lộ, bờ ruộng lúa, bờ ao, đất trống còn lại ở nghĩa trang.

Cả bộ đội như chúng tôi vừa tạm rời cây súng cũng được yêu cầu cầm cuốc ra đồng...” - ông Trần Văn Dõi, con trai cố tổng thống Việt Nam Cộng hòa Trần Văn Hương, kể lại.

Với những chứng nhân thời cuộc như ông Dõi, nỗ lực chống đói của Chính phủ mới là kỳ tích mà họ chưa bao giờ chứng kiến trong đời.

Theo ông Hoàng Văn Đức, ngay sau trận lụt rồi đến trận hạn lịch sử cuối năm 1945, Chính phủ Hồ Chí Minh đã khởi động ngay chương trình canh nông quốc gia, không thể để mất mùa nữa. Việc đầu tiên phải tập trung là cung ứng mạ cho nhà nông.

Đầu tháng 11, hơn 110 tấn thóc giống đến tay nông dân. Một nỗ lực và thành công lớn trong hoàn cảnh thóc để xay xát gạo ăn còn thiếu hụt nghiêm trọng.

Giải xong “bài toán mạ”, lại phải giải tiếp bài toán khó: lấy gì để ăn khi vụ lúa mùa này phải sáu tháng nữa mới cho thu hoạch?

Theo ông Đức, Chính phủ Hồ Chí Minh đã tính toán cụ thể với 500.000 tấn thóc thu được từ vụ mùa thất bát liền trước đó chỉ có thể nuôi sống được 8 triệu dân hơn ba tháng rưỡi, dù hạn mức lương thực đầu người đã giảm ở mức tối thiểu 11kg gạo mỗi tháng.

Hơn hai tháng còn lại, dân sẽ ăn bằng gì? Các kho lương thực miền Bắc trống rỗng. Miền Nam cũng chìm ngập chiến sự, không còn hi vọng gạo Nam đưa ra Bắc. Một nạn đói mới chắc chắn xảy ra?

Để tránh thảm cảnh dân tộc tiếp diễn, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa khẩn cấp đề ra một loạt giải pháp quốc gia với khẩu hiệu tiên quyết: “Không một tấc đất bỏ hoang, không một người nhàn rỗi”.

Trừ lúc chiến sĩ trong giờ tập luyện chiến đấu hay cán bộ bận việc công khẩn, tất cả mọi người đều phải tham gia chiến dịch chống đói.

Toàn dân từ viên chức, học sinh, hội đoàn, chiến sĩ đến người già, trẻ em phải cầm cuốc tùy theo sức mình, đặc biệt là cán bộ cấp cao lại càng phải làm gương đi đầu...

71 năm nhắc lại chương trình đặc biệt này, nhiều bậc cao tuổi ở Hà Nội vẫn còn nhớ Chính phủ đã chỉ đạo một giải pháp rất đúng đắn là trong hơn ba tháng còn gạo ăn, phải tăng cường trồng màu như khoai lang, sắn, ngô, đậu... ở tất cả nơi còn đất trống.

Khi gạo vừa cạn, cây màu ngắn ngày sẽ cho thu hoạch. Như vậy, thay vì phải đói suốt hơn hai tháng, đồng bào tiếp tục có các loại lương thực khác để ăn chờ đến vụ lúa chín.

Bộ Kinh tế quốc dân còn tính toán chính xác để đủ cho 8 triệu dân ăn trong hơn hai tháng chờ lúa chín, phải cần ít nhất 300.000 tấn lương thực quy ra thóc. Diện tích trồng cây màu phải tăng lên gấp ba lần so với trước đó.

Đồng hành với nỗ lực lớn lao này, Ban Tăng gia sản xuất trung ương cũng được thành lập để vừa vận động tăng gia vừa hướng dẫn kỹ thuật và hỗ trợ giống cho nông dân.

Đến tháng 4-1946, chương trình hành động quốc gia chống đói đã thành công hơn cả mong đợi. Sản lượng cây màu cứu đói vượt 330.000 tấn quy thóc, đủ bù đắp số lương thực thiếu hụt từ diện tích lúa.

Cỏ đã xanh trên nấm mồ tập thể người chết đói năm 1945, những nấm mồ bi thương mới không còn phải xuất hiện. Và giặc đói đã được đẩy lùi...

Chủ trương hiệu quả

Ông Nguyễn Ngọc Miện, một trong những gia đình có hơn 10 mẫu đất ở huyện Xuân Trường, Nam Định lúc ấy, nhớ lại:

“Cán bộ tỉnh đến từng nhà nhiều đất như chúng tôi, vận động những ai không trồng trọt hết thì cho người nghèo mượn đất. Chủ trương rất hiệu quả, vì nếu người mượn đất không nhanh chóng cày cấy trong một tháng sẽ phải trả đất cho chủ cũ.

Bên cạnh đó, hội cứu đói cũng hỗ trợ phương tiện và cây giống cho người nghèo khai khẩn đất hoang, trồng khẩn cấp cây màu ngắn ngày. Chúng tôi được tuyên truyền: ruộng đồng là chiến trường, giặc đói là kẻ thù, và nông dân là chiến sĩ phải chiến thắng”.

QUỐC VIỆT
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên