19/07/2023 18:34 GMT+7

Lập bản đồ cảnh báo sạt lở đất cho Đà Lạt

UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết sẽ lập bản đồ cảnh báo sạt lở đất trên toàn tỉnh, trước tiên dùng cho Đà Lạt.

Chuyên gia Nhật Bản khảo sát vụ sạt lở đất tại hẻm 36 Hoàng Hoa Thám (Đà Lạt) - Ảnh: M.V

Chuyên gia Nhật Bản khảo sát vụ sạt lở đất tại hẻm 36 Hoàng Hoa Thám (Đà Lạt) - Ảnh: M.V

Ngày 19-7, UBND tỉnh Lâm Đồng đã làm việc với đoàn chuyên gia Công ty Kawasaki Nhật Bản về việc chống sạt lở đất tại Đà Lạt.

Xây dựng bản đồ chống sạt lở đất

Sau buổi làm việc, ông Nguyễn Ngọc Phúc, phó chủ tịch tỉnh Lâm Đồng, cho biết sẽ nghiên cứu đề xuất thiết lập bản đồ cảnh báo nguy hiểm với những khu vực có nguy cơ sạt lở đất, trước mắt có thể thực hiện trên địa bàn TP Đà Lạt.

Khu vực sạt lở đất hẻm 36 Hoàng Hoa Thám được các chuyên gia đánh giá kỹ qua hình ảnh vệ tinh - Ảnh: M.V

Khu vực sạt lở đất hẻm 36 Hoàng Hoa Thám được các chuyên gia đánh giá kỹ qua hình ảnh vệ tinh - Ảnh: M.V

Theo ông Phúc, những đóng góp khoa học của các chuyên gia Nhật Bản được UBND tỉnh Lâm Đồng ghi nhận để tìm kiếm các giải pháp phòng chống sạt lở đất trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng và nói riêng TP Đà Lạt.

Trước đó, đoàn khảo sát của Công ty Kawasaki Nhật Bản đã đi khảo sát tại hiện trường vụ sạt lở đất hẻm 36 Hoàng Hoa Thám (phường 10, TP Đà Lạt) làm chết 2 người, các điểm có nguy cơ sạt lở cao như Khe Sanh, đường Đặng Thái Thân…

Khu vực sạt lở năm 2020 vẫn còn là một vùng đồi, đã có sạt lở tự nhiên - Ảnh: M.V

Khu vực sạt lở năm 2020 vẫn còn là một vùng đồi, đã có sạt lở tự nhiên - Ảnh: M.V

Bàn về khu vực sạt lở nghiêm trọng ở đường Hoàng Hoa Thám, ông Takami Kanno, trưởng văn phòng đại diện Công ty Kawasaki tại Hà Nội, cho biết qua hình ảnh vệ tinh có thể thấy vào năm 2010 và 2015 khu vực này đã sạt lở một phần. Diện tích sạt lở đất, gãy ta luy hoàn toàn là đất đắp thêm để cải tạo mặt bằng, có kết cấu lỏng lẻo. Đánh giá thực tế, các chuyên gia nhận định vật liệu xây dựng ta luy không đạt chuẩn khiến ta luy không chịu nổi áp lực của khoảng 20.000m3 đất đá đắp thêm và nước mưa tích lũy.

Kinh nghiệm từ vụ sạt lở đất ở Nhật Bản

Theo ông Takami Kanno, vào năm 2021, tại Nhật Bản cũng xảy ra vụ sạt lở gây thiệt hại lớn về người. Hình ảnh vệ tinh qua các năm 2011, giai đoạn 2017 - 2020 cho thấy có việc đắp đất bồi để cải tạo mặt bằng xây dựng. “Tôi đưa ra ví dụ để thấy rõ tầm quan trọng của việc đắp đất bồi. Nhật Bản sau đó đã đưa ra các quy định riêng, chặt chẽ về quản lý đắp đất bồi cải tạo mặt bằng xây dựng”.

Đất bồi với khối lượng lớn cùng kết cấu bờ ta luy kém được xem là nguyên nhân gây nên vụ sạt lở kinh hoàng tại Đà Lạt - Ảnh: M.V

Đất bồi với khối lượng lớn cùng kết cấu bờ ta luy kém được xem là nguyên nhân gây nên vụ sạt lở kinh hoàng tại Đà Lạt - Ảnh: M.V

Năm 2023, Nhật Bản đã đưa ra các nội dung quản lý cấp phép, giám sát các công trình đắp đất bồi; tiêu chuẩn an toàn về phòng chống sạt lở đất; thiết bị, hệ thống thoát nước, kỹ thuật đắp đất bồi… nhằm bảo vệ tài sản, tính mạng người dân xung quanh.

Ngoài chỉnh lý quy định xây dựng, đoàn chuyên gia Nhật Bản cho rằng cần thiết lập bản đồ cảnh báo nguy hiểm với những khu vực có nguy cơ sạt lở đất. Theo đó, trên cơ sở dữ liệu từ hình ảnh vệ tinh sẽ dễ dàng phát hiện khu vực có khả năng sạt lở. Sau đó cơ quan chức năng sẽ tới hiện trường xác nhận tình trạng, cần thiết sẽ khoan thăm dò địa chất, nếu là khu vực có nguy cơ sạt lở thì áp dụng các quy định quản lý xây dựng phù hợp.

Sớm hội thảo với chuyên gia địa chất

Ông Nguyễn Ngọc Phúc cho biết từ ý kiến của các chuyên gia, tỉnh Lâm Đồng tiếp thu để quyết định nhiều vấn đề quan trọng như: thiết lập bản đồ, lắp đặt thiết bị cảnh báo sạt lở đất tại một số khu vực dân cư, cân nhắc bổ sung các quy định cấp phép xây dựng tại khu vực có nguy cơ sạt lở… Ông Phúc nói: “Tỉnh mong muốn Công ty Kawasaki cung cấp thêm tài liệu về chuyên môn cũng như kinh nghiệm quản lý nhà nước trong vấn đề sạt lở ở Nhật Bản để các cơ quan quản lý tỉnh Lâm Đồng nghiên cứu quản lý tại địa phương”.

Ông Phúc cho biết sẽ sớm có hội thảo chuyên sâu về phòng chống sạt lở đất với sự tham gia của nhiều chuyên gia.


Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên