22/09/2023 15:58 GMT+7

Sạt lở đất, ngập lụt Đà Lạt: Ngoài thiên tai có lỗi quản lý

Lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng cùng các chuyên gia thừa nhận ngoài thiên tai có lỗi quản lý trong các vụ sạt lở đất, ngập lụt ở TP Đà Lạt và tỉnh Lâm Đồng.

Vụ sạt lở đất ở đường Hoàng Hoa Thám (Đà Lạt) gây xôn xao dư luận - Ảnh: M.V.

Vụ sạt lở đất ở đường Hoàng Hoa Thám (Đà Lạt) gây xôn xao dư luận - Ảnh: M.V.

Ngày 22-9, UBND tỉnh Lâm Đồng tổ chức hội thảo “Đánh giá thực trạng, nguyên nhân và đề xuất giải pháp phòng chống sạt lở đất, ngập lụt cục bộ trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng”.

Sạt lở đất, ngập lụt Đà Lạt, chuyên gia lên tiếng: có quá nhiều công trình xâm hại các thung lũng

Lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng cùng các chuyên gia xây dựng, địa chất, thủy lợi cùng thừa nhận ngoài thiên tai có lỗi quản lý trong các vụ sạt trượt đất, ngập lụt ở riêng Đà Lạt và Lâm Đồng.

Quản lý nhà nước có "hở sườn"

Trước đó, UBND tỉnh Lâm Đồng đã lập đoàn cùng với các nhà khoa học, các chuyên gia địa chất, thủy lợi khảo sát thực tế tại rất nhiều điểm sạt trượt đất và ngập lụt cục bộ trên địa bàn TP Đà Lạt.

Mưa cực đoan và nhiều yếu tố khác khiến đèo Bảo Lộc sạt lở làm chết 4 người vào cuối tháng 7-2023 - Ảnh: M.V.

Mưa cực đoan và nhiều yếu tố khác khiến đèo Bảo Lộc sạt lở làm chết 4 người vào cuối tháng 7-2023 - Ảnh: M.V.

PGS.TS Nguyễn Văn Hiệp - nguyên phó giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM, giảng viên chính khoa kỹ thuật xây dựng Trường đại học Bách khoa TP.HCM - cho rằng có quá nhiều công trình xâm hại các thung lũng, có nơi còn chiếm luôn khu vực chân đất ở thung lũng, rất nguy hiểm vì sạt lở ở chân đất xảy ra sẽ tạo thành vệt sạt lở.

Ông Hiệp nói: “Quản lý nhà nước hở sườn ngay từ đầu. Tôi không trách Đà Lạt đâu. TP.HCM hay Hà Nội cũng vậy”.

Ngập cục bộ ở Đà Lạt gây ảnh hưởng lớn đến hình ảnh du lịch của địa phương - Ảnh: M.V.

Ngập cục bộ ở Đà Lạt gây ảnh hưởng lớn đến hình ảnh du lịch của địa phương - Ảnh: M.V.

Ông Hiệp khẳng định các sự cố sạt lở, trượt đất thời gian qua hoàn toàn không phải do động đất. Về ngập lụt, ông Hiệp một lần nữa nhắc đến trách nhiệm quản lý nhà nước. 

Ông liệt kê: việc nạo vét, thông cống chất lượng không cao; thiếu thiết bị chuyên dụng và bảo hộ công nhân nạo vét; đường kính cống nhỏ, thiếu kết nối vào mạng lưới chung; đô thị phát triển xây dựng nhanh nên còn ít đất tự thấm; xây dựng lấn chiếm đất còn phổ biến.

Từ đó, vị phó giáo sư này đề nghị khi đã xác định được lỗi, cần xử lý sớm. Ông nhấn mạnh các sự cố sạt lở đất đều có trách nhiệm rất rõ của quản lý nhà nước. Rất cần rà soát lại quy trình: Đánh giá tác động môi trường (ĐTM) trong các đồ án quy hoạch, giao và thuê đất. Thiết kế thẩm tra, đánh giá các giải pháp khi có các công trình xây dựng gần hay trên, cuối dốc đất. Việc chống ngập lụt cục bộ cần được triển khai ngay thông qua việc thuê tư vấn đủ năng lực điều tra, đánh giá.

Ông Nguyễn Ngọc Phúc - phó chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng - thừa nhận có nhiều vấn đề trong thẩm định xây dựng. Các cơ quan có thẩm quyền chỉ mới thẩm định tầng cao, quy hoạch, kiến trúc mà chưa đánh giá sâu hơn các vấn đề liên quan đến ngập lụt, sạt trượt.

Xây dựng bản đồ sạt lở, trượt đất, ngập lụt

Ông Takami Kanno (Công ty Kawasaki Geological Engineering - Nhật Bản) cho rằng việc lập bản đồ sạt trượt đất ở Đà Lạt và Lâm Đồng là vấn đề quan trọng.

Từ kinh nghiệm của Nhật Bản, ông trao đổi: “Ngoài chỉnh lý quy định xây dựng, tôi cho rằng cần thiết lập bản đồ cảnh báo nguy hiểm với những khu vực có nguy cơ sạt lở đất. Trên cơ sở dữ liệu hình ảnh vệ tinh sẽ dễ dàng phát hiện khu vực có khả năng sạt lở.

Sau đó cơ quan chức năng sẽ tới hiện trường xác nhận tình trạng, cần thiết sẽ khoan thăm dò địa chất, quan trắc liên tục. Nếu là khu vực có nguy cơ sạt lở thì áp dụng các quy định quản lý xây dựng phù hợp”.

Các chuyên gia khảo sát trực tiếp tại hiện trường vụ sạt lở đất đường Hoàng Hoa Thám (P.10, Đà Lạt) - Ảnh: MAI VINH

Các chuyên gia khảo sát trực tiếp tại hiện trường vụ sạt lở đất đường Hoàng Hoa Thám (P.10, Đà Lạt) - Ảnh: MAI VINH

GS.TS. Đỗ Minh Đức (khoa địa chất Trường đại học Khoa học Tự nhiên Hà Nội) trao đổi: Câu chuyện Đà Lạt có thể soi chiếu vào trường hợp của Hong Kong. 

Sự phát triển của Hong Kong 30-40 năm trước cũng tương tự Đà Lạt bây giờ: cũng làm nhà trên dốc, cũng xây dựng hạ tầng với mật độ cao trong đô thị... và đây cũng là vùng lãnh thổ có lượng mưa cực đoan cao ở một số thời điểm (150mm). Năm 1972 là năm Hong Kong thiệt hại nặng nhất, 149 người tử vong do sạt lở đất. Từ năm 2010 đến nay, Hong Kong không còn thiệt hại về người do sạt lở đất.

Theo ông Đức, kết quả của Hong Kong là sự nỗ lực trong việc thay đổi phương pháp quản lý trên nền tảng lưu tâm đến vấn đề sạt trượt đất, ứng dụng các biện pháp kỹ thuật mới trong xây dựng công trình.

Xây dựng ở thung lũng không đúng các quy chuẩn là mối lo ngại của các chuyên gia trong việc phòng sạt lở đất - Ảnh: M.V.

Xây dựng ở thung lũng không đúng các quy chuẩn là mối lo ngại của các chuyên gia trong việc phòng sạt lở đất - Ảnh: M.V.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Nguyễn Ngọc Phúc nêu quan điểm phòng sạt lở, ngập lụt hơn là chống. Ông xác định phải cải tạo hệ thống thoát nước đô thị cho đúng yêu cầu hiện nay. Đồng quan điểm với các chuyên gia, ông nhìn nhận phải xây dựng bản đồ ngập lụt, sạt trượt đất và thực hiện cảnh báo sớm; đồng thời có quy trình xử lý công trình khi có sạt trượt xảy ra.

Vừa qua Đà Lạt đã tạm dừng một số công trình đã được cấp phép để đánh giá lại chất lượng. Sắp tới phải đánh giá lại công tác cấp phép xây dựng. Phòng chống tai nạn sạt trượt đất bên cạnh các giải pháp kỹ thuật còn phải xử lý các vấn đề quản lý nhà nước.

Ông Phúc cho rằng nên thể chế hóa một số vấn đề kỹ thuật then chốt để phòng chống sạt lở đất. Ông nói: “Cần có quy trình khoan đánh giá địa chất đối với một số công trình xây dựng, một số vị trí nhất định để nâng cao chất lượng công trình. Cạnh đó cũng cần có quy định liên quan đến việc quản lý xây dựng sau quy hoạch”.

Không có cơ chế: bản đồ sạt lở đất gặp khó

Phó chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Nguyễn Ngọc Phúc nhìn nhận việc lập bản đồ phòng chống sạt trượt, ngập lụt và cảnh báo sớm cho Đà Lạt và toàn tỉnh Lâm Đồng là rất cần thiết, có giá trị lâu dài. “Chúng tôi lưu tâm rất nhiều nhưng việc này chưa có tỉnh nào làm, các quy định pháp luật cũng chưa có. Chuyện này cần có kinh phí nhưng cơ chế chưa có nên khó khăn trong đầu tư”.

Vụ sạt lở trên đèo Bảo Lộc: Bài học lớn trước thời tiết bất thườngVụ sạt lở trên đèo Bảo Lộc: Bài học lớn trước thời tiết bất thường

Quan trọng nhất hiện nay trong phòng chống sạt lở là phải tôn trọng thiên nhiên. Đây cũng là một trong nhiều bài học để các địa phương rút kinh nghiệm trong ứng phó với sạt lở đất.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên