02/12/2023 05:45 GMT+7

Lo khẩu chiến sắp thành thực chiến trên bán đảo Triều Tiên

Vụ Triều Tiên phóng vệ tinh trinh sát quân sự và các diễn biến sau đó, bao gồm việc hủy thỏa thuận quân sự liên Triều, khiến giới chuyên gia lo ngại về 'nguy cơ tính toán sai lầm và xung đột' trên bán đảo Triều Tiên.

Ảnh do Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) công bố ngày 1-12 cho thấy ông Kim Jong Un đang đến thăm lực lượng không quân - Ảnh: KCNA

Ảnh do Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) công bố ngày 1-12 cho thấy ông Kim Jong Un đang đến thăm lực lượng không quân - Ảnh: KCNA

Ngày 1-12, Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) đưa tin nhà lãnh đạo Kim Jong Un đã kêu gọi quân đội sẵn sàng đáp trả bất kỳ "hành động khiêu khích" nào của kẻ thù, sau khi Bình Nhưỡng tuyên bố sẽ triển khai các lực lượng vũ trang mạnh hơn và vũ khí mới dọc biên giới với Hàn Quốc.

Mỹ trừng phạt, Triều Tiên cứng rắn

Đến thăm Bộ tư lệnh Không quân Triều Tiên hôm 30-11, nhà lãnh đạo Kim Jong Un nhấn mạnh lực lượng này cần tăng cường khả năng sẵn sàng chiến đấu. Theo Hãng tin Yonhap (Hàn Quốc), không quân Triều Tiên được đánh giá là khá yếu so với các lực lượng thông thường khác. 

"Ông Kim đề ra các chính sách tác chiến và chiến thuật... nhằm đối phó mọi hành động khiêu khích quân sự và mối đe dọa của kẻ thù một cách mạnh mẽ và ngay lập tức" - KCNA nêu.

Tình trạng căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên gia tăng kể từ khi Triều Tiên phóng vệ tinh trinh sát quân sự đầu tiên Malligyong-1 (Kính Vạn Lý số 1) vào hôm 21-11 mà nước này cho biết được thiết kế để theo dõi các hoạt động quân sự của Mỹ và Hàn Quốc.

Mỹ và các đồng minh đã lên án mạnh mẽ vụ việc, coi động thái này vi phạm nhiều nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc. Tuy nhiên, Bình Nhưỡng tuyên bố sẽ phóng thêm vệ tinh và gọi đây là hành động tự vệ.

Ngày 30-11, Mỹ đã áp thêm trừng phạt với Triều Tiên vì vụ phóng vệ tinh, nhắm tới tám cá nhân (đang hoạt động ở nước ngoài) bị cáo buộc đã tạo điều kiện cho Triều Tiên trốn tránh trừng phạt phát triển vũ khí, và nhóm tin tặc Kimsuky thu thập thông tin tình báo cho Bình Nhưỡng. Đáng chú ý lần này Mỹ hành động có sự phối hợp với Úc, Nhật Bản và Hàn Quốc. Theo Bộ Ngoại giao Mỹ, đây là lần đầu tiên bốn nước phối hợp trừng phạt Triều Tiên.

Giới quan sát cho rằng việc Mỹ và các đồng minh tiếp tục gây sức ép lên Triều Tiên như vậy, trong khi Bình Nhưỡng cũng tỏ rõ thái độ cứng rắn, sẽ khiến tình trạng căng thẳng khó xuống thang. Hôm 30-11, bà Kim Yo Jong, người em gái quyền lực của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un, đã bác bỏ lời kêu gọi của Mỹ về việc nối lại đối thoại.

Khi không còn vùng đệm...

Kể từ khi phóng vệ tinh trinh sát quân sự hôm 21-11, Triều Tiên cho biết ông Kim Jong Un đã xem qua các ảnh vệ tinh chụp Nhà Trắng, Lầu Năm Góc và các tàu sân bay Mỹ tại căn cứ hải quân Norfolk. Truyền thông Triều Tiên đưa tin vệ tinh này cũng đã chụp lại những thành phố và căn cứ quân sự ở Hàn Quốc, đảo Guam và Ý.

Để phản đối vụ phóng vệ tinh, Seoul đã đình chỉ một phần thỏa thuận quân sự liên Triều năm 2018 và cho biết sẽ tăng cường giám sát dọc biên giới. Đáp trả, hôm 23-11 Bình Nhưỡng tuyên bố sẽ từ bỏ thỏa thuận này và khôi phục mọi hoạt động quân sự vốn đã tạm dừng theo thỏa thuận.

Thỏa thuận quân sự toàn diện (CMA) được ký kết tại hội nghị thượng đỉnh năm 2018 giữa lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un và tổng thống Hàn Quốc khi đó Moon Jae In, là một phần trong nỗ lực giảm căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên và xây dựng niềm tin giữa hai nước.

Thỏa thuận này đã tạo ra vùng đệm trên bộ, trên không và trên biển nhằm ngăn chặn các cuộc đụng độ quân sự giữa Hàn Quốc và Triều Tiên. Các chuyên gia cho rằng việc từ bỏ thỏa thuận sẽ làm gia tăng căng thẳng quân sự giữa hai nước.

Trong bài viết về việc thỏa thuận quân sự liên Triều trở nên vô hiệu và hai bên đã tăng cường hoạt động quân sự dọc biên giới, nhật báo Hankyoreh (Hàn Quốc) bình luận: "Nếu không có vùng đệm, cuộc khẩu chiến giữa Triều Tiên và Hàn Quốc có thể leo thang thành một cuộc chiến thực sự".

Ông Leif-Eric Easley, giáo sư nghiên cứu quốc tế tại Đại học Nữ sinh Ewha (Hàn Quốc), đánh giá các rủi ro có thể gia tăng khi thỏa thuận bị hủy. "Nếu không có thỏa thuận, Triều Tiên có thể ít kiềm chế hơn trong việc triển khai vũ khí và tiến hành các hoạt động gần khu phi quân sự (DMZ), và điều này có thể làm tăng nguy cơ tính toán sai lầm cũng như leo thang xung đột trên bán đảo Triều Tiên" - ông giải thích.

Chuyện gì tiếp theo?

Theo báo Hankyoreh (Hàn Quốc), giới quan sát dự đoán Triều Tiên sẽ khôi phục các cuộc tập trận quân sự vốn đã tạm dừng trước đây xung quanh Đường ranh giới quân sự (MDL) và phô diễn sức mạnh quân sự sau khi hủy thỏa thuận quân sự liên Triều.

Về hoạt động trên biển, Triều Tiên có thể sẽ triển khai pháo và tàu chiến ven biển xung quanh Đường giới hạn phía Bắc (NLL, vốn được coi là ranh giới trên biển giữa hai nước ở Hoàng Hải) và nối lại các cuộc tập trận trên biển. Giáo sư Koh Yu Hwan tại Đại học Dongguk (Hàn Quốc) nhận định: "Nơi dễ xảy ra xung đột trực tiếp nhất là ở vùng biển phía tây này, căng thẳng có nguy cơ leo thang từng bước một".

Mỹ, Hàn đồng loạt trừng phạt các tin tặc và công dân Triều TiênMỹ, Hàn đồng loạt trừng phạt các tin tặc và công dân Triều Tiên

Chính phủ Mỹ vừa áp lệnh trừng phạt đối với nhóm tin tặc Kimsuky, trong khi Hàn Quốc liệt 11 công dân Triều Tiên vào danh sách đen do nghi ngờ các cá nhân này hỗ trợ chương trình hạt nhân.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên