20/05/2023 05:31 GMT+7

Mời vô các nhóm bí mật trên Telegram để 'giăng bẫy' người dùng

Là một ứng dụng OTT quốc tế có khả năng bảo mật rất cao, Telegram đang được nhiều kẻ lừa đảo tận dụng giăng bẫy người dùng Việt Nam.

Những tin nhắn giăng bẫy được gửi đến mọi đối tượng theo kịch bản đã có sẵn trong các nhóm trên Telegram - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Những tin nhắn giăng bẫy được gửi đến mọi đối tượng theo kịch bản đã có sẵn trong các nhóm trên Telegram - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Cách thức phổ biến là đưa nạn nhân vào các nhóm bí mật trên Telegram với "nhiều người cùng cảnh ngộ" để lừa số tiền lên đến hàng trăm triệu đồng, dù các chiêu lừa không hề mới như phỏng vấn xin việc, làm nhiệm vụ, mời gọi đầu tư, làm việc từ xa...

Mất trăm triệu vẫn tiếp tục bị lừa

Vừa viết hồ sơ xin việc gửi lên mạng ngày hôm trước, hôm sau anh Dũng (TP.HCM) được một công ty gọi đến mời phỏng vấn làm việc. Kèm theo lời hẹn phỏng vấn là "buổi training (đào tạo) đánh giá công việc" từ xa thông qua ứng dụng Telegram sẽ "diễn ra ngay vào ngày mai".

Đúng hẹn, anh Dũng tạo tài khoản Telegram và tham gia vào nhóm tuyển dụng của công ty thì thấy có rất nhiều ứng viên như mình. Tiếp đó, các ứng viên được chia thành nhóm nhỏ bốn người để bắt đầu đánh giá năng lực với yêu cầu đầu tiên là tải một số ứng dụng (app) và làm theo nhiệm vụ.

"Ban đầu họ yêu cầu nạp tiền đặt lệnh tăng doanh thu cho công ty trên một app tài chính. Tôi chuyển khoản 1 triệu đồng để họ đặt lệnh và sau đó được công ty trả lại đúng 1 triệu đồng vì... đã giành thắng lợi", anh Dũng kể lại.

Cùng với sự "ganh đua thể hiện năng lực" nhanh chóng của ba ứng viên còn lại trong nhóm, anh Dũng cũng muốn thể hiện năng lực của mình.

"Yêu cầu tiếp theo, công ty bắt phải đặt hết 3 - 5 lệnh với lượng tiền tăng dần, từ 7 triệu, 14 triệu, 33 triệu, lên tới 145 triệu đồng. Tôi đã phải gửi mấy lần tiền mới đủ đặt hai lệnh đầu. Lần thứ ba thì không đủ 70%, nhưng công ty bảo sẽ hỗ trợ 30% còn lại.

Lần thứ tư tôi nói không còn tiền trong tài khoản thì công ty bảo hãy đi vay bạn bè, người thân. Tôi bảo không đủ và yêu cầu trả lại tiền thì họ bảo phải nạp đủ tiền để đặt hết 5 lệnh thì công ty mới hoàn tiền gốc và hoa hồng. Sau đó tôi biết mình đã bị lừa", anh Dũng cho biết.

Tương tự, chị H. (TP.HCM) vẫn tham gia làm thêm qua mạng trong ứng dụng Telegram với công việc đơn giả là "like video và chốt đơn ảo".

"Tôi nghĩ mình chỉ like video kiếm cốc sữa chua hằng ngày thôi nhưng lại bị dụ dỗ việc chuyển tiền chốt đơn. Và vào ngày làm việc thứ 5, mình bị quây hội đồng bởi những người trong nhóm dẫn đến rối trí mà chuyển mất gần 300 triệu đồng. Mỗi lần nghĩ lại vẫn thấy bàng hoàng vì con số đó", chị H. kể lại.

Kịch bản có sẵn

Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, Telegram đang được những kẻ lừa đảo sử dụng làm "đại bản doanh" để lôi kéo người dùng tham gia và giăng bẫy.

Chúng có thể triển khai những lời mời, chạy quảng cáo, các bài viết thông báo tuyển dụng, mời gọi làm nhiệm vụ, đầu tư... thông qua các hội nhóm trên các trang mạng xã hội phổ biến như Facebook, Zalo.

Những người tò mò tìm hiểu hoặc muốn tham gia sẽ được dẫn dụ vào các nhóm trên ứng dụng Telegram. Đây là nơi giúp những kẻ lừa đảo có thể dễ dàng nhận ra "con mồi" tiềm năng và tiến hành "giăng lưới".

Rất nhiều người dùng đã phản ánh bị lừa đảo từ các chiêu trò trong các hội nhóm trên Telegram. Không ít người đã bị lừa đến hàng trăm triệu đồng...

Trao đổi với Tuổi Trẻ, chuyên gia bảo mật Ngô Minh Hiếu, Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia, cho biết chiêu trò được các đối tượng lừa đảo sử dụng phổ biến hiện nay là tạo ra các quảng cáo giả mạo trên các nền tảng Google, Facebook để dẫn dụ nạn nhân truy cập vào các đường dẫn đến các hội nhóm trên Zalo, Telegram.

"Đặc biệt trong nhiều hội nhóm trên Telegram có hẳn thư viện lừa đảo với rất nhiều clip ảo, nick ảo và kịch bản thiết lập sẵn. Các nick ảo hay "chim mồi" sẽ phối hợp với nhau tạo nên không khí sôi động trong các nhóm đầu tư hay nhóm cộng tác viên nhằm khiến người dùng tin rằng mình đang đầu tư hoặc làm công việc chính thống, rõ ràng và đầy tiềm năng. Và họ bị dụ nạp tiền vào liên tục", ông Hiếu cho biết.

Ông Hiếu cũng cho rằng các chiêu lừa mời gọi đầu tư, làm cộng tác viên, làm nhiệm vụ... vẫn không có nhiều thay đổi so với trước đây nhưng cách thức làm qua nhóm kín trên Telegram khiến nạn nhân dễ bị "thao túng tâm lý" hơn so với các hội nhóm công khai trên Facebook hay chat riêng tư 1 - 1.

"Chiêu trò được những kẻ lừa đảo bày ra, dẫn dắt nạn nhân làm theo 1 - 2 yêu cầu hoặc nhiệm vụ ban đầu với kết quả thắng lợi, có lợi nhuận nhỏ để làm mồi nhử. Tiếp đó, chúng sẽ ra các yêu cầu lớn hơn với số tiền nhiều hơn.

Nạn nhân băn khoăn hoặc có dấu hiệu nghi ngờ thì sẽ có các "chim mồi" đóng vai người dùng khác "làm gương" và đạt kết quả thành công. Chúng sẽ phối hợp khiến nạn nhân phải nộp hết số tiền mình có thể nạp, thậm chí cả vay mượn nóng", ông Hiếu phân tích.

Ổ lừa đảo Telegram

Theo nghiên cứu mới công bố đầu tháng 5-2023 của Hãng bảo mật Kaspersky, hoạt động của những kẻ lừa đảo trực tuyến trên Telegram đã tăng lên đáng kể khi chúng khéo léo sử dụng các tính năng của ứng dụng nhắn tin để cung cấp nhiều dịch vụ khác nhau, từ triển khai lừa đảo tự động quy mô lớn đến bán dữ liệu bị đánh cắp trong một cuộc tấn công lừa đảo.

Cảnh báo tội phạm mạng nở rộ trên TelegramCảnh báo tội phạm mạng nở rộ trên Telegram

TTO - Các chuyên gia an ninh mạng quốc tế vừa công bố báo cáo cho thấy mạng xã hội Telegram đang ghi nhận số hoạt động phi pháp của các nhóm tội phạm mạng tăng vọt thời gian qua.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên