07/10/2023 11:15 GMT+7

Mỹ và kế hoạch 'cù lét đuôi rồng'

Nước Mỹ đang chuẩn bị bước vào một chương mới trong lịch sử phát triển vũ khí hạt nhân: thử nghiệm loại vũ khí này dưới lòng đất mà không gây ra vụ nổ thực sự nào.

Một vụ thử hạt nhân có sức công phá 15 kiloton do quân đội Mỹ thực hiện ở bang Nevada vào tháng 5-1953 - Ảnh: Bộ Quốc phòng Mỹ

Một vụ thử hạt nhân có sức công phá 15 kiloton do quân đội Mỹ thực hiện ở bang Nevada vào tháng 5-1953 - Ảnh: Bộ Quốc phòng Mỹ

Các nhà khoa học Mỹ cho biết đến năm 2024, những thành phần quan trọng liên quan cuộc thử nghiệm hạt nhân dưới lòng đất - được họ ví von là "cù lét đuôi rồng" (tức làm gì đó liều lĩnh, nguy hiểm) - sẽ được chuyển đến sa mạc bang Nevada.

Đây là sự thay đổi chính sách đáng kể, hướng tới cuộc thử nghiệm hạt nhân đầu tiên của nước này kể từ lệnh cấm năm 1992.

Dưới lòng đất, không mây hình nấm

Tính đến nay, lần cuối cùng Mỹ thử nghiệm vũ khí hạt nhân là vào năm 1992. Trong hơn 30 năm qua, giới chuyên gia tại các phòng thí nghiệm quốc phòng của Mỹ chưa thể xác nhận được tính hiệu quả và độ tin cậy của các đầu đạn hạt nhân do họ phát triển trong thực tế. Giờ đây, với dự án Scorpius (Bọ cạp) trị giá 1,8 tỉ USD được đề xuất, điều đó có thể sẽ thay đổi.

Theo Hãng tin AP, hôm 5-10 các quan chức Bộ Năng lượng Mỹ thông báo họ đang trên đà hoàn thiện công nghệ cần thiết để thực hiện cuộc thử nghiệm. Dự kiến hoàn thành vào năm 2027, dự án Scorpius được thực hiện để nghiên cứu chi tiết "các điều kiện xuất hiện trong giai đoạn cuối của một vụ thử hạt nhân mà không có vụ nổ nào".

Điều này sẽ cung cấp dữ liệu quan trọng giúp trả lời câu hỏi: các vũ khí hạt nhân cũ kỹ của Mỹ vẫn còn hoạt động như thiết kế hay không?

Trong dự án này, các nhà nghiên cứu sẽ lắp ráp một máy phun chùm tia điện tử năng lượng cao để va chạm với mục tiêu (bằng kim loại), tạo ra tia X xuyên qua các vật thử nghiệm. Khi plutonium được nén bằng chất nổ mạnh, máy dò sẽ chuyển tia X thành hình ảnh (được ghi lại bằng camera nhạy có thể chụp ảnh với tốc độ 1 tỉ ảnh trên giây).

Sau đó, những hình ảnh này sẽ được so sánh với các hình ảnh của cùng sự kiện do siêu máy tính tạo ra để xác minh độ chính xác.

Tại Phòng thí nghiệm quốc gia Sandia ở bang New Mexico, các nhân viên đã bắt đầu lắp ráp máy phun chùm nói trên - phần phức tạp nhất trong dự án. Chiếc máy này có chiều dài bằng một sân bóng đá, dự kiến đặt ở độ sâu 304m dưới mặt đất tại Khu an ninh quốc gia bang Nevada.

Trong thời kỳ Chiến tranh lạnh, Mỹ kiểm tra hiệu quả của vũ khí hạt nhân dễ hơn, tiêu biểu là vào thập niên 1950 và đầu thập niên 1960, với các vụ nổ tạo ra những đám mây hình nấm trên bầu trời sa mạc New Mexico và Nevada. Sau đó, việc thử hạt nhân được giới hạn thực hiện trong lòng đất nhưng kết thúc vào năm 1992.

Khó cấm toàn diện

Dự án Scorpius cho thấy Mỹ vẫn tiếp tục duy trì năng lực hạt nhân của họ. Trên toàn cầu, các quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân khác, trong đó có Trung Quốc và Nga, cũng đang đẩy mạnh các chương trình hạt nhân của họ.

Hồi năm 2020, hình ảnh vệ tinh cho thấy hoạt động gia tăng tại các điểm thử nghiệm hạt nhân ở Trung Quốc, Nga và Mỹ. Các hình ảnh cho thấy những đường hầm mới dưới núi, các cơ sở lưu trữ, các xe hoạt động nhiều hơn... làm dấy lên nhiều lo ngại về khả năng các nước này nối lại hoạt động thử hạt nhân.

Đến nay không phải nước nào cũng đồng ý phê chuẩn hiệp ước cấm thử nghiệm hạt nhân. Hiệp ước cấm thử nghiệm hạt nhân toàn diện (CTBT) - cấm tất cả các vụ thử hạt nhân cho cả mục đích dân sự và quân sự trong mọi môi trường - đã được Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc thông qua vào năm 1996 nhưng đến nay chưa có hiệu lực.

Để kích hoạt hiệp ước, tám nước gồm Trung Quốc, Ai Cập, Ấn Độ, Iran, Israel, Triều Tiên, Pakistan và Mỹ phải phê chuẩn hiệp ước.

Hôm 5-10, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đề cập tới khả năng Nga nối lại hoạt động thử hạt nhân lần đầu tiên sau hơn ba thập niên và cho biết có thể Quốc hội Nga sẽ không còn phê chuẩn hiệp ước CTBT. Nhà lãnh đạo Nga lưu ý Nga đã ký và phê chuẩn CTBT, còn Mỹ đã ký nhưng đến nay chưa phê chuẩn.

"Tôi chưa sẵn sàng để nói liệu chúng tôi có thực sự cần tiến hành các thử nghiệm hay không, nhưng về lý thuyết, chúng tôi có thể sẽ hành xử giống như Mỹ" - ông Putin tuyên bố.

Nga thử vũ khí hạt nhân thế hệ mới

Hôm 5-10, phát biểu tại Diễn đàn Valdai ở thành phố Sochi của Nga, Tổng thống Vladimir Putin công bố nước này đã thử nghiệm thành công tên lửa hành trình hạt nhân thế hệ mới.

Hãng tin RIA Novosti dẫn lời ông Putin cho biết nước này "đã thực hiện đợt thử nghiệm thành công mới nhất với Burevestnik (Chim báo bão) - tên lửa hành trình có tầm hoạt động toàn cầu, có thể mang đầu đạn hạt nhân và có hệ thống đẩy hạt nhân". Điểm khác biệt của Burevestnik so với các tên lửa khác chính là động cơ hạt nhân, giúp nó bay xa hơn nhiều.

Mỹ thử nghiệm thành công vũ khí siêu vượt âm sau 3 lần thất bạiMỹ thử nghiệm thành công vũ khí siêu vượt âm sau 3 lần thất bại

TTO - Ngày 16-5 giờ địa phương, không quân Mỹ thông báo đã thử nghiệm thành công vũ khí siêu vượt âm (hypersonic) tên AGM-183A ARRW, có tốc độ bay nhanh gấp 5 lần tốc độ âm thanh. Trước đó Mỹ đã thất bại trong 3 lần phóng vào năm ngoái.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên