03/10/2017 09:48 GMT+7

Nga giúp Triều Tiên giảm lệ thuộc hạ tầng mạng vào Trung Quốc

D. KIM THOA
D. KIM THOA

TTO - Doanh nghiệp nhà nước của Nga TransTeleCom vừa cung cấp kết nối Internet mới cho Triều Tiên, giúp nước này giảm lệ thuộc mạng hoàn toàn vào Trung Quốc.

Nga giúp Triều Tiên giảm lệ thuộc hạ tầng mạng vào Trung Quốc - Ảnh 1.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un đi thăm nông trường - Ảnh: REUTERS

Động thái này đã củng cố thêm năng lực bảo mật mạng của Triều Tiên vào thời điểm những căng thẳng gia tăng giữa nước này với Mỹ, đồng thời giảm sự lệ thuộc hoàn toàn về hạ tầng mạng của Bình Nhưỡng vào Trung Quốc.

Trước đây lưu lượng Internet của Triều Tiên đều chỉ thông qua kết nối duy nhất do hãng viễn thông Trung Quốc China Unicom cung cấp. Nhưng nay, với kết nối mới từ Nga, Triều Tiên đã có thêm một nền tảng hạ tầng Internet mới.

Thay đổi này rõ ràng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng với Triều Tiên trong bối cảnh Mỹ đang gia tăng sức ép lên các công ty Trung Quốc, buộc phải cắt quan hệ làm ăn với Triều Tiên chiểu theo các lệnh trừng phạt đối với Bình Nhưỡng.

Công ty TransTeleCom cho biết họ có các kết nối viễn thông với Triều Tiên theo một thỏa thuận ký từ năm 2009 nhưng không cung cấp thông tin chi tiết.

Ông Bryce Boland - chuyên gia bảo mật mạng của hãng FireEye, cho biết: "Bằng cách tăng số kết nối Internet ở trong và ngoài nước, Triều Tiên sẽ tăng cường năng lực ứng phó của mình với các cuộc tấn công mạng".

Đài CNN (Mỹ) nhận định rằng với việc Nga có tham gia vào mạng lưới Internet của Triều Tiên, mọi việc có thể trở nên phức tạp hơn. Theo đó các cuộc tấn công nhằm vào hacker Triều Tiên hay các máy chủ của nước này giờ đây có thể sẽ phải "đi" qua hạ tầng mạng của Nga.

Theo chuyên gia Boland, trong tình thế đó, một cuộc tấn công mạng của Mỹ nhằm vào Triều Tiên lúc này "có thể bị xem là một động thái khiêu khích chống lại Nga. Và như vậy rất có thể sẽ làm gia tăng căng thẳng giữa Mỹ và Nga".

TransTeleCom là công ty thuộc sở hữu nhà nước của Nga, có tuyến cáp quang trải dọc theo tất cả các tuyến xe lửa chính trên toàn lãnh thổ Nga, trong đó bao gồm các tuyến trải lên tới tận vùng biên giới giáp ranh với Triều Tiên. "Đó là một động thái hai bên cùng thắng với Nga", chuyên gia Boland nhận định.

Nhà Trắng một lần nữa bác bỏ việc đối thoại về hạt nhân với Triều Tiên

Theo hãng tin Reuters, ngày 2-10, Nhà Trắng một lần nữa bác bỏ việc sẽ tiến hành các cuộc đối thoại với Triều Tiên, ngoại trừ những thương thảo về số phận của các công dân Mỹ đang bị bắt giữ tại đó.

Bà Sarah Sanders, người phát ngôn Nhà Trắng, nhắc lại thông điệp tương đồng với quan điểm của tổng thống Trump từng nêu trước đó trên mạng xã hội Twitter: "Chúng tôi đã nói rõ rằng giờ không phải là lúc để đối thoại".

"Những trao đổi duy nhất vẫn sẽ diễn ra là việc đưa những người Mỹ đã bị bắt giữ (tại Triều Tiên) hồi hương", bà Sanders nói. "Ngoài vấn đề đó ra, sẽ không có thêm các đối thoại nào khác với Triều Tiên lúc này".

Quan điểm mới nhất của Nhà Trắng cho thấy sự mâu thuẫn với những thông tin từ ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson.

Trong chuyến công du tới Trung Quốc thứ bảy tuần qua (30-9), ông Tillerson nói rằng Mỹ vẫn đang liên lạc trực tiếp với Triều Tiên về các chương trình hạt nhân và tên lửa của họ, tuy nhiên Bình Nhưỡng tỏ ra không quan tâm tới chuyện đối thoại.

D. KIM THOA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên