Người cuối cùng của bộ tộc bách khoa thư

PHAN BẢO 06/07/2023 07:07 GMT+7

TTCT - The World Book Encyclopedia là cái tên cuối cùng còn sót lại của một dòng xuất bản phẩm từng là kho tri thức đúng nghĩa của nhân loại.

Người cuối cùng của bộ tộc bách khoa thư - Ảnh 1.

Giống như việc nhiều công cụ trở nên lỗi thời và chìm vào quên lãng trong thời đại kỹ thuật số, có ý kiến cho rằng Internet đã "bức tử" bách khoa toàn thư bằng giấy. Ấy vậy mà Nhà xuất bản World Book, Inc. (Mỹ) vừa phát hành bản cập nhật 2023 của bộ từ điển bách khoa nay đã trên 100 tuổi.

Tiếc thay, The World Book Encyclopedia là cái tên cuối cùng còn sót lại của một dòng xuất bản phẩm từng là kho tri thức đúng nghĩa của nhân loại.

Sức hút hoài cổ

The World Book Encyclopedia xuất bản lần đầu tiên vào năm 1917, và kể từ năm 1925, gần như mỗi năm đều có bản cập nhật. Trong phần giới thiệu cho ấn bản 2023, World Book khẳng định đây là "bộ bách khoa toàn thư tham khảo tổng quát duy nhất vẫn được xuất bản cho đến ngày nay".

Lời rao này đã chiêu dụ thành công Benj Edwards, phóng viên chuyên mảng trí tuệ nhân tạo (AI) của trang Ars Technica. Dù ấn bản này cũng có bản điện tử với giá chỉ 250 USD, Edwards vẫn chi 1.199 USD để mua bản in - pho sách đồ sộ gồm 22 tập lẻ với tổng cộng trên 14 vạn trang.

Trong bài viết ngày 9-6, Edwards kể khi biết World Book vẫn in bách khoa thư, anh đi từ ngạc nhiên đến bồi hồi nhớ lại ấn bản năm 1968 mà gia đình anh từng sở hữu, và sau cùng là thôi thúc phải có nó cho bằng được.

Thật ra, trước đó, Edwards đã gửi một đề xuất nhận bản đọc thử đến World Book nhưng không được phản hồi. Vì đã tính đến tình huống này, nên không đọc thử được thì Edwards mua luôn. Mua, không chỉ để thỏa nỗi hoài niệm mà còn để "làm nghề": Edwards muốn trả lời câu hỏi, vì sao bản in này vẫn tồn tại giữa thời đại mà bao nguồn tham khảo thông tin miễn phí ngập tràn trên mạng.

Khi hàng về, Edwards cẩn thận lấy từng quyển một ra khỏi hộp, rồi thích thú cảm nhận sức nặng - cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng - của lượng thông tin nằm trong tay mình. Trải khắp 22 tập là 17.000 bài viết xếp theo ABC, với hơn 25.000 bức ảnh, hình minh họa, sơ đồ và bản đồ.

Ảnh: Benj Edwards/Ars Technica

Ảnh: Benj Edwards/Ars Technica

Bộ sách là "một bản tóm tắt kiến thức nhân loại được các chuyên gia biên soạn và hiệu đính, rồi xuất bản ở hình thức không một ai hay AI nào có thể can thiệp, chỉnh sửa sau đó" - anh viết. 

Gần 20 năm tiếp xúc với hàng tấn thông tin thật giả lẫn lộn trên cõi mạng, Edwards miêu tả cảm giác cầm bộ bách khoa thư in như đặt chân lên một vùng đất khô ráo sau một chuyến đi thuyền dài, một cảm xúc thật khó để đặt tên.

Mở một quyển trong bộ sách mới, Edwards thấy mình như quay ngược thời gian, bao ký ức về bản in năm 1968, vốn chiếm dụng một ngăn kệ lớn trong nhà anh, chợt ùa về. Hiện ra trước mắt anh là kiểu chữ quen thuộc từ thời thơ ấu mà anh đã bao lần tham khảo để làm bài tập tóm tắt nội dung sách, hay viết các báo cáo và dự án thời đi học cho đến khi tốt nghiệp trung học phổ thông vào năm 1999.

Chất lượng bền bỉ

Để kiểm tra độ chính xác của bản bách khoa toàn thư mới, Edwards đã tra cứu các bài báo ở các chủ đề sở trường như AI, máy tính, trò chơi điện tử, Internet, truyền thông và không khỏi gật gù. Giọng điệu trung lập, quyết đoán của World Book tạo cảm giác thật sảng khoái.

Về nội dung, theo Edwards nhận định, ấn bản năm 2023 khá cập nhật. Nào là tiểu sử của những nhân vật đáng chú ý như Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và nữ thẩm phán da màu đầu tiên trong lịch sử Tòa án tối cao Mỹ Ketanji Brown Jackson, nào là hàng trăm bài viết cập nhật về các chủ đề khác nhau, từ giáo dục tại nhà và người dân bản địa châu Mỹ, cho đến khám phá không gian và truyền hình.

Trang về truyền hình trong quyển World Book Encyclopedia 2023.  Ảnh: Benj Edwards

Trang về truyền hình trong quyển World Book Encyclopedia 2023. Ảnh: Benj Edwards

Mỗi buổi sáng, trong lúc đợi hai con chuẩn bị đi học, Edwards lôi ra một quyển ngẫu nhiên và xem qua. Chỉ vài phút buổi sáng, anh đã làm mới kiến thức của mình về nhiều chủ đề và tận hưởng sự ổn định có chủ ý trong trải nghiệm thông tin từ bản in. Những bài viết anh đã đọc cho đến nay đều chính xác và được viết tốt.

Anh cảm thấy tự tin khi sử dụng nó như một tài liệu tham khảo cá nhân không thường xuyên vì nó chắc chắn chính xác hơn mọi mô hình ngôn ngữ lớn (large language model) hiện tại (như ChatGPT), và nhất là khi thế giới trực tuyến ngày càng phụ thuộc vào AI.

Edwards cũng đánh giá cao sự thoải mái và khả năng tập trung cao mà bản in mang lại, bởi không có cửa sổ bật lên choán màn hình, không có yêu cầu đóng góp, không có quảng cáo nhan nhản như bản web. Chỉ có bản thân anh và thông tin do các biên tập viên của World Book tuyển chọn.

Tất nhiên, không có gì là hoàn hảo tuyệt đối. Bản Edwards mua mắc một lỗi liên kết khiến 60 trang đầu tiên của quyển G nhầm thành các trang trong quyển U. Một khách hàng khác mua bộ này trên Amazon cũng phản ánh lỗi tương tự. Khi nói với tổng biên tập World Book về lỗi in trên, anh nhận được câu trả lời: "Chúng tôi đã phát hiện vấn đề này gần đây. Nhà in đã đảm bảo với chúng tôi rằng chỉ một số lượng rất nhỏ các bản in bị nhầm". World Book cũng cho phép khách hàng mang đổi quyển bị lỗi hoàn toàn miễn phí.

Không phải ai cũng mê

"Bởi vì vẫn còn có cầu!" là câu trả lời mà Edwards nhận được qua email từ tổng biên tập Tom Evans của World Book cho thắc mắc tại sao công ty vẫn in bách khoa toàn thư. Theo Evans, nhu cầu đó ở khoảng "hàng nghìn" mỗi năm. 

Cụ thể hơn, một đại diện khác của World Book từng chia sẻ với trang Quartz năm 2019, nhu cầu mua bách khoa thư chủ yếu đến từ các trường học, thư viện công cộng và những gia đình có con em theo học chương trình giáo dục tại nhà. "Chúng tôi sẽ tiếp tục sản xuất bản in [của bộ sách] khi vẫn còn nhu cầu" - Evans khẳng định.

Có lẽ đó là những bến đỗ cuối cùng của dòng sách này. Bách khoa toàn thư, mà lại còn là bản in, thật sự ngày càng xa lạ giữa đời nay. Chả nói đâu xa, vẫn chuyện nhà Edwards: trái ngược với sự hào hứng của anh, vợ và hai con khá lạnh nhạt với bộ sách mới trong nhà. 

Ban đầu, khi nghe chồng khoe mới mua bộ bách khoa toàn thư, người vợ không biết phải phản ứng sao, dù sau đó cũng khá hứng thú vì bản thân từng sử dụng nó thời đi học. Chút lăn tăn chỉ kéo dài đến khi chị nhìn thấy gáy 22 quyển sách ghép lại thành hình con cá mập. "Em không muốn nhìn thấy một con cá mập to đùng mỗi ngày khi em bước vào phòng" - chị bảo chồng.

Ảnh: Benj Edwards/Ars Technica

Ảnh: Benj Edwards/Ars Technica

Dự định cho hai con, 10 và 13 tuổi, tập tham khảo bộ bách khoa thư như mình hồi nhỏ của Edwards cũng bất thành. Khi anh giới thiệu bộ sách, hai đứa nhỏ nhìn anh như thể anh là người ngoài hành tinh và đang nói một ngôn ngữ khác không phải tiếng người. Cho đến nay, hai đứa chưa từng mở bộ sách ra một lần nào.

Không chỉ riêng hai con của Edwards, trong một video trên YouTube với tựa đề "Teens React to Encyclopedias" (Thanh thiếu niên phản ứng về bách khoa toàn thư), một đứa trẻ đã đưa ra định nghĩa về bách khoa toàn thư là "Internet trong sách", một em khác so sánh "đó là Google của thời bấy giờ… quãng thời gian đó tồi tệ nhất". Bất chấp những phản ứng trên, Edwards vẫn vui khi biết rằng bất kể điều gì xảy ra trên mạng, thông tin bên trong bộ bách khoa thư anh vừa mua sẽ không bao giờ thay đổi.■

Muôn trí khôn trên nghìn trang sách

World Book có vẻ không sai khi tuyên bố đây là "bộ bách khoa toàn thư duy nhất vẫn được in cho đến ngày nay", ít nhất là theo tìm hiểu của Edwards. Đối thủ cạnh tranh khốc liệt nhất với bộ bách khoa toàn thư của World Book, Britannica, đã ngừng in vào năm 2012, sau 244 năm ra mắt.

Tóm tắt, tổng hợp kiến thức của nhân loại thành sách là việc làm có từ thời Thư viện Alexandria (thế kỷ 3 TCN - thế kỷ 3). Nổi bật nhất là bộ Naturalis historia (Lịch sử tự nhiên) do triết gia Pliny The Elder (thế kỷ 1) biên soạn, theo quyển All the Knowledge in the World (tạm dịch: Mọi kiến thức trên thế giới) viết về lược sử bách khoa toàn thư của Simon Garfield mới xuất bản đầu năm nay

Nói về bề dày văn hóa - lịch sử, không mấy ngạc nhiên khi Trung Quốc sở hữu một trong những bộ bách khoa thư lớn nhất trong lịch sử - bộ Vĩnh Lạc đại điển với tổng số 11.095 tập và khoảng 370 triệu ký tự - do Hoàng đế Vĩnh Lạc (1360-1424) thời nhà Minh (1368-1644) trực tiếp trông coi việc biên soạn.

Bên cạnh những bộ nhằm mục đích lưu trữ kể trên, All the Knowledge in the World cũng nhắc đến hình thức bách khoa thư hiện đại hơn, được in ấn và phân phối rộng rãi xuất hiện ngay trước thời soạn giả người Pháp nổi tiếng Denis Diderot (1713-1784), người đề cao tham vọng của những ai muốn tập hợp "tất cả kiến thức trên trái đất, để trình bày thành một hệ thống chung cho những người mà chúng ta cùng sống, và truyền nó cho những người sẽ xuất hiện sau chúng ta, để công việc của các thế kỷ trước không trở nên vô ích đối với các thế kỷ tiếp theo, để con cháu chúng ta, nhờ học hỏi nhiều hơn, có thể trở nên đạo đức hơn & hạnh phúc hơn, và rằng chúng ta đừng chết mà không xứng đáng là một phần của loài người".

Với sự hỗ trợ của triết gia kiêm nhà khoa học Jean le Rond d'Alembert (1717-1783), Diderot đã biên soạn thành công cuốn Encyclopédie, bộ bách khoa thư đình đám của Pháp vào thế kỷ 18.

Tác giả Garfield cũng dành nhiều trang đề cập về bộ Britannica từ lúc xuất hiện khiêm tốn, cho đến khi vươn tới thời kỳ cực thịnh vào thế kỷ 20 với lần tái bản thứ 15, rồi lụi tàn trước sự ra đời của hình thức bách khoa toàn thư trực tuyến, mà nổi bật nhất là Wikipedia - một bách khoa toàn thư tự do và miễn phí, ra đời năm 2001, được người người trên thế giới sử dụng đến tận ngày nay.

Theo The New York Times, 32 quyển của phiên bản năm 2010 là những bản in cuối cùng, để chuyển hoàn toàn sang online của Britannica - bộ bách khoa lâu đời nhất bằng tiếng Anh. Vào thời điểm tuyên bố ngừng in, Britannica cho biết bản điện tử của bộ bách khoa này đang phục vụ hơn 100 triệu độc giả trên toàn thế giới.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận