Nhà văn Wu Ming-yi: "Cân bằng chỉ là tạm thời, biến động mới là vĩnh cửu"

ZÉT NGUYỄN 15/04/2024 10:36 GMT+7

TTCT - Wu Ming-yi (1971) được coi là nhà văn xuất sắc nhất trong thế hệ của anh trên văn đàn đương đại Đài Loan.

Nhà văn Wu Ming-yi.

Nhà văn Wu Ming-yi.

Anh còn là nghệ sĩ, nhà hoạt động môi trường, chuyên gia về bướm và giáo sư văn chương ở Đại học Quốc lập Đông Hoa.

Nổi tiếng với các tác phẩm văn chương về đề tài môi trường, nơi có sự hòa trộn nhuần nhuyễn giữa bút pháp hiện thực và kỳ ảo, Wu Ming-yi (Ngô Minh Ích, 吳明益) là tác giả Đài Loan duy nhất có tác phẩm (Chiếc xe đạp mất cắp) lọt vào vòng sơ khảo giải Booker quốc tế năm 2018.

Cuốn tiểu thuyết mới nhất của anh 海風酒店 (tạm dịch: Quán bar gió biển) viết những vấn đề liên quan đến môi trường tại một ngôi làng hẻo lánh, được xuất bản vào tháng 6-2023 lập tức trở thành hiện tượng xuất bản, đã bán được hơn 20.000 bản.

Khác hẳn những nhà văn của các thời đại trước, Wu ming-yi ý thức được sự biến động dữ dội trong hệ sinh thái, luôn tập trung vào góc nhìn này trong việc trình hiện môi trường và nơi chốn vào tác phẩm của mình.

Cuộc phỏng vấn sau đây của Tuổi Trẻ Cuối Tuần được thực hiện vào ngày 23-2-2024 tại văn phòng The Grayhawk Agency ở Đài Bắc.

Anh bắt đầu viết văn từ bao giờ? Anh học cách kể một câu chuyện như thế nào?

Gia đình tôi chỉ là một hộ kinh doanh nhỏ không liên quan đến sách vở. Theo tôi nhớ, chắc phải đến thời cấp hai, cấp ba, vì anh chị tôi đều cách tôi khá nhiều tuổi, khi đó đều đã hai mươi mấy, đã có thể tự mua sách, nên tôi bắt đầu đọc ngay vào những tác phẩm người lớn, chứ không có trải nghiệm đọc truyện thiếu nhi vì trong nhà đâu có.

Tôi nghĩ một mặt là đến từ trải nghiệm đọc hồi đó, anh chị toàn đọc truyện võ hiệp, tiểu thuyết lãng mạn, đa phần của một nhà văn bấy giờ nổi tiếng lắm mà bây giờ giới trẻ Đài Loan chắc không ai biết. Mặt khác là vì gia đình tôi làm kinh doanh, cha tôi thì kiệm lời nhưng mẹ tôi thì rất hoạt ngôn. Theo tôi, có lẽ bắt nguồn từ hai điều này mà tôi bắt đầu viết văn, hình thành cách kể chuyện.

Các nhà phê bình gọi anh là một "nhà văn của tự nhiên". Tại sao anh lại chọn viết về môi trường, một đề tài trở đi trở lại trong các tác phẩm của anh, được biểu hiện ở nhiều khía cạnh khác nhau, khi là về bướm, về voi, khi là về rác thải và các hiểm họa môi trường…?

Giờ ngẫm lại thì đa phần là cơ duyên chứ không phải do tôi theo đuổi. Hồi tốt nghiệp đại học, tôi tham gia một triển lãm côn trùng. Triển lãm đó trưng bày rất nhiều tiêu bản, có cả bươm bướm sống để các bạn nhỏ quan sát. Công việc của tôi là ban ngày đem đám thực vật lên sân thượng phơi nắng, xong thay mới một lô thực vật đã nở hoa vào phòng quan sát, đem xác bướm làm thành tiêu bản đem bán.

Đây căn nguyên khiến tôi bắt đầu viết các tác phẩm sinh thái. Hồi đó các đoàn thể môi trường ở Đài Loan hoạt động khá yếu, chủ yếu xuất phát từ sở thích cá nhân. Ví dụ, có một anh thợ sửa xe máy, rất am hiểu về côn trùng, đã dẫn tôi đi tìm côn trùng. Cứ thế tự dưng tôi từ một đứa trẻ mê văn chương trở thành một gã mê thiên nhiên, vì tôi sinh ra ở thành phố mà, hoàn toàn không biết gì về mấy kiến thức tự nhiên.

Về sau thì tôi cũng trở thành chuyên gia, vì tôi nhiệt huyết lắm, còn phóng xe máy đi khắp nơi chụp ảnh bướm, làm tiêu bản bướm. Hồi đó không nhớ làm được bao nhiêu tiêu bản, vì sau hoặc đem tặng hoặc bị hỏng đợt động đất.

Nhưng điều này giúp gợi lại một số ký ức trong tôi, ví như về vị bác sĩ mà tôi từng nhắc đến trong Chiếc xe đạp mất cắp. Ông ấy là một trong hơn 20 người Đài Loan thi đỗ khoa y thời Nhật trị. Là bác sĩ nhưng sở thích của ông là làm tiêu bản côn trùng. Phòng khám của ông ấy ở cầu Đài Bắc bày đầy tiêu bản. Hồi nhỏ tôi không thấy đấy là điểm đặc biệt của phòng khám đó, nhưng khi tôi bắt đầu bắt côn trùng, có lần tôi đưa đứa cháu con anh trai đi khám bệnh, qua phòng khám gặp ông ấy, nói chuyện qua lại, ông ấy còn tặng tôi tiêu bản và bản thảo tự viết. Tuần nào ông ấy cũng viết nhật ký thu thập (tiêu bản).

Tôi cảm thấy đây là đích đến sáng tác của mình, hòa trộn giữa văn học, mỹ học, khoa học. Trong tài liệu của ông ấy thậm chí còn ghi chép cả câu chuyện thu thập từng loài bướm của các nhà khoa học Nhật Bản. Tôi rất trân trọng tập bản thảo ông ấy tặng, những tài liệu ông ấy tự viết tự đọc ấy đã trở thành cảm hứng cho các tình tiết trong tiểu thuyết của tôi, như con tinh tinh lông đỏ Nhất Lang ông ấy kể từng gặp trong vườn thú.

Tôi tham gia một số tổ chức môi trường nên có quen biết một vài nhà khoa học. Theo tôi thấy thì các nhà khoa học hào phóng hơn hẳn các nhà văn. Đến 90% các nhà văn thường khá vị kỷ, nhưng các nhà khoa học thì khác, họ rất nhiệt tình chia sẻ với bạn về công trình nghiên cứu của họ, chỉ cần bạn có chút hứng thú.

Có người từng rủ tôi cùng đi thu thập côn trùng, chuyện này tôi cũng viết trong tiểu thuyết Khổ vũ chi địa (The Land of Little Rain). Nên bản thân tôi càng ngày càng thích lĩnh vực môi trường, yếu tố sinh thái, với những chi tiết vốn dĩ đã đầy tính tiểu thuyết, vì thế dần dần đi vào các câu chuyện của tôi.

Từ Người mắt kép đến Chiếc xe đạp mất cắp, Quán bar gió biển đều có một kiểu cấu trúc là rất nhiều truyện nhỏ có thể đứng độc lập, trong một tự sự lớn, giúp độc giả có được cái nhìn vừa riêng tư ở mỗi cảnh đời, vừa có cái nhìn tổng thể. Anh nghĩ ra được cấu trúc như vậy bằng cách nào?

Rất cảm ơn chị đã phát hiện ra đặc điểm này, vì cho đến giờ có lẽ chưa một nhà phê bình nào tại Đài Loan nhận ra điều đó. Tiểu thuyết cổ điển, theo trải nghiệm đọc của tôi, thường mang một mục tiêu to tát, tuy nhân vật rất vĩ đại nhưng nhân vật tồn tại đều để phục vụ cho mục tiêu chung ấy, chứ không có câu chuyện chi tiết về một nhân vật cá biệt, giống như chị nói, những cảnh đời riêng.

Nhưng tôi cho rằng xét theo quan niệm hệ sinh thái, tuy chúng ta có những sinh vật cấp cao như con người hay cá voi, song mỗi loài sinh vật nhỏ bé đều có những điểm thú vị riêng. Cho nên giờ, trong giới khoa học có người chuyên nghiên cứu ký sinh trùng, có người lại chuyên nghiên cứu gì đó.

Tôi cho rằng thế giới được cấu thành như vậy, chứ không phải nhằm một mục tiêu to tát như trong Chiến tranh và hòa bình, các nhân vật đều lao về một mục tiêu ấy. Đây là cách nhìn khác về thế giới của tôi qua quan niệm sinh thái.

Như trong cuốn tiểu thuyết Quán bar gió biển, vì nội dung khá dài nên ban đầu khi tôi nhờ bạn bè đọc thử, một số người, nhất là các bạn nước ngoài, cho rằng ngắn hơn một chút thì thích hợp chuyển ngữ hơn. Thực ra tôi cũng có thể từ bỏ một vài chi tiết, ví dụ như vào các thập niên 1960, 70, 80 khi người dân tộc bản địa Đài Loan đổ xô tới Đài Bắc làm thuê, có một nhóm người vì nhớ quê, muốn nghe nhạc, đã tự thu âm băng cassette bán ở chợ đen. Băng cassette của những ca sĩ người dân tộc bản địa thời đó (như Wan Sa Lang, Tan Lan Hua…) giờ hầu như không còn thấy trên thị trường chợ đen nữa. Nhưng tôi cảm thấy thứ âm nhạc đó hết sức đáng quý, đó là âm thanh thân thuộc với họ.

Trong tiểu thuyết Quán bar gió biển, tôi đã viết đến mấy nghìn chữ về chi tiết người ta bán những băng cassette đó ở chợ đen. Có thể sẽ có độc giả cho rằng viết vài ba câu là đủ rồi, nhưng về sau tôi cũng viết nhiều thứ nữa liên quan đến các bài hát, như một thủ lĩnh của người dân tộc bản địa đi ra bờ biển hát nhạc Hoa nhạc Nhật để học tiếng, vì ông ấy đã khuất phục trước những ngôn ngữ ấy. Tôi thấy nghe nhạc chính là một cách học ngôn ngữ, như thời chúng tôi mọi người đều nói muốn học tiếng Anh thì nghe nhạc Anh. Với người dân tộc bản địa cũng vậy. Nên tôi cho rằng tình tiết này có tính ẩn dụ rất lớn. Chắc chắn sẽ có độc giả chú ý thấy.

Đọc Chiếc xe đạp mất cắp thì thấy anh đã thực sự bỏ nhiều thời gian nghiên cứu về những gì mình viết, từ lịch sử xe đạp tới lịch sử chiến tranh, trở thành chuyên gia trong các lĩnh vực ngoài văn chương. Anh quan niệm thế nào về "sự thật" và "hư cấu" qua cách anh xây dựng thế giới hư cấu dựa trên các "sự thật" vô cùng vững vàng?

Câu hỏi này rất khó trả lời. Nghề viết văn cách đây 100-200 năm có địa vị rất đặc biệt, bởi thời đó con người chỉ có thể ghi chép câu chuyện của chính mình qua tranh vẽ và văn tự, còn âm thanh thì chịu. Nên nhà văn có địa vị rất cao, như thể có quyền năng sáng tạo vạn vật, nhưng thực ra đâu thể nào có chuyện đó mãi mãi. Trải nghiệm của những con người bình thường ngoài kia có khi còn đời hơn, nhiều thứ để nói hơn. Có những nhà văn quên mất bản thân cũng có thể lắng nghe tiếng nói của người khác, họ cho rằng cứ đào xới trong phòng mình cũng có thể tạo dựng nên thế giới riêng.

Quan điểm của họ không sai, nhưng tôi thiên về khai thác câu chuyện của người khác hơn. Trong khi đào sâu vào câu chuyện của người khác, tôi phát hiện ra có những điều vượt ngoài tầm hiểu biết của mình. Ví dụ khi tôi viết Chiếc xe đạp mất cắp, chuyện đội quân xe đạp khi ấy đã phải đạp xe từ Đài Bắc đến Khẩn Đinh, Bình Đông để rèn luyện sức bền sức chịu đựng hoàn toàn nằm ngoài tưởng tượng của tôi.

Hay giáo dục quốc phòng của Nhật luôn dùng mỹ từ để nói về sự hy sinh, ví dụ như chết thì nói là rắc hoa, vũ khí thì gọi là hoa anh đào, cảm tử thì kêu là ngọc vỡ, hay như đơn vị của người cha trong truyện gọi là Đội quân Bánh xe bạc, toàn là những hình tượng rất đẹp nhưng đều nhằm kêu gọi binh lính hy sinh vì nghiệp lớn. Tôi bắt buộc phải đọc, phải tìm kiếm những tiểu tiết trong thế giới mới có thể hiểu được.

Trong Quán bar gió biển, khi đi lấy tư liệu, tôi nghe được một chuyện hết sức lạ lùng. Người dân tộc bản địa hồi ấy được nhận tiền đền bù từ nhà máy xi măng, lần đầu tiên trong đời họ có trong tay nhiều tiền đến thế. Họ kể rằng, ngay ngày hôm sau những người bán xe hơi thể thao ở Đài Bắc đổ xô tới bộ lạc của họ, trên đường xếp đến mười mấy mẫu xe khác nhau. Thế là họ đem hai, ba triệu tệ trên người ra mua xe. Mua xe xong không có chỗ nào đi thì lái xe sang bộ lạc khác ăn sáng, được hai ba tháng không có tiền đổ xăng nữa, xe cứ đỗ vậy ven đường. Vì họ chỉ nhận hai ba triệu tệ tiền đền bù, làm gì có nguồn thu nhập lâu dài nào. Chuyện này nghe rất phi lý, cứ như tôi bịa ra nhưng họ vừa kể vừa cười, ngây ngây ngô ngô chứ cũng không có vẻ buồn bã gì.

Người khác nhìn vào có lẽ sẽ cho là tôi đang khinh miệt người dân tộc bản địa, miêu tả họ chẳng khác nào đồ ngốc. Nhưng chính họ khi nhớ lại những chuyện đó, xảy ra hồi 1987 -1990, thế hệ sau nghe từ cha mẹ họ, kể lại cứ hềnh hệch thế đấy.

Anh viết rất nhiều về chợ Trung Hoa ở Đài Bắc, chính là nơi anh lớn lên, như một không gian văn hóa và ký ức. Nơi này ảnh hưởng như thế nào về cách nhìn nhận cuộc sống cũng như cách anh trình hiện nó trong các tác phẩm của mình?

Tôi thấy mình rất may mắn được sống trong một không gian có đến mấy nghìn người cùng chung sống, vì có thể chứng kiến sự phức tạp của tính người. Ví dụ như mẹ tôi, mẹ tôi là một người rất lương thiện, nhưng cũng là một người rất gian manh. Bà không bao giờ thấy áy náy khi lừa gạt khách hàng, nhưng cũng lại là một người rất tốt. Có thể ngay phút trước bà còn dạy tôi làm người phải thế nào, phút sau có khách tới mua giày cỡ 38 nhưng nhà tôi chỉ còn cỡ 39, bà liền sai tôi lên trên gác thay nhãn dán.

Tôi thì không thấy có gì mâu thuẫn, tôi cho rằng con người có lẽ như đều như thế. Nhưng giới trẻ ngày nay, nhất là trong xã hội Đài Loan hiện tại, suy nghĩ hơi thiên về cánh tả, trên đời này có thứ gọi là chính nghĩa, lẽ phải mà. Nhưng sống trong môi trường ấy làm tôi cảm thấy phân biệt tốt xấu trắng đen không đơn giản như thế.

Điều này đã trở thành nền tảng chính trong sáng tác của tôi. Vì bản thân tôi biết trong lòng mình có rất nhiều ích kỷ, tôi biết cách tránh né một số việc, nhưng trong môi trường dư luận hiện nay, tôi không có cách nào bộc lộ được những tiếng lòng ấy. Chỉ có viết tiểu thuyết tôi mới thể hiện được những biến động tâm lý của mỗi một nhân vật một cách công bằng bình đẳng.

Cách ký ức vận hành trong tác phẩm của anh, vừa là một nguồn kể đáng tin cậy lại vừa bất khả tín. Liệu có phải ký ức là một nguồn dẫn biến hóa khôn lường không?

Kể chuyện là một kỹ thuật chủ đạo trong viết tiểu thuyết. Tôi dạy sáng tác ở trường đại học, nhiều lúc tôi cảm thấy, và chính sinh viên cũng nhận ra, nhiều người trong số họ mạnh về bày tỏ quan điểm, phong cách viết của một số người lại phù hợp viết ở ngôi thứ nhất. Tôi cũng biết mình làm tốt hơn, thoải mái hơn, nhàn hơn khi viết tiểu thuyết ở ngôi thứ nhất.

Những sinh viên mà tôi dạy đều là tác giả đang sáng tác cuốn sách đầu tay, nên họ có thể viết theo cách thức sở trường nhất. Nhưng tôi đâu còn là tác giả của một cuốn sách nữa, tôi bắt buộc phải không ngừng làm mới, vượt qua bản thân, tìm ra những cách thức khác biệt để thể hiện tác phẩm của mình. Vì tôi là một nhà văn sẽ có 10, 15 tác phẩm.

Đối với tôi, chỉ cần tìm được tính hợp lý trong câu chuyện thì lời kể có trở nên đáng tin hay là không đáng tin, miễn đạt được mục đích nghệ thuật của tôi thì tôi sẽ thay đổi.

Những năm 1980 như một thời kỳ phục hưng của điện ảnh Đài Loan với những cái tên nổi tiếng như Hầu Hiếu Hiền, Dương Đức Xương. Điện ảnh có ảnh hưởng tới sáng tác của anh không? (nhất là khi anh đã tái hiện lại cả giai đoạn những năm 1980 trong tập truyện ngắn Nhà ảo thuật gia trên cầu bộ hành)

Nơi tôi ở nằm ngay trung tâm điện ảnh của Đài Loan, tức Tây Môn Đinh. Hồi đó chúng tôi còn gọi con phố ở Tây Môn Đinh là phố điện ảnh. Đối diện nhà tôi là rạp chiếu bóng, nên việc xem phim đối với tôi vừa xa xỉ vừa gần ngay trước mắt nhưng hằng ngày tôi đều có thể thấy rạp thay đổi các bộ phim công chiếu.

Phim ảnh đóng vai trò quan trọng với tôi. Lên đại học tôi học ngành truyền thông đại chúng, bắt đầu tiếp xúc với phim ảnh là đâm mê mệt. Tôi quen một đàn anh khóa trên, là người đầu tiên tổ chức liên hoan phim sinh viên ở Đài Loan, hiện là một nhân vật quan trọng trong giới điện ảnh Đài Loan. Hồi anh ấy bắt đầu tổ chức liên hoan phim trong trường đại học, tôi là người phụ trách làm áp phích. Phim ảnh có ảnh hưởng hết sức lớn đối với tôi.

Văn chương Đài Loan có một luồng gió mới như vậy như trong điện ảnh không?

Đài Loan có khái niệm làn sóng hay luồng gió văn chương mới không nhỉ? Tôi thấy trong lịch sử văn học Đài Loan, các nghiên cứu mà tôi đọc được đến giờ không còn dùng cụm từ ấy nữa. Mọi người đều phân định văn học Đài Loan theo các phong cách như trường phái hiện đại, trường phái tả thực, trường phái hậu hiện đại...

Cá nhân tôi cho rằng loạt nhà văn thuộc thời kỳ trường phái hiện đại, do bắt đầu học hỏi viết theo phong cách của các nhà văn phương Tây nên quả thực đã khơi mào những khuynh hướng, hình thức mới mẻ đối với chúng tôi. Thì ra tiểu thuyết tiếng Trung cũng có thể viết như thế.

Trong giai đoạn trưởng thành, tôi đã đọc những tác phẩm thời kỳ đầu của lớp nhà văn này, ví dụ như nhà văn Wang Wen-hsing (Vương Văn Hưng) vừa mới qua đời, tôi thấy truyện ngắn ông ấy viết thời trẻ cực kỳ đặc biệt, khác hẳn những tiểu thuyết lịch sử Trung Quốc hay tiểu thuyết thời Nhật trị chúng tôi từng đọc.

Trong Nhà ảo thuật gia trên cầu bộ hành anh dùng một câu của Gabriel García Márquez làm đề từ, "Thực sự tôi muốn trở thành nhà ảo thuật, nhưng khi làm ảo thuật tôi rất căng thẳng, nên đành lánh vào sự cô độc của văn chương". Ảo thuật diễn ra trên các lớp văn bản khiến tác phẩm như làm nhòe đi đường biên giữa truyện hư cấu và truyện thực. Đây có phải là chủ đích của anh?

Có ba căn nguyên. Một là khu chợ Trung Hoa tôi từng ở chính là một nơi thường xuyên xảy ra những chuyện có vẻ hết sức ly kỳ nhưng bản thân chúng tôi là những người sống trong đó lại cảm thấy rất đỗi tự nhiên.

Hai là mẹ tôi là một tín đồ thành kính của tín ngưỡng dân gian Đài Loan, phàm chuyện gì bà cũng đi hỏi "kê đồng", thành thử tôi rất quen thuộc với phương diện văn hóa này.

Thứ ba, Hoa Liên nơi tôi dạy học suốt 20 năm là nơi ở của người dân tộc bản địa, trong văn hóa của họ cũng có rất nhiều truyền thuyết lẫn thần thoại ở giữa ranh giới hư và thực. Sáng tác của tôi cắm rễ nơi thổ nhưỡng này nên đương nhiên khi viết cũng hết sức tự nhiên, tôi không cố ý viết những nội dung đó nhằm đạt được hiệu quả văn chương, huyền ảo hay bất khả tri, vốn dĩ đã là một phần cuộc sống của tôi.

Khu chợ Trung Hoa từng là nguồn cảm hứng văn chương cho Wu Ming-yi.

Khu chợ Trung Hoa từng là nguồn cảm hứng văn chương cho Wu Ming-yi.

Lịch sử mà chúng ta vẫn hay đọc thường được coi là sự thật, nhưng trong đó vẫn có rất nhiều tính hư cấu. Hồi trước tôi đọc Sử ký của Tư Mã Thiên có chuyện về một nhân vật là thích khách được giao nhiệm vụ ám sát một quân vương, sau khi cân nhắc kiểu đây là một vị quân vương tốt, nếu mình giết y thì thật không phải, nhưng nếu không giết y thì mình lại bất trung với chủ nhân, cuối cùng anh ta chọn cách tự sát. Nhưng anh ta đã tự sát rồi thì còn ai biết lúc đó anh ta từng đấu tranh nội tâm như vậy chứ. Chi tiết này rõ là bịa, nhưng chúng ta vẫn coi đó như sự thật lịch sử mà ca ngợi nhân vật đó. Sử ký rõ ràng là tác phẩm hư cấu nhưng người đọc coi đó là thật vì các sự kiện được viết rất chi tiết.

Khi viết văn, tôi cho rằng giữa hư cấu hay thực tế, quan trọng là ta lựa chọn tin vào chuyện như thế nào. Muốn sáng tạo ra một thế giới mà người đọc chịu tin, cần dựa vào những chuyện mà họ đã sẵn muốn tin, như vậy sẽ dễ lôi kéo họ rơi vào trạng thái khó lòng phân định thật giả thực hư hơn.

Nhà văn Wu Ming-yi:

Khi được hỏi có xếp Quán bar gió biển là một tiểu thuyết môi trường không, anh trả lời nó là một tiểu thuyết. Câu trả lời làm tôi thấy sảng khoái và luôn nghĩ văn chương luôn vượt lên mọi nhãn dán, mọi xếp loại. Anh suy nghĩ gì về điều này?

Tôi có cùng quan điểm với chị. Loại hình văn chương được đặt ra sau này, nhằm phục vụ nhu cầu phê bình, phân loại, đối chiếu, so sánh của các nhà phê bình. Tuy có thể qua đó biết được một số dòng và cấu trúc viết văn, nhưng đối với người sáng tác thì không có ý nghĩa quá lớn.

Là một người sáng tác, cần sáng tác được tác phẩm có thể đi vào lòng người và ở đó dài lâu. Vậy thì mọi đề tài liên quan đến tính người, khiến bản thân cảm thấy trăn trở khó lý giải đều là thứ chúng ta theo đuổi.

Anh cho núi có thể có tiếng gầm, cây si có khả năng chữa lành tổn thương, hang đá thì nhận biết con người. Những thế giới hư cấu của anh xoay chuyển từ góc nhìn của người tới góc nhìn của những thứ không phải con người. Có phải anh tạo ra tính chủ thể cho những vật không phải con người, tạo quyền tự chủ cho chúng trong một hệ thống sinh thái mà con người không phải là trung tâm không?

Trong tất cả các sinh vật, duy chỉ con người là có khả năng biến mọi ảo tưởng trong đầu mình thành thật. Những sinh vật khác cũng nằm mơ, một số sinh vật cũng có thể suy nghĩ, nhưng có sức mạnh biến những tưởng tượng ấy thành tác phẩm sáng tạo thì chỉ có con người.

Tưởng tượng là động lực quan trọng của văn minh nhân loại, kỹ năng cơ thể cũng vậy, ở một mức độ nào đó, cơ thể góp phần khiến những tưởng tượng trong não bộ chúng ta trở nên khả thi. Tôi cho rằng loài người có biến mất thì thế giới này vẫn có thể vận hành (rất ít những sinh vật sống nhờ vào con người), nhưng con người đã tạo dựng ý nghĩa cho thế giới. Vì thế, tôi trân trọng phần đáng quý này.■

(Cuộc phỏng vấn được thực hiện với sự trợ giúp phiên dịch của Kevin Wang và Nguyễn Tú Uyên)

Một bài nghiên cứu có nhắc đến việc anh định nghĩa Đài Loan: "Đài Loan" là một từ lai tạp (kết hợp) được trao cho mọi vật sống và sinh cảnh trên hòn đảo này, một danh từ liên tục biến đổi. Mỗi ngày, Đài Loan chết đi thêm một chút, được sinh ra thêm một chút, rồi lại trở nên Đài Loan nhiều hơn nữa". Đó có phải là lý do tại sao các nơi chốn và con người trong tác phẩm của anh không bao giờ đứng yên mà luôn trong trạng thái dịch chuyển, biến đổi?

Các nhà sinh vật học từng cho rằng sinh vật ở đâu thì vẫn ở đó giống như hàng hóa bày trên giá kệ, nhưng về sau lại phát hiện sinh vật cũng chuyển hóa, biến đổi tùy theo môi trường cũng như thúc đẩy sự thay đổi của môi trường.

Các nhà sinh thái học hiện nay đa phần nhận định sinh thái chính là một quá trình liên tục nhiễu động, cân bằng chỉ là tạm thời, biến động mới là vĩnh cửu. Có lẽ tôi đã tiếp thu và biến quan điểm này thành một phần nhân sinh quan của mình.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận