20/06/2023 05:30 GMT+7

Nhân viên ngân hàng bán thông tin tài khoản chỉ 200.000 đến 1,9 triệu/trường hợp

Phòng An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (PA05, Công an Đà Nẵng) vừa phá một đường dây thu thập, mua bán trái phép thông tin tài khoản ngân hàng với sự tiếp tay của chính nhân viên ngân hàng.

Quảng cáo dịch vụ tra soát, mua bán thông tin tài khoản ngân hàng trên mạng xã hội - Ảnh: H.B.

Quảng cáo dịch vụ tra soát, mua bán thông tin tài khoản ngân hàng trên mạng xã hội - Ảnh: H.B.

Công an đã triệu tập hàng chục nhân viên của 13 ngân hàng thương mại cổ phần tại nhiều địa phương trên cả nước liên quan việc cung cấp, bán thông tin tài khoản ngân hàng cho H.Đ.N. (30 tuổi, trú tỉnh Lào Cai).

Nhân viên ngân hàng tiếp tay kẻ xấu

Một số nhân viên ngân hàng đã trao đổi, bán thông tin tài khoản ngân hàng với số lượng lớn, trên 20 tài khoản. 

Chẳng hạn, ông N.M.D. (trú TP.HCM, nhân viên ngân hàng M.) đã gửi cho N. thông tin 23 tài khoản thuộc hai ngân hàng M. và V.. Ông này trực tiếp sử dụng tài khoản được ngân hàng cấp cho mình đăng nhập vào hệ thống nội bộ ngân hàng M. để tra soát thông tin của ba tài khoản ngân hàng rồi bán cho N..

Đối với thông tin 20 tài khoản ngân hàng V., trước đây nam nhân viên này từng làm việc tại ngân hàng trên nên có nhiều mối quan hệ đồng nghiệp. Do vậy, người này đã nhờ đồng nghiệp cũ tra cứu thông tin tài khoản để gửi cho mình và bán lại cho N. với giá 200.000 - 400.000 đồng/tài khoản.

Tương tự, bà P.T.H.T. (trú Đà Nẵng, nhân viên ngân hàng S. chi nhánh Đà Nẵng) đã sử dụng tài khoản nhân viên được ngân hàng cấp cho mình để đăng nhập vào hệ thống nội bộ. Qua đó tra cứu thông tin tài khoản ngân hàng theo số tài khoản mà H.Đ.N. cung cấp rồi gửi cho N. thông tin của 25 tài khoản thuộc ngân hàng này.

Một cán bộ PA05 cho biết với việc cung cấp thông tin về các tài khoản ngân hàng cho H.Đ.N., nữ nhân viên này được trả phí 500.000 đồng/tài khoản. Tổng cộng, nữ nhân viên ngân hàng này đã hưởng lợi 12,5 triệu đồng từ việc bán trái phép thông tin tài khoản ngân hàng.

Một nhân viên khác của ngân hàng S. là ông L.Đ.A. (trú Đà Nẵng) cũng đã sử dụng tài khoản nhân viên được ngân hàng cấp cho mình để đăng nhập vào hệ thống nội bộ nhằm tra cứu thông tin tài khoản ngân hàng theo số tài khoản mà N. cung cấp.

Theo PA05, nhân viên này đã gửi cho N. thông tin của 25 tài khoản thuộc ngân hàng S. và được H.Đ.N. trả phí 200.000 đồng/thông tin mỗi tài khoản. Nhân viên ngân hàng này đã nhận 5 triệu đồng từ việc bán tài khoản.

Ngoài ra, theo công an, một số nhân viên ngân hàng thương mại cổ phần khác có quen biết với H.Đ.N. qua mạng xã hội, sau đó nhận tra soát thông tin tài khoản ngân hàng các cá nhân để bán cho N..

Đua mở thẻ dẫn đến sai phạm

Trước đó, các trinh sát PA05 phát hiện một nhóm đăng tải lên các trang mạng xã hội các bài viết liên quan việc nhận tra soát thông tin cá nhân của khách hàng tại 22 hệ thống ngân hàng trên toàn quốc để thu phí. Do đó cơ quan này đã xác lập chuyên án và xác định H.Đ.N. cùng nhiều người có liên quan.

N. khai nhận từ khoảng tháng 10-2022, đã tham gia nhóm Facebook tên "Tài khoản ngân hàng A.T.M". Trong nhóm này có nhiều tài khoản Facebook đăng tải các bài viết trao đổi, mua bán thông tin tài khoản của người khác. 

Thấy dễ kiếm tiền nên N. đã sử dụng Facebook, Zalo và Telegram của mình và người yêu để đăng tải bài viết có nội dung quảng cáo nhận làm dịch vụ tra soát thông tin tài khoản ngân hàng của người khác, có thu phí để hưởng lợi bất chính.

Khi có người liên lạc mua thông tin tài khoản ngân hàng, N. liên hệ các đầu mối trên mạng và các nhân viên ở các ngân hàng trên cả nước để thu thập, mua thông tin rồi bán lại với giá chênh lệch. 

Tùy vào từng ngân hàng mà N. bán thông tin tài khoản với giá khác nhau, dao động từ 300.000 đồng đến 2,2 triệu đồng mỗi thông tin tài khoản.

Sau khi thu tiền của người mua thông tin, N. trả tiền cho người đã tra soát, cung cấp, bán thông tin tài khoản ngân hàng với số tiền 200.000 đồng đến 1,9 triệu đồng mỗi thông tin tài khoản. Tổng cộng N. đã trao đổi, mua bán thông tin của hơn 200 tài khoản ngân hàng để thu về số tiền hơn 400 triệu đồng.

Ngoài ra, N. còn nhận thu thập thông tin cá nhân của người khác rồi gửi cho nhóm có quan hệ cộng tác với nhân viên ngân hàng để đăng ký mở nhiều tài khoản ngân hàng (không đúng quy trình) nhằm bán lại cho người có nhu cầu (chủ yếu ở Campuchia) để thu lợi.

Theo PA05, đây là vụ án đầu tiên trên cả nước mà cơ quan chức năng đã làm rõ, chặn đứng đường dây mua bán trái phép thông tin cá nhân của tài khoản ngân hàng số lượng lớn, với sự tiếp tay của nhân viên các ngân hàng. Đây là vấn nạn cần phải ngăn chặn. 

"Quá trình đấu tranh cũng đã làm rõ các hoạt động của các ngân hàng thương mại cổ phần hiện nay vẫn còn tình trạng chạy chỉ tiêu mở thẻ tài khoản ngân hàng, dẫn đến sai phạm trong quy trình đăng ký mở tài khoản ngân hàng", một cán bộ PA05 cho biết.

H.Đ.N. (30 tuổi, trú tỉnh Lào Cai) tại cơ quan công an - Ảnh: H.B.

H.Đ.N. (30 tuổi, trú tỉnh Lào Cai) tại cơ quan công an - Ảnh: H.B.

Sẽ bị xử lý hình sự nếu mua bán thông tin tài khoản

Theo luật sư Trần Hậu (Đoàn luật sư Đà Nẵng), việc thu thập, tàng trữ, trao đổi, mua bán, công khai hóa trái phép thông tin về tài khoản ngân hàng là hành vi bị nghiêm cấm theo quy định của pháp luật.

Nếu ngân hàng và các nhân viên ngân hàng tiết lộ hoặc bán thông tin này, người sử dụng các thông tin để lừa đảo chiếm đoạt tài sản, thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật và xâm phạm vào đời tư, xâm phạm vào cuộc sống riêng tư của người khác; gây nhiễu loạn xã hội; ảnh hưởng nặng nề đến an ninh tiền tệ, an toàn xã hội...

Theo quy định tại điều 291 Bộ luật Hình sự, các nhân viên ngân hàng có hành vi thu thập, tàng trữ, trao đổi, mua bán, công khai hóa trái phép thông tin về tài khoản ngân hàng với đủ số lượng cấu thành tội phạm sẽ bị xử lý trách nhiệm hình sự.

Trường hợp nếu có hành vi giúp sức cho người khác thực hiện tội phạm, các nhân viên ngân hàng là đồng phạm với vai trò giúp sức nên cũng sẽ bị xử lý trách nhiệm hình sự với vai trò đồng phạm. Nếu mức độ vi phạm chưa đến mức xử lý trách nhiệm hình sự sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định.

Một số vụ mua bán tài khoản ngân hàng bị phát hiện

* Ngày 22-5-2023, Công an tỉnh Cao Bằng khởi tố bị can với Hoàng Văn Nghĩa (34 tuổi, trú huyện Hòa An, tỉnh Cao Bằng) về tội "thu thập, tàng trữ, trao đổi, mua bán công khai hóa trái phép thông tin về tài khoản ngân hàng" quy định tại điều 291 Bộ luật Hình sự.

Từ tháng 5-2022 đến lúc bị bắt, Nghĩa đã mua hơn 50 tài khoản và thuê hàng trăm tài khoản khác, thu lợi bất chính hằng tháng 60 - 70 triệu đồng.

* Tháng 1-2023: Công an quận Bình Thạnh (TP.HCM) đã khởi tố bị can nhóm Hồng Viễn Thành, Lương Gia Tấn, Nguyễn Văn Thắng về hành vi sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản.

Mở rộng điều tra, Công an quận Bình Thạnh phát hiện thêm người liên quan đã mua 69 tài khoản ngân hàng.

* Tháng 10-2022: Công an Thừa Thiên Huế khởi tố nhóm Nguyễn Xuân Minh Tuấn, Nguyễn Xuân Minh Vũ, Nguyễn Hồ Quỳnh Uyên và Nguyễn Thị Minh Nhật về tội "thu thập, mua bán trái phép thông tin về tài khoản ngân hàng" (điều 291 Bộ luật Hình sự).

Nhóm này thu mua mỗi tài khoản giá 1 triệu đồng. Từ tháng 6-2021 đến lúc bị bắt, nhóm này đã mua tổng cộng 255 tài khoản ngân hàng, thu lợi hàng tỉ đồng.

THÁI AN

* TS Phan Anh Tuấn (Trường đại học Luật TP.HCM):

Tăng cường xử lý, kết hợp với tuyên truyền

Theo quy định hiện hành, hành vi thu thập, mua bán tài khoản ngân hàng là hành vi vi phạm pháp luật và sẽ bị xử lý tương ứng với mức độ vi phạm, xử phạt tiền từ 40 - 100 triệu đồng căn cứ vào các khoản 5, khoản 6 điều 26, nghị định 88/2019 xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng.

Đối với hành vi thu thập, tàng trữ, trao đổi, mua bán, công khai hóa trái phép thông tin về tài khoản ngân hàng từ 20 tài khoản trở lên hoặc thu lợi bất chính từ 20 triệu đồng trở lên sẽ bị xử lý hình sự về tội danh "tội thu thập, tàng trữ, trao đổi, mua bán, công khai hóa trái phép thông tin về tài khoản ngân hàng" (điều 291 Bộ luật Hình sự). Với tội danh này, người vi phạm có thể bị phạt tiền đến 500 triệu đồng hoặc phạt tù đến 7 năm.

Tuy nhiên, để ngăn chặn hiệu quả hành vi vi phạm từ chính nhân viên ngân hàng cũng như các đối tượng khác, các cơ quan thực thi pháp luật cần tăng cường đấu tranh, xử lý nghiêm với các đối tượng vi phạm.

Ngoài ra cũng cần tăng cường tuyên truyền cho người dân biết để tránh việc tham lợi nhỏ, tham gia mở tài khoản hộ, thuê mở tài khoản, bán tài khoản vô tình tiếp tay cho tội phạm công nghệ cao và vô tình vi phạm pháp luật.

* Ông Trần Hữu Dũng (chủ tịch HĐQT Công ty CP Dịch vụ an toàn thông tin TP.HCM - HISSC):

Đầu tư công nghệ bảo mật đủ mạnh

Thông tin tài khoản khách hàng là tài sản rất quan trọng, sống còn của mỗi ngân hàng. Vì vậy, thông tin đó phải được bảo mật ở cấp độ cao nhất. Để ngăn chặn việc lộ, lọt thông tin tài khoản của khách hàng từ chính nhân viên ngân hàng, mỗi ngân hàng cần có các quy chế về phân cấp, phân quyền truy cập thông tin khách hàng thật chặt chẽ.

Trên cơ sở đó, mỗi ngân hàng phải đầu tư hệ thống quản lý dữ liệu thông tin khách hàng cùng với lực lượng nhân sự quản lý hệ thống đủ mạnh.

Hệ thống đó phải đủ sức để kiểm soát, lọc, phát hiện, báo cáo và ngăn chặn kịp thời việc đăng nhập hay truy vấn thông tin khách hàng bất thường hay từ những người, những vị trí không có, không đủ thẩm quyền.

Để bảo đảm bảo mật cho thông tin khách hàng, các ngân hàng cần chú trọng đầu tư và thường xuyên nâng cấp giải pháp kỹ thuật và công nghệ bảo mật. Ngoài ra cần truyền thông giáo dục ý thức bảo mật cho nhân viên của mình, tránh vì tham lợi nhỏ mà mua bán thông tin khách hàng để lãnh hậu quả nghiêm trọng.

THÁI AN

Đường dây mua bán thông tin tài khoản ngân hàng có sự tiếp tay của nhân viên ngân hàngĐường dây mua bán thông tin tài khoản ngân hàng có sự tiếp tay của nhân viên ngân hàng

Công an Đà Nẵng vừa triệt phá đường dây mua bán trái phép thông tin tài khoản ngân hàng, vụ việc có sự tiếp tay của nhân viên ngân hàng.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên