27/07/2017 11:38 GMT+7

Người gắng giúp dân Thái ‘nghĩ trước khi share’

THỦY CHUNG
THỦY CHUNG

TTO - Công việc hàng ngày, thậm chí hàng giờ hàng phút, của Peerapon Anutarasoat là chat. Hơn 63 ngàn người bạn trong ứng dụng chat LINE là điều quan trọng nhất với anh.

Người gắng giúp dân Thái ‘nghĩ trước khi share’ - Ảnh 1.

Anh Peerapon Anutarasoat (đứng) chia sẻ về đứa con tinh thần Sure And Share của mình tại một sự kiện do Google tổ chức tại Singapore - Ảnh: THỦY CHUNG

Bản tin truyền hình gần đây nhất của Yo, về một thông tin liên quan đến các loại thực phẩm không nên cho vào lò vi sóng - Nguồn clip: Youtube

Yo - tên ngắn gọn của anh - là người lập ra trung tâm Sure And Share của Thông tấn xã Thái Lan, trong tiếng Thái có nghĩa là "chắc chắn trước khi chia sẻ".

Trung tâm này có nhiệm vụ duy nhất là kiểm chứng thông tin, hay đối phó với tin giả (fake news) - một khái niệm đang làm chao đảo thế giới thời gian qua.

Yo xuất thân là một nhà báo chuyên mảng công nghệ và đổi mới. Khoảng năm 2014, anh bắt đầu phải viết nhiều về việc kiểm chứng những thông tin lan truyền trên mạng mà không có chút sự thật nào.

Yo đến gặp cấp trên và bày tỏ rằng thay vì chỉ phản ánh có những thông tin sai lệch như thế trong dư luận, cần phải làm gì đó để ngăn chặn chúng. Vậy là năm 2015, anh ra một bản tin truyền hình hàng tuần nói về nạn tin giả. Một năm sau, nó trở thành bản tin hàng ngày.

Yo rời công việc phóng viên để lập trung tâm Sure And Share, nơi công chúng có thể tìm đến để hỏi một tin nào đó là sai hay đúng. Trung tâm này cơ bản có một mình Yo, nhưng anh có các cộng tác viên và đối tác hỗ trợ trong công việc.

Ban đầu Yo nghĩ cứ duy trì bản tin hàng ngày rồi sau đó đưa lên Youtube là đủ. Nhưng hóa ra không phải.

Để đối phó tin giả, phải biết chúng ở đâu và lan truyền bằng cách nào. Yo đã mò trên Facebook, theo dõi các hashtag trên Twitter, cho đến khi anh nhận ra nơi tập trung mọi người và mọi câu chuyện ở Thái Lan là trên LINE, một ứng dụng chat có xuất xứ Nhật Bản.

Người gắng giúp dân Thái ‘nghĩ trước khi share’ - Ảnh 3.

Một tin giả từng gây xôn xao ở Thái Lan và nhiều nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, rằng Tổng thống Trump ký lệnh miễn visa cho công dân một loạt nước châu Á. "Luôn gạch chéo chỗ tin giả nhé, không là góp phần phát tán nó đấy", Yo nhắc - Ảnh do nhân vật cung cấp.

Hơn 33 triệu người Thái dùng LINE, trao đổi mọi thứ từ công việc, cuộc sống đến mua bán. Mỗi người tham gia hàng chục nhóm chat, mỗi nhóm hàng trăm người. Mọi thông tin đều đi qua đó, cả những tin đồn, và tất nhiên, tin giả.

"Hay mắc bẫy các thông tin ‘dựng đứng’ thường là người lớn tuổi hoặc mới dùng internet. Họ không biết là trên mạng rất dễ để ‘chế’ ra bất cứ tin gì", Yo nói.

Ở Thái Lan, dễ chế nhất là tin sức khỏe, trong đó nhiều nhất là về ung thư. Tin giả có đủ thứ từ chuyện khó tin như ma quỷ, đàn ông đẻ con đến chuyện nghiêm túc như thiên tai, phá hoại nơi thờ tự, chất độc trong thực phẩm…  

Yo lập một nick trên LINE theo tên cơ quan mình, kết nối với mọi người bằng lời giới thiệu "khi các bạn định chia sẻ tin gì, hãy gửi cho chúng tôi kiểm tra trước".

Thế rồi anh nhận ra rằng, kết nối trên ứng dụng chat không chỉ là kiểm tra tin nhắn, mà phải trả lời chúng. Thậm chí là liên tục tương tác với mọi người.

"Khi họ mở chat và thấy tôi ‘đã xem’ tin nhắn của họ mà chưa trả lời, chả trách được nếu họ khó chịu và không giao tiếp với tôi nữa", Yo nói.

"Nhưng tôi rất quan tâm đến họ, tôi muốn công nghệ cải thiện cuộc sống của họ, chứ không phải ngược lại".

Anh kỳ công chuẩn bị các tin nhắn soạn sẵn để nhanh chóng trả lời khoảng 100 người mỗi ngày, khiến nhiều người nghĩ nick chat này là robot chứ không phải người.

Cũng bởi Yo lên LINE không phải để tán gẫu, anh ở đó là để giúp mọi người giải tỏa 2 băn khoăn: "Tin này có đúng không?" và "Có nên chia sẻ nó không?"

Không chỉ đính chính tin giả qua LINE, Yo còn phải làm video cho bản tin hàng ngày và đưa lên Youtube, Facebook, ghi âm để dùng cho phát thanh, viết bài để đăng trên trang web và mạng xã hội.

Yo cố gắng cô đọng câu trả lời bằng đồ họa, clip ngắn… để mọi người dễ dàng phán tán trên LINE và các ứng dụng khác.

Và đằng sau tất cả các sản phẩm đó là công việc quen thuộc của một nhà báo: kiểm chứng thông tin.

Nhưng hẳn nhiên Yo không thể có câu trả lời cho mọi câu hỏi, anh chỉ có thể kiểm chứng càng nhiều càng tốt.

"Nếu chưa thể có câu trả lời chắc chắn, tôi sẽ nói với mọi người là tôi đang tìm. Nếu điều đó là bất khả thi, tôi cũng sẽ nói thật, và trao đổi với họ những gợi ý, khả năng…", Yo nói.

"Tôi cũng biết không phải mình nói gì mọi người đều tin, nên tôi cố gắng nhờ cậy các chuyên gia đáng tin cậy. Nếu một tin giả có thể gây nguy hiểm cho nhiều người, tôi sẽ nhanh chóng kiểm chứng. Nếu tin giả là về một cá nhân, tôi sẽ để họ tự lên tiếng giải thích".

Yo tự mình làm gần như mọi công đoạn nên công việc giờ đây của anh vất vả hơn nhiều so với khi làm phóng viên, thậm chí gần như là một sự hy sinh.

"Vẫn chưa có công nghệ nào tự động đối phó với tin giả. Muốn đấu tranh với chúng, tôi chỉ có hai bàn tay, cùng tất cả các kiến thức và kỹ thuật tôi có thể sử dụng", Yo nói.

Nhưng công việc này không phải không có lợi ích: Yo chẳng cần đi tìm, luôn có hàng chục hàng trăm đề tài đang đợi, cái nào anh cũng biết rất sớm. Chẳng khó để rành chuyện gì đang nóng, đang "trending".

"Không thể đếm hết những lúc tuyệt vọng và mệt mỏi, nhưng tôi có tín ngưỡng và gia đình ủng hộ. Chính những dòng chat trên LINE cũng tiếp thêm sức mạnh", Yo tâm sự.

"Mỗi câu hỏi đều chứa đựng hy vọng và niềm tin của người hỏi. Mỗi khi đọc một câu hỏi mới, với tôi không chỉ là một nhiệm vụ mới, mà là nạp thêm một nguồn năng lượng mới".

THỦY CHUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên