07/04/2015 11:57 GMT+7

Tòa án Mỹ chấp nhận gửi trát xử ly hôn qua Facebook

TRƯỜNG SƠN
TRƯỜNG SƠN

TTO – Facebook có lẽ nên đưa thêm tùy chọn “vừa mới nhận đơn xin ly dị” vào mục “tình trạng hôn nhân” của người dùng vì một tòa án ở New York vừa tuyên bố mạng xã hội là kênh hợp lệ để làm điều đó.

Cooper cho phép Baidoo gửi thư triệu tập cho Blood-Dzraku qua tin nhắn Messenger trên Facebook

Một phụ nữ ở Brooklyn (TP New York, Mỹ) vừa được tòa án cho phép chuyển giấy triệu tập của tòa yêu cầu chồng đến giải quyết vụ ly hôn với mình qua Facebook, theo CNN ngày 7-4.

Cô Ellanora Arthur Baidoo đã muốn ly hôn với chồng, anh Victor Sena Blood-Dzraku, nhiều năm trước nhưng không thể liên lạc được với anh này để chuyển giấy triệu tập.

“Anh ấy nói mình không có chỗ ở cũng như việc làm ổn định” – Andrew Spinnell, luật sư của cô Baidoo, nói với CNN.

Hai người có nói chuyện qua điện thoại nhưng Blood-Dzraku dứt khoát không chịu trình diện để nhận giấy triệu tập từ vợ mình, điều này khiến cô Baidoo vô cùng mệt mỏi, theo luật sư Spinnell.

Vị luật sư này vì thế đã nộp đơn lên tòa án ở New York xin được chuyển giấy triệu tập bằng các hình thức khác, cụ thể là qua mạng xã hội, và nhận được cái gật đầu từ thẩm phán Matthew Cooper.

Cooper cho phép Baidoo gửi giấy triệu tập cho Blood-Dzraku qua tin nhắn Messenger trên Facebook, song phải chứng minh được tài khoản đó đúng là của chồng cô và anh này vẫn thường xuyên đăng nhập vào Facebook của mình.

Baidoo và Blood-Dzraku cưới nhau năm 2009 nhưng cuộc hôn nhân của họ trục trặc ngay sau đó vì người chồng từ chối làm đám cưới theo phong tục Ghana, vốn đòi hỏi cả hai gia đình phải có mặt, luật sư Spinnell tiết lộ.

Họ thậm chí chưa từng ở chung với nhau ngày nào sau khi cưới, CNN dẫn tài liệu từ tòa án cho hay.

“Cô ấy không đòi hỏi tiền bạc gì cả mà chỉ muốn ly hôn để tiếp tục cuộc sống của mình” – Spinnell nói.

Vị luật sư này nói anh đã liên hệ với Blood-Dzraku hai lần trên Facebook nhưng chưa được hồi đáp.

Nếu người chồng vẫn kiên quyết không nhận thư triệu tập qua Facebook, tòa án sẽ chuyển sang phương án xử ly hôn vắng mặt theo luật, theo Spinnell.

TRƯỜNG SƠN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên