26/09/2023 11:52 GMT+7

Những người trẻ mất ngủ - Kỳ 4: Mất ngủ phải gõ cửa bác sĩ tâm lý

YẾN TRINH
và 1 tác giả khác

Mạng xã hội còn có những hội nhóm dành cho người thiếu ngủ, với lượng thành viên lên đến vài chục ngàn người.

Mỹ Trang từng phải tìm đến bác sĩ tâm lý để cải thiện chứng trầm cảm - Ảnh: Y.TRINH

Mỹ Trang từng phải tìm đến bác sĩ tâm lý để cải thiện chứng trầm cảm - Ảnh: Y.TRINH

"Sau gần hai tháng mất ngủ, tôi bắt đầu bị tình trạng thức trắng đêm. Nhiều đêm tôi không ngủ được, hay tự nói chuyện một mình, bắt đầu nghĩ nhiều hơn về việc mình từ bỏ tất cả sẽ như thế nào...", Mỹ Trang, cô sinh viên năm cuối một trường đại học tại quận Phú Nhuận, TP.HCM, một người trẻ mất ngủ kể lại khoảng thời gian căng thẳng nhất của cô vừa qua.

Kiên nhẫn trong quá trình dài

Trang cho rằng ban đầu khó ngủ là do hay nghĩ ngợi, nhạy cảm với mọi thứ xung quanh. "Chuyện gì cũng khiến tôi phải suy nghĩ, từ việc học, cuộc sống... Khi chuyển qua giai đoạn thức trắng đêm liên tục, tôi hay rơi vào cảm giác sốt mê man. Dù vậy, tôi không dùng thuốc hoặc bất kỳ phương pháp nào khác", cô bộc bạch.

Ban ngày, cô cũng chỉ ngủ được 1 - 2 tiếng nên dễ nổi quạu. "Mỗi lần như vậy tôi thường có suy nghĩ không cần tới ai nữa, nên ai cũng kêu nhìn tôi thấy sợ. Trên Facebook, mọi thứ tôi vẫn đăng tải bình thường, vì không muốn người khác nhìn thấy những điều tệ đi ở mình", cô nói.

Nhưng khi kể cho gia đình biết tình trạng của mình, ai cũng lo lắng. Thấy người thân khóc, cô quyết định đi khám sức khỏe tổng quát. Cô nhớ lại: "Người ta chuyển tôi qua chuyên khoa tâm thần kinh. Bác sĩ chẩn đoán tôi bị trầm cảm nặng. Tôi gặp bác sĩ tâm lý, bắt đầu uống thuốc an thần để ổn định lại".

Trang uống ba lần thuốc mỗi ngày. Cô thường cảm thấy "muốn ngủ hoài thôi, buồn ngủ mà mình ngủ hồi nào không hay". Tâm trí và cơ thể cô gái trẻ mệt mỏi như "cái xác không hồn", trong khi vẫn cố gắng đi học và sinh hoạt như người khác.

Trong lúc tư vấn, bác sĩ hỏi cô về thời gian sinh hoạt, chế độ ăn uống, suy nghĩ về sự sống... Cô tâm sự: "Lúc trao đổi, tôi khóc nhiều lắm. Bác sĩ hỏi những thứ mà tôi cảm giác được đó là người duy nhất hiểu được tôi, biết được những thứ tôi phải trải qua. Nhưng tôi lại có cảm giác như bản thân bị vạch trần".

Sau một tuần uống thuốc, Trang ngưng và hôm sau ngủ lại được, nhưng đó là tầm 2h - 3h sáng. Những ngày sau cô ngủ sớm hơn được một chút. "Tôi vẫn hay suy nghĩ, nhưng cố để bản thân không tiêu cực quá. Tôi tìm nghe những clip, podcast hướng dẫn phương pháp tự chữa lành, sống tích cực. Lâu lâu tôi có đi đánh bóng bàn", Trang kể về hiện tại.

Đã trải qua cảm giác mất ngủ khổ sở, cô chia sẻ: "Nếu mọi thứ khiến các bạn mệt mỏi áp lực quá, hãy ngừng lại và nghe xem bản thân mình thực sự cần gì, không cần phải ép buộc mình quá đâu. Bởi vì các bạn hiểu rõ chính mình nhất và chỉ có các bạn mới tự cứu được mình mà thôi".

Theo cô cũng như một số bạn trẻ bị mất ngủ, nếu nghiêm trọng, bạn trẻ có thể tìm tới các giải pháp y khoa, và cùng với những phương cách từ chính bản thân, đừng buông xuôi.

Nhiều bạn trẻ hiện nay thích gần gũi với thiên nhiên để cân bằng tâm lý, giải tỏa bớt áp lực cuộc sống - Ảnh: YẾN TRINH

Nhiều bạn trẻ hiện nay thích gần gũi với thiên nhiên để cân bằng tâm lý, giải tỏa bớt áp lực cuộc sống - Ảnh: YẾN TRINH

Trị liệu online

Ngại gặp trực tiếp, một số bạn trẻ bị mất ngủ, lo âu đã chọn tham vấn, trị liệu trực tuyến vì sự tiện lợi và riêng tư. Bởi lẽ đó, các mô hình thăm khám tâm lý online ra đời nhiều hơn.

Liên hệ một cơ sở tại quận Thanh Xuân (Hà Nội), nhân viên cho biết mức giá một giờ tham vấn từ 600.000 đồng. Tùy theo nhà tâm lý là chuyên viên hay chuyên gia, tùy số năm kinh nghiệm, phí cao nhất là 1,4 triệu đồng. Nếu khách chọn tham vấn, trị liệu trực tuyến thì giá thấp hơn một chút, hoặc qua email 300.000 đồng/lần phản hồi.

"Trong khoảng 1 - 2 buổi làm việc đầu tiên, sau khi nhà tâm lý hiểu phần nào vấn đề của bạn, bạn có thể trao đổi để được thông báo về dự kiến lộ trình trị liệu. Số lượng và hiệu quả của buổi làm việc phụ thuộc rất nhiều vào nỗ lực cá nhân của bạn và định hướng tiếp cận của nhà tâm lý. Nên bây giờ khó có thể đưa cho bạn thời gian trị liệu trong bao lâu", nhân viên cho biết khi được hỏi về liệu trình.

Trước đó, nhân viên này gợi mở người bị mất ngủ nên cung cấp thông tin cá nhân, vấn đề đang gặp phải và mong đợi ra sao khi làm việc với nhà tâm lý.

Tương tự, một phòng khám tâm lý tại quận 7, TP.HCM với các dịch vụ khám điều trị rối loạn giấc ngủ, trầm cảm... có chi phí 300.000 đồng cho 15 phút khám. Một trung tâm trị liệu khác tại quận Bình Thạnh có mức phí tham vấn tâm lý 500.000 đồng.

"Lộ trình cơ bản khoảng sáu buổi để giải quyết chứng mất ngủ, như tìm hiểu nguyên nhân gốc rễ, cách giải quyết vấn đề, hướng đến suy nghĩ tích cực", nữ nhân viên tên Quỳnh cho biết.

Trên mạng xã hội, các trang của những phòng khám, trung tâm sức khỏe được lập ra khá nhiều, quảng cáo rầm rộ với đủ các loại hình tư vấn. Thậm chí, không ít đơn vị bên thứ ba làm trung gian kết nối bác sĩ và người khám.

Khi người có nhu cầu tư vấn nhấp vào đường dẫn, họ sẽ truy cập tới trang web chẳng khác nào một bệnh viện thu nhỏ. Bệnh nhân có thể chọn bất kỳ khoa nào trong hơn 30 chuyên khoa được liệt kê.

Truy cập một trang web có dịch vụ thăm khám online, địa chỉ tại quận 5, TP.HCM, chúng tôi được hướng dẫn chỉ cần dùng vài đường dẫn đăng ký là có thể gặp bác sĩ.

Sau vài công đoạn, chúng tôi nhận phiếu đặt hẹn. Ba hình thức lựa chọn tư vấn gồm nhắn tin, gọi điện thông thường và gọi video với chi phí 200.000 đồng/ca.

Đúng giờ hẹn online, bác sĩ sẽ hỏi sơ lược tình hình sức khỏe, tình trạng mất ngủ ra sao, từ đó có những bước tư vấn tiếp theo. Khi được hỏi về lộ trình trị liệu, bác sĩ này cho biết "tùy thuộc mức độ từng người, nhưng thông thường sẽ rơi vào khoảng 6 - 10 buổi".

Trong thời gian trị liệu, người bệnh được hứa hẹn sẽ tìm ra nguyên nhân mất ngủ và vấn đề tâm lý tiêu cực, gỡ "nút thắt" để giấc ngủ dần quay lại tự nhiên.

Bác sĩ cam kết người bệnh thực hiện đúng lộ trình sẽ thoát hẳn những vấn đề gặp phải, không cần dùng thuốc.

"Sau khi điều trị với chúng tôi, bạn sẽ đánh thức tiềm năng tự thân để mọi vấn đề được giải quyết triệt để. Giấc ngủ lúc này sẽ được sâu và thư thái hơn", vị bác sĩ này nói.

Những "cộng đồng mất ngủ"

Mạng xã hội còn có những hội nhóm dành cho người thiếu ngủ, với lượng thành viên lên đến vài chục ngàn người. Không khó nhìn thấy các thành viên tuổi mới đôi mươi than vãn, cầu cứu đủ kiểu do chứng mất ngủ.

Tài khoản T.T. đăng bài viết trong nhóm "Hội những người bị mất ngủ" với 36.000 thành viên rằng mới 19 tuổi nhưng "chưa có đêm nào ngủ được hơn bốn tiếng". Việc T. thường xuyên thức giấc lúc 2h sáng và tỉnh bưng tới sáng đã thành thói quen.

Có nhiều lý do được họ đưa ra. Đa số do áp lực cuộc sống, bị overthinking (suy nghĩ quá nhiều) hay có những rối loạn về tâm lý. Nhiều trường hợp khẳng định mình không gặp vấn đề gì, sức khỏe hoàn toàn ổn định nhưng vẫn bị chứng mất ngủ tìm tới.

Dưới phần bình luận, dễ dàng bắt gặp sự đồng cảm của các thành viên. Song có những trường hợp cảm thấy tiêu cực, vì không nghĩ có người mất ngủ còn nặng hơn mình.

Các cộng đồng này cũng chia sẻ nhiều biện pháp cải thiện độc đáo: nghe âm thanh mô phỏng nhẹ nhàng (ASMR), xem những clip mukbang - vừa ăn vừa ghi hình, uống trà thảo mộc... và cả những loại thuốc như biện pháp chữa cháy cuối cùng.

------------------------------

Ngoài biện pháp y khoa, nhiều người hiện nay còn tham gia các chương trình chữa lành, cải thiện giấc ngủ từ các bài tập và hoạt động thấu hiểu bản thân.

Kỳ tới: 1.001 cách chữa mất ngủ

Những người trẻ sớm mất ngủ - Kỳ 3: Những người trẻ thích làm cú đêmNhững người trẻ sớm mất ngủ - Kỳ 3: Những người trẻ thích làm cú đêm

Không phải lúc nào cũng bị áp lực công việc bắt chạy deadline, cũng không hay tụ tập bạn bè la cà quán xá hay bia bọt...

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên