06/11/2020 12:39 GMT+7

Nước Mỹ hậu bầu cử - Kỳ 2: Hàn gắn các gia đình

DUY LINH
DUY LINH

TTO - Nhưng họ không lường trước được sự phát triển của đảng phái chính trị sẽ dẫn tới những chia rẽ sâu sắc ngay từ bên trong các gia đình.

Nước Mỹ hậu bầu cử - Kỳ 2: Hàn gắn các gia đình - Ảnh 1.

Claudia Conway (trái), ái nữ 15 tuổi của bà Kellyanne Conway và ông George Conway, sử dụng mạng xã hội như một công cụ để chống lại cha mẹ mình - Ảnh chụp màn hình

Con cái đối đầu cha mẹ

"Mẹ sẽ bầu cho Tổng thống Trump", Mayra Gomez - một đảng viên Dân chủ lâu năm - báo với con mình khi chỉ còn 5 tháng nữa đến ngày bầu cử. "Bà không còn là mẹ tôi nữa vì bà đã bỏ phiếu cho lão đó", đứa con trai 21 tuổi đáp lại trong sự ngỡ ngàng của người mẹ.

Đó là lần cuối cùng hai mẹ con nói chuyện với nhau. Bầu không khí căng thẳng đến mức Gomez không nghĩ chị và con trai có thể hòa giải dù kết quả bầu cử thế nào. "Tổn thương thì cũng đã tổn thương rồi. Trong đầu mọi người, Trump như một con quái vật. Thật buồn vì điều đó. Có những người không thèm nói chuyện với tôi nữa", Gomez - một người giúp việc ngưỡng mộ Trump vì sự cứng rắn với nhập cư bất hợp pháp và các quyết sách kinh tế - tâm sự với Hãng tin Reuters.

“Tôi sẽ là tổng thống của người Mỹ. Sẽ không có bang xanh, bang đỏ mà chỉ có duy nhất Hợp chúng quốc Hoa Kỳ. Ứng viên Dân chủ Biden ngày 4-11 khẳng định trước lo ngại ông sẽ trở thành tổng thống của Đảng Dân chủ vốn ngày càng thiên tả.

Tấn bi kịch của nhà Gomez ngày nay có thể bắt gặp ở bất kỳ đâu của nước Mỹ, từ các gia đình bình thường đến những nhà có địa vị trong xã hội như Kellyanne Conway, cựu cố vấn của Tổng thống Trump.

Nói như tờ NJ.com của bang New Jersey, nơi nhà Conway đang sống, trong thời khắc hỗn loạn và đầy tranh cãi sau bầu cử, người cha George Conway và người mẹ Kellyanne Conway chỉ có duy nhất một mong ước: sự bình yên trở lại gia đình và con gái Claudia Conway.

Trong số những người đã từng theo ông Trump trong chiến dịch tranh cử năm 2016, bà Kellyanne là một trong những người ở lại lâu nhất trong chính quyền sau khi ông nhậm chức. Điều đó, trước nhất nói lên sự trung thành của bà, kế đến là năng lực bản thân. Trớ trêu thay, chồng của Kellyanne, ông George, lại là một người chống Trump dữ dội nhất. Ông đồng sáng lập Lincoln Project, một tổ chức gồm những người thuộc Đảng Cộng hòa làm mọi cách để Trump rời khỏi Nhà Trắng.

Bi kịch của nhà Conway không dừng tại đây. Khi Trump đắc cử năm 2016, Claudia - con gái của nhà Conway - chỉ mới 11 tuổi. Ở tuổi 15 hiện tại, Claudi tự nhận mình là một người thiên tả và ủng hộ ứng viên Dân chủ Joe Biden. Em tuyên bố sẽ "tự giải phóng" khỏi cha mẹ mình, những người thuộc Đảng Cộng hòa. Nói là làm, Claudia sử dụng mạng xã hội để đối đầu với chính bậc sinh thành chỉ vì quan điểm chính trị khác biệt.

Cuộc "xung đột" giữa Claudia và cha mẹ mình cuối cùng đã dẫn tới sự nhượng bộ. Để cứu vãn gia đình đang trên bờ vực tan nát, Kellyanne quyết định từ chức và rời khỏi Nhà Trắng vào tháng 8-2020, còn George thì rút khỏi Lincoln Project. Nhưng điều đó có khiến bi kịch thôi diễn ra? Có lẽ là chưa. "Tôi đã ép mẹ của mình rời khỏi Nhà Trắng để làm lụn bại chính quyền Trump và cứu lấy nước Mỹ", Claudia tự hào khoe "chiến tích" trên mạng xã hội TikTok.

Dù là nền văn hóa hay xã hội nào, con cái xem cha mẹ như kẻ thù rõ ràng là một bi kịch lớn của gia đình.

Nước Mỹ hậu bầu cử - Kỳ 2: Hàn gắn các gia đình - Ảnh 3.

Khi kết quả bầu cử năm nay sắp sửa ngã ngũ, nhiều người đã lên tiếng kêu gọi hòa giải. Trong ảnh: Một người mặc áo khoác ủng hộ Trump ngồi gần một người khoác áo ủng hộ Biden - Ảnh: Reuters

Cần nỗ lực từ hai phía

Jaime Saal, một nhà trị liệu tâm lý tại bang Michigan, cũng không nghĩ vết thương của nước Mỹ sẽ mau lành. "Thật không may, tôi không nghĩ rằng việc hàn gắn quốc gia dễ dàng như thay đổi tổng thống. Cần có thời gian và cần nỗ lực từ cả hai bên với sự sẵn sàng buông bỏ và tiến về phía trước" - bà nói.

Theo chuyên gia Saal, căng thẳng trong các mối quan hệ cá nhân của người Mỹ đã tăng vọt trong 4 năm qua vì các động lực chính trị, vấn đề y tế và xã hội mà Mỹ phải đối mặt. Ở vị trí là một nhà trị liệu tâm lý, đã không ít lần bà bắt gặp những anh chị em, cha mẹ hoặc vợ chồng không thèm nhìn mặt nhau và đối xử với nhau như người dưng nước lã vì quan điểm chính trị khác biệt.

Trong suốt nhiệm kỳ tổng thống gần 4 năm của mình, ông Trump đã khuấy động cảm xúc mạnh mẽ giữa những người ủng hộ và phản đối. Với những người ủng hộ Trump, ông đáng được ngưỡng mộ vì động thái cứng rắn với nhập cư, việc ông bổ nhiệm các thẩm phán bảo thủ và những phát ngôn gây tranh cãi mà họ cho là "nói thẳng".

Ngược lại, các đảng viên Dân chủ và những nhà phê bình khác coi cựu doanh nhân tỉ phú như một mối đe dọa đối với nền dân chủ Mỹ, người đã gián tiếp giết chết hơn 230.000 người Mỹ trong đại dịch COVID-19.

Giờ đây, với việc ông Trump đang thất thế so với đối thủ Biden trong cuộc đua vào Nhà Trắng, nhiều người Mỹ đã bắt đầu đặt câu hỏi liệu những rạn nứt gây ra bởi một trong những nhiệm kỳ tổng thống phân cực nhất trong lịch sử Mỹ có thể được xóa bỏ và chữa lành trong bao lâu.

Một báo cáo tháng 9-2020 của Trung tâm Nghiên cứu Pew cho thấy gần 80% những người ủng hộ Trump và Biden cho biết họ có rất ít hoặc không có bạn bè nào ủng hộ ứng viên còn lại.

Một nghiên cứu khác của Gallup vào tháng 1-2020 cho thấy năm thứ 3 tại vị của Trump đã thiết lập một kỷ lục mới về sự phân cực theo đảng. Trong khi 89% đảng viên Cộng hòa tán thành năng lực của Trump trong nhiệm kỳ năm 2019, chỉ có 7% đảng viên Dân chủ cho rằng ông đang làm tốt công việc của mình.

Báo đài Mỹ đã nhiều lần nói về điều mà họ cho là "sự mù quáng" xen lẫn "kiên định" của những người ủng hộ Trump và Biden. Với những người theo Đảng Dân chủ, mọi điều ông Trump làm đều xấu, kể cả trên thực tế là một quyết sách tốt và ngược lại.

Bà Gayle McCormick (77 tuổi), người đã ly thân với người chồng 81 tuổi sau khi ông bầu cho Trump vào năm 2016, tin rằng sẽ mất một thời gian dài để nước Mỹ phục hồi trong trường hợp ông Trump thất cử. Là một người ủng hộ Dân chủ, bà Gayle tin đã tới lúc ông Biden trở thành tổng thống mới của nước Mỹ.

Căng thẳng ở Arizona, Michigan

Kết quả bầu cử chưa ngã ngũ khiến nhiều vấn đề phát sinh. Những người ủng hộ Tổng thống Trump, với một số tự trang bị súng ngắn, đã tập trung bên ngoài trung tâm bỏ phiếu quận Maricopa, thành phố Phoenix của Arizona ngày 4-11. Họ đổ về đây sau khi có tin đồn các lá phiếu của đảng viên Cộng hòa đã bị bỏ qua để mang về chiến thắng tại Arizona cho ứng viên Dân chủ Biden. Một cảnh tương tự đã tái diễn sau đó tại Detroit của bang Michigan.

****************

Với chủ thuyết "Nước Mỹ trên hết", Tổng thống Donald Trump đã mang lại cho nước Mỹ những thành tựu kinh tế lớn trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát. Vị tổng thống kế tiếp đứng trước bài toán hóc búa: khôi phục nền kinh tế bị virus corona tàn phá.

>> Kỳ tới: Khôi phục kinh tế

Nước Mỹ hậu bầu cử - Kỳ 1: Nước Mỹ hậu bầu cử - Kỳ 1: 'Tổng thống của khủng hoảng'

TTO - Cho dù ông Donald Trump hay ông Joe Biden giành thắng lợi trong cuộc bầu cử tổng thống ngày 3-11, người thắng cử sẽ bắt đầu một nhiệm kỳ mới trong Nhà Trắng với một 'nước Mỹ hậu bầu cử', bao gồm cả những điểm tích cực cũng như tiêu cực.

DUY LINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên