25/06/2015 12:52 GMT+7

“Giết nhau” trên internet kiếm like và còn gì nữa?

ĐỨC THIỆN
ĐỨC THIỆN

TTO - Để câu like trên Facebook, người ta sẵn sàng tung những tin đồn thất thiệt hay “thêm mắm, thêm muối” vào những tin đồn sẵn có đơn giản chỉ để “sướng tay”, “sướng miệng” mà không buồn suy nghĩ đến danh dự, thậm chí mạng sống của nạn nhân.

Hương mắt lồi

Phải bỏ quê lên TP.HCM làm ăn kiếm sống, chị N.T.K.H (30 tuổi, ngụ huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang) không thể ngờ mình bị đồn thành nữ cướp “Hương mắt lồi” đang bị nhiều người truy sát.

Bỗng dưng thành “Hương mắt lồi”

Tháng 3-2015, chị H. đã đến nhờ báo Tuổi Trẻ tìm cách minh oan vì chị bỗng dưng bị gán cái mác “Hương mắt lồi”. Trước đó, trên mạng xã hội Facebook lan truyền các thông tin về một nữ cướp khét tiếng có biệt danh là “Hương mắt lồi” với nhiều chiêu dàn cảnh để cướp tài sản táo tợn ngay giữa phố.

Nhiều bài viết còn đưa cả hình ảnh nhận dạng, biển số xe của “Hương mắt lồi” (người phụ nữ mặc áo khoác màu hồng, ngồi sau xe máy Smash Revo màu đỏ mang biển số 67N1-0... ) và hô hào người dân cảnh giác, truy đuổi “tên cướp” này. Thông tin lập tức được cư dân mạng lan truyền chóng mặt trên Facebook kèm theo những lời bình luận “mạc sát” về tên cướp cũng như những lời kêu gọi truy sát nhân vật tình nghi trong ảnh.

Theo chị H., khi bức ảnh chụp trên được chia sẻ trên mạng, nhiều nhóm thành viên trên mạng tuyên bố truy lùng manh mối chiếc xe, dọa đánh đập, đối phó… khiến gia đình chị rất hoang mang lo sợ.

“Tôi không biết “Hương mắt lồi” là ai, làm nghề gì, nhưng hiện tại gia đình tôi chỉ có mỗi chiếc xe máy đi lại nhưng không ai dám đi xe ra đường vì sợ bị đánh đập oan ức, không may nguy hiểm đến tính mạng. Mong báo Tuổi Trẻ tìm cách giúp giải oan cho gia đình tôi”, chị H. chia sẻ.

Vụ việc sau đó được công an TP.HCM khẳng định là những thông tin bịa đặt, không có căn cứ nhằm gây hoang mang trong dư luận xã hội. Vụ việc may mắn chấm dứt, nhưng trộm nghĩ, nếu những kẻ quá khích trên mạng kia tìm thấy chị H. sớm trước khi có khẳng định từ công an TP.HCM thì không biết hậu quả từ những “anh hùng bàn phím” sẽ ra sao.

“Dùng chuột cống nấu hủ tiếu gõ”

Cuối năm 2013, từ một bài viết hoàn toàn bịa đặt trên một trang mạng với tiêu đề “sự thật kinh hoàng về những xe hủ tiếu gõ”, sự tiếp tay lan truyền chóng mặt của cộng đồng mạng đã góp phần biến thông tin từ bịa đặt trở thành bán tín, bán nghi.

Nhiều người chia sẻ lại bài viết bịa đặt còn “thêm chút mắm, bỏ chút muối” để mong bài viết được nhiều người đọc, nhiều người like hơn. Từ đó, thông tin lan truyền vòng quanh đến độ khiến những người từ không tin thành nghi ngờ, từ bán tin bán nghi trở nên tán thành… và tiếp tục share (chia sẻ) với đầy những lời lẽ “quan ngại” khiến cả cộng đồng mạng hoang mang, lo sợ.

Thế nhưng thực tế, chẳng có con chuột cống nào chết trong nồi hủ tiếu gõ và cũng chẳng có ai phải nhận trách nhiệm về việc tung và chia sẻ tin bịa đặt. Chỉ tội rất nhiều người bán hủ tiếu phải lãnh hậu quả, thậm chí bỏ nghề về quê. Họ hầu hết đều là dân tỉnh từ xa xôi vô TP.HCM mưu sinh. Nồi hủ tiếu là “cần câu cơm” của nhiều gia đình từ bao năm. Nay chỉ vì một bài viết vô thưởng vô phạt, nhiều gia đình đã phải ăn lại chính “cái cần câu cơm” để sống qua ngày.

Đồn nghệ sĩ qua đời để câu like

Tháng 3-2015 cũng ghi nhận nhiều vụ đồn những người nổi tiếng qua đời để câu like trên các trang Facebook. MC Lại Văn Sâm, ca sĩ Sơn Tùng M-TP, ca sĩ Phan Đinh Tùng, nghệ sĩ Chí Trung, ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng… đều đã trở thành nạn nhân của những kẻ núp sau các trang mạng xã hội.

“MC Lại Văn Sâm bất ngờ qua đời vì đột tử”, “Sơn Tùng MTP đã qua đời vào ngày 13-3-2015”, “Sau 3 ngày nhập viện nhọc nhằn, chàng trai “Cào cào lá tre” ra đi trong thanh thản”, “Nghệ sĩ Chí Trung qua đời vì tai nạn giao thông”... là những cái tít rất sốc được sử dụng để thu hút sự quan tâm của người dùng Facebook.

Điều đáng chú ý là những những trang Facebook, thường là trang Fanpage (trang người hâm mộ) chính là nơi tung tin bịa đặt nhiều nhất. Sau những cái tít sốc nêu trên, lượng like của các trang này đều tăng rất mạnh, có khi đến hàng trăm nghìn. Đây cũng chính là nguyên nhân khiến nhiều đối tượng sẵn sàng tung những thông tin bịa đặt, bôi nhọ hình ảnh, xúc phạm danh dự của những người nổi tiếng nhằm mục đích… câu like.

Đằng sau tin đồn về Hồ Ngọc Hà

Chuyện tin đồn này kia về những người nổi tiếng như ca sĩ Hồ Ngọc Hà vốn không phải chuyện lạ trong thế giới show-biz. Thế nhưng đằng sau tin đồn về việc “Hồ Ngọc Hà cặp bồ với trai đã có vợ” gây ồn ào trong thế giới mạng vừa qua lại là một câu chuyện đáng chú ý.

Tin đồ về Hồ Ngọc Hà

Sau khi tin đồn xuất hiện, một cuộc chiến nảy lửa giữa một bên “ném đá” và một bên là người hâm mộ của Hồ Ngọc Hà đã diễn ra ở nhiều trang mạng, diễn đàn và mạng xã hội. Một ai đó bên “ném đá” tỏ rõ độ tích cực đến mức đưa hẳn lên mạng danh sách các sản phẩm do Hồ Ngọc Hà tham gia quảng bá, từ đó phát động phong trào tẩy chay các sản phẩm này và chuyển sang dùng các sản phẩm khác.

Như vậy, chỉ từ một thông tin ban đầu không rõ ràng, không được các bên xác nhận, sự tham gia đầy cảm tính của người dùng mạng xã hội đã góp phần đẩy câu chuyện thành một hướng khác. Cụ thể ở đây là tin đồn từ đời tư ca sĩ Hồ Ngọc Hà đến phong trào tẩy chay nhiều loại mỹ phẩm. Rõ ràng những kẻ giấu mặt đã rất biết cách lợi dụng sự "cả tin" của cư dân mạng để phục vụ mục đích kinh tế của mình.

ĐỨC THIỆN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0