Quảng bá du lịch: thời thế đã khác…

HUY THỌ 13/07/2023 04:56 GMT+7

TTCT - "Chúng tôi đang bàn bạc, khẩn trương xúc tiến việc quảng bá trên CNN…" - đó là lời khoe của lãnh đạo ngành du lịch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, khi nói về kế hoạch hành động của địa phương này trong việc thu hút du khách.

Nội dung quảng bá trên mạng xã hội, thuộc chương trình quảng bá du lịch Hà Nội trên CNN

Nội dung quảng bá trên mạng xã hội, thuộc chương trình quảng bá du lịch Hà Nội trên CNN

Quảng bá trên CNN là kế hoạch một thời mà báo chí rầm rộ đưa tin về câu chuyện Hà Nội chi 4 triệu USD để thực hiện một chiến dịch quảng bá thủ đô năm năm trên kênh truyền hình Mỹ. Tuy nhiên chiến dịch đi được nửa đường thì Hà Nội đã đề nghị CNN tạm dừng vì dịch, và kênh truyền hình nổi tiếng này vui vẻ đồng ý.

Đối với không ít nhà quản lý ngành du lịch Việt Nam, CNN được coi là giải pháp tuyệt vời nhất khi bàn về quảng bá ngành công nghiệp không khói. Tuy nhiên, người ta quên rằng CNN cũng như nhiều kênh truyền hình khác, cũng bị thấm đòn bởi sự phát triển của YouTube. 

Cách đây chục năm, người ta đã chỉ ra rằng, CNN đang tụt dốc thê thảm khi vào giờ vàng! Chưa hết khi ông Trump làm Tổng thống Mỹ, lượng người xem còn giảm nhiều hơn nữa, khi kênh truyền hình này được coi là đối lập gay gắt với vị tổng thống này.

Đà giảm này tiếp tục ngay cả khi Nhà Trắng có chủ mới. Theo dữ liệu của Công ty Nielsen Media Research, trước năm 2020, CNN có trung bình 2,5 triệu người xem trong khung giờ vàng, nhưng kể từ đầu nhiệm kỳ của ông Biden cho đến ngày 15-3-2021, lượng khán giả giờ vàng của CNN tụt còn trung bình 1,6 triệu. Mức giảm tương đương 36%!

Sự sút giảm nghiêm trọng về lượng người xem đương nhiên là tỉ lệ thuận với thu nhập. Có lẽ vì thế, các quan chức cao cấp của CNN đã phải lặn lội đi đến nhiều quốc gia để chào mời quảng cáo. Với Việt Nam, ngoài phi vụ quảng cáo cho Hà Nội trong năm năm với tổng chi phí 4 triệu USD, lãnh đạo CNN còn sang tận Việt Nam để làm việc với Tổng cục Du lịch và một số địa phương, trong đó có Bà Rịa - Vũng Tàu!

Trong khi các quan chức nhà nước quản lý ngành du lịch hào hứng với CNN, khoe rằng kênh truyền hình này đã xem du lịch Việt Nam là đối tác chiến lược; thì các doanh nghiệp lại cười và cho rằng: CNN không còn như xưa nữa nên mới đi khắp nơi để chào mời quảng cáo! Thời bây giờ, quảng bá du lịch phải khác đi mới hy vọng thành công…

Hang Sơn Đoòng trong MV Alone, Pt. II. Ảnh chụp màn hình

Hang Sơn Đoòng trong MV Alone, Pt. II. Ảnh chụp màn hình

Phải khác đi là khác thế nào? Nhiều người chỉ ra một câu chuyện để dẫn chứng: Để quảng bá cho tour Sơn Đoòng nói riêng, "vương quốc hang động - Phong Nha, Quảng Bình" nói chung, doanh nghiệp đã chi tầm 100.000 USD để thực hiện MV Alone, Pt. II với ca sĩ Ava Max và DJ số 1 thế giới Alan Walker. Kết quả cho đến hiện nay, sau ba năm, có tổng cộng trên 325 triệu lượt xem MV này trên YouTube, cùng hơn 5,1 triệu lượt like! Ai cũng bảo đây là một cái giá quá hời.

Đẩy mạnh công nghệ, tạo nhiều sự kiện đình đám với những tên tuổi ngôi sao…, đó là phương thức quảng bá du lịch tốt nhất hiện nay, mà như câu chuyện Thụy Điển tận dụng với ngôi sao Beyonce là một ví dụ. 

Hàng chục ngàn fan đã đến Stockholm hồi giữa tháng 5 để dự hai buổi diễn của nữ ca sĩ bảy năm rồi mới đi lưu diễn quốc tế này. Theo tờ The Guardian, mỗi đêm diễn có khoảng 46.000 người dự, nhiều người phải trọ ngoài thủ đô vì khách sạn kín phòng. Cơn sốt này làm tăng giá nhà hàng khách sạn, dịch vụ giải trí và thời trang, đóng góp khoảng 0,2-0,3 điểm phần trăm trong mức lạm phát 9,7% của Thụy Điển trong tháng 5.

Quảng bá du lịch: thời thế đã khác… - Ảnh 3.

Đề cập tới câu chuyện này, chúng ta tự hỏi ở những thành phố lớn, mạnh về du lịch như Hà Nội, TP.HCM, Bà Rịa - Vũng Tàu, Nha Trang… mỗi năm có được bao nhiêu sự kiện giải trí có thể hút khách quốc tế? 

Ông Phạm Bá Phúc, thường trực Hiệp hội Du lịch Bà Rịa - Vũng Tàu, tâm sự: Đúng là quá ít, thậm chí gần như chẳng có gì. Con gái tôi là fan của nhóm nhạc BlackPink, cháu nó đang dành dụm tiền để ấp ủ một chuyến đi Hàn Quốc tận mắt xem một sự kiện của nhóm này.

Trong những ngày gần đây, thông tin về nhóm BlackPink sẽ đến Hà Nội đang làm sốt giới trẻ Việt Nam. Cô con gái của ông Phúc không phải tốn tiền vé máy bay để sang Hàn mà có thể ra Hà Nội xem BlackPink.

Chắc chắc không chỉ có cô gái ấy, mà biết bao bạn trẻ từ các quốc gia lân cận cũng sẽ đổ đến Hà Nội để tận mắt xem thần tượng của mình. Và như thế, đương nhiên du lịch Hà Nội sẽ tiếng lành đồn xa. Bởi, một quốc gia phải an toàn, thân thiện và cởi mở thì mới đón được nhiều ngôi sao.

Làm những điều ấy, chưa chắc đã tốn tiền, thậm chí có thể nói là có lời cụ thể "tiền tươi thóc thật" từ vé, quảng cáo…, chứ chưa tính đến những khoản thu lớn khác từ khách du lịch.

Nhưng có một sự thật cần phải nhắc, đó là khi có khách là ngôi sao đến nhà, nếu đó là sự kiện không phải do du lịch tạo nên thì ngành này cũng cần chủ động gắn kết để tận dụng. Sở dĩ nói thế là vì, từ nhiều năm trước, TP.HCM có giải quần vợt ngôi sao toàn thu hút VĐV tên tuổi, mà có năm là tay vợt nữ đương kim số 1 thế giới Azarenka tham dự. 

Ở các nước, sự có mặt của Azarenka là cơ hội cho du lịch, nhưng với Việt Nam, cô ấy chỉ đến thi đấu rồi về, ngành du lịch vẫn bàng quan. Dù rằng thể thao với du lịch nằm chung một bộ!!!

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận