01/10/2020 09:00 GMT+7

Trump - Biden: Ai thắng ai?

TÔ HOÀNG
TÔ HOÀNG

TTO - Liệu 'điều bất ngờ của tháng 10' có xảy ra? Bài học của cuộc bầu cử năm 2016 đã làm cho bất kỳ ai cũng phải cẩn trọng với đánh giá của mình cho đến phút cuối cùng.

Cuối cùng cuộc chạm trán đầu tiên giữa hai ứng cử viên trong cuộc đua vào Nhà Trắng đã diễn ra tối 29-9 (giờ Mỹ) trong một cuộc tranh luận được coi là "hỗn loạn" nhất trong lịch sử các cuộc tranh luận trên truyền hình giữa các ứng cử viên tổng thống Mỹ.

Trong cuộc đấu khẩu và công kích lẫn nhau này, người chiến thắng được coi là người ra về với ít tổn hại hơn cả, và xét trên khía cạnh đó dường như ông Biden đang có lợi thế hơn sau cuộc tranh luận này.

Nhưng việc ai thắng ai trong cuộc tranh luận này có quyết định đến lá phiếu của cử tri? Lịch sử đã cho thấy các cuộc tranh luận không làm thay đổi hoàn toàn cách đánh giá của cử tri, nhưng nó có thể kích hoạt một quá trình để củng cố một thắng lợi vang dội hoặc dẫn tới một cuộc lật đổ ngoạn mục.

Năm 1960, ứng cử viên trẻ tuổi của Đảng Dân chủ Kennedy bước vào cuộc tranh luận với chính trị gia lão làng Nixon của Đảng Cộng hòa ở thế chiếu dưới. Nhưng sự tự tin, nhiệt huyết và màn trình diễn thuyết phục đã đánh dấu sự khởi đầu cho một cuộc lội ngược dòng sít sao vào phút cuối cùng.

Đối với đại đa số các cử tri "trung kiên" của Đảng Cộng hòa và Đảng Dân chủ, kết quả của cuộc tranh luận này dù có như thế nào cũng không tác động đến quyết định của họ vì không cần đợi đến khi các ứng cử viên lộ diện, lá phiếu của họ đã luôn luôn có sự lựa chọn rõ ràng.

Nhưng cuộc tranh luận này sẽ có tác động đến những cử tri "chưa quyết định" và những cử tri "trung dung", những người sẽ chỉ đưa ra quyết định của mình vào phút cuối cùng hoặc có thể thay đổi quyết định của mình trước ngày bầu cử, nhất là tại các bang "chiến trường" nơi không đảng nào có ưu thế.

Cho đến lúc này, trong khi tại hầu hết các bang đều đã biết rõ ứng cử viên nào sẽ là người giành được đa số phiếu, chỉ có một thiểu số các bang "chiến trường" sẽ quyết định ai là người chiến thắng. Và tại đó nơi không đảng nào chiếm đa số rõ rệt, nhóm cử tri "do dự" này sẽ có tiếng nói cuối cùng.

Chính nhóm cử tri này đã hạ bệ bà Clinton và đưa ông Trump lên làm tổng thống năm 2016 trong một cuộc bầu cử mà mọi dự đoán trước đó đều cho rằng bà Clinton sẽ là người chiến thắng, và thực tế bà Clinton đã giành được hơn 3 triệu phiếu phổ thông so với ông Trump lúc đó.

Nhưng khác với tất cả các cuộc bầu cử khác, trong bầu cử tổng thống Mỹ, việc giành được bao nhiêu phiếu không quan trọng, mà quan trọng là giành được phiếu ở đâu. Dù năm 2016 bà Clinton có số phiếu phổ thông cao hơn nhưng với thất bại tại các bang "chiến trường", rốt cuộc bà vẫn là người thua cuộc.

Do đó không khó để nhận thấy trong 35 ngày còn lại, cả hai ứng cử viên sẽ tập trung vào lá phiếu của các nhóm cử tri còn do dự ở những bang "chiến trường" này. Trong khi ông Trump sẽ phải tìm cách lật ngược tình thế, ông Biden sẽ có nhiệm vụ dễ dàng hơn là cố gắng hạn chế tổn hại để duy trì lợi thế dẫn điểm của mình.

Chỉ còn hơn một tháng nữa đến ngày bầu cử nhưng vẫn chưa thể khẳng định ai sẽ là người chiến thắng. Cho dù ông Biden đang có lợi thế hơn sau lần tranh luận này, sẽ còn hai lần chạm trán nữa và đối với nhiều cử tri còn do dự, lá phiếu của họ sẽ còn chờ đến ngày bầu cử.

Liệu "điều bất ngờ của tháng 10" có xảy ra? Bài học của cuộc bầu cử năm 2016 đã làm cho bất kỳ ai cũng phải cẩn trọng với đánh giá của mình cho đến phút cuối cùng.

Trump - Biden: Ai chiếm ưu thế trong cuộc tranh luận Trump - Biden: Ai chiếm ưu thế trong cuộc tranh luận 'hỗn loạn'?

TTO - "Hỗn loạn" là từ duy nhất có thể dùng để mô tả cuộc tranh luận đầu tiên giữa hai ứng viên tổng thống Mỹ tối 29-9 (giờ Mỹ). Màn đấu khẩu và ngắt lời nhau đã che mờ hết những vấn đề quan trọng cần phải nói cho đầy đủ.

TÔ HOÀNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên