Trung Quốc 2023: Một năm vất vả

NGUYỄN THÀNH TRUNG 01/01/2024 07:03 GMT+7

TTCT - Trung Quốc đã trải qua một năm 2023 không như mong đợi, dù chính sách zero COVID đã kết thúc vào đầu năm và cuộc gặp điểm nhấn Tập Cận Bình - Joe Biden đã diễn ra như dự kiến vào cuối năm.


Ảnh: The Economist

Ảnh: The Economist

Năm 2023 tôi quay lại Trung Quốc trong khoảng một tuần và đi thăm thú một số nơi. Lâu lắm rồi tôi mới có cơ hội quay lại nơi này sau dịch COVID-19. Thành phố Thượng Hải vẫn đông đúc và đầy ắp du khách ở các trung tâm thương mại như chưa từng trải qua các giai đoạn phong tỏa nghiêm ngặt. 

Nhưng đằng sau vẻ phồn hoa đô hội, các tác động kéo dài của chính sách zero COVID suốt gần ba năm của Trung Quốc vẫn có thể cảm thấy được trong câu chuyện với các giáo sư Trung Quốc.

Năm 2023 được coi là khởi đầu cho một kỷ nguyên mới với Trung Quốc, khi Chủ tịch Tập Cận Bình tiếp tục nhiệm kỳ lãnh đạo đất nước lần thứ ba liên tiếp vào đầu năm. Đây là kỷ lục về nắm quyền tính từ thời Đặng Tiểu Bình bắt đầu vào cuối thập niên 1970 đến nay. 

Tuy nhiên, năm 2023 có lẽ đã kết thúc khác so với những gì ông Tập mong đợi. Khi năm mới bắt đầu, ông kỳ vọng vào sự phục hồi kinh tế mạnh mẽ, nhưng Trung Quốc rốt cuộc lại phải đối mặt với nhiều thách thức không dễ tìm lời giải phía trước.

Chính sách COVID-19 kết thúc

Năm 2023 bắt đầu bằng việc Chính phủ Trung Quốc không còn coi COVID-19 là đại dịch hay căn bệnh cần phải phong tỏa nữa. 

Ngày 8-1, Trung Quốc chính thức hạ cấp COVID-19 xuống thành "bệnh truyền nhiễm loại B", dỡ bỏ một loạt hạn chế và quy định như hạn chế đi lại trong nước và quốc tế hay cách ly bắt buộc với khách du lịch nhập cảnh.

Như thường lệ, tuyên bố kết thúc đại dịch cũng cần lý do. Ngày 16-2, Chủ tịch Tập Cận Bình thông báo rằng Trung Quốc đã chiến thắng đại dịch COVID-19. Về mặt con số chính thức, số người chết vì COVID-19 của đất nước này là 83.150 trong toàn bộ đại dịch. 

Tuy nhiên, con số ước tính trên thực tế cao hơn nhiều. Báo chí phương Tây cho rằng tổng số người chết có thể lên đến khoảng 1,5 triệu người.

Ảnh chụp trong một bệnh viện ở Thượng Hải ngày 10-1-2023. Ảnh: Getty

Ảnh chụp trong một bệnh viện ở Thượng Hải ngày 10-1-2023. Ảnh: Getty

Bong bóng bất động sản và dư nợ ở địa phương

Nhiều lĩnh vực của nền kinh tế Trung Quốc vốn bị đình trệ do các quy định nghiêm ngặt về COVID-19 đã có thể phát triển trở lại ngay từ đầu năm, nhưng năm 2023 là một năm đặc biệt tồi tệ với thị trường bất động sản nước này.

Hai thập niên qua, giá bất động sản tại Trung Quốc tăng nhanh hơn phần còn lại của nền kinh tế. Nhưng năm 2023, nhiều chủ đầu tư lớn nhất ở Trung Quốc gần như phá sản và lĩnh vực này đang dần sụp đổ. 

Chính phủ đã nỗ lực hết sức để nâng giá nhà mới nhưng giá vẫn đang giảm; thị trường thứ cấp thậm chí còn tồi tệ hơn. Các định chế tài chính nhà nước được kêu gọi hỗ trợ các công ty đầu tư bất động sản đang vật lộn để tránh vỡ nợ và hoàn thành việc xây dựng các dự án chung cư bị đình trệ.

Với nhiều người thuộc tầng lớp trung lưu Trung Quốc, cuộc khủng hoảng bất động sản là mối đe dọa thực sự với "Giấc mơ Trung Hoa" của họ và niềm hy vọng về một cuộc sống tốt đẹp hơn. Bất động sản là phương tiện chủ yếu để đầu tư của cải ở Trung Quốc, nơi 70% tài sản hộ gia đình gắn liền với bất động sản.

Cuối tháng 10-2023, tập đoàn phát triển bất động sản lớn nhất của Trung Quốc Country Garden chính thức tuyên bố không thể thanh toán đúng hạn một lượng lớn trái phiếu doanh nghiệp phát hành bằng USD. 

Trước đó năm 2021, gã khổng lồ bất động sản Evergrande vỡ nợ. Việc Evergrande và Country Garden vỡ nợ không chỉ ảnh hưởng đến các hộ gia đình mà còn tới toàn bộ nền kinh tế. Vào thời kỳ đỉnh cao, bất động sản chiếm 25-30% GDP của Trung Quốc. 

Chính quyền địa phương trở nên phụ thuộc vào việc bán đất cho các nhà phát triển địa ốc để có doanh thu và nguồn thu thuế. Sự sụp đổ của thị trường bất động sản có nguy cơ kích hoạt tiếp quả bom nợ chính quyền địa phương đã âm ỉ một thời gian.

Hiện vẫn chưa rõ liệu sang năm 2024 Bắc Kinh có thể khống chế được mức độ nghiêm trọng của tình hình và mối nguy hiểm mà nó gây ra cho hệ thống tài chính và nền kinh tế hay không. 

Tuy nhiên, điều có thể chắc chắn là các cá nhân và hộ gia đình Trung Quốc từng coi nhà ở không chỉ là nơi để ở mà còn là nơi đầu tư chắc sẽ có lý do để lo ngại rằng năm 2023 chưa phải là năm tồi tệ cuối cùng.

Ảnh: scmp.com

Ảnh: scmp.com

Tình trạng thất nghiệp cao trong giới trẻ

Cựu thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo từng nhận xét: "Bất kỳ vấn đề nhỏ nào nhân với 1,3 tỉ cũng sẽ trở thành một vấn đề rất lớn, và tổng số rất lớn chia cho 1,3 tỉ sẽ trở thành một con số rất nhỏ". 

Sang năm 2023, dân số Trung Quốc đã là hơn 1,4 tỉ người, nhưng họ không còn là quốc gia đông dân nhất trên thế giới, mà chính thức bị Ấn Độ vượt qua. Tuy nhiên, việc tạo công ăn việc làm cho giới trẻ Trung Quốc là cơn đau đầu cho Chính phủ Trung Quốc trong năm 2023 khi tỉ lệ thất nghiệp trong giới trẻ lên tới khoảng 21,3% trong tháng 6-2023.

Những sinh viên mới tốt nghiệp phải đối mặt với thị trường việc làm ảm đạm sau COVID-19 và tình trạng làm việc khắc nghiệt trong khối tư nhân với kiểu làm việc 996 (từ 9 giờ sáng đến 9 giờ tối, sáu ngày trong tuần). 

Sự tuyệt vọng về giá trị của giáo dục đang lan rộng khi sinh viên tốt nghiệp tự so sánh mình với Khổng Ất Kỷ, kẻ học thức thất bại trong truyện ngắn nổi tiếng năm 1919 của đại văn hào Lỗ Tấn. Giới trẻ Trung Quốc đang "nằm thẳng" và phó mặc mọi thứ.

Thị trường việc làm u ám đã buộc một số thanh niên phải về quê, trốn tránh khu vực thành thị đắt đỏ và quay trở lại thành "những đứa trẻ toàn thời gian" sống chung với ba mẹ, trong khi những người trẻ khác đang phải vật lộn để duy trì lối sống bình thường hay gặp vấn đề tâm thần nghiêm trọng. 

Nó cũng tiết lộ một vấn đề sâu sắc hơn về cảm xúc và tâm lý trong giới trẻ. Việc có nhiều bằng cấp nhưng thiếu việc làm gây ra tổn thương tinh thần đáng kể, bao gồm lo lắng, trầm cảm và vô vọng.

Căng thẳng và bất ổn mà nhóm nhân khẩu học này phải trải qua trở nên tồi tệ hơn với những kỳ vọng đi kèm do là con một trong gia đình. Tháng 8-2023, Chính phủ Trung Quốc tuyên bố không công bố dữ liệu thất nghiệp ở thanh niên nữa với lý do cần cải thiện và tối ưu hóa cách thu thập dữ liệu.

Ảnh: Nikkei Asia

Ảnh: Nikkei Asia

Quan hệ Mỹ - Trung: căng thẳng đầu năm, hòa hoãn cuối năm

Vào đầu năm, hy vọng về mối quan hệ nồng ấm hơn giữa Bắc Kinh với Washington đã tan thành mây khói sau vụ bắn rơi một khinh khí cầu của Trung Quốc có vẻ như bị chệch hướng bay trên bầu trời nước Mỹ vào tháng 2. 

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã hủy chuyến đi tới Bắc Kinh. Một tháng sau, trong phiên họp thường niên của Lưỡng hội Trung Quốc, Chủ tịch Tập Cận Bình thẳng thắn cáo buộc đích danh Mỹ đang tìm cách cô lập và "kiềm chế" Trung Quốc.

Năm 2023 cũng chứng kiến những căng thẳng mới trong các chính sách công nghệ của Mỹ với Trung Quốc. Bắc Kinh cáo buộc Washington lạm dụng các hạn chế xuất khẩu để cản trở tiến bộ công nghệ của nước này, cụ thể là các hạn chế sâu rộng về việc bán chip tiên tiến và thiết bị sản xuất chip. 

Chính quyền Biden cho biết các biện pháp kiểm soát xuất khẩu một phần nhằm ngăn chặn việc sử dụng chip do Mỹ sản xuất trong quân đội Trung Quốc.

Cuối cùng, năm 2023 được đánh dấu bằng việc Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden gặp lại nhau vào tháng 11 tại hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo APEC ở San Francisco. Cuộc gặp song phương là điểm nhấn trong một năm đầy biến động trong quan hệ Mỹ - Trung.

Đó thực sự là một thành tựu lớn để cả thế giới đỡ căng thẳng hơn trong một năm mà quan hệ Trung - Mỹ tiếp tục rất nhiều khúc mắc, từ các vấn đề thương mại, chất gây nghiện opioid và chất bán dẫn đến Đài Loan và Biển Đông. 

Năm 2024 có thể sẽ là một năm nhiều xáo trộn nữa khi cả hai nhà lãnh đạo đều tập trung vào các vấn đề trong nước, bao gồm nền kinh tế Trung Quốc đang chậm lại và cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11.■

Nhiều diễn biến bất ngờ

Bối cảnh môi trường chính trị tinh hoa Trung Quốc nhiều bất ngờ. Hai sự cố đã thu hút sự chú ý đặc biệt trong năm nay là vụ biến mất và cách chức của cả ngoại trưởng Tần Cương và bộ trưởng quốc phòng Lý Thượng Phúc. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử chính trị Trung Quốc kể từ thời Mao Trạch Đông, hai vị trí cấp cao này bị thay thế trong cùng một năm.

Có rất nhiều tin đồn xoay quanh hai diễn biến nhân sự này, nhưng điều quan trọng là cả hai nhân vật đó đều chỉ vừa được bổ nhiệm sau khi ông Tập nắm quyền nhiệm kỳ thứ ba. Cho đến cuối năm 2023 này, người ta vẫn biết rất ít về số phận của hai ông Tần và Lý.

Thêm nữa, họ là những trường hợp nổi bật và gây nhiều chú ý nhưng không phải chỉ có họ. Cuối tháng 10-2023, bộ trưởng khoa học công nghệ Vương Chí Cương và bộ trưởng tài chính Lưu Côn cũng bị Quốc hội Trung Quốc miễn nhiệm mà không rõ lý do. Điều này chứng tỏ nền chính trị tinh hoa Trung Quốc vẫn còn có thể có những diễn biến bất ngờ trong năm tới.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận