Trung Quốc cải tổ lực lượng tên lửa: Cuộc đả hổ trường kỳ

NGUYỄN THÀNH TRUNG 20/08/2023 07:26 GMT+7

TTCT - Trung Quốc vừa thay tướng ở lực lượng tên lửa mới mẻ, với nhiều ngụ ý quan trọng.

Lực lượng tên lửa của quân đội Trung Quốc đã được nâng cấp thành một binh chủng riêng. Ảnh: China Military

Lực lượng tên lửa của quân đội Trung Quốc đã được nâng cấp thành một binh chủng riêng. Ảnh: China Military

Vài ngày trước, trong khi trao đổi hợp tác với hai giáo sư Trung Quốc ngành quan hệ quốc tế từ Đại học Hạ Môn, Phúc Kiến và Đại học Kỵ Nam, Quảng Châu, tôi nhân tiện hỏi về vụ thay đổi nhân sự cao cấp gần đây trong lực lượng tên lửa của Quân giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLARF). 

Tuy nhiên, cả hai giáo sư hầu như không có thông tin về vụ này và thú nhận báo chí Trung Quốc không đưa tin gì.

Tình trạng im ắng gây ngạc nhiên, rất khác với vụ cựu ngoại trưởng Tần Cương ngay trước đó. Vụ ông Tần không xuất hiện trước công chúng trong một thời gian dài đã gây nhiều đồn đoán, trước khi ông Vương Nghị quay lại nắm giữ chiếc ghế này.

Thay cả tư lệnh và chính ủy

Cho đến nay, việc Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (cũng là chủ tịch Quân ủy Trung ương) đã bổ nhiệm tân chỉ huy lực lượng vũ trang giám sát tên lửa thông thường và hạt nhân nước này, Vương Hậu Bân, cựu phó tư lệnh hải quân, vào ngày 31-7, vẫn chưa được thông tin chính thức công khai trên truyền thông Trung Quốc.

Ngoài các hãng truyền thông phương Tây, tờ báo gắn bó với đại lục South China Morning Post (SCMP) từ Hong Kong, cũng có đưa tin này. 

Một lý do khả dĩ giải thích cho sự im lặng của truyền thông nhà nước Trung Quốc là bởi lực lượng tên lửa là một nhánh đặc biệt quan trọng của Quân Giải phóng nhân dân (PLA), chịu trách nhiệm về năng lực răn đe hạt nhân mà Bắc Kinh đang nhanh chóng mở rộng, nên bất cứ sự thay đổi nào ở nhân sự lãnh đạo cũng cần được kiểm soát chặt chẽ.

Tuy nhiên, có thể thấy việc lựa chọn chỉ huy mới cho lực lượng tên lửa, vốn đòi hỏi kỹ thuật và chuyên môn cao, từ một người xuất thân hải quân, đã gây bất ngờ. Hơn nữa không chỉ tư lệnh, tướng Lý Ngọc Siêu, mà chính ủy lực lượng này, Từ Trung Ba, cũng bị thay thế, bởi ông Từ Tây Thịnh, tướng không quân. 

Điều này biểu hiện cải tổ lãnh đạo lực lượng tên lửa là một phần trong nỗ lực của ông Tập nhằm đảm bảo những người ở các vị trí quyền lực nhất PLARF phải tuyệt đối trung thành và thanh liêm, điều có vẻ đang được đánh giá cao hơn kinh nghiệm và năng lực "kỹ trị" vận hành lực lượng tên lửa. "Hồng" đang được đánh giá cao hơn "chuyên".

Ngoài ra, một giải thích khác cho việc điều chuyển người từ binh chủng khác sang lãnh đạo lực lượng tên lửa là ông Tập muốn phá vỡ các mạng lưới thân hữu hoặc tham nhũng đã hình thành dưới thời các nhà lãnh đạo trước đây của lực lượng này. Cách tốt nhất là đưa người từ nơi khác tới.

Nhiệm vụ của PLARF

Thời điểm bổ nhiệm mới cũng mang tính biểu tượng: một ngày trước kỷ niệm 96 năm ngày thành lập PLA 1-8. Kể từ khi ông Tập triển khai chương trình hiện đại hóa lực lượng vũ trang Trung Quốc, quy mô tổng thể của quân đội nước này đã bị cắt giảm, nhưng PLARF vẫn được mở rộng. 

Hiện PLARF có khoảng 120.000 binh sĩ với sáu căn cứ tên lửa đạn đạo (cấp quân đoàn hoặc tập đoàn quân). Kho vũ khí của PLARF bao gồm một loạt tên lửa được thiết kế để mang gần như toàn bộ 400 đầu đạn hạt nhân của Trung Quốc, có tầm quan trọng đặc biệt cả trong răn đe hạt nhân lẫn phát triển tên lửa cho xung đột thông thường.

PLARF là một lực lượng "con cưng", được thành lập mới từ cuối năm 2015, nâng cấp từ Quân đoàn Pháo binh số 2 thành lực lượng độc lập. Điều này thể hiện triết lý quân sự của ông Tập, khi ông từng nói: "Lực lượng tên lửa là trung tâm của các cuộc xung đột trong tương lai". 

Tướng tư lệnh đầu tiên của lực lượng này chính là ông Ngụy Phượng Hòa, sau này là bộ trưởng quốc phòng. Theo một báo cáo của Bộ Quốc phòng Mỹ năm ngoái, những năm gần đây Trung Quốc tập trung tăng tốc phát triển vũ khí hạt nhân. 

Hiện nước này đang trên đà tăng số đầu đạn sở hữu lên khoảng 1.500 vào năm 2035, so với 400 hiện nay, và lực lượng tên lửa mang sứ mệnh đặc biệt này.

Cuối tháng 7 vừa rồi, theo China Daily, phiên bản tiếng Anh của Nhân Dân nhật báo, ông Tập đã phát biểu tại các cuộc họp quân sự cấp cao nhấn mạnh "kỷ luật nghiêm ngặt" và "sự lãnh đạo tuyệt đối" của Đảng Cộng sản Trung Quốc đối với quân đội. 

Tờ Financial Times của Anh thì cho rằng việc thay thế ông Lý Ngọc Siêu, người mới giữ chức tư lệnh từ đầu năm 2022, sau một thời gian tương đối ngắn có thể là do tiết lộ bí mật quân sự. Trước đó đã có nhiều đồn đoán về cái chết không rõ nguyên nhân của cựu phó tư lệnh PLARF Ngô Quốc Hoa vào ngày 3-7. 

Một giả thuyết khác là các cáo buộc tham nhũng trong lực lượng. Trung Quốc đã đầu tư nhanh và mạnh mẽ cho PLARF thời gian gần đây, nhất là sau những căng thẳng liên tục liên quan tới Đài Loan trong năm 2023.

Tiếp tục "đả hổ"

Cuộc cải tổ vừa qua tiếp tục một giai đoạn nhiều xáo trộn với giới lãnh đạo cấp cao trong quân đội Trung Quốc. Cuối năm 2017, các tướng Trương Dương và Phòng Phong Huy, những người từng được ông Tập đề bạt vào Quân ủy Trung ương, bị cách chức vì cáo buộc tham nhũng. 

Đây đều được coi là những "con hổ" lớn trong chiến dịch phòng chống tham nhũng của Trung Quốc. Thượng tướng Phòng Phong Huy từng là tổng tham mưu trưởng PLA, còn thượng tướng Trương Dương là chủ nhiệm Tổng cục Chính trị PLA. Tướng Trương tự sát, còn tướng Phòng bị kết án tù chung thân.

Hai ông Trương và Phòng rơi vào vòng lao lý trong biến cố có nhiều điểm tương đồng với cuộc cải tổ hiện nay với các tướng Lý Ngọc Siêu và Từ Trung Ba. Họ đều biến mất khỏi công chúng một thời gian trước khi bị chính thức buộc tội. 

Lần cuối cùng hai ông Lý và Từ được đề cập với tư cách lãnh đạo PLARF là trong một tuyên bố ngày 6-4 từ chính quyền địa phương ở thành phố Tô Châu, nơi họ tham dự một sự kiện tưởng niệm.

Điều này cũng cho thấy chiến dịch chống tham nhũng của ông Tập trên diện rộng với giới lãnh đạo quân sự cấp cao vẫn chưa dừng lại. Nói cách khác, chiến dịch "đả hổ diệt ruồi" vẫn chưa được coi là thành công trong việc ngăn chặn các quan chức cấp cao bớt "nhúng chàm". 

Các hành vi sai trái và tham nhũng trong hàng ngũ lãnh đạo càng củng cố niềm tin của ông Tập rằng các quan chức Trung Quốc chỉ có thể trong sạch với sự giám sát chặt chẽ từ cấp trên.

Ông Tập Cận Bình đã đích thân giám sát quá trình mở rộng quân đội và củng cố quyền kiểm soát của ông với hàng ngũ quân đội từ khi ông lên nắm quyền vào năm 2012. 

Đầu tháng 8 này, nhân kỷ niệm 96 năm thành lập PLA, tờ báo chính thức của quân đội Trung Quốc, Giải phóng quân báo, đã đăng bài bình luận kêu gọi quân nhân trung thành, ủng hộ và bảo vệ ông Tập với tư cách "nòng cốt hạt nhân" của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Bài báo nhấn mạnh: "Chúng ta phải tăng cường quản trị quân đội… kiên trì nỗ lực chấn chỉnh hành vi, rèn luyện kỷ luật và chống tham nhũng".

Tuy nhiên, hai tướng Lý Ngọc Siêu và Từ Trung Ba mới được bầu vào Ban Chấp hành trung ương vào tháng 10-2022. Việc họ bị loại khỏi các vị trí cấp cao ở PLARF chỉ chín tháng sau chắc chắn đặt ra nhiều câu hỏi về quá trình lựa chọn cán bộ lãnh đạo. 

Trong một phiên nghiên cứu nhóm của Bộ Chính trị về tăng cường toàn diện quản trị quân sự ngày 24-7, ông Tập đã nhắc lại sự cần thiết phải tăng cường quản lý, giám sát chi tiêu quân sự và tăng cường quản lý trong các lĩnh vực quan trọng. 

Hai ngày sau, trong chuyến thị sát lực lượng không quân của Bộ Tư lệnh chiến khu Tây, ông một lần nữa nhấn mạnh việc mở rộng và tăng cường các nỗ lực liêm chính, kỷ luật và chống tham nhũng.

Năm 2014, ông Tập từng cảnh báo rằng quân đội đang "mục nát từ bên trong". Các nhà điều tra đã cáo buộc các tướng Từ Tài Hậu và Quách Bá Hùng, hai cựu phó chủ tịch Quân ủy Trung ương, đã tích lũy một khối tài sản lớn nhờ hối lộ và tham nhũng. Vụ án đó là một phần của chiến dịch chống tham nhũng rộng rãi của ông Tập nhằm tái khẳng định quyền kiểm soát của Đảng Cộng sản Trung Quốc với các lực lượng vũ trang, vốn đã có nhiều vấn đề trước khi ông Tập lên nắm quyền vào năm 2012. Sau đó 10 năm, hành trình "đả hổ" vẫn chưa kết thúc. ■

Với tư cách là nhánh thứ tư của PLA sau lục quân, hải quân và không quân, PLARF được coi là trụ cột cốt lõi trong khả năng răn đe chiến lược của Trung Quốc, và ông Tập đặt nhiều hy vọng vào lực lượng này. Nhưng có lẽ bây giờ ông Tập không chỉ đòi hỏi sự hiện đại sẵn sàng của quân chủng này trong cạnh tranh với Mỹ và giữ vị thế răn đe ở eo biển Đài Loan, mà còn cả sự trung thành tuyệt đối với kỷ luật đảng nữa.
Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận