22/07/2023 14:42 GMT+7

Trung Quốc hút chất xám công nghệ từ châu Âu

Một báo cáo công bố hôm 19-7 ghi nhận hơn 30.000 nhân lực đã rời các hãng công nghệ hàng đầu của châu Âu, trong đó có các công ty sản xuất bán dẫn, để đầu quân cho các công ty Trung Quốc trong hơn 20 năm qua.

Tencent, ByteDance, Alibaba và Baidu là những gã khổng lồ công nghệ tại Trung Quốc - Ảnh: Exactimo

Tencent, ByteDance, Alibaba và Baidu là những gã khổng lồ công nghệ tại Trung Quốc - Ảnh: Exactimo

Hãng an ninh công nghệ Strider Technologies phân tích nhiều nguồn dữ liệu mở, bao gồm các nghiên cứu khoa học, hồ sơ đăng ký bản quyền và các tài liệu công khai tại Trung Quốc, cho báo cáo đăng tải hôm 19-7.

Mở rộng quan hệ với châu Âu

Thông tin trên lập tức thu hút sự chú ý của phương Tây. Theo Hãng tin Bloomberg, phát hiện của Strider là minh chứng mới cho nỗi lo của phương Tây về tham vọng công nghệ của Trung Quốc, đặc biệt là trong lĩnh vực bán dẫn. Mỹ và các đồng minh đã áp đặt một loạt lệnh cấm xuất khẩu các loại chip điện tử và công nghệ sản xuất chủ chốt cho Trung Quốc trong năm qua.

Tuy nhiên, con số 30.000 nhân sự chỉ là một phần của câu chuyện kéo dài hơn 20 năm. Strider còn ghi nhận hơn 3.000 mối quan hệ hợp tác giữa các công ty bán dẫn hàng đầu châu Âu cùng các tổ chức Trung Quốc, trong đó có cả các tổ chức liên quan đến chính phủ và quân đội Trung Quốc.

Bên cạnh đó, Strider cho hay Chính phủ Trung Quốc đầu tư nhiều thương vụ thâu tóm các hãng công nghệ toàn cầu. Điển hình, có hơn 200 vụ đầu tư vào các công ty bán dẫn châu Âu do các tổ chức Trung Quốc thực hiện. Một vài trong số này là các doanh nghiệp quốc doanh của Trung Quốc.

Strider đánh giá hơn 3.000 mối hợp tác nêu trên đã cho phép các tổ chức của Chính phủ Trung Quốc xây dựng quan hệ với các chuyên gia nước ngoài. Từ đó, phía Trung Quốc có thể hỗ trợ những người này đến Trung Quốc với mục đích trao đổi công nghệ và tuyển dụng cho các chương trình chiêu mộ nhân tài của Bắc Kinh.

CEO Strider, ông Greg Levesque, nhận định Trung Quốc "xem việc lãnh đạo ngành bán dẫn là điều tối quan trọng đối với các mục tiêu quân sự và thương mại của họ, cũng như sẽ không gì có thể ngăn nước này theo đuổi những nỗ lực đó".

"Rào cản thương mại và pháp lý tại Mỹ chỉ thúc đẩy họ xây dựng hoạt động ở nơi khác", ông Levesque nhấn mạnh.

Sức hút từ Trung Quốc

Sau khi bản báo cáo được công bố, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã bác bỏ các kết luận của Strider. "Công ty Mỹ này từng công bố một chuỗi báo cáo đầy thông tin sai lệch nhằm bôi nhọ và tấn công Trung Quốc trước đây. Việc Trung Quốc trao đổi nhân tài với các nước khác không có gì khác biệt so với các nước khác", Bộ Ngoại giao Trung Quốc nhấn mạnh.

Ngoài phản bác từ phía Trung Quốc, hiện chưa có một bên thứ ba đứng ra phản biện công bố của Strider. Dù chưa rõ độ chính xác của báo cáo trên, các chuyên gia vẫn đánh giá nó đã thể hiện sức mạnh đang gia tăng của Trung Quốc trong lĩnh vực công nghệ.

Theo cố vấn an ninh Petri Kuivala tại hãng an ninh mạng Hoxhunt Oy, báo cáo của Strider đã tô đậm quy mô tuyển dụng nhân lực công nghệ phương Tây của Trung Quốc. Những người này sẽ mang theo lượng lớn kiến thức và thông tin của mình đến đây. "Tôi nghi ngờ liệu các lãnh đạo công nghiệp có thật sự hiểu hết tầm cỡ có nó hay không", ông nói.

Dù vậy, trả lời báo Sputnik (Nga), ông Jeff J. Brown - biên tập của trang China Rising Radio Sinoland - nhận định việc Trung Quốc có thể thu hút nhân tài từ các nước khác là điều dễ hiểu. "Trung Quốc trả lương rất tốt. Đó là một quốc gia an toàn, sạch sẽ và hiện đại, không có rác thải hay bạo loạn. Lạm phát thấp và bầu trời mới là giới hạn của các nghiên cứu cơ bản và ứng dụng với nguồn tài trợ dồi dào", ông Brown nói.

Ở một góc độ khác, ông Thomas W. Pauken II - tác giả cuốn Mỹ và Trung Quốc: Từ chiến tranh thương mại đến một thỏa thuận có đi có lại - cho rằng việc nhiều nhân tài châu Âu đến Trung Quốc có thể đem lại lợi ích cho cả hai bên, tạo thành quan hệ hợp tác sâu sắc hơn giữa đôi bên.

"Việc Trung Quốc thu hút các nhà khoa học và nhân tài châu Âu đến với mình là rất quan trọng, bởi họ có một văn hóa suy nghĩ khác. Điều đó có thể giúp người Trung Quốc và các công ty Trung Quốc thấu hiểu thị trường toàn cầu, khoa học và công nghệ của thế giới bên ngoài Trung Quốc và châu Á hơn", ông Pauken chỉ ra.

Mỹ - Trung căng thẳng về chất bán dẫn

Đầu tháng này, Trung Quốc áp lệnh cấm xuất khẩu gallium và germanium, các kim loại hiếm quan trọng để sản xuất vật liệu bán dẫn, nhằm đáp trả Mỹ và châu Âu cấm xuất khẩu chip cho Bắc Kinh.

Hôm 18-7, Hiệp hội ngành công nghiệp bán dẫn Mỹ (SIA) đã kêu gọi Mỹ và Trung Quốc hạ nhiệt căng thẳng liên quan đến xuất khẩu chip và tập trung vào phát triển ngành. "Chúng tôi kêu gọi cả hai chính phủ hạ nhiệt căng thẳng và tìm kiếm giải pháp thông qua đối thoại. Chúng tôi hối thúc chính phủ ngừng áp thêm giới hạn cho đến khi làm việc sâu hơn với ngành và các chuyên gia để đánh giá tác động của các lệnh cấm hiện nay và trong tương lai", SIA tuyên bố.

Hãng chip Mỹ Micron cam kết vẫn bỏ tiền vào Trung Quốc dù bị tuýt còiHãng chip Mỹ Micron cam kết vẫn bỏ tiền vào Trung Quốc dù bị tuýt còi

Hãng chip nhớ Micron của Mỹ tuyên bố đầu tư 4,3 tỉ nhân dân tệ (603 triệu USD) trong vài năm tới vào cơ sở sản xuất chip ở thành phố Tây An của Trung Quốc.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên