Truyện ngắn mùa Phục sinh: Thiếu món thịt quay

CARLO BERTOLAZZI 11/04/2024 10:02 GMT+7

TTCT - Thật là một lễ Phục sinh tồi tệ.

Thật là một lễ Phục sinh tồi tệ. Khác mọi năm, chiều tối hôm đó ở nhà tộc trưởng Giovanni Lắm Dây Nhợ (*), tá điền sống tại trang trại Nghĩ Điều Hay, bữa ăn thường rất vui vẻ, thoải mái lại diễn ra nặng nề.

Hẳn nhiên! Khi bố già Giovanni lôi chuyện gì đó ra để nói, thế là xong. Ông chẳng cần nể mặt bất kỳ ai, cả con cái, lũ cháu, con rể lẫn con dâu. Tính cho cùng chủ nhà chính là ông. Người đứng đầu "gia đình sống đạo" là ông. Vậy thì ông có thể áp đặt ý muốn và ngay cả sự bất mãn của mình, phải không nào?

Nhưng việc quái gì đã xảy ra vào tối hôm đó? Một chuyện khá nghiêm trọng.

Bố già Giovanni đã cảu nhảu càu nhàu suốt cả tiếng rồi:

"Tôi đặt câu hỏi đấy! Một lễ Phục sinh không có món dê quay. Với lắm đàn bà ở trong nhà. Bọn đàn bà nghĩ là biết điều biết chuyện lắm. Đúng! Hiểu biết dài rộng lắm! Dài với rộng chỉ ở cái lưỡi thôi!".

Còn mấy mụ giúp việc để làm gì? Suốt ngày tay chống hông. Và bà quản lý trang trại? Lão kiểm lâm đâu? Còn gã cai ruộng đâu? Một lũ vô dụng. Lẽ nào trong nhà không có ai nghĩ tới việc phòng trữ sẵn một con dê nhỏ? Trời đất thánh thần ơi! Họ biết rõ rằng ông rất chú trọng đến truyền thống mà!

Vào ngày Giáng sinh, có món cơm risotto, gà tây và bánh panettone của Milano. Ngày đầu năm, món mặn và bánh cổ truyền với nhiều đậu răng ngựa. Ngày lễ Hiện xuống (*) dọn món mì nước angnolotti và vào ngày lễ Phục sinh có món trứng với trái olive và thịt dê quay. Chẳng có gì để cười lắm thế. Cần phải tôn trọng các phong tục, nếu không sẽ phải đi về đâu? Dẹp hết gia đình dòng tộc, dẹp hết việc đoàn kết, dẹp sự mạnh mẽ!

Làm những điều mới mẻ ư? Hiện đại hóa ư? Đúng, để đi tới sự hủy hoại. Cần phải làm những việc người xưa vẫn thường làm. Tại sao lắm thứ bánh? Rồi món pudding và các thứ xốt kiểu Pháp? Những thứ làm hư bao tử và tước đi thi vị của những ngày lễ? Phù! Đúng thật sự, chẳng còn tôn giáo, chẳng còn cảm xúc, chẳng còn gì nữa hết".

Tòm, tòm và lại tòm, tòm… tiếng dấm dẳng của bố Giovanni tiếp tục cứ như trong bếp đang nấu sôi mớ hạt dẻ.

Bà Matilde tội nghiệp! Bà vợ, rõ ràng là người khổ sở nhất. Người đàn bà tội nghiệp, một bà lão chỉ còn da và cặp kính trên mũi, luôn ở đó, ngồi bên cạnh người hôn phối ưa rầy rà của mình, cam chịu lắng nghe và cả chấp nhận có lý. Nhưng những người khác?

Ồ! Tối hôm đó, những người khác, trông thấy sự việc diễn ra tệ hại, họ chuồn đi mất. Từng người một, len lén nhón chân kéo sang một căn phòng khác, tụ tập ở đó, họ kín đáo cười nhạo ông lão Giovanni và những cố chấp của ông.

Trong khi đó bà mẹ Matilde tìm cách xoa dịu sự giận dữ của vị chúa tể.

"Thôi nào, Giovanni, ông đừng quá bực dọc thế, ông có lý. Đúng là bị bỏ quên thật; tôi hứa với ông rằng chuyện tương tự sẽ chẳng bao giờ xảy ra nữa!".

"Nếu nó xảy ra… cứ mà liệu hồn!" ông Giovanni hét lên với giọng điệu u ám.

"Ông cứ nghe cho kỹ, dành cho năm tới, tôi chính thức ra lệnh từ lúc này; trước đó sáu tháng chúng ta sẽ mua một con dê non, để tới lễ Phục sinh sẽ không thiếu món thịt quay. Tôi đã nói rồi! Giờ thì đủ nhé!".

Nghe tới câu "tôi đã nói và thôi đủ nhé!" ông lão đứng dậy khỏi ghế bành, cầm lấy một ngọn nến và vẫn còn lầm bầm trong miệng, bỏ đi ngủ. Một ngày của ông đã kết thúc.

Mệnh lệnh đã được ban bố chính thức và dứt khoát. Sáu tháng trước ngày Phục sinh, một chú dê non đã được mua về. Món thịt quay được đảm bảo.

Chú dê nhỏ đó thực sự rất đỗi lạ lùng: trắng toát, với một đốm đen trên trán, chính xác là phía trên mắt phải, một cái mõm hồng hồng, dài, sắc sảo, cái miệng duyên dáng, hàm răng nhỏ đẹp như ngà voi, đôi tai ngắn nhọn hoắt, hai con mắt xanh tựa bầu trời, chân trước nhanh nhẹn, uyển chuyển với những chuyển động dịu dàng của một con mèo con đáng yêu; cuối cùng là một cái đuôi ngắn nhỏ kết thúc bằng mớ lông tơ như một túm bông gòn.

Khi con dê nhỏ ngẩng thẳng đầu, mõm ngước lên cao, thỉnh thoảng khép hờ mắt phải, nó có cái dáng vẻ lanh lợi và tinh nghịch gây cười. Cái đốm đen vẹo vọ đó, cái nheo mắt đó, cái đuôi ve vẩy đó có vẻ hài hước thú vị; mặt khác, cái nhìn ngọt ngào và sầu muộn đến độ khơi dậy một cảm xúc thật sự. Tóm lại, con dê con đó phải được yêu quý bằng mọi giá.

Tại trang trại Nghĩ Điều Hay, sự xuất hiện của con dê nhỏ là một sự kiện. Tôi sẽ chẳng kể cho mọi người nghe về những đứa cháu nhỏ của bố già Giovanni đâu! Thật là một lễ hội! Một cơn cuồng sảng! Gigetto, chỉ vừa trông thấy nó đã hét toáng lên: "Ôi, đẹp quá, đây rồi, Dê Quậy!".

Dê Quậy ư? Người ta thấy đó là một cái tên hay và con vật nhỏ đã được đặt tên như thế. Bố Giovanni chỉ liếc nhìn nghi ngại: "Nó hơi gầy gò - ông nói - Cần phải vỗ béo nó, nếu không tới lễ Phục sinh chúng ta sẽ gặm mỗi xương!".

Vỗ béo nó ư? Đừng tưởng! Tám ngày sau khi mua về, Dê Quậy đã trở thành chủ của trang trại. Tất cả những miếng ngon đều dành cho nó.

Trong nhà, dưới mái hiên, trong sân, ngoài chuồng trại, khắp nơi, chỉ mỗi một giọng điệu: "Dê Quậy! Dê Quậy! Dê Quậy!". Tất cả đều gọi nó, mọi người đều muốn nó.

Tuy vậy Dê Quậy không hề thiên vị. Ở đâu có một miếng đường để thưởng thức, nơi nào chờ vuốt ve nó là nó chạy tới đó, nhảy nhót, hoạt bát, vui tươi, tử tế. Bọn trẻ bày ra đủ trò: chúng chơi, chúng cười đùa, lăn ra đất cùng với nó. Thật sự là một người đồng hành, một người bạn, một người anh em.

Tobia, Anna và chú dê con - 1626 - tranh của Rembrandt van Rijin ở Bảo tàng Rijksmuseum Amsterdam

Tobia, Anna và chú dê con - 1626 - tranh của Rembrandt van Rijin ở Bảo tàng Rijksmuseum Amsterdam


Và nó đã học được biết bao nhiêu thứ!

"Dê Quậy! Đưa chân đây!".

Và Dê Quậy với một động tác duyên dáng chìa bàn chân nhỏ.

"Dê Quậy! Nhảy đi!".

Và Dê Quậy nhào lộn một cú.

"Dê Quậy! Giờ tao giết mày! Bùm! Toi nhé!".

Và Dê Quậy lăn ra đất, thẳng đơ, khép mắt lại.

Vào buổi sáng, ai đánh thức mọi người? Chính là Dê Quậy. Nó chui vào tất cả các phòng. Nó nhảy lên giường, tới gần kẻ đang ngủ, dùng đầu để ủi, chạm chân vào người đó. Cứ như muốn nói: "Nào đồ ngủ nhiều! Dậy đi! Trễ rồi, có biết không?".

Những ngày trời mưa nó ở lại trong nhà, nằm khép dưới chân bà chủ. Thật là một niềm vui đối với bà Matilde khi giữ nó bên cạnh, vuốt ve nó cứ như là thêm một đứa con. Ai mà không yêu quý Dê Quậy?

Sáu tháng dài lắm chứ, nhưng tiếc thay thời gian bay nhanh. Mùa đông đã hết. Những đóa hồng nở rộ. Mùa xuân thật rực rỡ. Miền quê quanh trang trại Nghĩ Điều Hay tươi cười dưới bầu trời thanh khiết, được vuốt ve bởi những làn gió tháng ba ngọt ngào. Thiên nhiên đã trở lại với đời sống, tất cả như được bao quanh bởi một hơi thở của thi ca tươi vui. Chỉ có con người dường như không tham gia vào sự thức tỉnh đó, vào cái niềm vui xuân thì đó.

Vì sao?

Lễ Phục sinh gần đến. Dê Quậy phải chết! Nó phải chết ư? Chắc rồi. Thỏa thuận là như thế. Tất cả mọi người đều biết điều đó, từ bà lão Matilde đến người nông dân cuối cùng trong trang trại; dù vậy không một ai trong số họ muốn nhắc tới nó trước hết. Có vẻ như có một điều bí ẩn, một sự đau khổ thầm kín trong lòng của tất cả những con người tốt bụng đó.

Dê Quậy ư? Với cái mõm đó, với cặp mắt dịu dàng và uể oải đó, với những bàn chân nho nhỏ hiền lành, nó phải bị đem hiến tế, hiến tế một cách dã man trên bệ thờ nơi bàn ăn.

Họ đã mua nó có chủ ý. Họ đã nuôi nấng nó, chăm sóc nó đúng độ để nó béo hơn, thơm ngon hơn. Đó chẳng phải là một sự bội phản liên tục sao? Bao nhiêu là sự tử tế, bao nhiêu miếng ăn ngon, lắm những lời nựng nịu, vì sao? Để làm cho món ăn ngày Phục sinh được ngon miệng hơn! Con người thật hèn hạ và ích kỷ biết bao! Lũ súc vật ngàn lần tốt đẹp hơn! Chân thành hơn, tử tế hơn.

À, giá như không có bố già Giovanni! Người ta có thể thay đổi được, bứt bỏ cái thứ đã được thỏa thuận. Nhưng với con người bướng bỉnh và khủng khiếp kia, ai có nhiều can đảm để đề nghị cứu thoát Dê Quậy?

Ngày khủng khiếp đã đến. Toàn bộ gia đình Lắm Dây Nhợ tập trung trong phòng ăn để dùng bữa sáng như thường lệ. Đột nhiên bố Giovanni bật ra: "Thế nào, các con? Chừng nào giết con dê đó? Chỉ còn mười ngày nữa là tới Phục Sinh!".

Cho dù đã được dự đoán trước, cho dù tất cả đều chờ đón với sự lo lắng và sợ hãi, lời đề nghị đưa ra cứ như quá bất ngờ. Sấm sét giữa bầu trời trong trẻo. Cuộc chuyện trò quá nặng nề. Bà Matilda muốn cắt đứt: "Được rồi! Được rồi! Mai nhé!".

Và tới ngày hôm sau:

"Xử con dê chưa?

Bố già Giovanni mới cứng đầu làm sao!

"Ngày mai! Ngày mai!".

Nhưng ngay cả ngày hôm sau, Dê Quậy vẫn sống động hơn bao giờ hết.

Tới lúc này bố Giovanni bắt đầu nạt nộ:

"Chuyện này là như thế nào? Con dê nhỏ vẫn cứ còn sống? Ta đã ra lệnh giết nó mà! Còn phải đợi đến khi nào? Cho tới khi trước ngày lễ và không còn kịp thời gian hả?".

Bà Matilde gắng nã nốt những viên đạn cuối (*). Bà mạnh mẽ đề nghị mua một con dê khác và thả cho Dê Quậy chạy nhảy tự do trên đồng. Nào, ông ấy cũng phải hiểu là cái con vật đó được hết thảy mọi người trong trang trại yêu mến chứ! Nó là một trò tiêu khiển, một bạn đồng hành của mấy đứa cháu nhỏ.

Truyện ngắn mùa Phục sinh: Thiếu món thịt quay- Ảnh 2.

Tất cả đều vô ích: Bố già Giovanni không muốn nghe lý lẽ.

Nuôi ăn một con vật khác. Ừ, với những năm mùa màng thất bát đến thế! Rồi sau đó? Tại sao người ta lại tìm cách lẩn lách để giữ mạng sống cho Dê Quậy thân yêu này? Giờ thì tới lượt sự ngoan cố. Đám cháu sẽ vui chơi với búp bê và thú nhồi. Không sao cả! Dê Quậy phải chết!

"Lorenzo, mau lên, đi vào gian trữ đồ và hạ sát con dê đó!".

Lorenzo, người con trưởng, đã sẵn sàng tránh cú giáng.

"Con không thể, bố ạ. Con đã gắn cỗ xe và phải đi vào làng gặp người môi giới. Con có cuộc hẹn".

"Vậy thì con, Bernardo".

Bernardo thành thật hơn:

"Bố ơi, bố muốn sai ai thì sai, nhưng đừng giao cho con làm những thứ tương tự".

"Là sao, từ chối à?".

"Bố muốn gì chứ? Con đã yêu thương con vật đó… có thể đó là một điều ngu xuẩn, nhưng nó lấn lướt con… Dê Quậy tội nghiệp!... Không, không…, con không thể!".

Bố Giovanni bắt đầu phì phò.

"Gã cai ruộng đâu?".

Bác cai ruộng xuất hiện.

"Mau lên! Bắt lấy Dê Quậy, đem vào gian trữ đồ và lột da nó!".

Bác cai bồng Dê Quậy trên cánh tay, đi vào gian trữ đồ và nhốt mình bên trong. Tất cả mọi người trong nhà bỏ trốn về phòng riêng. Để làm gì vậy? Tôi chẳng biết; tôi chỉ có thể kể rằng sau đó, khi họ ra ngoài, mắt nhiều người sưng mọng.

Một tiếng trôi qua.

Bố Giovanni ngồi một mình trong phòng làm việc, bận rộn tính toán.

Đột nhiên cánh cửa mở ra.

"Xin phép vào được chứ?".

"Ai đó?".

"Tôi đây".

Đó là bác cai ruộng.

"Ồ, anh đó à, Bertoldo? Anh đã làm việc tôi sai bảo chưa?".

"À, thưa ông chủ!".

"Có chuyện gì?".

"À, thưa ông chủ!".

"Tiếp đi…".

"À, thưa ông chủ!".

"Chết tiệt! Nếu anh không giải thích…".

"Khi tôi phải thưa thẳng rằng… tôi không đủ can đảm!".

"Ngay cả anh à? Cái đồ khốn đó nó mê hoặc tất cả hay sao?".

"À, thưa ông chủ!".

"Quỷ tha ma bắt cả anh lẫn ông chủ của anh đi!".

"Nếu như ông thử xem! Không thể nào… nó có cái ánh mắt như thế!".

"Các người biết rằng tôi phải nói sao không? Cả lũ các người là đồ đàn bà, là đồ thỏ đế, đồ vô dụng!".

"Ông tin đi… chẳng thể nào… nếu như ông thử…".

"Chắc chắn là tôi sẽ thử. Và tôi sẽ cho các người thấy một người đàn ông không nên có nhiều thứ sầu thảm trong đầu".

Nói xong những lời này, bố Giovanni điên cuồng lao ra ngoài.

"À, mày ở đây, đồ lười biếng láu cá hả? Đi nào… Tới đâu… Nào… Dê Quậy… Dê Quậy…".

Và Dê Quậy ngoan ngoãn và vâng phục, nhảy nhót, với cái mõm ngước cao, vẫy đuôi, đi theo ông chủ vào gian trữ đồ.

Bố Giovanni vội vã. Ông ở một mình trong gian trữ đồ. Tốt hơn nhiều! Sẽ không có những cái nhăn nhó, những lời đường mật của đàn bà! Ôi thần thánh ơi, có lẽ ông sẽ chỉ cho thấy cách tuân theo mệnh lệnh mà không hề do dự, không hề nghi ngại và làm một cú chắc chắn. Ông mở một cái rương. Ông lôi ra một con dao lớn, dài và bén.

"Ở đây… tới đây… quý ông… Mày có thấy cái máy chém không?".

Vừa nói, bố Giovanni vừa huơ con dao lên cao.

Dê Quậy ngẩng cái mõm hồng hồng xinh xắn lên và nhìn. Thật lòng mà nói, dường như nó chẳng coi trọng gì sự việc này, bởi vì nó đung đưa cái đầu, rồi nhấc cẳng chân phải lên, quờ quạng qua lại.

"Mày thật ngây ngô! Cái mặt mày làm tao thật sự buồn cười!".

Ông ngồi xuống rồi nói tiếp:

"Mày có biết là chỉ chút nữa thôi mày phải chết không hả?".

Vừa nghe tới tiếng "chết", Dê Quậy có vẻ như nhớ tới cái trò chơi ưa thích của nó. Chẳng chần chờ ngần ngại, nó thả mình nằm dài xuống đất, khép mắt lại.

"Mày chơi đùa nữa hả? Mày thật là can đảm! Giỏi lắm!".

Nhưng Dê Quậy chẳng nhúc nhích.

"Tao hiểu rồi… mày muốn xoay chuyển tình thế và tự thoát dễ dàng bằng vài trò đùa… Ê, đúng vậy nhóc cưng. Không làm chuyện đó với tao được đâu!... Vậy thì can đảm lên… tới đây… Dê Quậy! Nào…".

Nghe tiếng gọi, Dê Quậy tuân theo, không hề do dự. Khi tới gần, nó vươn thẳng mình và đặt bàn chân nhỏ lên đầu gối kẻ đao phủ.

Có một sự im lặng chết chóc ở trong gian trữ đồ. Cánh tay phải cầm con dao giơ lên. Đúng lúc đó Dê Quậy tựa cái mõm hồng hồng của nó lên bàn tay trái của bố Giovanni và không làm gì khác hơn, nó bắt đầu dùng lưỡi liếm, hôn bàn tay.

Cặp mắt của người tá điền già chạm vào ánh mắt của con dê bé nhỏ. Cái nhìn của Dê Quậy thật dịu dàng, đầy u uẩn và tử tế. Dường như là một sự vuốt ve.

Bố Giovanni cảm nhận được cái ve vuốt đó. Một cơn rùng mình chạy dọc xương. Ông run lên và con dao rớt xuống đất.

Không, không thể được.

Khi bố Giovanni ra khỏi gian trữ đồ, ông gặp Matilde đang chờ ông.

"Vậy đó", bà già tốt bụng hỏi, "ông thật sự muốn?...".

Truyện ngắn mùa Phục sinh: Thiếu món thịt quay- Ảnh 3.

Carlo Bertolazzi (1870-1916), nhà viết kịch và phê bình sân khấu người Ý theo trường phái hiện thực.

Tuy sớm qua đời nhưng từ sau Thế chiến thứ 2, ông là một trong những tác giả được đánh giá cao về cảm hứng quốc gia - dân tộc, các tác phẩm của ông thường được diễn xuất trên sân khấu nhà hát và tạo cảm hứng cho các bộ phim điện ảnh.


Bà không thể nói hết câu: Dê Quậy vui vẻ và nhanh nhẹn hơn trước đã chạy ra ngoài sân.

"Nó nè! Nó nè! Ông không hạ sát nó ư? Giỏi lắm! Giỏi lắm!".

"Không! Tôi không giết nó!".

"Tôi muốn nói thế! Ông quá tốt và ông không thể…".

"Tốt cái nỗi gì! Tôi không muốn bà tin chắc rằng tôi thiếu can đảm như hết thảy đám thỏ đế trong gia đình này! Tôi hy vọng là bà không tin thế. Nếu không tôi cho bà…".

Bà Matilda không để ông có thời gian nói hết câu.

"Không! Không! Làm ơn đi! Tôi tin ông! Tôi tin ông!".

"Tôi để cho nó sống bởi vì… bởi vì… bởi vì vô ích… bởi vì không cần nữa".

"Thật sao? Như thế bọn trẻ sẽ hài lòng và con dê nhỏ để làm món thịt quay Phục sinh chúng ta có thể mua ở hàng thịt".

" Bọn trẻ gì chứ! Hàng thịt gì chứ! Tôi mà muốn để cho bọn trẻ thắng!".

"Là sao? Vậy phải…".

"Chuyện gì? Mua con dê khác à?".

"Phải thế thôi!".

"Nhưng bà vẫn chưa hiểu rằng nếu như tôi muốn ăn thịt quay, tôi đã tự tay với Dê Quậy sao? Chuyện rằng là…".

Và đến đây bố Giovanni thấy hơi xấu hổ phải tiếp tục. Lần đầu tiên trong đời ông buộc phải nói dối vợ một cách trắng trợn. Nhưng nhiều phần, cần phải thoát chuyện trong danh dự. Ông thu hết can đảm và nói tiếp:

"Có nghĩa là năm nay tôi quyết định… quyết… thay đổi! Chắc chắn vậy! Tôi đã chán! Ồ, điều này thật lạ lùng! Lẽ nào tôi không có quyền chán ngán sao?".

"Ông?".

"Tôi… tôi. Tôi đã quá đủ món dê rồi… Cứ phải luôn có dê quay trong ngày lễ Phục sinh à? Bởi vì sao? Không lẽ bởi vì cha tôi, ông tôi luôn ăn? Lý lẽ hay thật! Vậy thì tôi phải đi bộ tới Milan bởi vì những người xưa không có đường hỏa xa. Bà nghĩ xem sao?".

"Vâng… vâng… tất nhiên rồi…nhưng… truyền thống…".

"Nhưng với chả nhưng!... Truyền thống gì chứ!".

Và bằng tất cả hơi sức trong người, bố Giovanni hét váng lên:

"Tôi không muốn món dê. Quỷ tha ma bắt tất cả lũ dê bắt đầu từ Dê Quậy của bà! Bà hiểu chưa? Đủ rồi, tôi đã nói đủ rồi nhé!".

Thế là, lần thứ hai trong ngôi nhà của Giovanni Lắm Dây Nhợ, tá điền của trang trại Nghĩ Điều Hay, vào bữa ăn ngày Phục sinh, cả gia đình không có món thịt quay.■

Liên Hương (dịch từ tiếng Ý)

(*) Biệt danh của Giovanni, nguyên văn "Moltacorda" nghĩa là nhiều sợi dây, hàm ý trói buộc, tuân thủ.

(*) Lễ Pentecoste hay lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống, cử hành vào ngày thứ 50 tính từ ngày lễ Phục sinh. Ngày lễ này còn được coi là ngày hội mùa, đánh dấu một mùa thu hoạch sắp tới).

(*) Nguyên văn thành ngữ "brucciare le ultime cartucce" (đốt hết những viên đạn cuối) chỉ nỗ lực lần cuối trước khi chịu nhượng bộ.


Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận