15/04/2024 12:01 GMT+7

Tuyệt vời khi thưởng thức tranh trong không gian ba chiều

Thay vì sử dụng bút màu và giấy vẽ để sáng tác, thì chỉ với một chiếc kính thực tế ảo và tay cầm điều khiển, Đặng Thị Minh Hằng đã có thể vẽ ra nhiều tác phẩm tranh trong không gian ba chiều.

Minh Hằng có thể thỏa sức sáng tạo trong không gian ba chiều - Ảnh: NVCC

Minh Hằng có thể thỏa sức sáng tạo trong không gian ba chiều - Ảnh: NVCC

Chia sẻ với Tuổi Trẻ, Đặng Thị Minh Hằng cho biết giá trị trải nghiệm tối ưu nhất của tranh thực tế ảo là khán giả có thể bước vào tranh để chìm đắm trong một không gian mà nét cọ và màu sắc vây lấy mình.

Không gian thực tế ảo là không có giới hạn. Đây là điểm mạnh và cũng là thử thách khi người nghệ sĩ phải học cách chắt lọc nội dung mình muốn kể để tìm được điểm dừng vừa đủ.

Đặng Thị Minh Hằng

Không gian ảo đầy thách thức

Đặng Thị Minh Hằng lựa chọn trở thành một nghệ sĩ thực tế ảo, vẽ tranh 3D vì con gái của mình. Bởi khi ấy, cô nhận ra sự xung đột giữa tình yêu dành cho cô bé và tình yêu dành cho công việc cũ nên cô đã cân nhắc lại định hướng của bản thân. 

Cùng lúc đó, Minh Hằng cũng thấy được tiềm năng của công việc này trong lĩnh vực nghệ thuật, sáng tạo nên cô đã quyết định theo đuổi.

Hiện tại, mô hình triển lãm nghệ thuật immersive (nghệ thuật tiếp cận, tương tác trực tiếp với các tác phẩm nghệ thuật) đã phổ biến ở khá nhiều nước trên thế giới và bắt đầu xuất hiện ở Việt Nam những năm gần đây. 

Trước khi kính thực tế ảo trở nên phổ biến hơn thì nghệ sĩ thực tế ảo đã có thể phát hành tranh dưới dạng video, làm phim hoạt hình hoặc sử dụng cho truyền thông, quảng cáo, kể chuyện...

Tùy theo mục đích và yêu cầu về độ chi tiết, Minh Hằng thường vẽ tác phẩm trong khoảng từ 2-4 tuần, với một số bức ký họa thì cô có thể hoàn thành dưới một tiếng. 

Minh Hằng cho biết để vẽ tranh 3D trong môi trường thực tế ảo, người nghệ sĩ cần phải đeo thiết bị nặng tối thiểu 400 gam và vẽ vào khoảng không, không có bề mặt nào để làm điểm tựa.

Một video mô tả cách Minh Hằng sáng tạo một bức tranh trong không gian thực tế ảo | YouTube Minhang's VR Art

Điều này đòi hỏi sự luyện tập để tương thích với các thiết bị, đặc biệt là kỷ luật trong khi làm việc với kính và sự rèn luyện thể chất nghiêm túc. 

Người nghệ sĩ có thể tự tạo ra rất nhiều studio ảo cho các mục đích khác nhau (vẽ, điêu khắc, thiết kế...). Không gian, chất liệu là vô hạn cho trí tưởng tượng và óc sáng tạo, vượt qua giới hạn của những định luật vật lý thông thường.

Với Minh Hằng, khó khăn lớn nhất khi tham gia lĩnh vực này là tiếp cận với kỹ thuật bởi cô không quá nhạy với máy móc, thiết bị và các số liệu, thậm chí cô từng không tự cài Windows cho máy tính được. 

Tuy nhiên, cô gái trẻ xác định rằng công việc nào cũng sẽ có những khó khăn riêng nên luôn bình tĩnh xử lý những rắc rối kỹ thuật từng chút một.

"May mắn là tôi nhận được rất nhiều sự hỗ trợ từ cộng đồng cùng chung chí hướng, những người quý mến tác phẩm của mình, người thân, bạn bè và đặc biệt là chồng tôi. Đó cũng là động lực lớn nhất để tôi sáng tạo, vượt qua khó khăn trong suốt quá trình vẽ" - Minh Hằng bộc bạch.

Minh Hằng sáng tạo tác phẩm nghệ thuật với một chiếc kính thực tế ảo và tay cầm điều khiển - Ảnh: NVCC

Minh Hằng sáng tạo tác phẩm nghệ thuật với một chiếc kính thực tế ảo và tay cầm điều khiển - Ảnh: NVCC

Hạn chế can thiệp vào thế giới tự nhiên

Đặng Thị Minh Hằng cũng là người sáng lập dự án Endangered. Đây là dự án ứng dụng nghệ thuật và công nghệ XR bao gồm: công nghệ thực tế ảo, thực tế tăng cường và thực tế hỗn hợp vào việc bảo tồn thiên nhiên và động vật hoang dã. 

Minh Hằng bảo: "Công nghệ XR có thể hỗ trợ nghệ sĩ thực tế ảo trong việc trình diễn và phối hợp với các bộ môn nghệ thuật khác để tạo ra những phần trình diễn nghệ thuật ấn tượng".

Trong triển lãm thuộc dự án do Hằng sáng lập, khán giả có thể gặp gỡ các con vật quý hiếm bằng công nghệ AR và xem bức tranh VR về các con thú trong khu rừng chết. 

Họ có thể cùng nhau tô xanh khu rừng ảo, đồng thời cùng với mỗi chiếc lá xanh là những khoản đóng góp cho các hoạt động bảo tồn động vật hoang dã tại Việt Nam.

Nguồn cảm hứng vẽ tranh của Minh Hằng là mối quan hệ giữa con người và thế giới tự nhiên. Cô chịu ảnh hưởng nhiều từ các phim hoạt hình châu Á, những tâm hồn có thể nhìn thấy sự khắc nghiệt nhưng vẫn chọn yêu và tái hiện những vẻ đẹp lộng lẫy của thế giới xung quanh mình. 

Khi trở thành họa sĩ vẽ tranh 3D, Minh Hằng rất hạnh phúc vì được nói lên tiếng nói của bản thân qua tác phẩm.

Các tác phẩm của Minh Hằng luôn chú trọng bảo vệ thế giới tự nhiên - Ảnh: NVCC

Các tác phẩm của Minh Hằng luôn chú trọng bảo vệ thế giới tự nhiên - Ảnh: NVCC

Ở vai trò là một họa sĩ, với Minh Hằng, việc chọn chất liệu ảo để tạo hình giúp cô hạn chế tối thiểu việc can thiệp vào thế giới tự nhiên và cũng giảm thiểu lượng polymer hay rác thải tạo ra trong quá trình tạo tác. 

"Tôi muốn giữ gìn một thế giới phong phú, đa dạng giống loài hơn bởi đừng chờ cho tất cả những gì chúng ta có thể làm được chỉ là tưởng nhớ" - Minh Hằng tâm sự.

Để thỏa đam mê, Minh Hằng đã xây dựng hẳn một kênh YouTube MinHang's VR Art để ghi lại quá trình mà cô thực hiện các tác phẩm tranh 3D từ lúc bắt đầu cho đến khi ra được thành phẩm. 

"Từ khi xây dựng kênh, tôi kết nối được với rất nhiều người cùng quan tâm và có mong muốn thử sức với nghệ thuật thực tế ảo.

Mặc dù cộng đồng còn nhỏ bé nhưng tôi tin rằng sẽ mở rộng hơn trong tương lai, bởi Việt Nam chúng ta đang dần có thứ hạng trên bản đồ xuất khẩu kinh tế sáng tạo của thế giới" - Minh Hằng chia sẻ.

Đặng Thị Minh Hằng

Nghệ sĩ thực tế ảo Đặng Thị Minh Hằng

Đặng Thị Minh Hằng học hội họa từ năm 7 tuổi. Cô từng đoạt huy chương bạc cuộc thi vẽ tranh quốc tế Shankar.

Năm 2007, cô lọt top 25 cuộc thi Vietnam Collection Grand Prix khi đang là sinh viên khoa thiết kế thời trang Trường ĐH Kiến trúc TP.HCM.

Năm 2008, Hằng trở thành họa sĩ game 2D.

Năm 2023, cô đến với cuộc thi NewView XR Lab và trở thành top 3 chiến thắng tại khu vực Mekong, cũng là dấu mốc khai sinh Endangered - ứng dụng nghệ thuật XR vào việc bảo tồn thiên nhiên và động vật hoang dã.

6 Cọng Lụa vẽ tranh triển lãm Duyên tơ6 Cọng Lụa vẽ tranh triển lãm Duyên tơ

Các thành viên của nhóm 6 Cọng Lụa đều là học trò vẽ tranh lụa của họa sĩ, nhà giáo ưu tú Lê Thị Kim Bạch. Các họa sĩ gặp gỡ và bén duyên cùng nhau trên hành trình nghệ thuật vì có chung tình yêu tranh lụa.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên