22/06/2023 23:17 GMT+7

Vấn đề chủ quyền trong hiệp định lịch sử về biển cả

Việc thiết lập các vùng bảo vệ biển trong Hiệp định BBNJ được quy định chặt chẽ, không được hiểu là sự công nhận bất kỳ yêu sách chủ quyền nào.

Vấn đề chủ quyền trong hiệp định lịch sử về biển cả - Ảnh 1.

Đại dương chiếm phần lớn bề mặt Trái đất và chưa có cơ sở nào toàn diện để bảo vệ đa dạng sinh học trên các vùng biển cả trước BBNJ - Ảnh: AFP

Trong bài trước về Hiệp định bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học biển tại các vùng nằm ngoài quyền tài phán quốc gia (gọi tắt là BBNJ), giáo sư Nguyễn Hồng Thao đã nói về sự cần thiết của hiệp định này và quá trình đàm phán.

Tuổi Trẻ Online đăng phần tiếp theo bài viết của giáo sư Thao, trong đó đi sâu vào chi tiết một số phần quan trọng của hiệp định, trong đó có vấn đề chủ quyền

Ngăn việc bị lợi dụng cho các yêu sách chủ quyền

Phần III của BBNJ nói về các biện pháp như Công cụ quản lý theo vùng (Area-based management tool ABMT) bao gồm cả vùng bảo vệ biển, gồm 10 điều (17-26).

Điều 1 khoản 1 định nghĩa ABMT là công cụ, bao gồm cả vùng bảo vệ biển, cho một khu vực địa lý xác định, thông qua đó một hoặc một số lĩnh vực hoặc hoạt động được quản lý với mục đích đạt được sự bảo tồn đặc biệt và các mục tiêu sử dụng bền vững phù hợp với hiệp định.

Việc thiết lập các ABMT, bao gồm cả vùng bảo vệ biển, không được bao gồm bất kỳ một vùng nào nằm dưới quyền tài phán quốc gia và không được là cơ sở cho việc thừa nhận hay từ chối bất kỳ yêu sách chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán, kể cả các tranh chấp liên quan đến chúng.

Hội nghị các quốc gia thành viên sẽ không xem xét các đề xuất như vậy và trong mọi trường hợp các đề xuất này không được hiểu như sự công nhận hay không công nhận bất kỳ yêu sách chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán nào. Điều 19 quy định cụ thể các tiêu chí để các bên căn cứ đề xuất ABMT.

Phần IV về đánh giá tác động môi trường (ĐTM), gồm 13 điều (27-39).

ĐTM là công cụ quản lý môi trường và là nghĩa vụ mà các bên phải thực hiện để đảm bảo rằng ảnh hưởng tiềm năng tới môi trường của các hoạt động lên kế hoạch dưới quyền tài phán và kiểm soát của họ được tiến hành trong các vùng biển nằm ngoài quyền tài phán quốc gia phải được đánh giá phù hợp với các quy định trong phần này trước khi chúng được cho phép.

Mục tiêu của phần này là xác định quá trình, ngưỡng và các yêu cầu khác để tiến hành và báo cáo đánh giá cho các bên, nhằm bảo đảm các hoạt động được tiến hành phải ngăn ngừa, giảm thiểu và quản lý các tác hại đáng kể nhằm mục đích bảo vệ và bảo tồn môi trường biển. Bên cạnh biện pháp đánh giá tác động môi trường chiến lược, hiệp định lần đầu tiên khuyến khích và ủng hộ việc xem xét đánh giá các tác động tích lũy lên môi trường.

Điều 1 khoản 6 định nghĩa các tác động tích lũy là các tác động kết hợp và tăng dần bắt nguồn từ các hoạt động khác nhau, bao gồm các hoạt động trong quá khứ, hiện tại và có thể được dự tính một cách hợp lý, hoặc do việc lặp lại các hoạt động giống nhau qua thời gian, và hậu quả của biến đổi khí hậu, axít hóa đại dương và các tác động liên quan. Các tiêu chuẩn và hướng dẫn về ĐTM sẽ được ủy ban khoa học kỹ thuật chuẩn bị cho hội nghị các quốc gia thành viên xem xét và thông qua (điều 38).

Vấn đề chủ quyền trong hiệp định lịch sử về biển cả - Ảnh 3.

Tàu khảo sát nghiên cứu Trần Đại Nghĩa - Ảnh: chinhphu.vn

Trách nhiệm cùng xây dựng năng lực trên biển

Phần V về xây dựng năng lực và chuyển giao công nghệ biển, gồm 7 điều (40-46).

Điều 1 khoản 10 định nghĩa "công nghệ biển" bao gồm, inter alia, thông tin và dữ liệu, được cung cấp ở định dạng thân thiện với người sử dụng, về các ngành khoa học biển và các hoạt động và dịch vụ biển có liên quan; các sổ tay, các hướng dẫn, các tiêu chí, các tiêu chuẩn, các tài liệu tham khảo; thiết bị mẫu và có phương pháp; thiết bị quan sát và thiết bị phục vụ quan sát tại chỗ in situ và quan sát thí nghiệm, phân tích và thử nghiệm; máy tính và phần mềm máy tính, bao gồm các mô hình và các kỹ thuật mẫu, liên quan tới công nghệ sinh học; và chuyên môn, kiến thức, kỹ năng, bí quyết kỹ thuật, khoa học và pháp lý và các phương pháp phân tích liên quan tới bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học biển.

Định nghĩa này khẳng định xu thế coi công nghệ biển bao gồm cả thông tin, kỹ thuật, quy trình, phương pháp và trang thiết bị chứ không chỉ bao gồm thông tin, trong đó có quyền sở hữu trí tuệ.

Điều 42 quy định các bên, trong khả năng của mình, sẽ bảo đảm xây dựng năng lực cho các quốc gia thành viên đang phát triển và hợp tác để đạt được việc chuyển giao công nghệ biển, đặc biệt cho các quốc gia thành viên đang phát triển đang cần và yêu cầu, có tính đến hoàn cảnh đặc biệt của các quốc đảo nhỏ đang phát triển và các nước chậm phát triển, phù hợp với các quy định của hiệp định. 

Xây dựng năng lực và chuyển giao công nghệ biển cần phải là quá trình dẫn dắt đất nước, minh bạch, hiệu quả và liên tục, có sự đáp ứng mang tính tham gia, cắt lớp và giới tính.

Nó phải xây dựng, khi cần thiết, và không được lặp lại các chương trình đã tồn tại và phải được hướng dẫn (rút kinh nghiệm) bởi các bài học đã qua bao gồm các bài học từ các hoạt động xây dựng năng lực và chuyển giao công nghệ biển theo các văn bản và khuôn khổ pháp lý hiện hành và các tổ chức mang tính toàn cầu, khu vực, tiểu khu vực và lĩnh vực liên quan. Nó phải được tiến hành có tính đến quan điểm đạt được hiệu quả và kết quả cực đại.

Xây dựng năng lực và chuyển giao công nghệ biển cần được xây dựng và cần đáp ứng yêu cầu và ưu tiên của các quốc gia thành viên đang phát triển, có tính đến hoàn cảnh đặc biệt của các quốc đảo nhỏ đang phát triển và các nước chậm phát triển, xác định thông qua đánh giá yêu cầu, trên cơ sở cho từng trường hợp cụ thể, tiểu khu vực và khu vực. Các yêu cầu và ưu tiên này có thể tự đánh giá hoặc thông qua ủy ban xây dựng năng lực và chuyển giao công nghệ biển và cơ chế minh bạch thông tin (clear house information - CHI).

Phần VI dành cho các quy định về tổ chức, gồm 5 điều (47-51). Điều 47 quy định việc thành lập, quy chế làm việc và chức năng của hội nghị các bên, cơ quan điều hành cao nhất của hiệp định. Ngoài hội nghị các bên, hiệp định còn quy định thành lập ủy ban khoa học kỹ thuật, ban thư ký và xác định chế độ minh bạch cũng như cơ chế minh bạch thông tin CHI mà các cơ quan và các bên cần tuân thủ.

Phần VII về các quy định tài chính gồm 1 điều khoản (52). Phần VIII Thực thi và tuân thủ gồm 3 điều (53-55). Phần IX Giải quyết tranh chấp gồm 6 điều (56-61). Các bên có nghĩa vụ giải quyết tranh chấp bằng mọi biện pháp hòa bình quy định trong điều 33 Hiến chương Liên Hiệp Quốc và tuân theo thủ tục giải quyết tranh chấp được quy định trong phần XI của UNCLOS. Các phần còn lại X, XI, XII liên quan đến mối quan hệ với các văn kiện khác, với bên thứ ba và các thủ tục phê chuẩn, có hiệu lực.

Kết luận

Hiệp định BBNJ là một bổ sung cho Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS), nằm trong khuôn khổ UNCLOS và không thay thế những nguyên tắc cơ bản của UNCLOS. 

BBNJ được xây dựng trên nguyên tắc di sản chung của loài người và tự do biển cả, và nhấn mạnh nguyên tắc tính đến các nhu cầu và ưu tiên của các nước đang phát triển tạo ra lợi thế lớn cho Việt Nam và các nước đang phát triển trong việc xây dựng và thực thi một trật tự pháp lý trên biển công bằng, trên cơ sở tôn trọng chủ quyền và các lợi ích quốc gia của tất cả các thành viên của cộng đồng quốc tế.

Hiệp định BBNJ với những định nghĩa mới và cụ thể về nguồn gene biển, về công cụ quản lý vùng, đánh giá tác động môi trường cơ chế thông tin minh bạch, xây dựng năng lực và chuyển giao công nghệ biển đã góp phần thay đổi phương thức quản trị đại dương và biển khắc phục những tồn tại hiện nay.

Việc bảo tồn và sử dụng bền vững biển và đại dương, trong đó có các nguồn đa dạng sinh học biển sẽ góp phần tận diệt đói nghèo, giúp kinh tế tăng trưởng bền vững hơn, bảo đảm an ninh lương thực, tạo thêm sinh kế bền vững và tăng cường khả năng chống chịu và thích ứng của các nước trước tác động của biển đổi khí hậu. 

Thông điệp của Việt Nam tại cuộc họp UNCLOS: Thượng tôn luật pháp là chìa khóa giải quyết tranh chấpThông điệp của Việt Nam tại cuộc họp UNCLOS: Thượng tôn luật pháp là chìa khóa giải quyết tranh chấp

TTO - Hội nghị lần thứ 30 các nước thành viên Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS) năm 1982 đã bế mạc ngày 9-12 tại New York (Mỹ) sau gần bốn tháng kể từ thời điểm khai mạc.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên