26/12/2023 12:12 GMT+7

Xoay xở tìm việc cuối năm - Một năm chật vật mưu sinh

2023 được xem là một năm vô cùng khó khăn của người lao động, nhất là những ai làm việc tại các nhà máy, khu công nghiệp.

Những chuyến xe bán hàng lưu động bình ổn giá phục vụ tận khu trọ đông công nhân - Ảnh: Q.L.

Những chuyến xe bán hàng lưu động bình ổn giá phục vụ tận khu trọ đông công nhân - Ảnh: Q.L.

Nhiều người mất việc, không tìm được việc làm mới nên đành về quê. Người ở lại cũng ráng gồng gánh xoay xở bám trụ trong cảnh thu nhập giảm đáng kể.

Nhiều người phải về quê không phải để ăn Tết sớm mà vì càng cố càng đuối khi việc ít, lương giảm khó đảm bảo cuộc sống nơi thành thị.

"Cả chục năm nay vợ chồng tôi thường sát Tết mới về quê nhưng năm nay tính hết tháng 12 này nghỉ việc về sớm luôn. Tài xế như tui mà lương có 4,5 triệu đồng làm sao sống nổi", anh T.H. (quận 7, TP.HCM) - tài xế một công ty chuyển phát nhanh - rầu rĩ.

Xưởng may tại nhà không còn đơn hàng, tôi tranh thủ chạy xe công nghệ buổi tối mà giờ tài xế quá đông, ngày nào chạy được trên dưới 200.000 đồng là may rồi, chắc về quê ăn Tết sớm quá.
Anh ĐỨC HÒA (chủ một xưởng may tại nhà ở quận Tân Phú, TP.HCM)

Xin nghỉ việc về quê sớm

Anh H. vẫn nhớ rõ ngày đầu tiên đặt chân đến TP.HCM 13 năm trước. Làm công nhân vài năm, anh chuyển sang làm tài xế dịch vụ chuyển phát.

"Mấy năm qua công việc tương đối ổn nhưng gần đây không biết sao công ty đưa ra quy định siết dữ lắm. Nhận hàng đưa về kho, công ty yêu cầu phải đi giao hàng, giao đủ số đơn mới nhận được lương đầy đủ" - anh H. kể.

Nhưng anh H. cũng như nhiều tài xế khác không thể hoàn thành yêu cầu mới của công ty vì: "Đi lấy hàng từ các shop về kho là hết thời gian rồi". Anh cố xoay bằng cách bỏ tiền mua lại đơn của các tài xế khác.

Mua đủ đơn như công ty yêu cầu tốn 2 - 3 triệu đồng mà nếu vậy thì lương mỗi tháng đâu còn bao nhiêu. Bà xã H. làm ở khu chế xuất, công ty cũng không có hàng để tăng ca mà nghe đâu đang xôn xao chuyện cắt giảm biên chế.

"Ở đây tiền trọ, rồi ăn uống, điện nước, nuôi hai đứa con mà tiền lương vài triệu đồng nuôi thân còn chưa xong làm sao cho con. Trước mắt hai vợ chồng sắp xếp về quê sớm, bớt ăn tiêu lại chứ cũng chưa có kế hoạch gì cho công việc sắp tới" - anh H. ngán ngẩm.

Chung cảnh bị giảm, đồng lương bèo bọt còn lại chẳng là bao, anh Văn Viên - công nhân Khu chế xuất Tân Thuận (quận 7, TP.HCM) - đành chọn nghỉ việc hơn một tháng trước ra chạy xe ôm công nghệ.

Công ty anh may áo một thương hiệu đồ hiệu cũng là hàng xa xỉ. Cả năm qua giảm đơn hàng, công nhân không tăng ca gì, lương mỗi tháng giảm tới 3 triệu đồng nên chẳng còn bao nhiêu.

Viên nghỉ việc chạy xe công nghệ, tranh thủ đưa đón con cho vợ đi làm. May mắn vợ anh làm công nhân công ty sản xuất dụng cụ y tế nên đơn hàng vẫn ổn định. Ngày nào nhiều cuốc xe, anh kiếm được chừng 200.000 đồng, tạm đủ xoay xở. Viên nói cứ tạm vậy đã rồi ra Tết tính tiếp!

Không chỉ người lao động tại các nhà máy mà lao động tự tạo việc làm ở nhà cũng không khá hơn. Số đơn đặt hàng xưởng may gia công tại nhà của anh Đức Hòa (quận Tân Phú, TP.HCM) liên tục giảm từ đầu năm đến nay.

Ban đầu anh chị phải thuê tới 30 nhân công mới làm kịp hàng để giao nhưng đơn hàng cứ thưa thớt dần, số công nhân cũng rơi rụng theo. Hiện tại chỉ còn hai vợ chồng mà cũng không có hàng để làm.

Giờ làm nhưng nhiều công nhân ở phòng trọ kèm con học bài vì không có đơn hàng, không còn việc để làm - Ảnh: C.TRIỆU

Giờ làm nhưng nhiều công nhân ở phòng trọ kèm con học bài vì không có đơn hàng, không còn việc để làm - Ảnh: C.TRIỆU

Biết có thưởng Tết không mà chờ?

8h, chi nhánh bảo hiểm thất nghiệp tại quận 12 (TP.HCM) tới hơn chục hàng ghế nhưng đã không còn chỗ trống. Hỏi thăm một vòng, đa số người có mặt đều cho biết họ không bị cho nghỉ việc nhưng "tuần bảy ngày, công ty cho nghỉ năm ba bữa". Không thấy được tương lai, họ xin nghỉ việc.

Chị Nguyễn Thị Ngọc Huệ (30 tuổi) ở huyện Hóc Môn (TP.HCM) quyết định nghỉ làm công ty da giày đã gắn bó bảy năm ngay vào thời điểm cuối năm. Hai vợ chồng cùng làm nuôi hai con, đứa 9 tuổi, đứa 10 tuổi.

Trước đó hai đứa nhỏ học bán trú, mỗi đứa gần 1,5 triệu mỗi tháng. Nhưng giờ phải chuyển sang học một buổi, mẹ nghỉ làm đưa đi đón về.

Lý do cả năm nay nơi chị Huệ làm không có đơn hàng, không tăng ca, lương giảm khoảng 3 - 4 triệu đồng/tháng. Tiền đi làm còn không đủ cho con học bán trú, chị Huệ xin nghỉ việc vừa lo đưa đón hai con, thêm hai đứa cháu con của anh chị nữa là bốn đứa tất cả.

Những ngày này, thay vì đến nhà xưởng, chị Huệ chạy bốn tua sáng chiều mỗi ngày làm tài xế đưa rước bốn đứa trẻ.

Nghỉ việc vào những tháng cuối năm chị cũng đã tính toán kỹ lắm nhưng vẫn chọn giải pháp tình thế này.

"Nếu cố bám trụ hết năm, thưởng Tết cao lắm được một tháng lương cơ bản mà chưa chắc gì đã có. Lo cho con đi học là ưu tiên số 1 nên thôi coi như ăn Tết bằng tiền trợ cấp thất nghiệp" - chị Huệ bộc bạch.

Cùng lý do công ty không có đơn hàng, không còn việc làm nên Sáng (23 tuổi) quyết định xin nghỉ ngay tháng cuối năm. Làm bọc cáp điện ở các công trình xây dựng, công việc ở công ty mấy năm qua cũng được lắm, có lúc Sáng nhận lương tháng hơn 15 triệu đồng.

Anh cho biết thậm chí ngay trong thời điểm dịch COVID-19 nhưng công việc nhiều đến nỗi anh và đồng nghiệp đăng ký làm "3 tại chỗ" suốt cả ba tháng.

"Nhưng không biết sao năm nay xuống quá. Bạn bè đồng nghiệp làm chung giờ cũng tản ra mỗi đứa mỗi việc, công ty chắc còn chưa tới phân nửa công nhân" - Sáng cho biết.

Nghỉ việc, làm thủ tục lãnh trợ cấp ba tháng lương. Trong thời gian đó, Sáng phụ người dì kinh doanh nhỏ tại nhà, cứ tạm thời vậy đã.

Ngành công nghệ thông tin cũng ảnh hưởng nặng

Theo Báo cáo lương và thị trường lao động của Navigos Search mới đây, có khoảng 82% doanh nghiệp tại Việt Nam bị ảnh hưởng bởi suy thoái kinh tế, trải dài trong nhiều ngành: vận tải - giao nhận - chuỗi cung ứng, thương mại điện tử - dịch vụ trực tuyến và công nghệ tài chính, xây dựng - bất động sản...

Đặc biệt, nhu cầu tuyển dụng sụt giảm nhiều nhất đến từ hai ngành xây dựng và công nghệ thông tin. Trong đó so với cùng kỳ (tháng 10-2022), nhu cầu tuyển dụng trong ngành công nghệ thông tin giảm tới hơn 32% trong năm 2023.

Nguyên nhân một phần đến từ việc tái cơ cấu doanh nghiệp sau thời gian phát triển nóng trong thời kỳ COVID-19 cũng như ảnh hưởng của suy thoái kinh tế đang tác động tới thị trường lao động trong nước.

(còn tiếp)

Công nhân xoay xở khi không tăng caCông nhân xoay xở khi không tăng ca

Mới 17h, khắp các nẻo đường quanh khu công nghiệp đã trở nên đông đúc, hết tốp công nhân này đến tốp khác ra về. Điều này dần trở nên quen thuộc khi doanh nghiệp giảm đơn hàng, tăng ca trở thành chuyện hiếm thời gian qua.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên