14/09/2023 04:56 GMT+7

12,5 triệu SIM rác và còn bao nhiêu nữa?

HÂN MINH
và 1 tác giả khác

12,5 triệu SIM điện thoại đã được xác định là SIM rác. Đây là kết quả rà soát thời gian qua. Nhưng thực tế SIM không chính chủ vẫn còn đầy và SIM đã đăng ký vẫn đang được bán ra kèm các chiêu khuyến mãi dữ liệu nạp sẵn.

Đại lý SIM thẻ trên đường Kim Mã (Hà Nội) vẫn tất bật đón khách mua SIM (ảnh chụp trưa 12-9) - Ảnh: NGUYÊN BẢO

Đại lý SIM thẻ trên đường Kim Mã (Hà Nội) vẫn tất bật đón khách mua SIM (ảnh chụp trưa 12-9) - Ảnh: NGUYÊN BẢO

Nhiều ý kiến bạn đọc, chuyên gia cho rằng muốn "triệt" nạn SIM rác thì các nhà mạng di động phải tiên phong và quyết liệt nhất bởi vì dù là SIM rác nhưng cũng là "nồi cơm" của họ. Nhà mạng còn dung dưỡng, SIM rác vẫn còn sống lâu dài.

Nhà mạng im lặng để đại lý bán SIM rác

Trước kia, hệ thống đại lý đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với các nhà mạng trong việc phát triển nhanh hàng chục triệu thuê bao. Cũng chính các đại lý, cửa hàng nhỏ lẻ đã khiến SIM di động đến tay người dùng dễ dàng hơn bao giờ hết, từ thành thị cho đến nông thôn.

Khi các nhà mạng còn đua phát triển thuê bao, hệ thống đại lý trở thành "chiến thần" giúp các nhà mạng nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường.

Khi đó, để cạnh tranh nhau từng thuê bao một, nhà mạng mở cho các đại lý "quyền hành" rất lớn trong đó có đăng ký thông tin và kích hoạt SIM, bên cạnh các chương trình khuyến mãi kèm theo.

Đến lúc cơ quan chức năng siết quy định về đăng ký thông tin thuê bao, nhà mạng áp xuống đại lý nhưng là buông lỏng kiểm soát, dẫn đến đại lý tha hồ kích hoạt hàng triệu SIM bằng "thông tin lấy đâu cũng được, miễn đáp ứng yêu cầu".

Giờ khi Bộ Thông tin và Truyền thông siết chặt, các nhà mạng cam kết dừng hoạt động đại lý… nhưng đến thời điểm này vẫn chưa thấy động tĩnh hay tuyên bố nào từ các nhà mạng về việc này.

Cũng không khó hiểu khi lượng SIM rác tồn hiện đang nằm trong tay các đại lý. Nhà mạng chẳng thể nào can thiệp vào hoạt động buôn bán của họ.

Mặt khác, SIM rác được mua bán và sử dụng cũng đồng nghĩa nhà mạng lại có thêm doanh thu. Nhà mạng và các đại lý cùng có lợi ích trong việc tiếp tục bán SIM rác. Nhưng không thể vì lợi ích nhà mạng và đại lý mà thả nổi lợi ích những người dùng đang bị quấy rầy hoặc lừa đảo qua SIM rác.

TRUNG THANH (ngụ quận Phú Nhuận, TP.HCM)

Người dùng chung tay xử SIM rác

Tôi thấy hiện nay các nhà mạng thường có tin nhắn hỏi người dùng sau khi nhận được một số cuộc gọi (thường là từ số lạ) rằng: "Số điện thoại vừa gọi có quảng cáo, làm phiền quý khách không?". Người dùng chỉ việc trả lời bằng cách bấm số 1 là có hoặc 0 là không và gửi lại cho nhà mạng.

Theo số lượng thông tin phản ảnh của người dùng, các nhà mạng sẽ xác thực lại thông tin của thuê bao bị phản ảnh. Nếu thông tin phản ảnh đúng, nhà mạng có thể tiến hành khóa và sau đó thu hồi SIM. Như vậy là có thể xử lý được SIM rác. Đây là cách làm rất hay để kết hợp giữa người dùng và nhà mạng trong việc xác định SIM rác.

Người dùng càng chung tay phản ảnh nhiều, các nhà mạng tích cực hành động thì dần dà các SIM rác sẽ nhanh chóng phải "hiện hình" và bị xử lý. Việc kết hợp trên nên có sự giám sát chặt chẽ từ cơ quan chức năng để mọi hoạt động đều được tiến hành minh bạch và quyết liệt. Kết quả thực hiện cũng nên được cơ quan chức năng công bố thường xuyên để người dùng nhận thấy rõ hiệu quả của sự chung tay. Tôi cho rằng có như vậy mới mong mau chóng "triệt" vấn nạn SIM rác.

NGUYỄN QUANG TUÂN (giám đốc Công ty truyền thông Dòng Chảy Phương Nam)

Truy nhà mạng nào có nhiều SIM rác

Tôi cho rằng việc cấm các đại lý bán SIM đã kích hoạt thông tin chỉ là một trong những giải pháp tình thế để ngăn chặn tình trạng SIM rác. Nó giống như "thả gà ra đuổi", chứ vẫn chưa thể nào kiểm soát được SIM rác.

Thực tế cho thấy vẫn có rất nhiều cách dễ dàng mua SIM đã đăng ký (tên người khác) vì một người sẵn sàng đăng ký nhiều SIM. Việc đột ngột dừng bán SIM của đại lý cần nhiều thời gian để triển khai vì số lượng đại lý là rất nhiều.

Mục tiêu của chúng ta là giảm các cuộc gọi, tin nhắn nguy cơ lừa đảo và quảng cáo quá nhiều, đồng thời áp dụng song song các công nghệ để giảm nguy cơ lộ lọt dữ liệu cá nhân và bảo vệ dữ liệu người dùng về dài hạn.

Do vậy, việc cấm các đại lý bán SIM đã kích hoạt chỉ là một trong các phương án để giảm vấn đề lừa đảo, gọi làm phiền.

Tôi nghĩ cách quản lý hiệu quả hơn vẫn là xem lại tỉ lệ người dùng báo cáo về tình trạng nguy cơ bị lừa đảo hay làm phiền từ các số của nhà mạng nào nhiều hơn. Tình trạng này xuất phát từ các đại lý nào và SIM nào chắc chắn nhà mạng biết rõ.

TRẦN VIẾT QUÂN (chủ tịch Công ty chuyển đổi số Tanca.io)

Tài khoản khủng của SIM rác ở đâu ra?

SIM rác được bán thường kèm với tài khoản khuyến mãi "khủng" để hấp dẫn người mua. Những SIM này đã được đại lý kích hoạt và "nuôi" trong một thời gian khá lâu.

SIM mới từ các nhà mạng phân phối đến các đại lý thường theo "lô", các đại lý lớn lại chia nhỏ tiếp cho các đại lý thứ cấp, rồi lần lượt đến các cửa hàng buôn bán SIM, các cửa hàng nhỏ lẻ…, thậm chí đến cửa hàng tạp hóa có bán SIM.

Ngoại trừ các SIM số đẹp, SIM phong thủy được "nuôi" ở dạng đặc biệt, các loại SIM thông thường được kích hoạt và nạp tiền theo các chương trình khuyến mãi của nhà mạng.

Hoặc theo các chương trình ra mắt SIM khuyến mãi mới của nhà mạng, đại lý có thể đăng ký SIM vào chương trình đó. Mục đích cuối cùng là làm sao để kho SIM được hưởng nhiều khuyến mãi nhất (cả tiền khuyến mãi nội mạng, ngoại mạng lẫn dịch vụ dữ liệu).

Có nhà mạng liên tục có những chương trình, loại gói cước siêu khuyến mãi dữ liệu (data) cho người dùng.

Đại lý sẽ nương theo đó để được hưởng khuyến mãi data nhiều nhất có thể. Sau đó, với lượng tiền đã nạp vào để được hưởng khuyến mãi, đại lý có thể tìm cách rút bớt (chẳng hạn như dùng gọi điện nhắn tin, mua data, thậm chí dùng dịch vụ chuyển tiền cho các thuê bao khác cùng mạng…).

Khi đó, tiền trong tài khoản chính của SIM có thể hết hoặc còn ít, nhưng tiền trong tài khoản khuyến mãi vẫn nhiều, data ưu đãi khủng. Và chúng được đưa ra thị trường để chào mời người mua, cũng là cách đại lý đang làm để giải phóng lượng SIM đang "ôm".

Xử SIM rác: đừng giơ cao đánh khẽ

Hơn 12,5 triệu SIM rác được chặn lọc, tuy nhiên việc mua bán vẫn tràn lan từ lề đường tới sàn thương mại điện tử. Bạn đọc Tuổi Trẻ Online góp ý kiến bàn giải pháp nào ngăn SIM rác hoành hành?

- Các nhà mạng đều bắt buộc đăng ký thông tin thuê bao nên không thể có chuyện SIM vô chủ như ngày trước được. Việc thông tin cá nhân bị lộ lọt vào tay kẻ xấu đã bị lợi dụng để đăng ký SIM rác. Cần siết lại những thủ tục đòi hỏi khai báo căn cước công dân để tránh bị tuồn bán dữ liệu thông tin cá nhân làm SIM rác. (Bạn đọc Abc)

- Thực tế hiện nay nhiều nhà mạng, đại lý kích hoạt sẵn SIM. Cần tăng mức phạt, tăng cường kiểm tra hơn nữa và truy trách nhiệm các nhà mạng quản lý không chặt chuyện đăng ký SIM… (Bạn đọc Trung Nguyen)

- Cần có một trang web hay ứng dụng để người dùng có thể tra cứu xem thông tin của mình có bị dùng đăng ký SIM cho người khác dùng không và dễ dàng báo cáo việc giả mạo để khóa các SIM không chính chủ. (Bạn đọc Tho Dao)

- Cần có chế tài xử phạt thật nặng, thật nghiêm khắc, đừng làm theo kiểu giơ cao đánh khẽ thì mới hạn chế tối đa việc phát tán SIM rác để nhà mạng đạt doanh số cao. (Bạn đọc Cauvongxanh)

Gốc rễ vấn nạn SIM rác vẫn là nhà mạng bỏ lơ cho SIM rác hoạt động chỉ vì lợi nhuận. Bạn đọc TRUNG QUANG

Chưa thể "triệt" ngay SIM rácChưa thể 'triệt' ngay SIM rác

'Chỉ cần người dùng còn có nhu cầu thì các đại lý luôn có cách bán SIM rác ra thị trường', chủ một đại lý ở TP.HCM cho biết.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên