31/05/2021 20:33 GMT+7

Các nước đòi làm rõ vụ Đan Mạch giúp Mỹ nghe lén quan chức châu Âu

TRẦN PHƯƠNG
TRẦN PHƯƠNG

TTO - Pháp, Đức, Na Uy, Thụy Điển lên tiếng đòi làm rõ tiết lộ của truyền thông Đan Mạch rằng nước này giúp Mỹ theo dõi các quan chức cấp cao châu Âu, bao gồm Thủ tướng Đức Angela Merkel.

Các nước đòi làm rõ vụ Đan Mạch giúp Mỹ nghe lén quan chức châu Âu - Ảnh 1.

Thủ tướng Đức Angela Merkel nằm trong số các quan chức châu Âu nghi bị Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ nghe lén - Ảnh: REUTERS

"Vấn đề này cực kỳ nghiêm trọng. Chúng ta cần kiểm tra xem liệu đối tác tại Liên minh châu Âu (EU) là Đan Mạch có phạm lỗi, hay sai lầm khi hợp tác với tình báo Mỹ hay không" - Bộ trưởng phụ trách các vấn đề EU của Pháp, ông Clement Beaune, nêu quan điểm.

Dù nói trước tiên phải xác định sự thật, ông Beaune nhấn mạnh rằng giữa các đồng minh phải có sự tin tưởng. "Đây không phải là điều có thể cho qua" - ông nói với Hãng tin AFP.

Truyền thông Đan Mạch và châu Âu ngày 30-5 đưa tin chấn động rằng Mỹ đã giám sát các chính trị gia và quan chức cấp cao hàng đầu ở Đức, Thụy Điển, Na Uy và Pháp từ năm 2012-2014 với sự giúp đỡ của tình báo Đan Mạch.

Theo Đài phát thanh công cộng Đan Mạch (DR), Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ (NSA) đã nghe lén các đường cáp Internet của Đan Mạch để theo dõi các chính trị gia hàng đầu ở châu Âu, trong đó có Thủ tướng Đức Angela Merkel.

Người phát ngôn Chính phủ Đức, Steffen Seibert, ngày 31-5, tuyên bố Berlin đã liên hệ với tất cả các cơ quan quốc tế và những nước có liên quan để làm rõ vấn đề này. 

"Về nguyên tắc, xin hiểu rằng chính quyền liên bang sẽ không bình luận công khai về những vấn đề liên quan đến hoạt động tình báo" - ông Seibert nói.

Theo Đài DR, ngoài bà Merkel, ngoại trưởng lúc đó là Frank-Walter Steinmeier và lãnh đạo phe đối lập lúc đó là Peer Steinbruck là vài người trong số những nhân vật cấp cao mà NSA đã theo dõi. "Về chính trị, tôi coi đây là một vụ bê bối" - ông Steinbruck nói.

Hai nước có liên quan là Thụy Điển và Na Uy cũng lên tiếng yêu cầu làm rõ thông tin.

"Chúng ta cần biết đầy đủ vấn đề liên quan đến công dân, công ty và lợi ích của Thụy Điển, và sau đó xem phía Đan Mạch đưa ra câu trả lời thế nào" - Bộ trưởng Quốc phòng Thụy Điển Peter Hultqvist nói trên Đài quốc gia SVT

Trong khi Jens Holm, thành viên Quốc hội Thụy Điển, cho rằng cần làm rõ những chính trị gia nào bị NSA theo dõi.

Bộ trưởng Quốc phòng Na Uy Frank Bakke-Jensen cũng tuyên bố xem xét nghiêm túc vấn đề này, và cáo buộc người đồng cấp Đan Mạch đã không thông báo cho các nước láng giềng.

Bộ trưởng Quốc phòng Đan Mạch Trine Bramsen được cho đã nghe báo cáo về việc nghe lén vào tháng 8-2020. Tuy nhiên, trả lời Hãng tin Reuters ngày 31-5, bà Bramsen tránh đề cập về vấn đề này và nói rằng việc nghe lén đồng minh là "không thể chấp nhận được".

Báo Đan Mạch: Báo Đan Mạch: 'Mỹ nghe lén, đọc trộm tin nhắn của Thủ tướng Đức Angela Merkel'

TTO - Nhiều báo chí ở Đan Mạch và châu Âu ngày 30-5 đồng loạt đưa tin với nội dung: Mỹ đã giám sát các chính trị gia hàng đầu ở châu Âu, trong đó có Thủ tướng Đức Angela Merkel, từ năm 2012-2014 với sự giúp đỡ của tình báo Đan Mạch.

TRẦN PHƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên