Chiến tranh Israel - Iran?

HỮU NGHỊ 13/04/2024 10:23 GMT+7

TTCT - Hơn chục ngày đã trôi qua kể từ khi Israel không kích một cơ sở ngoại giao của Iran ở Syria làm dấy lên những lo sợ bùng nổ chiến sự giữa Iran và Israel.

Trên bề nổi, có vẻ như Iran vẫn đang tỏ ra đe dọa một cách thận trọng, còn Israel thì đang sẵn sàng giao chiến.

Trang bìa Tehran Times ngày 9-4. Ảnh: X

Trang bìa Tehran Times ngày 9-4. Ảnh: X

Trang nhất nhật báo Tehran Times 9-4, ở vị trí chánh là một bài có tựa đề kiên quyết: "Phản ứng của Iran đối với chế độ Israel là "dứt khoát"", kèm ảnh "Bộ trưởng Ngoại giao Iran thăm tòa đại sứ Iran tại Damacus, nơi bị các chiến đấu cơ của Israel tấn công hôm 1-4, khiến 7 người Iran hy sinh" - chú thích ghi. 

Ở góc phải trang báo, vị trí quan trọng thứ nhì của trang nhất, một bài ngắn không kém phần đe dọa: "Đáp trả sắp tới của Iran: Nasrallah". Nasrallah là Hassan Nasrallah (sinh năm 1960 tại Beirut, Lebanon), thủ lĩnh phong trào Hezbollah (Đảng của Thượng đế) tại Lebanon từ năm 1992.

Iran đáp trả bằng "hai tay"

Trang nhất số báo trên cho thấy tính phức tạp của Iran: bên cạnh Nhà nước chính thức hoạt động bằng phương cách hòa bình và ngoại giao, còn có tổ chức Hồi giáo Shi'ite Hezbollah dự kiến sẽ trả đũa vụ tấn công của Israel. 

Hebollah được thành lập tại Lebanon sau cuộc cách mạng Hồi giáo ở Iran năm 1979 và cuộc xâm lược Lebanon của Israel vào năm 1982 với mục đích đánh đuổi Israel khỏi Lebanon và thành lập một nước cộng hòa Hồi giáo ở đây.

Theo nghiên cứu của Viện Nghiên cứu các vấn đề quốc tế PISM (Ba Lan) tựa đề "Mối quan hệ đang thay đổi của Iran với Hezbollah và Hamas", Hezobollah là một "thuộc hạ" then chốt của Iran trong khu vực (cùng phong trào Hamas), hằng năm được Iran cấp khoảng 700 triệu USD. 

Theo nghiên cứu, từ những năm 1980, các vụ bắt cóc người nước ngoài và đánh bom liều chết vào đại sứ quán và quân đội Mỹ ở Beirut đã biến tổ chức này thành một mạng lưới khủng bố khu vực và toàn cầu.

Trong thập niên qua, mạng lưới này đã nối lại các cuộc tấn công nhằm vào công dân Israel và cộng đồng Do Thái bên ngoài Trung Đông, một số trong đó được lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) ra lệnh để trả đũa các hoạt động của Mossad ở Iran, PISM vạch rõ. 

Việc Hezbollah ra mặt để trả đũa vụ Iran bị tấn công ở Syria phản ánh mối quan hệ tay ba: ngoài Iran, Hezbollah cũng nhận được hỗ trợ từ chính quyền Bashar al-Assad ở Syria, theo tổ chức nghiên cứu Hội đồng Đối ngoại (CFR). 

Có thể thấy Iran đã và đang sử dụng chiêu thức "song thủ": đối phó ôn hòa, ngoại giao thì chính phủ đảm nhiệm, còn bạo lực thì Hezbollah. Điều này góp phần giải thích cho trang nhất của tờ Tehran Times 9-4.

Ảnh: Everand

Ảnh: Everand

Trên trang web của tờ Tehran Times cùng ngày, còn đọc được dòng tít cứng rắn: "Cố vấn Vệ binh Cách mạng Hồi giáo cảnh báo đáp trả cứng rắn trước cuộc tấn công của Israel vào đại sứ quán Iran". Trong bài này, cố vấn IRGC, tướng Iraj Masjed, nguyên đại sứ Iran tại Iraq, cảnh cáo rằng Israel nên lường trước phản ứng mạnh mẽ từ Tehran sau vụ việc.

Việc viên tướng kỳ cựu này (từng kinh qua cuộc chiến tranh Iran - Iraq trong thập niên 1980 với vai trò chỉ huy của IRGC ở miền tây Iran, rồi sau đó sang Iraq và Syria làm cố vấn quân sự cho Tổng thống al-Assad, trước khi được cử làm đại sứ tại Iraq vào năm 2017) xuất hiện trên tờ Tehran Times là lời nhắc nhở rằng đã có hơn một tướng lãnh Iran thiệt mạng trong vụ không kích của Israel vào tòa đại sứ nước này ở Damacus.

Được biết, trong vụ không kích ngày 1-4 đó, Iran thiệt mất đầu tiên là tướng Mohammad Reza Zahedi - từng chỉ huy cả lực lượng mặt đất và không quân của IRGC trước khi lãnh đạo đơn vị Quds tinh nhuệ ở Syria và Lebanon. 

Cùng thiệt mạng còn có tướng Hossein Aminallah, tham mưu trưởng lực lượng Quds của IRGC ở Syria và Lebanon, và tướng Haj Rahimi, bạn thân và cấp phó của tướng Zahedi, Tehran Times nêu rõ.

Ngay hôm 1-4 sau vụ không kích, Tehran Times đăng ngay một bài cuồng nộ: "Chế độ côn đồ phải trả giá" và đặt tựa phụ: "Israel ám sát các thành viên IRGC hàng đầu trong cuộc không kích vào sự quán Damascus". 

Cũng hôm đó, tờ báo đăng một bài khác phản ánh ý kiến của Bộ Ngoại giao Iran: 

"Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nasser Kanaani cho biết vụ tấn công dã man vào sứ quán Iran vi phạm trắng trợn các quy định quốc tế, đặc biệt là Công ước Vienna 1961".

"Ông Kanaani cũng cho biết điều cần thiết là cộng đồng quốc tế, đặc biệt là Liên Hiệp Quốc, lên án hành động này của Israel bằng những ngôn từ mạnh mẽ nhất và áp dụng các biện pháp cần thiết liên quan đến hành động gây hấn".

Ảnh: x.com

Ảnh: x.com

Sóng gió ở Hội đồng Bảo an

Ngay hôm sau 2-4, LHQ đã có những phản ứng kịp thời. Tổng thư ký LHQ António Guterres ra tuyên bố lên án vụ tấn công nêu rõ: 

"Tổng thư ký tái khẳng định nguyên tắc bất khả xâm phạm về cơ sở và nhân sự ngoại giao, lãnh sự phải được tôn trọng trong mọi trường hợp theo luật pháp quốc tế. Ông cũng nhắc nhở tất cả các bên tôn trọng mọi nghĩa vụ của mình theo luật pháp quốc tế, bao gồm cả luật nhân đạo quốc tế, nếu có". 

"Ông nhắc lại lời kêu gọi tất cả những bên liên quan tránh các cuộc tấn công có thể gây hại cho dân thường và làm hư hại cơ sở hạ tầng dân sự". 

Tuyên bố kết luận bằng một nhắc nhở cẩn trọng: "Tổng thư ký tiếp tục kêu gọi tất cả các bên liên quan kiềm chế tối đa và tránh leo thang thêm. Ông cảnh báo rằng bất kỳ tính toán sai lầm nào cũng có thể dẫn đến xung đột rộng hơn ở một khu vực vốn đã bất ổn".

Cùng ngày, Hội đồng Bảo An LHQ đã nhóm họp khẩn cấp để thảo luận về vụ này. Cuộc họp diễn ra trong sự "chia phe" giữa các bên. 

Mở đầu, một quan chức cấp cao của LHQ là ông Khaled Khiari, trợ lý Tổng thư ký phụ trách Trung Đông, châu Á và Thái Bình Dương, nhắc lại quyền bất khả xâm phạm của các cơ sở và nhân viên ngoại giao, lãnh sự và "trật tự quốc tế dựa trên luật lệ là điều cần thiết cho hòa bình và an ninh quốc tế mà hội đồng này có nhiệm vụ duy trì".

Theo ông, các cuộc tấn công chết người vào các mục tiêu có liên quan đến Iran ở Syria ngày càng được cho là do Israel thực hiện, đặc biệt kể từ khi cuộc xung đột hiện nay với Hamas ở Gaza bắt đầu vào ngày 7-10-2023. 

Ông Khiari nhận xét: "Mặc dù Israel hiếm khi lên tiếng nhận trách nhiệm về bất kỳ sự cố nào trong các vụ này, các quan chức nước này đã nhiều lần thừa nhận hoạt động quân sự của họ ở Syria, và ngụ ý sẽ còn nhiều vụ việc khác xảy ra trong tương lai".

Ảnh: The Daily Beast

Ảnh: The Daily Beast

Tình hình càng bế tắc khi cuộc thảo luận sau đó của HĐBA diễn ra trong sự chia phe rõ rệt. Đại diện của Nga muốn hội đồng chú ý đặc biệt đến thực tế "đây không phải là cuộc tấn công đầu tiên do Israel thực hiện tại khu vực đông dân cư của Damascus", và chỉ trong vài tháng qua, máy bay Israel đã nhiều lần tấn công các sân bay quốc tế ở Damascus và Aleppo - những cửa ngõ chính đưa hàng viện trợ nhân đạo vào Syria.

Ông cũng lên án các cuộc tấn công đang diễn ra trên lãnh thổ có chủ quyền của Syria, lưu ý rằng những hành động gây hấn như vậy nhằm mục đích thúc đẩy thêm xung đột và có thể gây ra hậu quả cực kỳ nguy hiểm cho toàn bộ khu vực. 

Ông kêu gọi cộng đồng quốc tế lên án hành động liều lĩnh của Israel: "Nếu chúng ta không tái khẳng định lập trường đoàn kết này, lần sau, cơ quan đại diện ngoại giao của bất kỳ quốc gia nào cũng có thể trở thành mục tiêu của một cuộc không kích".

Đại biểu của Pháp mở rộng vấn đề khi nhấn mạnh rằng vụ không kích ở Damascus diễn ra trong bối cảnh căng thẳng gia tăng ở Syria và khu vực, mà theo ông, kể từ vụ tấn công khủng bố của Hamas ngày 7-10-2023, Iran và các đối tác khu vực của họ đã phải chịu trách nhiệm lớn về sự leo thang này. 

Về vấn đề Syria, ông kêu gọi "thực hiện nghị quyết 2254 (năm 2015) và bày tỏ lấy làm tiếc về việc Chính phủ Syria từ chối cam kết thực hiện một tiến trình chính trị đáng tin cậy".

Bực dọc trước việc phía Pháp lái câu chuyện từ vụ không kích của Irael qua trách cứ Chính phủ Syria từ chối cam kết thực hiện một tiến trình chính trị theo tinh thần nghị quyết 2254, đại diện Nga phát biểu thêm lần nữa, chỉ trích ba thành viên phương Tây trong thường trực HĐBA (Anh, Mỹ, và Pháp) đã không sòng phẳng khi "nói tới đủ thứ chuyện trần đời mà không có lấy một chữ lên án hành vi vi phạm luật pháp quốc tế của Israel". 

Đại diện Nga kêu gọi cộng đồng quốc tế lên án hành động liều lĩnh của Israel, và cảnh cáo: "Nếu chúng ta không tái khẳng định lập trường đoàn kết này, lần sau, cơ quan đại diện ngoại giao của bất kỳ quốc gia nào cũng có thể bị tấn công bằng đường không".■

Đại diện Malta, chủ tịch luân phiên HĐBA trong tháng 4, phải lên tiếng kêu gọi tất cả kiềm chế tối đa: "Từ Damascus, đến Gaza, Biển Đỏ đến Đường Xanh (tức đường phân ranh giữa Lebanon và cao nguyên Golan), tất cả sở trường ngoại giao và đòn bẩy tập thể của chúng ta phải được sử dụng để dập tắt ngọn lửa chiến tranh trước khi chúng vượt khỏi tầm kiểm soát". Bà cảnh cáo: "Những cái đầu lạnh phải thắng thế, nếu không hậu quả sẽ rất thảm khốc".

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận