Khi AI hiểu ta hơn vợ

HỒ QUỐC TUẤN 18/02/2024 09:12 GMT+7

TTCT - Có bao giờ bạn nghĩ một ứng dụng bạn hay dùng hiểu về bạn hơn cả vợ nhà, và nhiều khi là chính bản thân bạn luôn?

Ảnh: Pixabay

Ảnh: Pixabay

Một khả năng gần nhất là chuyện ăn uống. Một lần gần đây, khi đang xem phim, tới cảnh người chồng không biết người vợ thích ăn gì, vợ tôi quay qua hỏi tôi "có phải ông cũng không biết tui thích ăn gì không?".

Tôi cười cho qua chuyện, nhưng trong bụng cũng sợ mình trả lời sai! Nhưng đến tối khi bật app giao đồ ăn lên để gọi thì đúng mấy món tôi tính đặt hiện ngay trên màn hình, còn ghi rõ tiệm nào đang có "deal" giảm giá món tôi thích nữa.

Đây là ví dụ mà nhiều người dẫn ra để nói là AI, máy tính đang hiểu con người hơn cả chính họ. Cũng không có gì cao siêu cả, và không phải máy tính hay cái hệ thống AI đằng sau nó siêu việt. Đơn giản là bạn đã cung cấp nhiều thông tin cho máy và dạy nó nhiều thứ về bạn một cách vô thức.

Về vụ đặt đồ ăn ở trên, chẳng qua là ngày nào, tuần nào muốn ăn gì thì bạn cũng nói cho máy biết qua hành vi đặt đồ ăn của mình. Chưa hết, bạn còn kết nối cái app đặt đồ ăn đó với Facebook thì bạn search trang của nhà hàng nào, xem đoạn phim ngắn nào trên YouTube hay Facebook về ăn uống thì các dữ liệu đó đều được tổng hợp lại cả. 

Từ cái biển dữ liệu mà bạn cung cấp miễn phí đó, ai đó sẽ làm vài hệ thống phân tích bằng AI trình độ cao, trình độ thấp, thậm chí "AI chạy bằng cơm" (nghĩa là nói AI làm nhưng kỳ thực là con người đóng vai trò lớn trong phân loại và phân tích dữ liệu). 

Thế là tự nhiên các ứng dụng đặt đồ ăn sẽ "đoán trước" bạn thích ăn gì, đặc biệt là những người có thói quen thường xuyên lặp lại như tôi. Chúng nó hiểu về tôi hơn cả tôi. Lần sau vợ tôi bảo ở nhà đặt đồ ăn tối thì tôi cũng có thể dựa vào nó mà yên tâm hơn để không đặt đồ mà vợ không thích.

Những ứng dụng này đang ngày càng đi vào cuộc sống. Ví dụ hiện nay một công ty công nghệ của bạn tôi đã dùng trợ lý AI để đặt đồ ăn hằng tuần cho các buổi họp trưa và mọi người không cần mất công trả lời câu hỏi "bạn muốn ăn gì?", tất cả mọi người để "trợ lý ảo" này đặt đồ ăn cho từng người, và nói chung thì sau khi trải nghiệm hơn 2 tháng nay, bạn tôi nói ai cũng hài lòng. 

Nó giúp tiết kiệm được việc phải gửi các form đăng ký đồ ăn hoặc ghi chú ai bị dị ứng gì, ai ăn chay, hoặc gửi thực đơn bảo từng người chọn. Tiết kiệm được không ít thời gian và không làm mọi người phân tâm.

Không dừng ở đó, những ứng dụng tương tự đang được triển khai cho lĩnh vực chăm sóc y tế cá nhân. Với sự phát triển của những thiết bị chăm sóc sức khỏe đeo trên người, như đồng hồ thông minh, các loại cảm biến đeo như trang sức..., chúng ta đang cung cấp rất nhiều thông tin về tình trạng sức khỏe của mình mỗi giây cho các hệ thống máy học. 

Đây là thị trường tiềm năng giá trị nhiều trăm tỉ đô la. Tiềm năng tới mức mà gần đây Apple bị vướng vào một vụ kiện lớn, theo đó hãng này có thể bị cấm bán Apple Watch vì tranh chấp sở hữu trí tuệ của công nghệ đo lường oxy trong máu thông qua đồng hồ thông minh này. 

Một số công ty chuyên nghiên cứu cách cải thiện giấc ngủ cũng đang thử nghiệm thu thập dữ liệu từ các thiết bị đeo trên người để đánh giá chất lượng hơi thở, âm thanh và cả tiếng ngáy để đánh giá chất lượng giấc ngủ.

Chỉ vài năm nữa thôi, các hệ thống AI về sức khỏe sẽ hiểu bạn hơn cả chính bạn hay vợ bạn.

Ảnh: Atlassian

Ảnh: Atlassian

Bạn thân hay nội gián của kẻ thù?

Khi AI hiểu về bạn hơn cả bạn, nó là con dao hai lưỡi. Ở khía cạnh tích cực, nó sẽ giúp bạn tiết kiệm được rất nhiều thứ, thậm chí có thể cứu cả tính mạng bạn, ví dụ như cảnh báo rủi ro đột quỵ và đưa ra đề xuất giảm thiểu kịp thời. 

Một người bạn của tôi đang nghiên cứu những hệ thống cảnh báo như vậy để hỗ trợ các viện dưỡng lão và hệ thống y tế công NHS của Anh trong chăm sóc người già. Hoặc như câu chuyện tôi kể trên, công ty của bạn tôi dùng trợ lý ảo tự quyết định đặt đồ ăn tiết kiệm được không ít thời gian cho nhân viên công ty.

Ở khía cạnh ít tích cực hơn, mạng xã hội và các trang mua sắm dễ dàng "thao túng tâm lý" của bạn, liên tục xuất hiện những quảng cáo, "deal" tiết kiệm, mà thật ra sẽ khiến bạn mua nhiều thứ mà bạn không thật cần. 

Với hệ thống thông minh hơn xưa, các gợi ý với sự hỗ trợ của AI sẽ tinh ranh hơn, đoán đúng ý bạn hơn và chọn đúng thời điểm hơn để gửi thông tin cho bạn. Muốn thoát khỏi cái "bẫy tiêu dùng thông minh" này thiệt không hề dễ.

Ngành môi giới cổ phiếu cũng đang từng bước áp dụng công nghệ này. 

Với những "sổ lệnh" mà người ta nắm được về các nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư nhỏ lẻ, các nền tảng giao dịch cổ phiếu sẽ đoán được thời điểm mà định kỳ bạn quan tâm kiểm tra thị trường, mở ứng dụng lên, để gửi cho bạn các đề xuất phân tích, đánh giá về cổ phiếu, để rồi cuối cùng đọc xong, bạn sẽ "xuống tiền". 

Một số công ty chuyên về máy học đang nghiên cứu hướng đi này trong mảng kinh doanh chứng khoán để "chăm sóc khách hàng tốt hơn".

Nhưng cũng chính vì những thông tin quý giá này mà rủi ro nó rơi vào tay kẻ thù của bạn cũng cao hơn. Ví dụ, bọn tội phạm mạng sẽ dễ dàng giả dạng làm bạn hơn để lừa bạn bè bạn. Họ sẽ có những đoạn chat giống phong cách thường ngày của bạn để dễ lừa người quen của bạn hơn. Họ cũng dễ dàng lấy các dữ liệu hình ảnh, video của bạn rồi làm giả qua công nghệ "deepfake" mà không cần cả khả năng viết lập trình.

Ở cấp độ nguy hiểm hơn nữa, những thông tin cá nhân đã được AI giải mã về bạn có thể bị hacker chiếm đoạt và bán trên mạng. Rủi ro rò rỉ thông tin trong thời đại này không đơn giản là lộ thông tin cá nhân như giới tính, tuổi tác, email, lộ password hay địa chỉ nhà, mà còn là lộ thông tin về hàng trăm loại sở thích, thói quen, nơi chốn lui tới.. của bạn với những kẻ có ý định xấu.

Ảnh: Vox

Ảnh: Vox

Sống chung an toàn với AI

Như đã nói ở trên, AI có mặt tích cực, cũng có mặt hại có thể bị lợi dụng. Quan trọng là bạn sống chung với nó như thế nào.

Ở một mức độ nào đó, nếu bạn có thể không cung cấp dữ liệu gì cho các hệ thống AI, nó sẽ không hiểu gì nhiều về bạn. 

Nhưng liệu bạn có thể không dùng điện thoại thông minh với những ứng dụng theo dấu bạn, thậm chí không dùng cả Internet hay các phần mềm văn phòng không? (Hiện nhiều ứng dụng mới của Microsoft có trợ lý thông minh thì nó tự động học thói quen của bạn khi dùng các phần mềm này). Rất khó. 

Ở một số sân bay châu Âu hiện nay, nếu không chấp nhận dùng một số ứng dụng thông minh này, trải nghiệm của bạn ở sân bay sẽ rất tệ, bạn tôi ở Trung Quốc cũng như vậy. Nói cách khác, guồng quay của xã hội sẽ buộc bạn phải dùng thôi.

Vấn đề là khi bạn ý thức rằng bạn đang dạy và cung cấp thông tin cho các hệ thống AI, hãy tỉnh táo và bớt chia sẻ những thông tin nhạy cảm, hãy cẩn thận hơn khi cho phép một ứng dụng theo dõi bạn, và quan trọng nhất, hãy luôn cảnh giác với những rủi ro bị lừa đảo.

Cuối cùng và có thể là quan trọng nhất: hãy nâng cao chất lượng đời sống thực, quan hệ thực của bạn bên ngoài. Như vậy, chính bạn sẽ hiểu rõ về vòng tròn bạn bè, người thân xung quanh mình, để ít bị lừa hơn. 

AI không phải thần thánh, ở giai đoạn hiện tại, đa số nó vẫn là học vẹt, và người dùng nó vẫn không thể lừa được bạn khi bạn thật lòng chăm sóc các mối quan hệ xung quanh mình và tự trang bị cho mình nhiều kiến thức về thế giới ngoài kia hơn. 

AI không thể hiểu về bạn hơn vợ bạn nếu bạn chăm chút cho quan hệ trong gia đình thật tốt. Ví dụ AI không thể biết bạn thích uống Coca hay Pepsi nếu đa số nước ngọt trong nhà đều là do vợ bạn mua cho bạn.

Có điều, AI không hỏi bạn "sao tháng này chậm lương à!".

Cái gì cũng có hai mặt của nó. ■

Có thể nói trong khi nhiều người quan tâm lo sợ AI cướp mất công việc hay thay thế con người, họ vẫn đang không ngừng cung cấp cho AI nhiều thông tin hơn để các hệ thống này hiểu họ hơn và trở thành công cụ đắc lực cho những kẻ xấu - cũng là con người. Một số người đang nói: "AI không thay thế bạn, nhưng người biết dùng AI sẽ làm điều đó". Tôi nghĩ cũng có thể phát biểu tương tự: "AI không làm hại bạn, nhưng người biết dùng AI sẽ có thể".

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận