13/01/2015 09:36 GMT+7

​Đứt cáp, chớ để đứt lòng tin

PHẠM HỒNG PHƯỚC
PHẠM HỒNG PHƯỚC

TT - Xin nói ngay lòng tin ở đây là đối với các nhà cung cấp dịch vụ Internet (ISP) sau hàng loạt sự cố xảy ra với tuyến cáp quang quốc tế AAG. 

Sơ đồ tuyến cáp quang biển AAG - Nguồn: Asia-america-gateway.com - Đồ họa: V.Cường

Tuyến cáp quang biển quốc tế châu Á - Thái Bình Dương (Asia - America Gateway - AAG) là một trong bốn tuyến cáp quang biển mà Việt Nam kết nối với mạng Internet quốc tế.

Dung lượng tuyến AAG lớn nhất so với ba tuyến SE-ME-WE-3, TVH và IA. Nó chiếm tới 40% băng thông quốc tế giữa Việt Nam ra thế giới bên ngoài.

Tuyến cáp này dài 20.000km, nối Đông Nam Á với Mỹ qua Thái Bình Dương, vận hành từ tháng 11-2009, vốn đầu tư 500 triệu USD gồm 19 đối tác là các doanh nghiệp của Anh, Ấn Độ, Brunei, Campuchia, Indonesia, Malaysia, Mỹ, New Zealand, Philippines, Singapore, Thái Lan, Úc và Việt Nam (có tới bốn doanh nghiệp: VNPT, Viettel, FPT Telecom và Saigon Postal Corporation).

Phải chăng cần xem xét lại chất lượng xây dựng và điều hành của tuyến cáp quang này.

Sau khi đường cáp quang quốc tế AAG bị đứt lần mới nhất ngày 5-1-2015, hoạt động Internet trên toàn lãnh thổ Việt Nam chỉ còn thoi thóp.

Mặc dù các nhà mạng nói rằng hệ thống Internet nội địa (với các trang web có đuôi .vn) vẫn “hoạt động bình thường”, nhưng thực tế mấy ngày nay nó cũng chập cheng, có triệu chứng bị quá tải khi có nhiều người đổ dồn vào.

Lệ thuộc nhiều vào Internet

Trong những ngày qua, các dịch vụ thư tín điện tử miễn phí như Yahoo! Mail, Google Mail… đều ì ạch hay gián đoạn. Những thư có đính kèm tập tin rất khó gửi đi.

Đặc biệt nhiều người, nhiều doanh nghiệp dở khóc dở cười khi những người, những đối tác ở nước ngoài không hay biết tình hình Internet ở Việt Nam lúc này mà vẫn gửi những thư từ giao dịch có đính kèm những tập tin dung lượng lớn như bình thường trước đây.

Cùng với xu hướng phát triển công nghệ và tăng cường hội nhập quốc tế, Internet đã trở thành “một điều tất yếu của cuộc sống” ở Việt Nam.

Số liệu thống kê năm 2014 của Bộ Thông tin và truyền thông cho biết hiện có 41% dân số Việt Nam đã được tiếp cận Internet, trong đó thuê bao Internet băng thông rộng cố định (ADSL, cáp quang) đạt 7 thuê bao/100 dân.

Sự cố cáp quang biển AAG đầu 2015

Lúc 8g04 ngày 5-1-2015, tuyến cáp quang biển quốc tế AAG bị đứt trên đoạn cáp S1H, cách trạm Vũng Tàu 117km. Sự cố khiến lưu lượng của các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông tại VN đang khai thác trên tuyến này đều bị ảnh hưởng.

Các nhà mạng tại VN đã sử dụng các tuyến cáp đất liền để chuyển tiếp lưu lượng AAG bị ngừng hoạt động nhằm giảm thiểu ảnh hưởng tới khách hàng.

Theo thông tin từ đơn vị điều hành tuyến cáp quang biển quốc tế AAG (Asia Gateway Pacific), dự kiến đến ngày 23-1 kênh truyền sẽ được khôi phục. Tàu sửa chữa cáp sẽ đến vị trí cáp lỗi vào 1g sáng 15-1.

Tàu bắt đầu hàn nối sợi cáp đầu tiên vào 19g ngày 17-1. Đến 18g ngày 19-1 mối nối cuối cùng sẽ được thực hiện.

Công tác sửa chữa dự kiến hoàn tất vào 14g ngày 23-1. Khi đó 100% kênh truyền được khôi phục.

ĐỨC THIỆN

Trong kỷ nguyên Internet và xu thế cả thế giới cùng kết nối với nhau qua mạng Internet, cũng như đang vào đầu thời kỳ “Internet cho vạn vật” (Internet of things) khi mọi thứ trên đời này đều được kết nối với nhau qua Internet, vai trò của đường kết nối Internet càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.

Nó ảnh hưởng tới mọi lĩnh vực hoạt động của xã hội, kể cả an ninh, quốc phòng và chính trị.

Đó là lý do mà các cơ quan chức năng của Việt Nam cần phải vào cuộc, xây dựng một chiến lược Internet bền vững.

Cơ quan được giao nhiệm vụ quản lý nhà nước về đường trục Internet quốc gia và quốc tế của Việt Nam cần có giải pháp bảo đảm sự thông suốt Internet.

Không còn có thể chấp nhận được tình trạng cứ vài tháng, nửa năm lại xảy ra sự cố Internet chập cheng do đứt cáp quang như vậy.

Trong năm 2014, tuyến cáp quang AAG đã đứt hai lần vào tháng 7 và tháng 9. Mới vào đầu năm 2015 lại đứt thêm lần nữa.

Mà mỗi lần đứt cáp như vậy, thời gian sửa chữa và khôi phục lâu tới trên dưới một tháng.

Không thể phó mặc cho doanh nghiệp

Đành rằng đây là hệ thống quốc tế gồm nhiều nước mà Việt Nam là một đối tác tham gia, nhưng không phải vì thế mà chúng ta phải bó tay, chịu lệ thuộc vào cái ba chìm, bảy nổi, chín lênh đênh của nó.

Cần phải có giải pháp gia cố, thay đổi sao cho bền chắc hơn chứ không thể chỉ đơn giản là chữa cháy sau khi bị sự cố.

Tất nhiên, sự cố đứt cáp quang AAG không phải lỗi trực tiếp của các nhà mạng Việt Nam. Họ chỉ là những đối tác. Nhưng họ có trách nhiệm gấp đôi vì vừa là những người tham gia xây dựng tuyến cáp này, vừa là những nhà cung cấp dịch vụ Internet cho người tiêu dùng đầu cuối.

Tình trạng chập chờn của toàn hệ thống Internet Việt Nam mỗi khi cáp quang AAG gặp sự cố cho thấy dung lượng dự phòng của ta giờ đây đã không còn tương xứng với tốc độ phát triển Internet.

Trong kinh doanh là phải sòng phẳng và chơi đúng luật chơi. Một lần thì thiên hạ còn thể tất, du di. Nhưng từ lần thứ hai trở đi là đã khó “dĩ hòa vi quý” được rồi.

Nên chăng các ISP có chính sách bồi thường bằng cắt giảm cước cho khách hàng trong thời gian chất lượng Internet mà họ cung cấp quá tệ (điều này tệ tới đâu thì họ biết rõ hơn ai hết).

Nhưng tốt nhất cho tất cả vẫn là không thể để mọi hoạt động của cả một nước lại chịu lên bờ xuống ruộng chỉ vì một sợi cáp quang. Và rõ ràng thực tế cho thấy không thể phó mặc chuyện này cho các doanh nghiệp bởi ngoài chuyện năng lực còn có vấn đề lợi ích kinh doanh trước mắt và cục bộ.

Bên cạnh việc mở thêm đường kết nối, tăng dung lượng đường truyền, bắt buộc phải có các phương án dự phòng. Ngày nay, đường kết nối Internet có tầm quan trọng gộp cả đường dây thông tin, liên lạc và đường giao thông, giao thương.

Liên tục xảy ra sự cố

Theo từ điển bách khoa mở Wikipedia, từ khi bắt đầu vận hành vào cuối năm 2009 tới nay, tuyến cáp quang biển AAG thường xảy ra tình trạng bị đứt và mất đường truyền.

Sự cố xảy ra nhiều nhất là ở đoạn giữa Hong Kong và Singapore. Đoạn giữa Hong Kong và Philippines ít xảy ra sự cố hơn. Còn đoạn từ Philippines tới Mỹ khá ổn định.

Trong số các nước sử dụng cáp AAG chỉ có hai nước bị ảnh hưởng nặng nhất là Việt Nam và Malaysia, mỗi khi đứt cáp AAG là coi như toàn hệ thống Internet của hai nước này gần như tê liệt.

Nguyên nhân chính là hai nước này quá phụ thuộc vào cáp AAG và dung lượng dự phòng quá thấp.

Trong khi các nước khác ngoài AAG còn kết nối nhiều tuyến cáp Internet quốc tế khác với dung lượng lớn nên khi xảy ra sự cố có thể điều tiết dung lượng Internet của nước mình, ít gây hậu quả cho các dịch vụ Internet hơn.

Việt Nam đã nhiều lần bị tê liệt hoạt động Internet vì sự cố cáp AAG, đặc biệt tại khu vực cáp AAG cập bờ ở Vũng Tàu.

Năm 2011 xảy ra ba vụ đứt cáp ở ngoài khơi Vũng Tàu (ngày 10-3, 6-8 và 31-8) và một vụ bị ảnh hưởng bởi vết đứt ở đoạn cáp giữa Hong Kong và Philippines (ngày 2-10).

Năm 2013 xảy ra một vụ đứt cáp ở ngoài khơi Vũng Tàu (ngày 20-12) làm mất khoảng 60% dung lượng Internet quốc tế.

Năm 2014 xảy ra một vụ đứt cáp ngoài khơi Vũng Tàu (ngày 15-7) và một vụ đứt cáp ở ngoài khơi Hong Kong (ngày 15-9).

PHẠM HỒNG PHƯỚC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên