Thắng viết lịch sử, thua sửa Wiki

TƯỜNG ANH 09/10/2023 10:03 GMT+7

TTCT - Dù là một trong những công cụ phổ biến tri thức mạnh mẽ nhất mà con người từng nghĩ ra, trang từ điển bách khoa trực tuyến Wikipedia đang đứng trước nhiều thách thức về độ tin cậy sau những chỉ trích của nhà tỉ phú Elon Musk.

Ảnh: AllSides

Ảnh: AllSides

"Lịch sử được viết bởi người chiến thắng, còn kẻ thua cuộc đi chỉnh sửa Wikipedia", lời chỉ trích của tỉ phú Elon Musk, được Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu phụ họa, được xem là đòn tấn công mới nhất vào bách khoa toàn thư mở Wikipedia.

Cuộc đối thoại Musk - Nentanyahu

Câu nói gây sóng gió của tỉ phú công nghệ người Mỹ được đưa ra hôm 18-9 trong cuộc thảo luận trực tiếp trên X (trước đây là Twitter) của ông với ông Netanyahu ở San Francisco.

Trong cuộc trao đổi, Musk nói: "Có một ngạn ngữ cổ cho rằng lịch sử được viết bởi những kẻ chiến thắng, nhưng sẽ không là vậy khi kẻ thù của bạn vẫn còn sống và có nhiều thời gian để chỉnh sửa Wikipedia. Bởi những kẻ thua cuộc có nhiều thời gian lắm". 

Ông Netanyahu nghe vậy đã đùa: "Họ không nhất thiết phải đưa ra quan điểm công bằng về mọi việc… Lịch sử được viết bởi những người có thể khai thác được nhiều biên tập viên nhất".

Cần nói rõ là cuộc gặp của hai nhân vật quan trọng này không nhằm chỉ trích Wikipedia, mà đề tài chính là trí tuệ nhân tạo. Cuộc gặp diễn ra ngay trước khi ông Netanyahu tới dự khóa họp của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc đầu tuần qua.

Đây không phải lần đầu Musk chỉ trích Wikipedia vì thiếu giám sát biên tập và phổ biến nội dung tuyên truyền thiên vị. Trước đó, trong một dòng tweet tháng 12-2022, Musk nói: 

"Trước đây, chiến thắng có nghĩa là kẻ thù của bạn không còn nữa. Ngày nay, họ không chỉ còn sống, khỏe mạnh mà còn có rất nhiều thời gian để chỉnh sửa Wikipedia!". Một dòng tweet tương tự được ông đăng ngày 21-4-2022, nhắc lại rằng lịch sử được viết bởi "các biên tập viên Wikipedia'.

"Ân oán" giữa chủ nhân mới của Twitter với Wikipedia lên đến đỉnh điểm vào tháng 7-2022, sau khi YouTuber Ian Miles Cheong chỉ ra rằng các biên tập viên Wikipedia đã thảo luận về việc xóa trang "Hồ sơ Twitter" do Elon Musk phát hành. 

Lý do họ quyết định xóa thông tin này là vì "truyền thông không đưa tin đầy đủ về nó". YouTuber này bình luận: "Những người này (các biên tập viên Wikipedia) hợp tác với truyền thông chính thống để định hình câu chuyện". Trong một tweet tháng

12-2022, Musk đã tóm tắt cơ chế chọn lựa thông tin của đội ngũ Wiki: "Mọi người nói: Báo chí chính thống thiên vị. Wikipedia: dẫn báo chí chính thống để xác nhận tuyên bố này. Wikipedia đặc biệt thiên vị khuynh tả".

Công bằng mà nói, không chỉ có Musk đánh đồng bách khoa toàn thư mở Wikipedia với truyền thông chính thống. Trước đó, người đồng sáng lập Wikipedia Larry Sanger trong bài viết tháng 7-2023 đã đặt câu hỏi: 

"Giới hạn bản thân vào Wikipedia cũng giống như giới hạn bản thân chỉ với các nguồn truyền thông chính thống cho tin tức của bạn". 

Rời Wikipedia năm 2007, Sanger nói trang này "đã hư hỏng đến mức không thể sửa chữa", và là "bộ bách khoa toàn thư thiên vị đến lố bịch", cũng như "thiếu độ tin cậy và chính xác do thiếu sự tôn trọng chuyên môn và thẩm quyền".

Phát hiện của Politico

Nếu Wikipedia đưa tin không chính xác thì không tin, không sử dụng là xong, cần gì phải "lăn tăn"? Nhưng vấn đề không đơn giản, nhất là với những bài viết liên quan tới chuyện chính trị thời sự đang diễn ra có nhiều tranh cãi. 

Nói ví dụ, báo Mỹ Politico 21-9 từng chỉ ra EU đã sử dụng nguồn Wikipedia làm bằng chứng để trừng phạt các nhà tài phiệt Nga liên quan tới cuộc chiến hiện tại ở Ukraine.

Theo Politico, văn phòng chủ tịch Hội đồng châu Âu đã phải xin lỗi nhà tỉ phú 70 tuổi người Nga Viatcheslav Kantor, người đứng đầu tập đoàn phân bón khổng lồ Acron, vì chuyện này. Có quốc tịch Nga, Anh và Israel, Kantor đã từ chức chủ tịch Đại hội Do Thái ở châu Âu sau khi bị EU và Anh trừng phạt vào tháng 4-2022. 

Trong gói bằng chứng mật được EU sử dụng để giải thích cho việc phong tỏa tài sản của ông, quốc tịch của Kantor được liệt kê là "Do Thái - Nga", cách mô tả bài Do Thái mà luật sư của Kantor nhận thấy đáng lẽ không nên đưa vào một tài liệu chính thức. Thư xin lỗi nói cách định danh này đã được sửa chữa.

Các gói bằng chứng - được gắn nhãn "LIMITE", phân loại nội bộ của EU cho những tài liệu không được chia sẻ với đại chúng - lấy từ các nguồn mở với mức độ tin cậy đáng ngờ, bao gồm các bài báo được dịch máy từ các nguồn tiếng Nga hoặc Ukraine có độ tin cậy khác nhau. 

Tài liệu cơ bản của các bằng chứng này là bài báo của Forbes và các bài viết trên Wikipedia. Theo yêu cầu từ các luật sư của Kantor, các quan chức EC đã gởi bằng chứng giải thích cho lệnh trừng phạt dài 30 trang với 17 nguồn khác nhau, bao gồm đường liên kết tới trang Wikipedia của Kantor.

13 án phạt ở Nga

Các quan chức EC không phải những người đầu tiên sử dụng Wikipedia để ra quyết định. Tại Ấn Độ đã có trường hợp cựu thẩm phán Tòa tối cao tham khảo Wikipedia khi ra phán quyết, khiến Tòa tối cao nước này tháng 1-2023 phải ra thông báo nhắc nhở "dù Wikipedia là một kho tàng kiến thức, nhưng dựa trên mô hình chỉnh sửa do người dùng tạo ra, không hoàn toàn đáng tin cậy về mặt xác thực trong học thuật và có thể quảng bá thông tin sai lệch".

Ở Nga, Wikipedia từng bị án phạt. Tháng 4-2022, tòa án quận Tagansky ở Matxcơva đã phạt hành chính Wikimedia Foundation (chủ quản Wikipedia) 3 triệu rúp vì không xóa hai bài viết khỏi Wikipedia liên quan đến hoạt động của quân đội Nga ở Ukraine, gồm bài về khả năng Nga sử dụng vũ khí hạt nhân và cưỡng chế đưa trẻ em Ukraine sang Nga.

Đây đã là án phạt thứ 13 cho Wikimedia, khiến báo chí Nga mỉa mai gọi chuỗi phạt và không nộp phạt này là "cuộc chiến trên giấy của Roskomnadzor (Cơ quan Giám sát truyền thông đại chúng và công nghệ thông tin Nga)". 

Tổng số tiền Roskomnadzor yêu cầu Wikimedia nộp phạt lên tới 24,4 triệu rúp (hơn 250.000 USD), hầu hết liên quan tới các bài viết về cuộc chiến Ukraine.

Đáp lại yêu cầu của Nga, một luật sư của Wikimedia Foundation cho rằng bất kỳ ai cũng có thể chỉnh sửa bài viết trên Wikipedia, thực hiện các thay đổi chỉ rõ nguồn và người kiểm duyệt sẽ kiểm tra thông tin. Luật sư này nói: "Nếu quan tòa tin rằng có điều gì không ổn trong những ấn phẩm này, ông ta có thể tự mình vào sửa chữa"(!).

Cuộc chiến từ điển bách khoa

Trước ưu thế áp đảo của Wikipedia trên không gian mạng, Trung Quốc là một trong những nước đầu tiên tích cực xây dựng phiên bản thay thế: ấn bản thứ ba của Bách khoa toàn thư Trung Quốc. 

Theo South China Morning Post, từ năm 2017 Chính phủ Trung Quốc đã thuê hàng chục nghìn nhà khoa học viết phiên bản trực tuyến các bài viết trong bộ bách khoa toàn thư quốc gia. "Cuốn sách kỹ thuật số về mọi thứ" này chứa hơn 300.000 đề mục, mỗi đề mục khoảng 1.000 từ, tức gấp đôi Encyclopedia Britannica.

Ấn bản thứ ba của Bách khoa toàn thư Trung Quốc là dự án xuất bản lớn nhất của nước này cho đến nay. Hơn 20.000 tác giả từ các trường đại học và tổ chức nghiên cứu đã đóng góp bài viết ở hơn 100 chuyên ngành. 

Tổng biên tập dự án, Yang Muzhi (Dương Mục Chi), phát biểu tại cuộc họp của Viện hàn lâm Khoa học Trung Quốc, nói: "Bách khoa toàn thư Trung Quốc không chỉ là một cuốn sách, mà là một Vạn Lý Trường Thành về văn hóa".

Tại Nga, thành viên Viện Xã hội Liên bang Nga, phó giám đốc thứ nhất của Viện Nghiên cứu và dự báo chiến lược (ISIP) Nikita Danyuk nói về các lựa chọn thay thế cho Wikipedia: Metacademy hay Encyclopedia Britannica. 

Với riêng người Nga, đã có bách khoa toàn thư Runiversalis (runi.rf) và cổng tìm kiếm thông tin Znania (bigenc.ru). Trên Runiversalis đã có hơn 2 triệu bài viết, còn cổng tìm kiếm thông tin Znania có hơn 18.000 tài liệu. (Để so sánh, Wikipedia tính tới 1-10-2023 có hơn 6,7 triệu đề mục cho riêng phần tiếng Anh và hơn 59 triệu đề mục tính mọi ngôn ngữ, nên việc kiểm soát thông tin khó khăn hơn nhiều cũng là dễ hiểu). ■

"Hồ sơ Twitter" gây tranh cãi giữa Musk với Wikipedia là các tài liệu nội bộ chọn lọc của Twitter Inc. được xuất bản từ tháng 12-2022 đến tháng 3-2023 trên Twitter. Musk đã đưa các tài liệu này cho nhiều nhà báo ngay sau khi ông mua lại Twitter vào ngày 27-10-2022.

Các nhà báo đã phối hợp với Musk xuất bản các tài liệu, công bố thông tin chi tiết dưới dạng một chuỗi các chủ đề trên Twitter. Trong số các tài liệu được đăng, có thông tin liên lạc nội bộ giữa các giám đốc điều hành Twitter và chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2020 của ông Joe Biden.

Những người phụ trách chiến dịch tranh cử đã yêu cầu Twitter xóa những bức ảnh khiêu dâm bị rò rỉ về con trai ông Joe Biden là Hunter Biden lấy từ máy tính xách tay của Hunter tại một cửa hàng sửa chữa ở Delaware.

Giới bình luân coi việc thảo luận xóa trang hồ sơ này là sự thiên vị của Twitter với các chính trị gia Đảng Dân chủ Mỹ. Musk gọi đó là "sự vi phạm Tu chính án thứ nhất Hiến pháp" Hoa Kỳ, vốn đảm bảo quyền tự do ngôn luận và cấm xâm phạm tự do báo chí.

Sau khi tiếp quản Twitter, Musk đã sa thải phó tổng cố vấn của trang xã hội này là James Baker với cáo buộc ông bí mật kiểm tra "Hồ sơ Twitter" và tham gia ngăn chặn thông tin quan trọng với công luận.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận