27/04/2018 16:11 GMT+7

Ứng dụng công nghệ chỉnh gen CRISPR tạo ra thiết bị phát hiện bệnh tại nhà

HOÀNG THƯ
HOÀNG THƯ

TTO - Thiết bị này được gọi là Mammoth Biosciences, bao gồm một thẻ theo dõi có kích thước như thẻ tín dụng kết hợp với một ứng dụng trên smartphone để phát hiện tất cả các loại bệnh như sốt rét, lao, Zika…

Ứng dụng công nghệ chỉnh gen CRISPR tạo ra thiết bị phát hiện bệnh tại nhà - Ảnh 1.

Ảnh: MAMMOTH BIOSCIENCES.

CRISPR vốn là công nghệ có khả năng chỉnh sửa DNA một cách chính xác. Công nghệ này dựa trên cơ chế "miễn dịch" của vi khuẩn chống lại sự xâm nhiễm phân tử DNA ngoại lai từ virus hoặc DNA plasmid.

Khác với hệ thống "miễn dịch" dựa trên enzyme cắt giới hạn, CRISPR dựa trên phân tử RNA để nhận diện và phá hủy DNA ngoại lai. Các nhà khoa học dựa vào cơ chế đó để chỉnh sửa các gen gây bệnh và thay đổi cách chúng ta nghĩ về việc chữa các bệnh di truyền như thiếu hồng cầu hay ung thư.

Nhưng CRISPR không chỉ là một công nghệ chỉnh sửa gen mà nó còn có thể tìm kiếm các bit chính xác của mã di truyền, do đó còn được thiết kế để phát hiện một chuỗi di truyền thuộc về một loại virus cụ thể như Zika. Khi kết hợp với các enzym đặc biệt, CRISPR dễ dàng được biến thành công cụ chẩn đoán chính xác.

Đầu năm nay, các nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng CRISPR có thể phát hiện Zika, sốt xuất huyết và virus HPV, cũng như các vi khuẩn có hại và đột biến ung thư trong máu người, nước tiểu và nước bọt. CRISPR sẽ phát ra huỳnh quang khi tìm thấy tế bào có vấn đề của bệnh nhân, từ đó các bác sĩ sẽ tiếp nhận tín hiệu và chẩn đoán bệnh nhanh hơn.

Theo đó, Mammoth Biosciences hiện được nghiên cứu bởi Jennifer Doudna và Trevor Martin, những nhà khoa học tiên phong trong lĩnh vực công nghệ sinh học, đang được đánh giá đầy hứa hẹn khi kế thừa toàn bộ các tiến bộ của CRISPR.

Thiết bị này bao gồm một thẻ theo dõi có kích thước như thẻ tín dụng kết hợp với một ứng dụng smartphone. Bạn sẽ nhỏ nước tiểu, máu hoặc nước bọt lên lỗ nhỏ trên thẻ. 

Sau đó, các thông tin sẽ được xử lý bởi ứng dụng để tìm ra nhiều bệnh cùng một lúc và báo lại kết quả bằng cách phát tín hiệu huỳnh quang. Nếu thẻ phát huỳnh quang hoặc thay đổi màu sắc dựa vào các phân tích bởi ứng dụng smartphone thì có nghĩa bạn đang nhiễm bệnh.

Trevor Martin cho biết: "Chúng tôi vẫn đang nghiên cứu làm sao để từng chứng bệnh cụ thể sẽ được thông báo trên màn hình điện thoại sau quá trình phân tích thay vì chỉ phát tín hiệu "có" hoặc "không" để nhanh chóng thương mại hóa công nghệ này trong vài năm tới."

Được biết, hiện các nhà khoa học tại Harvard, UC Berkeley và MIT cũng đang nghiên cứu về CRISPR.

HOÀNG THƯ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên