23/07/2023 08:11 GMT+7

Vì sao xét xử ông Donald Trump vào tháng 5-2024?

Tính phức tạp về pháp lý, số lượng bằng chứng và thậm chí là sự thiếu kinh nghiệm của thẩm phán Aileen Cannon đang được đánh giá là những yếu tố có thể khiến phiên tòa xử ông Trump kéo dài.

Cựu tổng thống Donald Trump phát biểu tại hội nghị ở TP West Palm Beach, bang Florida, Mỹ hôm 15-7 - Ảnh: New York Times

Cựu tổng thống Donald Trump phát biểu tại hội nghị ở TP West Palm Beach, bang Florida, Mỹ hôm 15-7 - Ảnh: New York Times

Ngày 21-7 bà Aileen Cannon, thẩm phán liên bang chịu trách nhiệm xét xử cựu tổng thống Mỹ Donald Trump về vụ xử lý tài liệu mật, đã ấn định ngày mở phiên tòa vào 20-5-2024, khoảng thời gian cao điểm của cuộc đua vào Nhà Trắng, và tại tòa án liên bang ở TP Fort Pierce, bang Florida.

"Thích đáng và hợp lý"

Đây chỉ là một trong số các vụ án hình sự và dân sự mà ông Trump phải đối mặt trong lúc đang tranh cử tổng thống Mỹ năm 2024. Ông từng không nhận tội trong vụ xử lý tài liệu mật, và gọi đây là "trò lừa bịp vô nghĩa".

Theo Đài CNN, nếu ngày xét xử vẫn giữ nguyên như trên thì phiên tòa sẽ rơi sâu vào giai đoạn tranh cử tổng thống, thời điểm có nhiều cuộc bầu cử sơ bộ bên Đảng Cộng hòa. 

Phiên tòa cũng sẽ diễn ra ngay sau phiên xử khác với ông Trump ở bang New York về cáo buộc làm sai lệch hồ sơ kinh doanh liên quan khoản tiền "bịt miệng" ngôi sao khiêu dâm Stormy Daniels.

Tuy nhiên quyết định của bà Cannon có nghĩa việc xét xử sẽ diễn ra với tốc độ chậm hơn nhiều so với những gì công tố viên đặc biệt Jack Smith đề xuất. Bộ Tư pháp Mỹ muốn phiên tòa bắt đầu ngay vào tháng 12 năm nay, trong khi các luật sư của ông Trump muốn phiên tòa diễn ra sau bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11 năm sau.

Ông Daniel Richman, giáo sư luật tại Trường Luật Columbia, nhận định việc thẩm phán Cannon ấn định ngày xét xử vào 20-5-2024 là "nỗ lực thích đáng và hợp lý để cân bằng các nhu cầu chính đáng của bị cáo với nhu cầu thúc đẩy vụ án càng nhanh càng tốt".

Hồi tháng 6, Bộ Tư pháp Mỹ công bố bản cáo trạng 49 trang với ông Trump về các sai phạm trong xử lý tài liệu mật quốc gia sau khi ông mãn nhiệm, trong đó nêu 37 tội danh, phần lớn liên quan đến việc cố ý lưu giữ thông tin quốc phòng - vi phạm đạo luật gián điệp.

Bà Cannon cho rằng việc có nhiều bằng chứng được đưa ra trong vụ án là một trong những lý do khiến bà phải đẩy ngày mở phiên tòa sang năm sau. 

Bà cho biết số bằng chứng này bao gồm hơn 1,1 triệu trang tài liệu không được đánh dấu mật đã phát hiện cho đến nay, các cảnh quay bằng camera kéo dài ít nhất 9 tháng, ít nhất 1.545 trang tài liệu mật đã phát hiện (và có thể còn thêm nữa), cộng với nội dung thu được thêm từ thiết bị điện tử và các nguồn khác chưa được giao nộp.

Khó xử nhanh

Các chuyên gia nhận định tính phức tạp về pháp lý, số lượng bằng chứng và sự thiếu kinh nghiệm của thẩm phán Cannon trong một vụ án thế này có thể kéo dài việc xét xử và khiến các công tố viên đau đầu, theo Đài NPR. 

Thẩm phán Cannon cũng thừa nhận đây là vụ án phức tạp. Điều này làm dấy lên suy đoán mốc thời gian 20-5-2024 vẫn có thể thay đổi.

"Bà Cannon không có bất cứ kinh nghiệm nào trong các vụ án hình sự liên quan đến tài liệu mật. Bà ấy chưa thực sự chủ trì một phiên tòa xét xử có bồi thẩm đoàn kéo dài nào. Tất cả đều ngắn ngủi" - ông Stephen Saltzburg, giáo sư tại Đại học George Washington và là cựu quan chức Bộ Tư pháp Mỹ, nhận định.

Giáo sư Saltzburg cho biết các vụ án hình sự liên quan đến tài liệu mật tại Mỹ rất hiếm. Ông nói thêm bà Cannon - được chính ông Trump bổ nhiệm 3 năm trước - là một thẩm phán trẻ, và ông nghĩ "đây là loại vụ án mà kinh nghiệm thực sự đóng vai trò quan trọng".

Ngoài ra nhóm pháp lý của ông Trump cũng đã nộp đơn xin được xem qua các tài liệu mật trước phiên tòa. Theo GS Barbara McQuade tại Trường luật thuộc Đại học Michigan, chỉ riêng việc này đã có thể mất vài tuần hoặc thậm chí vài tháng để được phê duyệt, từ đó có khả năng đẩy lùi ngày xét xử hơn nữa.

Bà McQuade lưu ý các luật sư sẽ bị giới hạn xem các tài liệu này ở những nơi họ được cấp phép. "Có thể họ sẽ chỉ được phép xem xét các tài liệu mật trong chiếc lều an ninh, còn gọi là Cơ sở Bảo mật thông tin nhạy cảm (SCIF) tại tòa án hoặc ở Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI). Họ sẽ phải đặt lịch hẹn để đến và xem các tài liệu này" - bà nói.

Ngoài ra giới chuyên gia pháp lý cho biết vụ tài liệu mật này sẽ được xét xử theo các quy định của Đạo luật thủ tục thông tin mật (CIPA), điều này có thể gây thêm khó khăn cho kế hoạch xét xử nhanh chóng.

Các bên nói gì?

Người phát ngôn của cựu tổng thống Trump hoan nghênh quyết định của bà Aileen Cannon về việc không mở phiên tòa vào tháng 12-2023 như Bộ Tư pháp Mỹ đề nghị, gọi đó là "bước lùi đối với chiến dịch của Bộ Tư pháp Mỹ nhằm không trao cho ông Trump một quy trình pháp lý công bằng".

Trong khi đó dân biểu Dân chủ Eric Swalwell cho rằng những nỗ lực của ông Trump nhằm trì hoãn phiên xử chỉ khiến ông bị coi là có tội. Ông Swalwell lập luận người vô tội sẽ không muốn trì hoãn công lý.

Thẩm phán Mỹ ấn định ngày xét xử ông Trump vụ tài liệu mậtThẩm phán Mỹ ấn định ngày xét xử ông Trump vụ tài liệu mật

Ngày 21-7, thẩm phán liên bang Mỹ Aileen Cannon ấn định ngày bắt đầu phiên tòa xét xử cựu tổng thống Donald Trump về vụ xử lý sai tài liệu mật là vào 20-5-2024.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên