Xã hội không tưởng trên nền crypto

HOA KIM 22/08/2023 10:11 GMT+7

TTCT - Mục tiêu cuối cùng của Worldcoin là bảo vệ mọi người khỏi những tiến bộ của AI mà họ cho rằng sẽ xóa sổ hàng triệu việc làm.

Worldcoin và khẩu hiệu "Kinh tế toàn cầu thuộc về mọi người".

Worldcoin và khẩu hiệu "Kinh tế toàn cầu thuộc về mọi người".

Xây dựng một hệ thống nhận dạng toàn cầu bằng cách quét mống mắt của hơn 8 tỉ người trên thế giới rồi dùng nó làm "căn cước" để xác thực sự hiện diện độc nhất của họ trên hệ sinh thái tiền mã hóa (crypto) là tham vọng lớn lao về công nghệ hay lại một mối lo khác?

Chính thức triển khai ngày 24-7 tại hơn 20 quốc gia, Worldcoin là dự án do Công ty Tools for Humanity phát triển, với mục tiêu đưa hàng tỉ người tham gia nền kinh tế tiền số bằng dữ liệu sinh trắc học và dùng crypto để phân phối của cải đến mọi người ở khắp nơi trên thế giới. 

Trong số các nhà đồng sáng lập của Tools for Humanity có Sam Altman, CEO của OpenAI - công ty đứng sau chatbot trí tuệ nhân tạo (AI) ChatGPT nổi tiếng.

Đồng tiền số bình đẳng

Tại sự kiện ra mắt Worldcoin diễn ra bên trong một phòng trưng bày nghệ thuật ở New York, những người tham dự được chào đón bằng một không gian như lấy ra từ một bộ phim khoa học viễn tưởng. 

Trên các bệ đỡ màu bạc sáng loáng nằm rải rác trong phòng là những thiết bị hình khối cầu bằng kim loại có kích thước khoảng bằng một quả bóng bowling. Mỗi khối cầu như vậy chứa bên trong một máy ảnh đặc biệt được thiết kế để ghi lại hình ảnh mống mắt của người đối diện và chuyển đổi kết quả bản quét đó thành các đoạn mã máy tính. Thông tin mã hóa này chính là căn cước kỹ thuật số của người đó trên blockchain của Worldcoin.

Trong ngắn hạn, Tools for Humanity - tức "công cụ cho nhân loại" - dự kiến tạo ra doanh thu bằng cách cung cấp hệ thống xác thực dựa trên mống mắt như một giải pháp thay thế cho các công nghệ bảo mật Internet hiện hữu. Nhưng mục tiêu cuối cùng của dự án là bảo vệ mọi người khỏi những tiến bộ của AI mà họ cho rằng sẽ xóa sổ hàng triệu việc làm.

Theo đó, sự hiện diện trên Worldcoin sẽ là nền tảng cho việc thực thi một hệ thống phúc lợi toàn cầu, trong đó mọi người đều đảm bảo nhận được khoản thanh toán tối thiểu để sinh tồn - mà Tools for Humanity gọi là "thu nhập căn bản phổ quát". Căn cước bằng mống mắt sẽ giúp phân biệt người thật với robot và đảm bảo việc chi trả được thực hiện công bằng, chống gian lận hoặc sai sót.

Quầy đăng ký Worldcoin ở Shoreditch (Đông London, Anh) tháng 7-2023. Ảnh: REUTERS

Quầy đăng ký Worldcoin ở Shoreditch (Đông London, Anh) tháng 7-2023. Ảnh: REUTERS

Tools for Humanity là điển hình cho ngày càng nhiều các công ty đang cố gắng bám vào cơn sốt AI toàn cầu để thúc đẩy các loại tiền crypto trở lại xu thế sau "mùa đông tiền số" kéo dài đến nay đã 18 tháng, được đánh dấu bằng những sự sụp đổ và phá sản trên thị trường tiền ảo từng một thời là chủ đề của mọi cuộc bàn luận về tương lai công nghệ.

Worldcoin cho biết đã có hơn 2 triệu người đăng ký trước thời điểm ra mắt chính thức vào ngày 24-7, và dự án đang cố gắng thu hút nhiều người hơn nữa thông qua các gian hàng tư vấn và đăng ký được thiết lập ở 20 thành phố trên khắp thế giới. 

Tools for Humanity đã huy động được 115 triệu USD từ các nhà đầu tư mạo hiểm trong năm 2023 bất chấp nguồn tài trợ cho tiền mã hóa đã cạn kiệt trong thời kỳ suy thoái chung của ngành, theo báo The New York Times.

Kiếm tiền dễ dàng

Viễn cảnh một công ty tư nhân nắm trong tay dữ liệu sinh trắc học của toàn bộ nhân loại nghe có vẻ giống bối cảnh cho một bộ phim giả tưởng về tương lai phản địa đàng. Thế nhưng trong số hàng triệu người đang tự nguyện cung cấp thông tin mống mắt của mình cho Worldcoin, không ít người không được cung cấp đầy đủ thông tin về dự án hoặc tệ hơn, họ hiểu nhầm rằng đây đơn giản chỉ là một cơ hội kiếm tiền dễ dàng mà không mất gì, theo ghi nhận thực tế của phóng viên trang Rest of World tại một số thành phố mà dự án đã có mặt.

Tại trung tâm mua sắm Imaara ở thủ đô Nairobi, Kenya vào một ngày trong tuần, khoảng 20 người xếp hàng để được quét mống mắt. Đó đã là ngày thứ tư của sự kiện ra mắt Worldcoin tại đây, và trong hàng chờ là những người đến từ nhiều hoàn cảnh khác nhau: từ sinh viên, nghệ sĩ cho đến các tài xế boda boda (một loại xe ôm ở Kenya).

Altman và cộng sự quảng bá sản phẩm của họ là "mạng lưới tài chính và danh tính công khai lớn nhất thế giới", song những người xếp hàng dường như không đến vì những lời lấp lánh đó. Họ có mặt ở đó để nhận phần thưởng cho mỗi lượt đăng ký là 25 đồng Worldcoin, tương đương gần 50 USD theo thị giá của đồng tiền số này.

Người dân quét mống mắt để tham gia Worldcoin ở Kenya. Ảnh: Techcabal

Người dân quét mống mắt để tham gia Worldcoin ở Kenya. Ảnh: Techcabal

Một nhân viên đề nghị không nêu tên cho biết quầy đăng ký của cô luôn trong tình trạng tấp nập vì Worldcoin đang là từ khóa hot trên mạng xã hội. "Ai chưa đăng ký thì hãy nhanh chân đến những trung tâm mua sắm này. Bạn sẽ nhận ngay 25 Worldcoin. Kiếm 50 USD dễ như bỡn" - một tin nhắn trong nhóm chat trên ứng dụng WhatsApp có hàng trăm thành viên ở Kenya viết. Ở thành phố Bengaluru, Ấn Độ, gian hàng Worldcoin đặt tại hai trung tâm thương mại khác nhau đã phải đóng cửa vì đám đông đăng ký trở nên hỗn loạn.

Theo Rest of World, việc người dân kéo nhau đi đăng ký chủ yếu vì khoản tiền thưởng hấp dẫn là tình trạng chung ở các thành phố được ghi nhận. "Tương đối ít người thật sự hiểu về các mục tiêu của dự án, và hiếm khi sự nhiệt tình của họ đối với khoản tiền thưởng được chuyển đổi thành sự nhiệt tình đối với dự án Worldcoin hoặc tiền điện tử nói chung" - trang này nhận xét.

CEO Worldcoin Alex Blania thừa nhận rằng việc triển khai thời gian đầu có thể khiến một số người dùng bối rối. "Ở một số nơi, khâu truyền thông và tiếp thị đáng lẽ đã có thể được thực hiện một cách rõ ràng và tốt hơn. Chúng tôi sẽ cải thiện điều này" - Blania nói với trang BuzzFeed. Nhưng với những người chấp nhận cung cấp thông tin của mình đổi lấy tiền, chuyện nó được sử dụng ra sao có lẽ không còn quá quan trọng. 

"Ít nhất bạn còn được trả tiền cho việc đó. Bạn có biết mọi người đánh mất dữ liệu cá nhân mà không nhận lại đồng nào thường xuyên đến như thế nào không? Thực tế là vậy đó" - Rest of World dẫn lời anh Shuki Wong (32 tuổi), cùng mẹ đến làm thủ tục quét mống mắt tại một gian hàng Worldcoin ở Hong Kong.

Rắc rối pháp lý

Hiện cơ quan quản lý ở nhiều nước đã vào cuộc điều tra các hoạt động của Worldcoin, cụ thể là các chiến lược marketing và thu thập dữ liệu người dùng bị nghi ngờ không tuân thủ pháp luật địa phương. 

Ngày 31-7, Văn phòng giám sát bảo vệ dữ liệu bang Bavaria của Đức cho biết đã bắt đầu điều tra Worldcoin từ tháng 11-2022 do lo ngại dự án này đang tìm cách xử lý "dữ liệu nhạy cảm ở quy mô cực kỳ lớn", theo Reuters. Người đứng đầu Michael Will cho biết thêm cơ quan này đang dẫn đầu cuộc điều tra của Liên minh châu Âu (EU) vì Tools for Humanity có công ty con đặt trụ sở tại đây.

Điều mà các nhà điều tra đang quan tâm là liệu những người dùng đã đăng ký Worldcoin có đồng ý để dữ liệu sinh trắc học có độ nhạy cảm cao của họ được xử lý trên cơ sở đã được cung cấp thông tin "đầy đủ và rõ ràng" về dự án này hay chưa, Will cho biết. 

Ảnh: protos.com

Ảnh: protos.com

Trước đó, cơ quan giám sát về quyền riêng tư của Pháp CNIL nhận xét tính hợp pháp của việc thu thập thông tin cũng như các điều kiện lưu giữ dữ liệu sinh trắc học người dùng của Worldcoin "có vẻ đáng ngờ". Ngày 2-8, chính quyền Kenya yêu cầu Tools for Humanity ngừng tiến hành quét mống mắt người dân nước này vì "sự thiếu rõ ràng" trong việc xử lý thông tin nhạy cảm.

Người phát ngôn của Tools for Humanity nhấn mạnh Worldcoin được thiết kế để "bảo vệ quyền riêng tư cá nhân" và cam kết công ty sẽ làm việc với các chính phủ để đáp ứng những yêu cầu pháp lý. "Điều quan trọng cần nhấn mạnh là Quỹ Worldcoin và Tools for Humanity chưa bao giờ và sẽ không bao giờ bán dữ liệu cá nhân của người dùng" - người phát ngôn cho biết.

Trên website của mình, Tools for Humanity khẳng định các thiết bị quét mống mắt của họ không lưu trữ dữ liệu người dùng. Khi một người dùng được quét, họ sẽ nhận được một mã căn cước độc nhất được bảo mật bởi công nghệ mã hóa phức tạp trong khi mọi hình ảnh về họ sẽ bị xóa. 

Tuy nhiên, hai bài điều tra độc lập của BuzzFeed và tạp chí MIT Technology Review năm 2022 cho thấy những bên thứ ba được thuê theo dạng hợp đồng để triển khai quét thông tin sinh trắc học phục vụ việc chạy thử hệ thống Worldcoin thường nhắm đến đối tượng là những người có thu nhập thấp ở các nước đang phát triển.

Trong một số trường hợp, những người tham gia còn không có địa chỉ email để hoàn tất đăng ký, chứ chưa nói đến chuyện họ có kiến thức gì về tiền số hay ý thức được những ảnh hưởng của việc mình đang làm không.

Công bằng cho ai?

Dù nhắc nhiều đến một đồng tiền số được phân phối một cách bình đẳng, Tools for Humanity thừa nhận khoảng 1/4 số lượng đồng Worldcoin được phát hành - tính đến thời điểm viết bài là khoảng 25 triệu - sẽ được để dành riêng cho các nhà đầu tư mạo hiểm và những người trong nội bộ công ty.

CEO Blania dẫn ví dụ Uber khi nói về những khó khăn khi vận hành các mạng lưới nhà thầu lớn và cho rằng việc phân bổ đồng tiền ảo cho các bên liên quan là cần thiết để có thể huy động vốn từ các nhà đầu tư. "Nếu được thì tôi muốn con số này (tỉ lệ phân bổ) thấp hơn, nhưng không còn cách nào khác" - Blania phân trần với The New York Times.

Tại sự kiện ra mắt Worldcoin ở New York hôm 24-7, kỹ sư phần mềm Isaac Cespedes (32 tuổi) mất cả buổi tối cân nhắc lợi - hại của việc cung cấp thông tin sinh trắc học của mình để trở thành công dân hệ sinh thái tiền số mới.

"Một người bạn chuyên đầu tư tiền mã hóa của tôi cho rằng vụ này nghe giống lừa đảo" - Cespedes nói. Đến cuối buổi tối hôm đó, người ta thấy Cespedes đứng xếp hàng chờ đến lượt mình quét mống mắt.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận